Trang chủ Quốc tế Đào tạo nữ thạc sỹ Phật học: học để sống và để...

Đào tạo nữ thạc sỹ Phật học: học để sống và để phục vụ

114

Trong sảnh đường tại Trung tâm Phật giáo Sathira-Dhammasathan, một nhóm khoảng 30 người, hầu hết là nữ cư sỹ và ni cô, đang nằm bất động hoàn toàn trên sàn, mắt nhắm nghiền – như người chết.


Họ đang chìm sâu vào thiền quán bất động.


Sau 30 phút, họ ngồi quây quần thành vòng tròn, chậm rãi và chú tâm xoa bóp vai người ngồi đối diện giống như đang thể hiện lòng hiếu khách với nhau.


Đây không phải là lớp học yoga hay xoa bóp, mà nó là lớp học về sinh và tử dành cho sinh viên cao học tại Savika-Sikkalai, một Đại học Phật học mới thành lập.


Sư cô (*) Mae Chee Sansanee Sthirasuta, giám đốc Trung tâm Sathira-Dhammasathan kiêm chủ tịch hội đồng quản trị Đại học Phật học Savika-Sikkalai, nói: “Sinh viên của chúng tôi sẽ trở thành những người chữa bệnh, những người bạn, và những người tư vấn cho những ai bị tâm bệnh”.


Theo sư cô Mae Chee Sansanee, mục đích của Đại học Savika-Sikkalai là đào tạo những “Như Lai sứ giả” để phục vụ con người, môi trường và thế giới. Ngoài ra, Đại học Savika-Sikkalai còn nhằm trang bị cho các sinh viên, trước hết, khả năng tự chữa trị tâm bệnh cho bản thân mình, rồi sau đó có thể giúp đỡ chữa trị tâm bệnh cho những người khác.


Ý tưởng thành lập Đại học Savika-Sikkalai xuất phát từ nguồn cảm hứng mà đức Dalai Lama, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, đã truyền sang cho sư cô Mae Chee Sansanee năm 1999 qua lời giáo huấn: “Nền giáo dục thật sự là nền giáo dục có khả năng mang lại lợi ích thiết thực và những thay đổi cho cuộc sống con người”.


Kể từ khi Trung tâm Sathira-Dhammasathan được thành lập năm 1987, sư cô Mae Chee Sansanee đã luôn tích cực vận dụng tinh thần Phật giáo để giúp đỡ các chị em phụ nữ gặp những hoàn cảnh khó khăn, nhất là các nạn nhân của nạn bạo hành gia đình cũng như các góa phụ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của sư cô Mae Chee Sansanee dường như chẳng bao giờ có thể giải quyết hết được nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong xã hội.


Với niềm tin ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’, sư cô Mae Chee Sansanee đề ra nhiều chương trình khác nhau dành cho các gia đình nhằm gắn liền đời sống tâm linh vào với đời sống thường nhật của họ, từ giảng dạy thiền định cho thai phụ đến chữa trị tinh thần cho các bệnh nhân sắp mãn phần.


Việc thành lập đại học Phật học Savika-Sikkalai là cố gắng cao độ nhất gần đây của sư cô Mae Chee Sansanee với mục đích tìm kiếm một liệu pháp trị liệu hữu hiệu, đó là một nền giáo dục chữa trị các bệnh nhân có tâm hồn bị tổn thương.


Sư cô Mae Chee Sansanee đã tập hợp đội ngũ các nhà chuyên môn phác họa một chương trình, sau đó nhờ Đại học Phật học Mahachulalongkornrajavidyalaya ấn chứng. Và cuối cùng thì đại học này cũng đã được khai giảng năm nay.


Mặc dù Đại học Phật học Savika-Sikkalai đặt dưới sự giám sát của Đại học Phật học Mahachulalongkornrajavidyalaya, nhưng hoạt động của nó thì hoàn toàn độc lập cả về quản lý lẫn nguồn tài chính.


Đại học Savila-Sikkalai đang cống hiến  một chương trình cao học với chuyên nghành “Phật giáo và Nghệ thuật Sống”, do các giảng viên của bản trường và các nhà chuyên môn khác giảng dạy. Hiện nay, Đại học Savila-Sikkalai dự kiến mở thêm chương trình tiến sỹ và chương trình Anh ngữ 4 năm.


