Kinh Phạm Võng (Brahmajàla) kể lại câu chuyện thầy ngoại đạo Suppiyo công kích mạnh mẽ Phật, Pháp, Tăng còn học trò của Suppiyo là Brahmadath thì trái lại, tán dương Phật, Pháp, Tăng hết lời. Tăng chúng đem chuyện này hỏi Phật, Phật khuyên:
“Khi có ai hủy báng công kích Phật, Pháp, Tăng mà các người sanh lòng phiền muộn, công phản, tức tối thì sẽ có hại cho chính các người. Bởi vì làm như vậy, các người sẽ không thể biết được lời nói của kẻ ấy là đúng hay sai. Trái lại, các người phải bình tĩnh, phải nói rõ những điều không đúng sự thật là không đúng sự thật. Các người nói: Như thế này, điểm này không đúng sự thật, như thế này, điểm này không chính xác, việc này không có giữa chúng tôi, việc này không xảy ra giữa chúng tôi.”
Ngược lại, Phật nói tiếp “Nếu có ai tán thán, ca ngợi Phật, Pháp, Tăng các người cũng không nên khoái trá thích thú, bởi vì làm như vậy có hại cho các người. Các người phải bình tĩnh suy xét những điểm nào đúng, những điểm nào không đúng. Đối với những điểm đúng, các người sẽ nói: như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi.”(2)
Trước mọi sự khen chê, thái độ của đạo Phật và Phật tử phải đều như vậy: Thản nhiên và bình tĩnh suy xét. Đối với câu: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” Phật tử nên nghiên cứu xem: Thứ nhất, Mác nói tôn giáo ở đây là nói mọi tôn giáo, không phân biệt hay là ám chỉ một tôn giáo đặc biệt nào. Nếu Mác nói kẻ khác thì việc gì Phật tử ta chạnh lòng?
Thứ hai, nếu thật sự Mác không muốn ám chỉ Phật giáo, thì Phật tử cũng nên bình tĩnh suy xét xem, lời buộc tội đó có phù hợp hay không với đạo Phật?
Về vấn đề thứ nhất, qua nghiên cứu các tác phẩm của Mác và Anghen, chúng ta có thể khẳng định các Ngài, khi nói tới tôn giáo, thì các Ngài muốn nói tới nhất thần giáo, chủ yếu là Thiên Chúa giáo. Tuy rằng trong cuốn “Chống During”, Anghen có nói tới Véda giáo nhưng chỉ là nói qua để so sánh, nhưng mọi người đều biết Phật giáo bác bỏ dứt khoát “Thánh điển” Véda và đối lập với Bà-la-môn giáo, tôn thờ “Thánh điển” Véda.
Trong cuốn “Lútvích Fơbách và sự cáo chung của nền triết học cổ điển Đức” Anghen cũng có đề cập tới các đa thần giáo Hy Lạp và La Mã, và tới Do Thái giáo nhưng ai cũng thấy rõ trọng tâm phê phán của Mác và Anghen (cũng như hầu hết các tư tưởng tiến bộ ở châu Âu thời bấy giờ, trong đó có Fơbách) là Thiên Chúa giáo , như là trở ngại chính cho mọi cuộc vận động dân chủ hóa bộ máy nhà nước, như là tấm mộc bao che cho chế độ quân chủ chuyên chế quân phiệt (thí dụ chế độ quân chủ ở Phổ) như là món ăn tinh thần nguy hiểm đầu độc dân chúng.(3)
Mác và Anghen từ đó rỏ ra vô cùng hào hứng khi đọc cuốn “Bản chất Thiên Chúa giáo ” của Fơbách (năm 1841) là bởi vì trong cuốn sách, Fơbách đã khẳng định người là cha đẻ ra tôn giáo, ra Thượng Đế, chứ không phải Thượng Đế, tôn giáo sanh ra con người.
Phát triển quan điểm của Fơbách, Mác viết như sau: “Phê bình tôn giáo đi tới kết luận rằng con người là vật tối cao đối với con người, do đó đi tới nhiệm vụ tuyệt đối là lật đổ tất cả mọi tình trạng, trong đó con người bị coi là hèn hạ, bị nô dịch, bị bỏ rơi, bị khinh rẻ.” (Mác: “Phê phán triết học Pháp quyền của Hegel”, lời mở đầu).
