Trang chủ Đời sống Nghệ thuật sống Đạo Phật cứu khổ chúng sinh bằng cách nào?

Đạo Phật cứu khổ chúng sinh bằng cách nào?

197

Tài thí là giúp người nghèo đói, tai nạn, thiếu thốn về vật chất. Ðem tiền bạc, của cải giúp họ có phương tiện sống qua cơn khó khổ. Ðây là việc làm lợi tha của người Phật tử tại gia. Do đó, Phật tử các chùa thường tổ chức Ban Từ thiện xã hội, chung góp tiền của công sức để giúp đỡ người khó khổ, hoạn nạn như thiên tai bão lụt, bệnh tật, nghèo đói…

Pháp thí là giúp người mê lầm đau khổ bằng chánh pháp. Tăng Ni đem lời Phật dạy trong kinh luận giảng cho họ nghe và hướng dẫn cho họ tu hành để được hết khổ. Ðó là việc làm lợi tha của người xuất gia. Muốn thực hiện điều này, Tăng Ni phải đem hết khả năng của mình để tu học hầu đem chánh pháp giáo hóa cho mọi người hết khổ. Học mới có kiến giải Phật pháp và thế gian pháp để giảng dạy. Tu mới có đạo đức để khắc phục chướng duyên lúc lợi tha, tu mới có đức trí làm chỗ nương cho mọi người.

Phật tử tại gia có phương tiện vật chất để giúp người. Còn tu sĩ xuất gia không thể làm ra tiền của mà chỉ lo tu học đúng chánh pháp và đem chánh pháp bố thí cho mọi người?. Bố thí của cải để giúp người hoạn nạn, nghèo đói bớt khổ là bố thí tài của người cư sĩ . Ðem chánh pháp giảng dạy cho người nghe tu hành để bớt khổ là bố thí pháp của người tu sĩ. Tuy nhiên trong hai cách cứu khổ trên, cách nào giúp con người dứt khổ vĩnh viễn?

Ví dụ có cậu thanh niên hút á phiện, lúc mới hút cha cậu khuyên răn mà cậu không bỏ. Cậu hút lâu ngày thành ghiền, đến cữ không có tiền mua thuốc hút, người cậu quằn quại khổ đau. Người hàng xóm giàu lòng thương cho chút ít tiền để cậu mua thuốc hút. Nhưng ngày khác tới cữ hút, cậu không có tiền mua, cơn ghiền lại nổi lên dày vò làm cậu khổ nữa. Cứ như vậy khổ tiếp tục khổ, không bao giờ hết. Người láng giềng giúp tiền chỉ cứu cậu bớt khổ trong giai đoạn ngắn thôi. Nếu cậu ghiền ấy sớm nghe lời cha, cậu không hút á phiện ngay từ đầu thì bây giờ đâu có khổ.

Thế nên một lời nói phải, nếu chúng ta chịu nghe thì an vui cả cuộc đời. Lời nói không tốn tiền mà cứu khổ cả đời. Còn tiền của chỉ cứu khổ trong giai đoạn ngắn, không dứt tuyệt khổ.

Do đó, đạo Phật đặt vấn đề cứu khổ tinh thần lên trên. Muốn thực hiện cách cứu khổ này cho có kết quả tốt thì Tăng Ni phải thực tu thực học. Bố thí pháp là giúp người hết khổ, nhưng lời nói pháp nói ra không phải chỉ học thuộc rồi nói suông, mà Tăng Ni phải thực hành được những điều mình nói, thì lời giảng dạy của mình mới có giá trị. Giả sử dạy người bớt tham, sân, si, trước hết mình phải không tham, không sân, không si thì người nghe mới tin, mới ứng dụng tu. Còn nếu nói suông mà không chịu thực hành, dạy người bớt tham mà mình tham nhiều làm sao người nghe tin và làm theo lời dạy của mình? Thế nên, người tu muốn giáo hóa phải có đầy đủ đức hạnh và trí tuệ.

