Trang chủ Văn học Truyện Dấu Chân

Dấu Chân

78

Vào những buổi chiều mùa khô, tiếng thùng nước va chạm nhau, tiếng người kêu réo, gọi rủ nhau đi gánh nước, tiếng quát nạt trẻ con nghịch nước ồn ào khắp xóm. Có lẽ đó cũng là âm thanh đặc trưng nhất của làng. Mỗi hộ gia đình hàng ngày phải gánh cho chùa một đôi nước. Đã thành thông lệ, không ai phàn nàn, mọi người đều xem đó là bổn phận thiêng liêng phải làm để góp phần công quả cho chùa. Mỗi năm ba ngày rằm: tháng giêng, tháng bảy và tháng mười, các gia đình nấu xôi chè, các món chay rồi cùng mang lên chùa cúng Phật. Đất đá khô cằn, cuộc sống vất vả, nhưng tấm lòng người dân trong làng đối với đạo, với chùa rất nhiệt tâm, bởi chùa là nơi duy nhất để mọi người có thể gởi gắm niềm tin, hy vọng vào những điều khấn nguyện. chùa không thầy trụ trì nhưng đã có tượng Phật, mỗi lần lễ bái, mọi người nhìn vào ánh mắt khoan từ của đấng Như Lai cũng được chút an tâm.


Ngày kia, bỗng có một vị Sư về. Sư đã già nhưng dáng đi còn nhanh nhẹn và oai nghi lắm. Mỗi buổi sáng, Sư ôm bình bát, đầu trần, chân không, đi vòng quanh làng khất thực. Đây là điều khá lạ với người dân vùng này, bởi trước nay họ đã quen với bóng dáng quý thầy ở chùa chỉ lo tụng niệm, chuyện cơm nước, sinh hoạt đã có Phật tử làm công quả đảm trách; Nay nhìn sư ôm bình bát đi khắp làng, mọi người cảm thấy băn khoăn, ái ngại, nhưng không ai dám thưa hỏi. Làng quê heo hút, người có chút ít hiểu biết thì đã rời làng đi lập nghiệp nơi xa, những người trụ lại đa phần là nhút nhát và thất học, an phận. Chuyện hiểu đạo lại càng xa vời. Những vị thầy trước đây đến ở, chỉ lo việc ma chay, cúng tụng giúp mọi người khi có hữu sự, còn việc truyền giảng giáo lý thì hoàn toàn không có. Chắc quý thầy thấy căn cơ dân làng ở đây quá thấp nên cũng ngại thuyết pháp, chỉ gieo duyên phần phước bước đầu mà thôi.


Sư về được một tháng thì đến ngày Phật đản. Dân ở đây mỗi năm chỉ biết có ba ngày rằm lớn, mọi người tụ họp thờ cúng theo tín ngưỡng dân gian. Những ngày lễ vía ít người biết đến nên cũng không tổ chức tưởng niệm. Năm nay, sư đứng ra tổ chức ngày đại lễ Phật đản thật long trọng. Dân làng rất nô nức. Có lẽ từ ngày khánh thành chùa đến nay, dịp này mới là ngày hội lớn nhất của làng. Sư thật sáng kiến, tận dụng được tất cả những vật dụng đơn giản nhất để có thể biến thành vật trang trí ngộ nghĩnh. Chùa như được khoác một bộ áo mới, những giấy tập cũ của học trò được sư ngồi suốt đêm xếp, cắt thành những hoa văn trang trí rất xinh xắn. Đâu cần gì vật liệu sang trọng, mấy cái lá dừa, dăm cành cây khô cũng được Sư tôn tạo thành những cảnh thật đẹp mắt. Đá sỏi là những thứ dư thừa ở vùng đất này, qua bàn tay khéo léo của sư, như cũng trở nên có hồn do sự sắp xếp tinh tế. Dân làng ai nấy đều vui, nhất là mấy đứa trẻ, chúng cứ bu quanh bức tượng Phật đản sanh mà sư vừa đắp bằng xi-măng và cát mà chúng công phu tỉ mỉ sàng lọc mang về từ đồi cát phía sau làng. Hồi nào đến giờ lên chùa chỉ thấy tuợng Phật lớn, ngồi oai nghi trên bệ cao, giờ được trông thấy tượng Phật đản sanh chúng thấy thật gần gũi và thân thiết. Thôi thì đủ tất các loại hoa cỏ dại được chúng công phu tìm hái mang về chất đầy quanh tượng Phật, nhìn vào không ai có thể nén được xúc động trước tấm lòng trẻ con hồn nhiên đáng yêu.