Tất cả những điều Fơbách và Các Mác nói trên đây đều nhằm vào Thiên Chúa giáo , chứ không phải là tôn giáo nói chung, càng không phải là Phật giáo.
Thí dụ trong cuốn Lútvích Fơbách, Anghen viết “Tôn giáo phổ biến mới ấy tức là đạo Thiên Chúa, đã im hơi lặng tiếng mà ra đời, nó là sự hòa hợp của nền thần học phương Đông đã được phổ biến hóa, nhất là thần học Do Thái, với nền triết học Hy Lạp đã được dung tục hóa, nhất là triết học khắc kỷ”.
Sau đó, Anghen nói đến việc đạo Thiên Chúa biến thành một tôn giáo nhà nước dưới chế độ phong kiến, và khi giai cấp tư sản xuất hiện thì Tin Lành giáo cũng xuất hiện, đối lập với đạo Thiên Chúa phong kiến (4). Hình như vào thời Mác và Anghen, các nhà sử học tôn giáo chưa có công trình nghiên cứu gì đáng kể về ảnh hưởng củâ Phật giáo tới các hệ tư tưởng Hi Lạp và La Mã, tới Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo .
Tuy rằng nước Đức là nước châu Âu phiên dịch và xuất bản sớm nhất các tác phẩm thần học Ấn Độ, và các triết gia Đức có tên tuổi như Kant, Nietzche, Schopenhauer, Hegel đều có trích dẫn các tác phẩm đó, nhưng điều rất lạ là Mác và Anghen không quan tâm tới vấn đề này. Tôi nghĩ rằng, Mác và Anghen đều là những người rất thực tế. Họ xem trở ngại chính và lớn nhất cho sự tiến bộ của châu Âu vào cuối thế kỷ XIX (cụ thể là ở Đức) chính là đạo Thiên Chúa, và đối với đạo Thiên Chúa thì cuốn “Bản chất Đạo Thiên Chúa” của Fơbách (1841) đã là một lời phê phán triệt để và dứt khoát rồi. Mác và Anghen không muốn trở lại vấn đề này nữa.
Quan niệm của Mác-Anghen về tôn giáo:
Từ tiền đề nổi tiếng của Fơbách: chính người sáng tạo ra tôn giáo, sáng tạo ra Thượng Đế, chứ không phải tôn giáo và Thượng Đế sáng tạo ra người, Mác và Anghen kết luận rằng tôn giáo là “cái ý thức đảo ngược về thế giới” bởi vì bản thân nhà nước và xã hội (thuộc các chế độ tiền xã hội chủ nghĩa) cùng là thế giới đảo ngược, một thế giới xây dựng trên chế độ tư hữu, trên bóc lột và áp bức đối với đại đa số người lao động nghèo khổ, một thế giới đau khổ, và vì đau khổ cho nên cần tới sự an ủi của tôn giáo.
Thiên Chúa giáo và cả Tin Lành giáo cũng vậy–quy tất cả mọi bất hạnh của loài Người vào tội của tổ tiên người là Adam và Evà đã làm trái ý Chúa, ăn nhằm phải trái cây khoa học. Cả hai tôn giáo đó đều theo thuyết Định mệnh luận: Một người có tu chứng hay không sẽ lên Thiên đàng hay sa địa ngục, đều là do định mệnh và định mệnh là do được Chúa thương sót hay bị Chúa ghét bỏ.
Mác và Anghen sở dĩ phê phán tôn giáo, xem tôn giáo như là thuốc phiện, chính là vì tôn giáo khẳng định sự bất lực của con người trước sức mạnh thiên nhiên và xã hội. Đối với sức mạnh này, đáng lẽ người ta phải đoàn kết nhau lại, vận dụng mọi trí năng để mà chế ngự thuần phục, bắt chung phải ngoan ngoãn phục vụ con người.
Thay vì làm như vậy, tôn giáo lại an ủi người với thuyết Định mệnh, ru ngủ người bằng ảo ảnh Thiên đàng hoặc đe dọa người bằng ảo ảnh địa ngục. Chính vì tôn giáo cống hiến cho người một hạnh phúc hư ảo, cho nên chủ nghĩa Mác phê phán tôn giáo, để hướng người đi tìm một hạnh phúc thực tại ngay ở thế giới này, ngay ở trong xã hội này chứ không phải ở đâu xa lạ.