Ðể thấy rõ tầm quan trọng của việc bố thí pháp, tôi dẫn thêm một ví dụ nữa. Có một bác đạp xích lô, mỗi ngày đạp còng lưng chỉ kiếm được vài ba chục để nuôi sống gia đình một vợ, hai con. Nhưng bác lỡ ghiền rượu, đạp tới chiều, về ghé quán rượu nhậu hết số tiền đã kiếm được. Ở nhà vợ con đói nheo nhóc, hàng xóm thương tình đem tiền gạo đến giúp, nhưng giúp hoài mà gia đình ấy vẫn khổ vì bệnh ghiền rượu của bác. Bấy giờ có vị tu sĩ đủ trí tuệ và đức hạnh đến dùng lời khuyên nhủ, bác xích lô nghe, liền bỏ rượu. Từ đó, gia đình bác hết khổ và được hạnh phúc, ấm no. Lời khuyên của vị tu sĩ không tốn tiền của mà đã cứu được gia đình bác xích lô hết khổ. Do đó, đối với người xuất gia, đức Phật dạy phải lấy pháp thí làm trên hết. Vì nói một câu đạo lý, người đời nghe hiểu rồi ứng dụng tu thì cả đời sẽ hết khổ.

Trách nhiệm của Tăng Ni chẳng những bố thí pháp mà còn phải bố thí vô úy, tức là cho người sự không sợ hãi. Nếu Tăng Ni mà lo kinh doanh ra tiền của để làm việc tài thí thì không có thì giờ tu học và không đúng bổn phận của người tu. Còn cư sĩ làm ra tiền của để bố thí thì hợp với đời sống thực tại đang sống và đúng với lời Phật dạy. Hiểu như vậy quý vị mới không thắc mắc: Tại sao Tăng Ni chỉ lo thuyết giảng Phật pháp mà ít lo làm việc từ thiện xã hội?

Ðọc lịch sử đức Phật, chúng ta thấy Ngài chỉ thuyết pháp giáo hóa cứu cho vô số người hết khổ, chớ không cứu khổ bằng phương tiện từ thiện xã hội. Ở đây, tôi tạm chia việc cứu khổ của Ngài ra ba giai đoạn:

Giai đoạn một: Ðức Phật dạy cho con người sống đúng tư cách con người là thọ tam quy, giữ năm giới.

Giai đoạn hai: Ðức Phật dạy con người tu ngay đời này, giải phiền não, dứt nhân xấu.

Giai đoạn ba: Ðức Phật chỉ thẳng cho con người biết mình có Phật tánh, biết rõ đầu mối của sự sanh tử để không còn luân hồi sanh tử khổ đau nữa.

1. Giai đoạn thứ nhất: Ðầu tiên, quý Phật tử đi chùa là quy y Tam bảo và giữ gìn năm giới cấm. Nếu giữ tròn năm giới cấm thì quý vị sẽ bớt những cái khổ sau đây:

— Giữ giới không sát sanh thì khỏi bị thù oán hoặc tù tội về tội giết người.
— Giữ giới không trộm cắp thì khỏi bị tù đày về tội trộm cắp.
— Giữ giới không tà dâm thì gia đình không bị phá hại hạnh phúc.
— Giữ giới không nói dối thì không mất uy tín với mọi người chung quanh.
— Giữ giới không uống rượu thì không say sưa cuồng loạn, thân ít bệnh, gia đình không xào xáo, không làm rối loạn trật tự xã hội.

Ðó là những điều lợi ích cụ thể và thiết thực nhất của đời sống con người. Nếu một gia đình từ cha mẹ cho đến con cái đều giữ năm giới thì gia đình đó hạnh phúc, an vui. Nếu một xóm làng mọi người đều giữ gìn năm giới thì xóm làng đó rất an ninh. Như vậy, đức Phật có cứu con người hết khổ không? Hơn nữa, người giữ giới không sát sanh là biết tôn trọng, không giết hại sinh mạng của người khác. Giữ giới không trộm cắp là tôn trọng, không cướp tài sản của người khác. Giữ giới không tà dâm là biết tôn trọng, không phá hại hạnh phúc gia đình người khác. Giữ giới không nói dối là biết tôn trọng lẽ chân thật, không lừa gạt, dối trá mọi người. Giữ giới không uống rượu là biết trân quý trí tuệ và sức khỏe của mình, không rủ ren, dắt dẫn người say sưa nghiện ngập. Ðó là những lời dạy rất ích lợi và thiết thực cho đời sống của con người. Nếu hiện đời chúng ta giữ tròn năm giới, bảo đảm chúng ta sẽ là người công dân tốt của quốc gia, xã hội. Và, mai kia chúng ta chết thì năm giới ấy là nền tảng để chúng ta sanh trở lại làm người.

