Trang chủ Đời sống Tâm linh Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ...

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)

78

Theo ông Hứa Văn Phán, thủ nhang đền An Sinh (xã An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) , sau khi đưa mộ các vua Trần từ Thái Bình ra An Sinh, nhà Trần cho xây dựng lăng Tư Phúc, rồi dựng điện An Sinh để thờ dưới chân núi. Hàng năm, đến ngày lễ lạt, giỗ chạp, các vị vua về dâng hương tại điện An Sinh, rồi đi lên núi chiêm bái 3 vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Giản Định.

Xưa kia, điện An Sinh là một công trình vĩ đại, bao trùm một vùng rộng lớn, sơn thủy hữu tình. Lăng Tư Phúc nằm trên đỉnh một quả núi ngay sau điện An Sinh và nằm trong khuôn viên rộng lớn của điện.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đền Sinh và lăng Tư Phúc đã bị chia cắt bởi xóm làng và cả hồ nước rộng mênh mông này. 

Tuy nhiên, thời gian trải hơn 600 năm, qua bao chiến tranh loạn lạc, cướp phá, lãng quên, toàn bộ điện An Sinh đã trở thành phế tích. Những công trình trên mặt đất đã bị biến mất gần như hoàn toàn từ cả trăm năm trước, chỉ còn lại dấu tích là hệ thống nền móng, bệ đá, chân cột nằm dưới lòng đất.

Từ cả trăm năm nay, không biết bao đời người dân đi và đến. Vùng đất rộng lớn của điện An Sinh đã bị chia xẻ thành nhiều khu vườn, khu đất, nhà ở, là một góc của xóm. Hồ nước lớn sau điện An Sinh cũng biến thành ao thả cá của người dân. Lăng Tư Phúc nằm trong quần thể điện An Sinh cũng bị chia cắt, lối đi từ điện lên lăng cũng đã chìm sâu dưới lòng đất, do đó, thay vì đi bộ từ hậu cung của điện An Sinh lên lăng Tư Phúc, thì phải đi vòng sang làng khác một đoạn đường 2 ngàn mét mới đến được.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Chị Quyến chỉ hướng lên lăng Tư Phúc.  

Trần Thái Tông (sinh năm 1218) tên là Trần Cảnh. Do sự sắp xếp của chú họ Trần Thủ Độ, ông vào cung làm Chi hậu chính triều Lý, rồi kết hôn với Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý. Năm 1225, khi Trần Cảnh mới 8 tuổi, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Ông lên ngôi vua, mở đầu cho triều đại nhà Trần. Ông ở ngôi báu 33 năm, làm Thái Thượng Hoàng 19 năm, mất năm 1277, thọ 60 tuổi, táng ở Long Hưng (Thái Bình). Năm 1381, chuyển về lăng Tư Phúc ở An Sinh.

Hỏi đường đến lăng Tư Phúc, người dân trong xóm lắc đầu quầy quậy, không biết lăng Tư Phúc là lăng gì, ở đâu. Trời mưa tầm tã, tôi chợt thấy lòng lạnh lẽo. Một cái lăng hẳn hoi, có tên rành rành trong sử sách, táng tới 3 ông vua Trần nổi tiếng, mà người dân trong xóm không biết nằm ở đâu. Tôi phải hỏi mấy bác trung tuổi: “Bác cho hỏi, có cái ngọn đồi, nghi có mộ vua, kho báu, mà cách đây 3 năm các nhà khảo cổ học đào bới suốt cả tháng”, tức thì ai cũng rành rẽ, chỉ lên quả núi mờ mờ trong mưa mù ở cuối làng.

Trước khi hỏi đường đến lăng mộ, ông Phán đã kể với tôi rằng, năm 2009, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật sơ lược lăng mộ này. Khi các nhà khoa học tiến hành khai quật, thường phải thuê dân đào bới và sự kiện đó sẽ khiến không những cả xóm mà cả xã quan tâm. Vì thế, chỉ có hỏi cách đó, họ mới biết.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đường lên lăng Tư Phúc qua vườn vải và vườn bạch đàn rộng mênh mông. 

Chân quả núi này rậm rạp cây cối và ít người ở. Tôi lòng vòng mãi trên đoạn đường lầy đất đỏ mới tìm thấy một ngôi nhà đang xây dở chìm khuất sau vườn vải của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam và chị Nguyễn Thị Quyến.

Chị Quyến nắm rõ đường lên mộ vua, vì nhà chị ở ngay chân núi. Theo chị, ngọn núi này đã bị chia năm xẻ bảy, thuộc sở hữu của nhiều người. Người lập trang trại trồng vải, trồng na, trồng nhãn, người trồng keo, trồng bạch đàn.