Sư cô Mae Chee Sansanee cho biết: “Ở đây, việc nghiên cứu Phật học chỉ tập trung vào thực hành, mà không đi sâu vào các triết thuyết hay tranh luận. Sinh viên chúng tôi có khả năng giúp đỡ và tư vấn cho mọi người ngay trong thực tế cuộc sống”.


Trọng tâm của Đạo Phật là làm cách nào để con người vơi bớt khổ đau. Vì vậy, tại Đại học Savila-Sikkalai, nhiệm vụ chính của sinh viên là học để sống với giây phút hiện tại, ở đây và bây giờ, chứ không phải học để rồi oán trách quá khứ hay lo sợ tương lai.


Trong năm học thứ nhất, Đại học Savila-Sikkalai không có giảng đường cũng không có phòng học để sinh viên sử dụng. Sư cô Mae Chee Sansanee nói: “Họ học dưới gốc cây, một phương pháp mà đức Phật đã hành trì ”.


Mặc dù chẳng bao lâu nữa Đại học sẽ có giảng đường. Trung tâm Phật giáo Sathira-Dhammasathan đang lập dự án kiến thiết giảng đường với tổng kinh phí 120 triệu bạt, tọa lạc trên khu đất trống trong khuôn viên của Trung tâm. Một trong các kế hoạch quyên góp kinh phí là Trung tâm Phật giáo Sathira-Dhammasathan đang vận động quần chúng tiết kiệm 10 bạt mỗi ngày bỏ vào heo đất cho đến khi dự án kiến thiết giảng đường hoàn thành mỹ mãn.


Với niềm tin, giáo dục thực sự sẽ xuất sinh những tâm hồn tự do tự tại nhằm phụng sự cho đời, sư cô Mae Chee Sansanee tự tin rằng, trong khi giúp làm chiếc cầu nối liền giữa đời sống trần tục và đời sống thiền môn, thì nền giáo dục tiêu biểu dựa trên tinh thần Phật học tại đại học Savila-Sikkalai sẽ giúp làm lắng dịu các vấn đề mang tính xã hội.


Thượng tọa Phra Suthee Worayan, phó hiệu trưởng Đại học Phật học Mahachulalongkornrajavidyalaya, nói: “Chắc chắn đây là nền giáo dục cao quý để đào tạo ra những công dân cao quý”.


Thượng tọa nói thêm: “Ngày nay, người ta chỉ học kiến thức kỹ thuật hay kiến thức có tính giáo khoa. Tuy nhiên, các kiến thức ấy không thể làm cho người ta hạnh phúc và tốt lên được. Để sống cuộc sống hạnh phúc, con người cần phải biết phát triển các phẩm chất, mà hạnh phúc thì chỉ có thể tăng trưởng nhờ vào các phẩm chất như: tự kỷ luật, ý chí kiên định và trí tuệ”.


Thượng tọa Phra Suthee Worayan giải thích, Savila-Sikkalai có nghĩa là một nơi khuyến khích giáo dục dành cho các nữ cư sỹ.


Tiến sỹ Kasem Wattanachai, Ủy viên Hội đồng Cơ mật, cố vấn danh dự của đại học Savika-Sikkalai, nói: “Quả thật! hiện đang có nhu cầu bức xúc tìm kiếm một ngôi trường, nơi người ta có thể vừa học vừa ứng dụng giáo lý đạo Phật vào trong cuộc sống hằng ngày của họ. Đại học Savila-Sikkalai chính là ngôi trường đáp ứng nhu cầu bức xúc ấy”.


Đại học Phật học Savila-Sikalai cũng là ngôi trường mà các sinh viên trông đợi – để rèn luyện tâm hồn thanh tịnh, và nhờ vậy họ có thể giúp đỡ người khác thực hành giống như họ.


Chintana Chalermchaikit, ủy viên hội đồng quản trị công ty hóa mỹ phẩm, một trong số các sinh viên nói: “Chúng tôi không chỉ trau dồi giáo lý đạo Phật mà còn học cả phương pháp tư vấn  tinh thần. Trước tiên chúng tôi phải tự biết mình, sau đó chúng tôi mới giúp đỡ người khác bằng  tình bạn chân thành”.


Theo cô Chintana, điều mà cô học tại Đại học đường Savika-Sikkalai là giúp cho cô có một cái nhìn mới về cuộc sống, một cuộc sống an lạc nhiều hơn. Ví dụ như luật tương quan nhân quả giúp cho cô hiểu biết và tôn trọng các ý kiến dị biệt của người khác nhiều hơn nữa.


