Nhân dịp đức Đạt Lai Lạt Ma đến Pháp hôm nay và sẽ ở lại đây trong 12 ngày, báo đài đưa tin là phật giáo Tây Tạng là tôn giáo đứng hàng thứ tư ở Pháp.
Đối với tờ Le Monde, hiện tượng này không phải là do người Pháp có cảm tình với nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng và cũng không phải vì đó là một cái mốt thời thượng.
Ngày nay các cuộc thăm dò dư luận thường xuyên cho thấy con số 5 triệu người được xem là có cảm tình với đạo Phật. Song những người hành đạo thật sự thì chỉ có khoảng 600 ngàn người mà đa số là gốc Á châu. Còn trong cộng đồng Phật giáo không phải gốc Á châu, thì chỉ có khoảng 30 ngàn người. Hiện tại Pháp có 300 địa điểm thờ Phật như là chùa, Phật đường, tu viện và trung tâm học thiền.
Theo ông Olivier Wang Genh, chủ tịch Liên hiệp Phật giáo Pháp, được Le Monde trích dẫn : trước đây những người hay lui tới các Phật viện là những người độc thân, có một cuộc sống không vui. Ngày nay, người Pháp đến các trung tâm Phật giáo cùng với cả gia đình, và họ chấp nhận các khoá học đạo.
Nói cách khác, từ một tôn giáo được xem như là nơi ẩn trốn cho những người không thích nghi với cuộc sống xã hội, đạo Phật nay đã trở thành một tôn giáo có những giá trị hoà nhập, được Nhà nước Pháp công nhận với chương trình phát thanh mỗi sáng chủ nhật trên đài truyền hình nhà nước.
Tuy nhiên Le Monde nhận thấy là giữa các nhóm Phật tử tây phương và các cộng đồng Phật giáo Á châu, sự trao đổi không được dễ dàng và các cộng đồng Á châu sống một cách khép kín gần như co cụm lại trong ngôi chùa của họ, được biến thành một nơi sinh họat cộng đồng.
Theo Le Monde, đặc điểm của đạo Phật ở Pháp là nó bao gồm các hình thức Phật giáo thuộc cùng một nền văn hoá, chủ yếu là thiền gốc Nhật Bản và Phật giáo Tây Tạng. Riềng về Phật giáo Tây Tạng, cả bốn môn phái đều có mặt trên đất Pháp và đều công nhận sự lãnh đạo tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Còn tờ Le Figaro thì giới thiệu chuyến đi Pháp trong 12 ngày của đức Đạt Lai Lạt Ma và cho biết là các buổi giảng giáo lý của ngài tại thành phố Nantes (miền tây của Pháp) sẽ được truyền lại trên Internet và sẽ được dịch sang 8 thứ tiếng.
Tờ báo còn đăng một bản đồ của Pháp chỉ rõ 7 chặng dừng của ngài trong đó có chùa Khánh Anh ở thành phố Evry, thuộc vùng ngoại ô Paris, và Le Figaro cho biết là trong năm nay đức Đạt Lai Lạt Ma có thể sẽ còn có chuyến đi Pháp khác trong những tháng tới, và từ nay đến cuối năm thể nào ngài cũng có dịp được tổng thống Pháp tiếp đón.
Do vậy mà tác giả bài báo trên Le Figaro kết thúc bản tin với lời tuyên bố của ông Nicolas Sarkozy, kêu gọi những người bất bình không nên tỏ ra «quá Đạt Lai Lạt Ma hơn cả ông Đạt Lai Lạt Ma ».
Cũng trên tờ Le Figaro, người ta được biết là trong danh sách những người ký tên vào bản kiến nghị ủng họ nhân dân Tây Tạng, được tung ra ở Pháp hồi tháng ba vừa qua có nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới điện ảnh, như Sophie Marceau, Arielle Dombasle hay Jane Birkin, trong giới chính trị như Daniel Cohn-Bendit hay trong giới triết gia như André Glucksman và Bernard Henri-Levy.
Nhưng trái với các ngôi sao điện ảnh ở Hoa Kỳ, ở Pháp không có nhiều tài tử theo đạo Phật. Tuy nhiên Le Figaro đưa tin là vận động viên tennis Yannick Noah và nữ diễn viên Jeanne Moreau thường xuyên lui tới các trung tâm nghiên cứu Phật giáo.