Sau bao ngày rộn rịp chuẩn bị, rồi giờ phút thiêng thiêng cũng đến. dân làng đứng chật sân chùa, tràn cả ra đường. Sư đứng trên bục cao, mảnh y vàng dịu sáng trong ánh trăng đêm, dáng uy nghi như một vị Bồ Tát. Chưa bao giờ dân làng được nhìn thấy cảnh tượng thiêng liêng mà gần gũi như vậy. Sư nói, lời lẽ thật dung dị bình thường. Sư kể về lịch sử đức Phật, về tam quy ngũ giới của người Phật tử. Những giáo lý rất sơ căn nhưng lần đầu tiên người dân ở đây mới được nghe. Thật mới lạ và thấm ý làm sao! Không cần ai giữ trật tự, mọi người đều im lặng, lắng nghe như nuốt từng lời, từng chữ của sư. Những điều sư nói thật gần, không có gì cao siêu xa xôi cả, những đạo lý mà ai cũng biết nhưng mấy khi làm được. Qua giọng nói ân cần thân thiệt, chân thành của sư, mọi người tự dưng thấy mình lạ hẳn. Ai nấy nhìn nhau với ánh mắt cảm thông hơn. Cuối buổi lễ, ra về, các cụ già trong làng thì thầm với nhau: “Làng ta đại phước rồi, có được ông thầy như thế, chắc là do đức Phật giáng xuống!”


Mùa đông đến, sư ít đi ra ngoài khất thực hơn vì hình như người không được khỏe. Những ngày vắng bóng áo vàng của sư, xóm làng như buồn lặng. Ai nấy lo âu, nhưng không dám nói ra. Khi cả làng cùng chung một nỗi lo thì không khí trầm buồn nhưng cũng vừa thân thiện, mọi người thân thiện với nhau hơn, tiếng thùng gánh nước vẫn khua như trước, nhưng âm thanh dường như không còn chát chúa ầm ỉ như xưa.


Lo lắng, khẩn cầu mấy thì điều phải đến vẫn đến. Sư ra đi lặng lẽ, nhẹ nhàng cũng vào một đêm trăng. Khi ban tang lễ được thành lập, bài vị chuẩn bị viết thì mọi người mới vỡ lẽ ra rằng chưa ai biết họ tên thật của sư. Hồi nào đến giờ mọi người vẫn gọi sư là sư, đơn giản thế thôi. Có đôi lần mấy vị trong ban hộ tự thưa hỏi về quê quán, xuất thân của sư thì sư chỉ cười, không nói.


Đành phải nhờ đến chính quyền thôi. Lên ủy ban xã, xem lý lịch, hồ sơ tạm trú, mới hay rằng sư là người đã từng đi du học, là một bậc chân tu rất được kính phục. Xem lại những vật dụng cá nhân, mọi người chỉ thấy toàn là sách và những bản thảo sách viết tay, ban hộ tự chỉ lơ mơ hiểu.


Chùa lại không có trụ trì. Dáng áo vàng của sư đã vắng, đường làng không còn nghe tiếng chân sư, nhưng bóng sư vẫn còn rất rõ trong từng ánh mắt, lời nhắc nhở của mọi người. Và lẫn trong từng lớp đất đường làng, vết bàn chân ấy vẫn còn. Mỗi lần đi gánh nước, bước chân dân làng như đỡ nặng hơn khi nhớ lại bàn chân mình đang đi trên những dấu chân sư. Trẻ con trong làng đuổi nhau trượt ngã cũng ngã vào dấu chân sư. Mỗi năm, ngoài ba ngày rằm như thường lệ, làng giờ đây đã có thêm ngày lễ Phật đản thật long trọng. Dân làng ai cũng nhớ và mong chờ ngày ấy.