Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Đất , nước, gió, lửa

Đất , nước, gió, lửa

249

Mình rất tâm đắc với lời Đức Phật dạy La Hầu La về cách hành xử của đất, nước, gió, lửa. Lời vàng ngọc của Đức Phật qua thư của bạn trích dẫn, kèm theo những hình ảnh xinh đẹp của thác nước trắng xóa mạnh mẽ, của những nấc thang đất trải hoa vàng uốn lượn giữa các rặng núi hùng vĩ, của một đóa hoa cúc cong mình theo trận gió xoáy mạnh mà vẫn tươi nguyên. Tất cả trông thật dễ thương cộng thêm tiếng nhạc đệm nhẹ nhàng vang lên, đã vỗ về, làm lắng dịu tâm mình, nghe sao thanh thản lạ kỳ. Mọi oan ức, phiền muộn bỗng tan biến theo từng lời Phật dạy.


Pháp lạc mình hưởng được từ những câu Phật ngôn mà bạn đã gửi đến, xin được nhắc lại để mong chia sẻ với các pháp lữ hữu duyên trên bước đường thể nghiệm giáo pháp. Biết đâu có ai đó cũng nhờ dòng pháp nhũ tươi nhuận mà xóa tan mọi nỗi ưu phiền và lấy đó làm hành trang cho những bước đi vững chãi tiếp theo trên lộ trình tìm về Bảo sở.


Lời Đức Phật dạy lúc La Hầu La 17 tuổi rằng: “Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của ĐẤT. Dù người ta có đổ hay rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt, sữa thơm…, hoặc những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, phân rác…, thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc, tự hào, cũng không oán hờn, tủi nhục… Tại sao? Tại vì đất là địa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa.


Nếu tâm con rộng lớn vô lượng như đất, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức… và những thứ ấy không thể làm cho con buồn tủi và khổ đau.
“Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của NƯỚC. Dù người ta có đổ xuống nước những chất thơm tho, đẹp đẽ…, hoặc giặt rửa trong nước những thứ dơ bẩn, hôi hám…, thì cũng không vì thế mà nước bị vướng mắc, tự hào, hoặc cảm thấy oán hờn và tủi nhục… Tại sao? Tại vì nước là thủy đại có dung tích rộng lớn, có khả năng lưu chuyển, có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả những gì đã tiếp nhận.


Nếu tâm con rộng lớn bao la vô lượng như nước thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức… và những thứ ấy sẽ không thể làm cho con đau khổ và buồn tủi.
“Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của LỬA. Lửa có thể tiếp nhận và đốt cháy mọi thứ, dù là những cái xấu dơ bẩn…, lửa cũng không vì thế mà cảm thấy tủi nhục, buồn khổ, chán chường. Tại sao? Tại vì lửa là hỏa đại có dung tích rộng lớn, có khả năng thiêu đốt và chuyển hóa tất cả những gì người ta đem tới.


Nếu tâm con không kỳ thị, không vướng mắc, con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công, oan ức … và những thứ ấy sẽ không thể nào làm xáo trộn được hạnh phúc và bình an trong con.


“Này La Hầu La, con hãy học cách hành xử của GIÓ. Gió có thể tiếp nhận, thổi đi và chuyển hóa mọi mùi hương…, dù thơm, dù thối mà không bị vướng mắc, tự hào, buồn khổ, hay tủi nhục… Tại sao? Tại vì gió là phong đại có dung tích rộng lớn, có khả năng di động phi thường.


Nếu tâm con có khả năng chuyển hóa và di động, thì con cũng có thể tiếp nhận và chuyển hóa tất cả mọi bất công và oan ức… mà kẻ khác trút lên con và những thứ ấy không thể nào làm xáo trộn được sự bình an và hạnh phúc trong con”.


