Trang chủ Tu học Đạo tràng Pháp Hoa tham dự Khóa tu Bát Quan trai giới...

Đạo tràng Pháp Hoa tham dự Khóa tu Bát Quan trai giới hàng tháng tại chùa Trình – Yên Tử

626

Hôm nay, thứ 7 ngày 6/10/2018 (tức ngày 27/8/Mậu Tuất), hơn 200 Phật tử của Đạo tràng Pháp Hoa lại vân tập về chùa Trình – Yên Tử để tham dự khóa tu Bát Quan trai. Đây là khóa tu được tổ chức hàng tháng, vào thứ 7 và chủ nhật tuần cuối cùng của mỗi tháng. Ngoài giữ gìn 8 giới thì đạo tràng thực hành ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, đi kinh hành, ăn cơm trong chánh niệm…


 


Bát quan trai giới là một phương pháp tu hành của người tại gia thọ trì 8 giới, áp dụng trong một ngày một đêm (24 giờ). “Bát” là tám; “Quan” là cửa, cửa ngăn chặn 8 điều tội lỗi; “Trai” nghĩa là khi đã qua giờ ngọ (11 giờ trưa -1h chiều) thì không được ăn.  Vậy “Bát quan trai giới” là sự giữ gìn cho thân tâm được thanh tịnh trong 24 giờ bằng cách ngăn chặn 8 điều tội lỗi sau đây:

1. Không sát sinh;

2. Không trộm cướp;

3. Không dâm dục;

4. Không nói dối;

5. Không uống rượu;

6. Không trang điểm, dầu thơm, múa hát và xem múa hát;

7. Không nằm ngồi giường cao rộng đẹp;

8. Không ăn quá giờ ngọ;

Đ.Đ Thích Nguyên Phúc đại diện chư Tăng truyền giới và giảng giải ý nghĩa của Bát quan trai giới, đồng thời sách tấn quý Phật tử tinh tấn tu tập

Theo HT.Thích Tuệ Sỹ: “Bát quan trai, theo nghĩa đen là tám điều kiêng cữ, như là tám cửa ải chận đứng các pháp bất thiện. Giới bát quan trai chính xác được gọi là giới cận trụ. Nghĩa là, sống gần đời sống xuất gia, gần chùa chiền, gần nơi thanh tịnh. Tập quen với đời sống thanh tịnh.

Còn cao hơn nữa, cận trụ được hiểu là tập sống gần đời sống một vị A La Hán, là bậc Thánh xuất thế gian. Ngoài nghĩa cận trụ, giới bát quan trai còn được gọi là giới bố tát hay trưởng tịnh: trì giới làm phát triển phần thanh tịnh, những đức tính tốt trong mình.

Cùng một chữ nhưng hai nghĩa: cận trụ, sống gần gũi đời sống cao thượng của một bậc Thánh. Với người xuất gia tất cả giới luật là khuôn mẫu đạo đức đều noi gương đời sống của một vị A La Hán. Mặc dù tâm tư của người ấy có thể còn nhiều hờn giận, ham muốn, nhưng bên ngoài, đi đứng nằm ngồi, tác phong đạo đức thường xuyên noi theo gương mẫu của Thánh nhân, học tập theo Thánh nhân. Người tại gia không thể làm được như vậy, mà chỉ có thể tập gần, tập làm quen. Gần như vậy sẽ thấy có một niềm tin rằng thế gian này chắc chắn có bậc thánh, có vị A La Hán, là bậc Chân nhân đạo đức toàn vẹn, dứt sạch tham, sân, si; sống luôn luôn an lạc, không còn bị chìm đắm trong cõi luân hồi đau khổ. Đó là niềm tin hướng thượng, từ đó mà tìm thấy ý nghĩa và hướng đi cho đời sống của mình.

Từ chỗ tin tưởng này, có thể phát triển tính lành, không cần cấm sát sanh, không cần cấm trộm cắp, mà tự nhiên mình sẽ không làm việc đó vì tin tưởng có một giá trị rất cao mà mình đang học. Đó là nghĩa tích cực của giới. Cho nên, giới không đơn giản có ý nghĩa tiêu cực là sự cấm đoán. Tuy rằng, khi học giới người học được dạy là không nên làm điều  này, hãy nên làm điều kia.

Người khôn ngoan, có trí trong đời, biết rõ đâu  là con đường chí thiện, là đường tốt để mình đi. Đâu là con đường xấu, tự mình tránh; không cần ai cấm. Đó là học giới cho người hiểu biết; có trí tuệ. Còn đối với người không đủ năng lực để phân biệt những gì là cao thượng và thấp kém, thì những sự cấm cản  là cần thiết. Như người lớn khôn ngoan khi thấy lửa, thấy thuốc độc, không bao giờ thò tay lấy và sử dụng một cách vô ý thức.  Nhưng trẻ nít hay người chưa hiểu biết thì gặp gì cũng ăn, cũng uống, rất nguy hiểm. Với những người như vậy tất nhiên cần phải có sự cấm cản; quy định rõ những điều nên làm và không nên làm…”

Một số hình ảnh ghi nhận trong khóa tu tháng 8/Mậu Tuất:
C.Y.T