Trần Thánh Tông, tên là Trần Hoảng, sinh năm 1240, là con trưởng của Trần Cảnh. Ông lên ngôi năm 18 tuổi, ở ngôi 21 năm, làm Thái Thượng Hoàng 13 năm, mất năm 1290, thọ 51 tuổi.

Chị Quyến dẫn tôi đi loanh quanh trong trang trại vải rộng mênh mông của ông Nhạn. Ông Nhạn là người ở đâu chị Quyến cũng không rõ. Ông này mua mảnh đất rộng mấy ha dưới chân núi từ nhiều năm trước, rồi thuê người trồng vải tốt um tùm. Đi một lát thì hết vườn vải, tôi đặt chân đến sườn núi.

Đứng trước con đường mòn nhỏ xíu, chị Quyến bảo: “Đây là núi Bãi Bắn. Anh cứ đi thẳng con đường mòn này, lên đến đỉnh núi, thấy đá, gạch lộ ra trên mặt đất, thì chỗ đó là mộ vua đấy. Các nhà khoa học đào bới trên này bảo là mộ vua thì em biết vậy”.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Lăng mộ 3 vị vua Trần nằm trên đỉnh núi Bãi Bắn. 

Sở dĩ, người dân trong vùng gọi ngọn núi này là núi Bãi Bắn, vì có một đơn vị quân đội trong khu vực thường xuyên ra đây tập bắn. Mỗi lần họ tập luyện, súng nổ đì đoàng từ sáng đến chiều.

Bao trùm núi Bãi Bắn là rừng bạch đàn, với những cây bạch đàn bằng cổ tay, cổ chân, lơ phơ, xơ xác. Vợ chồng ông Núi, bà Lượm, đại gia nơi khác, đã mua trọn ngọn núi này từ 4 năm trước và trồng toàn bạch đàn.

Con đường mòn dẫn lên núi toàn phân trâu, phân bò, hôi hám, bẩn thỉu. Trèo núi đến khi hơi mỏi gối một chút thì lên đến đỉnh. Đỉnh núi có một mặt bằng khá rộng, cỡ 2000 mét vuông. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra tứ phía, thấy phong cảnh thật đẹp. Sau lưng là dãy Yên Tử hùng vĩ, trước mặt là đồng ruộng với những ngọn đồi nhỏ nhấp nhô, làng xóm yên bình, sông chảy uốn lượn, đúng là sơn thủy hữu tình.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đứng trên lăng Tư Phúc nhìn xuống thấy cảnh sơn thủy hữu tình. 

Vạch những bụi cỏ, tiến vào giữa đỉnh núi, thì “lăng mộ” 3 vị vua Trần lộ ra. Một cảnh tượng có thể nói là đau lòng và thương tâm không tả nổi: “Lăng mộ” 3 vị hoàng đế nổi tiếng thời Trần là vài chiếc cột gỗ, hai tấm phi-brô-xi-măng, một bát hương, một chiếc đĩa và vài cái chén. “Lăng mộ” rộng chừng hơn 1 mét vuông, không có tường vách, mặc gió thổi, mưa hắt, khói nhang lạnh lẽo.

Trần Giản Hoàng, sinh năm 1361, tức Trần Phế đế, tên húy Trần Hiện, con trưởng Duệ Tông. Ông lên ngôi năm 16 tuổi, xưng là Giản Hoàng. Ông ở ngôi 12 năm, mất năm 1388, hưởng dương 28 tuổi.

Chị Quyến, người sống dưới chân núi bộc bạch: “Từ xưa đến nay, chẳng ai biết, chẳng ai quan tâm đây là lăng mộ của vua cả. Từ lâu rồi, em chỉ thấy có duy nhất một bát hương đặt giữa đỉnh núi, nhưng cả năm chả có ai hương khói. Hồi khai quật mộ, xong việc, nhân dân và các nhà khảo cổ cùng dựng cột gỗ, lợp tấm bờ-rô rồi đặt bát hương cho các vua đỡ tủi”.

Theo lời chị Quyến, khu mộ vua này được các nhà khoa học khai quật vào tháng 10 năm 2009. Chị Quyến và một số người trong làng cũng được thuê đào bới. Nhưng việc khai quật rất đơn giản, cứ chạm vào bậc đá, nền móng là dừng lại cho các nhà khoa học ghi chép, vẽ vời, rồi lại lấp trả như cũ.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Nơi thờ tự 3 vị vua Trần chỉ là thế này. 