Những ảnh dụ của đất, nước, gió, lửa được Đức Phật gợi lên thật mạnh mẽ. Tâm không phân biệt, tâm không kỳ thị, tâm không vướng mắc, tâm rộng lớn, tâm tiếp nhận và chuyển hóa được mọi thứ một cách tự nhiên. Chắc chắn mình chưa hành xử được tâm như đất, nước, gió, lửa; nhưng không phải là không thể. Mình thường đổ thừa cho tất cả, tại đủ thứ, chứ không phải tại mình siêng năng góp nhặt những thứ phiền não, chẳng chịu buông bỏ, chẳng muốn ngừng dứt, chẳng chịu chuyển hóa, để rồi bị xà mâu hoài.


Một hôm, trong lặng yên sau thời lễ Phật sám hối, mình nhìn thấy rõ từng anh tham, anh giận, anh kiêu căng, anh si mê, anh lầm lạc đang làm thân, chơi đùa với mình. Rồi cũng trong lặng yên lạ lùng của giờ phút thiền quán, bỗng dưng các anh tham, anh giận, anh kiêu căng, anh si mê, anh lầm lạc bỗng nhiên mất dạng, giống như họ chưa từng có mặt trên cõi đời này, như mình chưa từng quen biết họ. Và hơn thế nữa, trong những thời khắc “nhập tâm” vào yếu nghĩa của pháp Phật, thì ôi thôi, mừng hết chỗ nói, hỷ lạc vô cùng. Nhưng đâu dễ gì được ở Cực lạc lâu đâu. Trong một ngày các anh rắc rối phiền toái này chẳng rủ chẳng mời cũng tự động đến, đến rồi đi, đi rồi đến. Tự nhủ mình là hạng sơ cơ trong nhà Phật mà, cho nên chỉ ở trong Niết bàn được một vài phút, vài giờ thôi. Nhưng chẳng lẽ cứ để tâm mình bị ba chìm bảy nổi chín cái lênh đênh hoài sao. Tất nhiên là phải có cách, vừa êm dịu, vừa răn đe, vừa thỏa hiệp với… chính tâm mình, tuy không đơn giản, nhưng không phải là hết thuốc chữa, hay đành bó tay đâu. Vì một nắm muối không thể nào làm mặn được dòng sông lớn mà.


Thầy dạy chúng mình cần siêng năng đem pháp Phật vào tâm, đem hồng danh Phật vào lòng để xóa sạch phiền não trần lao. Lúc đầu, thành thật mà nói, có nhiều khi đang niệm hồng danh Phật, hay đang trì kinh, “những anh bạn không mời” cũng lén lén bò đến hồi nào và đứng lấp ló cười với mình. Mình nhận ra bản mặt của họ rồi, thì dễ thôi, “kệ mi, không quan tâm, không quen biết” và trở về ngay với thế giới an lành của chư Phật, chư Bồ tát. Chí thành hướng tâm về Phật lâu ngày, các anh rắc rối này cũng thấy khó dụ khị, nên cũng cụt hứng, ít tìm đến nữa.


Trải qua nhiều năm công phu lễ sám và trì tụng Bổn môn Pháp Hoa, một lòng muốn thấy Phật, bỗng chợt nhận ra yếu nghĩa “chơn không diệu hữu” qua một chút thành quả dù là nhỏ nhoi, ngắn ngủi, nhưng cũng đã nuôi lớn được tâm Bồ đề. Đó là thường được sống cùng niềm an lạc kỳ diệu trong cái mênh mông không có gì cả mà chẳng hề thiếu vắng hoa lá, trăng sao và lầu đài, như một vị thiền sư nào đó đã diễn tả:
Vô nhất vật trung vô tận tạng
Hữu hoa, hữu nguyệt, hữu lầu đài.


Đón Xuân Di Lặc, cầu cho mình và cho tất cả pháp lữ thể nghiệm được tâm không vướng mắc, tâm không phân biệt, tâm rộng lớn, tâm tiếp nhận và chuyển hóa được mọi thứ đổ lên mình giống như cách hành xử tuyệt vời của ĐẤT, NƯỚC, GIÓ, LỬA.