Và chủ nghĩa Mác khẳng định con người có đầy đủ trí năng để làm việc đó. Muốn vậy, người phải hiểu biết, nắm vững, vận dụng các quy luật tự nhiên và quy luật xã hội, để một mặt sản xuất ra của cải vật chất dồi dào, mặt khác, xây dựng một xã hội Cộng sản lý tưởng, trong đó mọi của cải vật chất và tinh thần, không bị một thiểu số chiếm đoạt mà sẽ được phân phối theo nguyên tắc “hưởng theo nhu cầu”.
Câu thời danh của Mác “hiểu biết thế giới, cải tạo thế giới” đã tóm tắt một cách thiên tài mục đích của cuộc sống con người là: “hiểu biết thế giới (cả hai mặt tự nhiên và xã hội) và đấu tranh cải tạo thế giới” để cho thế giới phục vụ đầy đủ nhất nhu cầu hạnh phúc của con người. Đó là giá trị nhân bản của chủ nghĩa Mác-Lenin. Đó là chủ nghĩa Mác-Lênin trong lý tưởng của những người sáng lập. Còn trong thực tế thì tình hình phức tạp hơn.
Bây giờ tôi nói sang vấn đề thứ hai. Tuy Mác và Anghen, khi nói tới tôn giáo nói chung, các vị không ám chỉ Phật giáo, nhưng Phật giáo cũng nên tự phản tỉnh xem, Phật giáo có làm mê muội, bạc nhược quần chúng không, Phật giáo có làm giảm giá trị con người hay không, Phật giáo có đánh lừa quần chúng bằng một hạnh phúc hư ảo hay không?
Để giải quyết tốt vấn đề này, và giải quyết nó một cách dứt khoát, tót nhất là bỏ qua phần trung gian của các công trình nghiên cứu đạo Phật ở Tây Phương, một số công trình này (tôi không nói tất cả) đã trình bày đạo Phật theo một hình ảnh, khuôn sáo rất méo mó, tốt nhất là tìm đến những lời Phật dạy, tìm hiểu mục đích cứu cánh của đạo Phật, tìm hiểu căn nguyên của nỗi khổ ở đời và các phép tu của đạo Phật nhằm diệt trừ căn nguyên đó. trên các phương diện ấy của đạo Phật, chúng ta hãy nghiên cứu, suy xét một cách khách quan và vô tư.
1/ Mục đích của đạo Phật là giác ngộ, tức là hiểu biết hoàn toàn. Một đạo–là công cụ mê hoặc không đặt cho mình một mục đích như vậy. Như mọi người đều biết, Phật (Buddha) nghĩa là người giác ngộ (l’éveillé), chứ không phải là Thượng Đế, và mọi chúng sanh, mọi người vì có sẵn mầm giác ngộ ở trong mình (Phật tính), cho nên đều sẽ thành Phật, miễn là biết đi theo con đường mà Phật vạch ra.
2/ Nguồn gốc của mọi đau khổ ở đời, theo đạo Phật, là mê lầm, vô minh, tức là không hiểu biết hay hiểu biết sai lầm. Tham, sân, si là ba phiền não cơ bản, nhưng si (tức là vô minh) là phiền não cơ bản nhất, vì si mê mà sanh ra tham lam, tham lam mà không được được hoặc gặp điều trái ý đâm ra giận dữ (sân). Đạo Phật đặt cho mình mục đích là phá mê, xóa bỏ mọi mê lầm, cho nên không thể là đạo mê hoặc quần chúng.
3/ Trong số các phép tu của đạo Phật, người ta đề cao thái độ tỉnh táo, cảnh giác, có ý thức đối với tất cả mọi hành tướng của thân và tâm. Phép đếm tâm và theo dõi hơi thở trong Thiền học chính là như vậy. Thở là công việc mọi người làm không ngừng, một cách tự phát, không có ý thức. Bây giờ, người tu phải tỉnh táo, có ý thức về từng hơi thở vào, hơi thở ra, về đường hơi vận động ở trong thân mình. Tư tưởng hoàn toàn tập trung vào hơi thở, không nghĩ một chuyện khác. Người luyện phải ngồi xép bằng tròn, lưng thẳng, đầu thẳng, mắt ngó đằng trước. Đó là thái độ ngồi vững chãi nhất, nhờ chân xếp bằng tròn, nên máu dồn lên đầu, chống tệ buồn ngủ. Phép ngồi Thiền giúp cho sự định tâm và mở mang trí tuệ.