Chị Quyến kể: “Chúng em đào đất lên, thấy toàn gạch ngói, đá tảng, voi ngựa, rồng phượng, nhưng lại lấp ngay lại. Chúng em còn đào được cả những bậc đá là lối đi từ đỉnh núi xuống chân núi, hướng về phía đền Sinh. Nghe họ bảo, ngày xưa đi viếng mộ vua là đi từ đền Sinh lên mà. Nhưng đào phát lộ lối đi, chúng em lại phải lấp trả”.

Tôi vạch từng bụi cây, nhổ những bụi cỏ và nhận thấy vô vàn dấu tích gạch đá. Những tảng đá lớn, dùng để kê chân cột, tiết diện ngót mét vuông nằm chềnh ềnh trên mặt đất, theo hàng lối thẳng thớm cho thấy đây là một lăng mộ hoành tráng khi xưa.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Những chân cột bằng đá còn rất nhiều trên đỉnh núi. 

Theo sách “Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ”, thì lăng Tư Phúc nằm liền kề với điện An Sinh, phía Đông Bắc điện An Sinh. Lăng Tư Phúc gồm có 3 lăng. Lăng phía trong dài 6 trượng (19,8m), rộng 3 trượng (9,9m), nền cao 1,3m. Lăng giữa dài 2,3 trượng (7,6m), rộng 1 trượng (3,3m), nền cao 0,4m. Lăng phía ngoài dài 6 trượng (19,8m), rộng 2 trượng (6,6m), nền cao 0,7m.

Qua số liệu trên đây, có thể thấy quy mô lăng Tư Phúc khá lớn, gồm 3 lăng mộ cạnh nhau. Lăng lớn nhất rộng tới 200 mét vuông, lăng nhỏ chỉ hơn 20 mét vuông.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Lớp đá bó vỉa lộ ra khỏi lòng đất. 

Theo nhà nghiên cứu Vũ Thị Khánh Duyên (BQL các di tích trọng điểm Quảng Ninh), thì các vị vua táng trong lăng Tư Phúc gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Hoàng, chứ không phải Trần Giản Định như sử sách thời Nguyễn vẫn chép.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 12, ngày mùng 6, sáng sớm Thượng Hoàng (Trần Nghệ Tông) vờ ngự về Yên Sinh, sai điện hậu hộ vệ, rồi sai chi hậu nội nhân gọi vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn vội đi ngay, chỉ có 2 người theo hầu. Đến nơi, thượng hoàng bảo vua: “Đại vương lại đây”, rồi lập tức sai người đem vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên đọc nội chiếu giáng làm Linh đức đại vương rồi cho dìu xuống phủ thái Dương thắt cổ chết”.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Trải hơn 600 năm, nhiều chân bệ không còn nguyên vẹn. 

 

 

Theo bà Duyên, Trần Giản Hoàng mất ở An Sinh và cũng được triều đình đứng ra chôn cất. Do đó, có thể tin đây là lăng mộ Trần Giản Hoàng. Theo “Triều Trần thánh tổ các xứ địa đồ” thì lăng của Giản Hoàng được xây rất nhỏ, chỉ bằng 2/5 quy mô lăng của Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.

Về vua Trần Giản Định, ông lên ngôi khi đất nước đã bị giặc Minh xâm lược, bị tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt về Kim Lăng (Trung Quốc) và giết hại vào năm 1409 (có tài liệu ghi 1410), nên không thể xây dựng lăng mộ ở Yên Sinh được.

Rời lăng mộ 3 vị vua Trần trong cơn mưa tầm tã, tôi mang theo nhiều câu hỏi bí ẩn của lịch sử chưa được giải mã. Nhưng câu hỏi lớn nhất, cứ vảng vất theo tôi mãi, đó là tại sao, một khu lăng mộ vua lớn như thế này, lại bị người đời quên lãng một cách thảm hại? Nơi yên nghỉ của các vị vua, chỉ có cỏ mọc rậm rạp, trâu bò gặm cỏ, phóng uế bừa bãi…

Trần Giản Định (Giản Định đế) không rõ năm sinh, mất năm 1410, tên thật là Trần Ngỗi, là vua hậu Trần. Ông là con thứ 4 của vua Trần Nghệ Tông. Ông lên ngôi khi nhà Minh sang xâm lược. Ông bị giặc Minh bắt sang Trung Quốc rồi giết hại. Trần Giản Định làm vua được hơn 1 năm (1407-1409), làm Thái Thượng Hoàng được 4 tháng thì bị giết, không rõ bao nhiêu tuổi.

Còn tiếp…