… Người vẫn ngồi đây,
Hơi thở bặt từng tiếng vọng,
Tâm tư khô từng nghiệp bóng,
Bàn tay ghì từng đợt sóng,
Nhãn quang quét từng thoáng mộng,
Từng vô minh rơi rụng dưới sân đầy.
(Thơ Trúc Thiên)
Hùng tráng quá. Trí dũng quá. Đức Phật của chúng ta đó. Ngài mới thật sự là người biết thương mình, thương đời. Nhiều năm trôi qua kể từ khi Thế Tôn nhập diệt, chúng ta vẫn tu theo Ngài, vẫn ngồi tĩnh tọa hàng đêm trong thiền đường hay khép mình yên vắng nơi một góc thiền phòng, nhưng chưa bao giờ thực sự thiền như Ngài. Từng tiếng vọng, từng nghiệp bóng, từng đợt sóng, từng thoáng mộng… cứ như những đợt triều dâng thay nhau xối giội xuống tâm tư, nghiệp thức chúng mình, gây không biết bao nhiêu thảm họa đáng buồn.
Khi nhìn những đợt thiên tai bão lụt đi qua, càn quét hết tất cả, để lại một trường đổ nát hoang tàn cho dân mình, ta đau lòng. Thế nhưng có những trận cuồng phong dữ dội, phiền não còn hơn cả giông tố ngoài biển khơi, thổi tạt vào đất tâm, cuốn phăng chủng tử thiện lành, làm ngả nghiêng sụp đổ cả tòa Như Lai đang ngự ở trong ta…, mình vẫn tỉnh bơ. Phật bảo cái khổ vô thường bên ngoài chỉ khổ trong một đời, cái khổ vọng động vô minh, gây tạo nghiệp nhân đi trong luân hồi sanh tử không biết khổ đến bao giờ. Thật đáng kinh sợ!
Sao ta không thể tha thứ, chia sẻ cho nhau những buồn vui cõi tạm, sao ta không thể buông bỏ cái giả ngã nơi thân tâm trường mộng đảo điên, để nhận lấy cái vĩnh cửu an hòa. Buông xuống đi. Bỏ hết đi. Cuộc đời có bao lâu, sống cho thật thanh thản nhẹ nhàng. Tôi vẫn thường tự nhủ với mình như thế. Là chúng sanh đồng phận, đồng nghiệp, chúng ta mới gặp nhau một chút nơi đây, vậy mà mình chẳng niệm tình nghĩ tưởng, giúp đỡ lẫn nhau, xóa hết muộn phiền. Thật tiếc quá! Cứ thương cho nhiều và ghét cho lắm, để rồi đùng một cái vô thường ghé đến, ai mà không nhắm mắt xuôi tay. Lúc đó có tiếc sao mình chẳng kịp nói lời phải đạo hay một câu sám hối ăn năn, thì cũng đã muộn. Thức thần theo nghiệp, biết về đâu?
Thiền sư Đại Giác trong bài Tỉnh Hành Văn đã ân cần nhắc nhở: “Ôi! Thời gian không hẹn, mạng người khó bảo tồn. Nguồn tâm nếu đục, đường trước lại mờ, cơn bệnh chợt đến, vô phương chống đỡ. Khi ấy lo lắng ăn năn thì đã chậm mất. Hận mình sớm chẳng lo tu, đến sông không thuyền. Chưa lúc nào bằng lúc này. Mỗi người chúng ta hãy tự nỗ lực!”. Đọc đoạn văn này, tôi thật sự xúc động đau xót. Thương cho mình quá đi.
Mùa Xuân có đến hay không, chẳng quan trọng. Chỉ lòng mình có xuân hay không mới là chuyện đáng nói. Tâm an vui thì dù đất trời đang vào Thu hay sắp sang Đông, ta vẫn xuân như thường. Tâm bất an thì dù mùa Xuân đang đến ta vẫn cảm thấy không vui. Cho nên vun bồi đất tâm thật tươi tốt, sung mãn là việc cần yếu nhất của người con Phật. Như Lai suốt một đời giáo hóa chúng sanh không thấy mệt mỏi là nhờ ánh sáng giác ngộ soi chiếu từ tự tâm, phát ra vô lượng diệu dụng sâu mầu. Vì vậy nghi dung Đức Thế Tôn lúc nào cũng tỏa rạng ánh xuân, đượm thắm ý xuân, tràn ngập tâm xuân. Một trời xuân thăm thẳm mà chẳng chút can hệ đến bốn mùa đổi thay. Thế gian cúi đầu quy ngưỡng. Phạm thiên khép nép quay về. Thật là Đấng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không thể không quy y.
Đây là mùa Xuân lần thứ mấy, kể từ khi Thế Tôn thị hiện ra nơi đời? Chuyện đó không khó, có lịch tính rồi. Tôi muốn tự vấn chính mình, kể từ ngày vào đạo cho tới bây giờ, mình đã hưởng được bao nhiêu mùa Xuân? Hưởng thật trọn vẹn? Câu hỏi này nhất định sẽ làm tôi đau lòng. Nhưng tôi vẫn cứ hỏi, mãi mãi hỏi, hỏi cho đến bao giờ mùa Xuân thật sự lên tiếng… ở trong lòng.