Nhưng tu Thiền không phải chỉ là ngồi Thiền. Tu Thiền là có ý thức đầy đủ về tất cả mọi hành động của thân và tâm: đi biết mình đi, đứng biết mình đứng, ăn biết mình ăn v.v… người tu sống hoàn toàn trong thực tại, trong hành động, trong công việc của mình. Đó là sự bảo đảm tốt nhất cho tính hoàn thiện và sự thành công của mỗi một cử chỉ và hành vi của chúng ta. Đối với tất cả những gì xảy ra trong nội tâm, chúng ta cũng phải đều cảnh giác, tỉnh táo như vậy. Với thái độ tỉnh táo, khách quan, chúng ta phải theo dõi dòng ý niệm nổi lên trên bình diện ý thức, và “nhận mặt” từng ý niệm một. Ý niệm tham thì biết là tham, ý niệm giận thì biết là giận, kiêu thì biết là kiêu, nghi biết là nghi v.v… Ở đây cũng là phân tâm học, nhưng là tự mình phân tâm mình, chủ thể và khách thể là một, không có một bác sĩ tâm thần nào đứng cạnh để theo dõi quan sát hộ cho mình.
Một khi tư tưởng đã khá tập trung rồi, người tu bèn dùng tư tưởng tập trung đó để “quán chiếu” mọi sự, mọi vật trong thân tâm cũng như ở ngoại giới, để hiểu biết sự vật đó như nó tồn tại, chứ không phải hiểu biết nó dưới dạng hư ảo đảo ngược.
Có thể nói, trong các phép tu của đạo Phật, không có cái gì bí ẩn và mê hoặc cả.
Khi bàn tới nguyên nhân của sự khổ ở đời, Phật giảng lý mười hai nhân duyên, tức là giảng lý nhân quả. Vì bản thân mình mê lầm, cho nên bản thân mình có các hành động bất thiện (nghiệp) và cũng bản thân mình chịu khổ. Đó là sự phân tích khoa học, không có gì gọi là thần bí khó hiểu cả. Nói một cách khác, đó là quyết định luận (déterminisme) tương tự như Anghen viết trong chương bàn về tự do và tất yếu (chống Duhring), nhưng cái mới của đạo Phật là thừa nhận quyết định luận không những trong phạm vi tự nhiên, xã hội, mà cả trong cuộc sống cá nhân nữa.
Trong Bát chánh đạo, tức tám Pháp tu chân chánh, chúng ta cũng không thấy một phép tu nào mang màu sắc thần bí, tám phép tu đó là:
1. Chánh tri kiến: Tức có sự thấy biết đúng đắn về mọi vấn đề của cuộc sống.
2. Chánh tư duy: Tức suy nghĩ đúng đắn.
3. Chánh ngữ: Tức nói năng đúng đắn.
4. Chánh nghiệp: Tức hành động đúng đắn.
5. Chánh mạng: Tức làm ăn sinh sống đúng đắn.
6. Chánh tinh tấn: Tức siêng năng đúng đắn, bỏ điều ác, làm điều lành.
7. Chánh niệm: Nghĩ nhớ, chú ý đúng đắn vào điều hay lẽ phải.
8. Chánh định: Tức tập trung tư tưởng đúng đắn.
Đây không phải là một bài chuyên giải thích về “Bát chánh đạo” cho nên ở đây chỉ có thể giới thiệu sơ lược. Nhưng dù sơ lược, chúng ta cũng thấy rõ, tu theo Bát chánh đạo, không có chút gì là mê tín, thần bí, không có chuyện lễ bái, cầu trời khấn Phật.
Thất giác chi cũng gọi là bảy yếu tố của sự giác ngộ. Bảy yếu tố của sự giác ngộ, theo thứ tự là:
1. Niệm: Tức là nghĩ nhớ đúng đắn.
2. Trạch pháp: Tức là nghiên cứu khảo sát, suy xét nhận thức đúng đắn.
3. Tinh tấn: Tức là siêng năng đúng đắn.
4. Hỷ: Tức là vui vẻ.
5. Khinh an: Tức là thân tâm nhẹ nhàng, thoải mái.
6. Định: Tức là tập trung tư tưởng đúng đắn.