Chorpaka Wiriyanon, một người nổi tiếng trong giới truyền hình, cũng là một sinh viên nói: “Từ một người bộp chộp nóng nảy, tôi quan sát tự thân thấy mình trở nên điềm đạm và  nhẫn nại nhiều hơn trước vì Đại học Savila-Sikkalai nhấn mạnh việc ứng dụng giáo lý đạo Phật vào ngay trong cuộc sống hằng ngày”.


Bạn đồng học của cô, Sainunpung Rattanangam, một cán bộ phụ trách dân vận, nói rằng, cô để ý thấy cô cũng có sự thay đổi giống như bạn cô. Cô nói: “Tôi vẫn thường tự cho mình là trung tâm, hay nóng nảy và thường so đo tính toán. Bây giờ, thì tôi đã học được hạnh biết lắng nghe người khác”.


Hiện nay, trong học kỳ I, sinh viên đại học Savika-Sakkalai đang học giáo lý Bốn Chân lý Cao quý, giáo lý quán hơi thở (anapanasati), giáo lý sinh-tử, và tư vấn Phật pháp cho người sắp mãn phần và người thân của họ. Trong học kỳ II, các sinh viên sẽ vận dụng những điều đã học vào việc thực hành bằng cách tự nguyện hướng dẫn cho bệnh nhân mắc bệnh nan y trong các bệnh viện.


Theo cô Sainumpung, hiểu được khổ là gì, nó đến như thế nào, và sẽ ra đi làm sao, công việc tự vấn này giúp cô cảm thấy an lạc trong tâm hồn. Cô nói: “Đây là điều mà tôi luôn quán chiếu, để giảm thiểu bất hạnh và để có thể sống với chính niệm và chính tư duy trong đời”.


Bất cứ khi nào buồn phiền và lo lắng xâm chiếm tâm hồn, thì ngay lập tức, Sainumpung sẽ hướng tâm cô tập trung vào quán hơi thở, và cố gắng trở thành người quan sát diễn biến đang xảy ra bên trong tâm cô. Thực hành tự quán chiếu giúp cô tập trung vào đối tượng và thường dẫn cô đến một giải pháp tích cực, cô nói.


Cô Sainumpung cho biết: “Tôi muốn học những gì liên quan đến cuộc sống, để làm sao sống có nhiều hạnh phúc và ít khổ đau. Sư cô Mae Chee Sansanee dạy rằng, chúng ta sẽ chấm dứt khổ đau chỉ bằng cách thay đổi nếp nghĩ của chúng ta”.


Đối với cô Chorpaka, mục đích của cô là tìm phương cách làm việc có hạnh phúc bất chấp tất cả đang diễn ra chung quanh.


Là người làm công tác truyền thông, Chorpaka dự kiến viết một luận văn về đề tài: làm cách nào truyền thông có thể giúp cho mọi người đạt đến giác ngộ.


Tại đại học Savika-Sikkalai, phương pháp mà chúng tôi học không thông qua kiểm tra ký ức mà thông qua kiểm tra thực hành cho đến khi chúng tôi thật sự hiểu thấu vấn đề bằng chính kinh nghiệm của bản thân mình”.


Với tình trạng bất ổn của xã hội ngày càng gia tăng cùng với lối sống hưởng thụ quá mức, sư cô Mae Chee Sansanee nói rằng, nền giáo dục cổ vũ tình thương và tinh thần phục là nền giáo dục cấp thiết nhất.


Nếu chúng ta biết cách tiếp cận với cuộc sống bằng chính niệm và tình thương, thì sẽ là dễ dàng cho chúng ta sống một cuộc sống phục vụ.”


———————————————–
(*) Tôi gọi ‘sư cô’ vì ngưỡng mộ tài và đức của sư cô Mae Chee Sansanee qua bài dịch này. Từ khi Phật giáo du nhập Thái Lan đến nay, ni giới Thái Lan không được phép thụ giới Sa-di ni (10 giới), giới Thức-xoa-ma-na (16 giới) và giới Tỳ-khiêu ni (348 giới), mà chỉ được phép thụ 8 giới, và suốt đời đắp y trắng (bạch y), không được tấn phong giáo phẩm: Đại đức ni, Ni sư, Ni trưởng mặc dù đã có nhiều cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề này.



Thích Minh Trí dịch