7. Xả: Tức là giữ tâm hồn bình thản, không bị xao xuyến, kích động dù gặp cảnh thuận hay cảnh nghịch.
Người tu đạo Phật, muốn đạt tới mục đích cứu cánh là giác ngộ, thì phải bồi dưỡng, phát triển bảy yếu tố nói trên của sự giác ngộ. Như chúng ta thấy, không một yếu tố nào mang tính chất thần bí. Ở đây, tôi muốn một yếu giải thích thêm về yếu tố thứ hai, tức là yếu tố trạch pháp, Phật tử phải luôn luôn rèn luyện trí năng khảo sát, nghiên cứu, suy xét đối với mọi sự, mọi vật, kể cả đối với kinh Phật và những lời Phật dạy.
Một lần, Phật nói với các đệ tử:
“Cũng như người có trí thử vàng, xem có đúng là vàng thận hay giả, bằng cách đốt lên, cắt ra, lấy đá xát vào, cũng như vậy, các người chỉ nên chấp nhận lời nói của Ta sau khi xem xét kỹ, chứ không nên vì lý do kính nể và sùng bái Ta” (Jnàsara Sanmuccaya, trang 31). Đấy, Phật khuyên Phật tử nên có một thái độ phân tích khoa học như vậy đối với kinh Phật là lời Phật dạy, vì vậy mà Phật giáo thường được các học giả Tây phương mệnh danh là đạo giáo của lý trí.
Đối với Phật như vậy, huống hồ là đối với Tăng. Đạo Phật bác bỏ thần quyền, đồng thời cũng bác bỏ cả giáo quyền. Khi Phật nhập diệt, Ngài không để lại một giáo chủ nào thay Ngài. Ngài chỉ dặn lại người đệ tử thân cận nhất là A Nan như sau:
“Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một gì khác. Dùng Chánh Pháp làm ngọn đèn, dùng chánh Pháp làm nơi nương tựa, chớ nương tựa một gì khác v.v… (Kinh Đại Bát Niết Bàn–Trường Bộ kinh–Digha Nikaya, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, trang 101).
Nên hiểu rằng, đó là lời dặn chung cho toàn thể Phật giáo đồ lúc bấy giờ và mãi mãi về sau này nữa. Phật luôn luôn căn dặn rằng: Giải thoát, giác ngộ là vấn đề cá nhân của mỗi người. Không ai có thể tôn giáo cho ai và giác ngộ thay ai cả. Mỗi người đều nên dựa chủ yếu vào sức mình và Chánh Pháp của phạt để quyết định đường lối tu hành thích hợp nhất với mình.
Tăng sĩ chỉ là ông thầy tốt, người bạn tốt. Giá trị nhân bản lớn của đạo Phật chính là ở chỗ nó xác định tính bình đẳng của mọi người trước chân lý, khả năng của mọi người tự tôn giáo và giác ngộ, xác định thái độ kiên quyết bác bỏ mọi hình thức thần quyền và giáo quyền, nó làm cho tinh thần của con người ta bị mê muội, bạc nhược và nô lệ hóa.
Có người cho rằng, vì đức Phật không xác lập giáo quyền cho nên sau khi Phật nhập diệt mới sinh ra lắm tông nhiều phái, không ai chịu nghe ai cả.
Xin trả lời: Có nhiều tông phái là chuyện tất nhiên, hợp lý đáng mừng. Nó chứng tỏ sức sống mạnh mẽ của đạo Phật. Nó chứng tỏ khả năng thích nghi lạ lùng của đạo Phật dưới nhiều thời đại khác nhau và ở nhiều quốc độ khác nhau. Đạo Phật hiện nay như một cây lớn, thân chắc, chia ra nhiều cành lá xum xuê, bóng mát phủ rộng khắp nơi. Nếu có sai lầm đáng tiếc là do đầu óc chấp nê, hẹp hòi của một số tông phái, kích bác khuynh loát nhau, quên rằng tất cả đều được nuôi dưỡng từ một thân, một gốc.
Việc thiết lập giáo quyền không những hạn chế tự co dân chủ trong nội bộ Giáo hội, mà còn làm nghèo nàn, xơ cứng đạo Phật, một đạo giáo vốn phong phú và đầy sức sống, bám sát cuộc sống, không tách rời cuộc sống, dù chỉ là một ly, một tấc.
Đạo Phật không bị cái mặc cảm của các đạo giáo thần khải (religion révélée). Phật không bao giờ khẳng định kinh Phật là sách chép lời Thánh, sách chép những chân lý bất di dịch, không lệ thuộc không gian và thời gian. Phật nói đạo có để ví như ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè chỉ là phương tiện để đạt tới chân lý. Sáng suốt thay, mà cũng vĩ đại thay: Một giáo chủ hư vậy, khi nói về tôn giáo của mình như vậy.
Phật là con người rất thực tế, Ngài thường khuyên răng người không nên ham mê lễ bái, trái lại nên chăm làm điều thiện, tránh điều ác. Nội dung kinh Thiện Sanh mà tôi giới thiệu sau đây cho thấy điều đó.
Kinh kể chuyện, Phật gặp một thanh niên tên là Sigala (Hán dịch là Thiện sanh) ngày nào cũng lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới. Phật hỏi nguyên do thì anh ta trả lời là, lúc cha anh mất, cha có lời nhắn nhủ anh nên lễ bái sáu phương như vậy, Phật bèn giải thích “Phương Đông là cha mẹ, lễ phương Đông tức là làm tròn nhiệm vụ đối với cha mẹ. Phương Nam là thầy dạy, lễ phương Nam tức là làm tròn nhiệm vụ của trò đối với thầy. Phương Tây là vợ con. Phương Bắc là bạn bè, quyến thuộc láng giềng. Dưới là người làm công, người giúp việc. Trên là các vị Tăng sĩ, những người tu hành. Lễ các phương đó tức là làm tròn nhiệm vụ đối với cha mẹ, vợ con, bạn bè, quyến thuộc, người làm công, Tăng sĩ v.v…”
Phật giải thích, lễ phương Đông là con cái làm tròn nhiệm vụ đối với cha mẹ, con cái phải săn sóc cha mẹ lúc già, phải làm bất cứ việc gì cần làm cho cha mẹ, phải giữ danh dự cho gia đình, phải bảo vệ truyền thống gia đình, phải bảo vệ tài sản cha mẹ để lại, tổ chức tốt lễ tang khi cha mẹ mất. Đối lại, cha mẹ cũng có bổn phận đối với con cái, giữ gìn con cái không làm điều ác, khuyên con cái làm điều thiện và có lợi, giáo dục con cái đầy đủ, cưới gả cho con cái vào gia đình tử tế, chia tài sản một cách công bằng.
Lễ phương Nm là thực hiện tốt quan hệ thầy trò: học trò phải kính trọng vâng lời thầy, lo lắng chu đáo cho thầy, trong mọi điều cần thiết, phải chăm học. Và đối lại, thầy phải tận tâm dạy bảo học trò, giới thiệu bạn tốt cho học trò, đảm bảo công việc làm cho học trò, sau khi học xong.
Lễ phương Tây là thực hiện tốt quan hệ giữa chồng và vợ: chồng phải luôn luôn tôn trọng vợ, làm vợ vui lòng bằng cách tặng vợ áo và đồ trang sức. Còn đối lại, người vợ phải chăm sóc việc nhà, làm vui lòng khách khứa, bạn bè, thân thuộc của chồng, phải yêu thương, chung thủy với chồng, phải giữ gìn tiền bạc của chồng kiếm được, phải khôn khéo và có nghị lực trong mọi công việc…
Phật còn nói tiếp đến mục 4, 5 và 6 về các mối quan hệ khác. Ở đây không tiện kể lại hết. Điều đáng chú ý là Phật đã đưa chàng thanh niên Sigala từ địa hạt tôn giáo trở lại thực tại xã hội và gia đình. Một điều đáng chú ý nữa là tính chất song phương qua lại của nhiệm vụ. Con cái có nhiệm vụ với cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng có nhiệm vụ đối với con cái.
Tôi muốn nói them về mối quan hệ giữa chủ và người giúp việc hay làm công, để các bạn hiểu rõ hơn nữa tính chất song phương của nhiệm vụ.
Người giúp việc hay làm công phải siêng năng, lương thiện vâng lời, đừng lừa gạt chủ, cần mẫn trong mọi công việc làm. Đối lại người chủ phải giao công việc tùy khả năng và sức lực, phải trả lương thích đáng, phải cung cấp thuốc men, thỉnh thoảng phải nên cho quà tặng.
Trước đây hơn 2500 mà nói được lời lẽ như vậy thì thực là đáng thán phục! Nhưng lời nói của Phật không những thể hiện rõ nét đạo Phật là đạo thực sự bình đẳng và nhân bản, mà còn chứng minh tính thực tế của đạo Phật, một đạo giáo luôn luôn khuyên người bỏ việc cầu đảo, lễ bái thần linh, trở về với thực tại đời sống của chính bản thân mình.
Chúng ta thích thú nghi nhận rằng, trong vấn đề này, quan điểm tự lực tự cường của đạo Phật được sự hưởng ứng của nhiều triết gia hiện đại, kể cả một số tu sĩ đạo giáo khác. Thí dụ, cố Tổng thống Ấn Độ Radhakrishnan (một tín đồ Ấn Độ giáo) viết:
“Cầu nguyện mang tính chất một sự giao thiệp riêng tư, một sự buôn bán vị kỷ với thần linh. Nó đeo đuổi những tham vọng thế gian và càng tôn cao thêm ý thức về cái ta. Ngược lại, phép định tâm la biến đổi ý thức về cái ta.”
Như chúng ta biết, đạo Phật giảng thuyết “vô ngã” tưc là không có cái ta và phép tu định tâm (Thiền định) của đạo Phật giúp mở mang và phát triển trí tuệ.
Linh mục Thiên Chúa giáo C.Beard cũng viết: “Tôi không hiểu vì sao người ta vẫn tiếp tục cầu nguyện, trừ phi người ta tin rằng có những lỗ tai đang nghe họ” (xem cuốn Reformation trang 419). Đừng cầu nguyện van xin ai hết! Hãy tự lực phấn đấu bởi vì chính con người có đầy đủ ở trong mình mọi khả năng tiềm tàng vô tận đạt tới hạnh phúc, tự do và hiểu biết.
Đó là lời dạy của Phật đối với các học trò của người. Trong kinh Trung A Hàm, số 20 (Vitakka Santhana Suttanta) Phật nói;
“Chính con người phải tự mình quyết định kiên trì, nỗ lực vươn lên và mở đường đến cánh cổng đưa đến tự do và bất luận lúc nào, con người luôn luôn có đủ khả năng để làm việc ấy. Cánh cổng tự do không bao giờ khóa chặt lại, chìa khóa cũng không nằm trong tay ai mà ta phải van xin cầu nguyện… Cánh cửa tự do không bao giờ gài, đóng hay khóa, trừ phi chính con người đã gài, đóng và khóa nó lại.”
Tiếp đó, Phật lại nói: “Mặc dù chỉ còn da, gân và xương máu đã cạn dần, thịt đã teo và mỗi ngày càng thêm tàn héo, ta sẽ không bỏ dỡ cuộc chiến đấu và bước ra ngoài con đường ngay thẳng và giác ngộ.”
Những lời nói như trên, không thể thốt ra từ một giáo chủ có dụng tâm mê hoặc quần chúng, từ một đạo giáo thực chất là thuốc phiện và thuốc độc đối với nhân dân.
Vì vậy, nếu nói tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, thì dứt khoát đạo Phật không phải là thứ tôn giáo đó. Còn nếu hiểu: “Tôn giáo là giáo lý về một nhận thức sâu sắc hơn đối với sự sống, là giáo lý không phải nhìn hời hợt, mà là nhìn sâu vào sự sống, giáo lý dạy người ta hành động phù hợp với kiểu nhìn theo chiều sâu đó, giúp cho người có được nhận thức đó, có thể sống lạc quan và chết bình thản” (5) thì đạo Phật đúng là một tôn giáo, một tôn giáo được hiểu như là “ một hệ thống biện pháp diệt trừ mọi nỗi thống khổ ở đời này.” (6)
——————————————————————————–
1 Cả đoạn văn như sau: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sanh bị áp bức, là trái tim của một thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của trạng thái không có tinh thần, tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” C.Mác, lời nói đầu của “Phê phán triết học pháp quyền của Heghen” 1843-1844, NXB Sự Thật Hà Nội, 1962, trang 5-7.
2 Trường Bộ kinh, bản dịch của HT Thích Minh Châu, trang 3, Tu thư Đại học Vạn Hạnh xuất bản 1973.
3 Thí dụ, D. F. Strauss (1808-1874) cho rằng nhiều phép lạ trong sách Phúc Âm là trái với lí trí; Reimarus (1768) cho rằng đó chỉ là những trò xảo quyệt.
4 Lutvich Fơ Bách và sự cáo chung của nền triết học cổ điển, NXB Sự Thật Hà Nội.
5 Ceylan Daily news–Vesak số 5/1939. Silacara.
6 Dahlke–Buddhism and its place in the metal world, p. 27.