Những giới ấy có công dụng như: không sát sanh thì được sống lâu, không trộm cắp thì được của cải sung mãn, không tà dâm thì được thân xinh đẹp, không nói dối thì lời nói lưu loát, nói ra điều gì cũng được người tin, không uống rượu thì được thông minh, sáng suốt. Như vậy, người giữ tròn năm giới của Phật, chẳng những đời này chúng ta là một con người tốt, mà đời sau chúng ta cũng là một con người có đầy đủ những tính tốt và không thiếu những nhu yếu cần thiết trong cuộc sống.

Bước đầu, Phật dạy chúng ta quy y giữ năm giới là đã đem lại lợi ích an vui cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Ðó là Phật đã cứu khổ cho chúng ta thiết thực. Quy y giữ năm giới là việc làm đầu tiên của người cư sĩ mà cũng là việc làm hết sức hệ trọng.

Tuy nhiên, có người cho rằng tôi tu tâm hoặc tu ở nhà được rồi, cần gì phải đến chùa làm lễ quy y. Nếu là người có tín ngưỡng Phật giáo, nhưng chưa quy y, chưa giữ giới, khi lỡ làm những điều trái với giới cấm thì không sợ tội lỗi. Giả sử ông A chưa giữ năm giới, đi dự tiệc, bạn bè mời ông uống rượu, ông không có cớ từ chối, bạn ép là ông uống; uống lâu ngày thành kẻ nghiện rượu làm khổ gia đình. Hoặc người buôn bán chưa giữ năm giới, nói dối để bán được hàng lời nhiều, họ cứ nói không ngại, lâu ngày thành thói quen, chuyện gì cũng nói dối nên mất uy tín, nói không ai tin. Như vậy, có tín ngưỡng mà chưa phát nguyện thọ tam quy, giữ năm giơi thì tín ngưỡng đó chưa cứu được mình thoát khổ. Nhờ phát nguyện giữ giới, gặp điều sai trái, chúng ta sợ không dám làm, vì đã hứa trước Tam bảo rồi nên không dám làm.

Lúc còn nhỏ muốn bỏ một tật xấu, ít khi chúng ta bỏ được. Vì tự hứa với lòng không ai biết, lâu lâu lòng thay đổi nên mình cũng tự tha thứ cho mình. Nếu hứa mà có người làm chứng thì sợ mất uy tín, nên dù lòng có muốn thay đổi cũng không dám đổi. Ðó là cái lý do để Phật tử đến trước tượng Phật và chư Tăng phát nguyện quy y giữ giới.

Vì lời hứa này rất trân trọng, đời đời chúng ta không quên, nhờ oai lực đó mà chúng ta giữ được điều tốt để thành người tốt, có ích cho gia đình, cho xã hội. Như vậy, Tăng Ni khuyên mọi người quy y giữ giới là đã thể hiện lòng từ bi cứu khổ của mình rồi.

Sau khi thành đạo, đức Phật trở về thăm phụ vương và hoàng tộc. Ngài khuyên vua cha và hoàng hậu cùng quyến thuộc quy y giữ năm giới. Về sau, bà Ma Ha Ba Xà Ba Ðề xin xuất gia, đức Phật không cho. Tôn giả A Nan xin giùm, Phật cũng từ chối. Tôn giả bèn kể công ơn di mẫu đã nuôi dưỡng Thái tử từ lúc sơ sinh cho đến trưởng thành, xin Phật hãy vì công ơn nuôi dưỡng mà chấp nhận cho bà xuất gia. Ðức Phật nói Ngài đã đền ơn cho di mẫu rồi. Vì khi Ngài về thăm thành Ca Tỳ La Vệ, Ngài đã hướng dẫn vua cha và di mẫu quy y năm giới. Làm bấy nhiêu đó đã đủ cho Ngài đền ơn sanh thành dưỡng dục rồi.

Việc làm này chúng ta thấy rất nhỏ nhưng sao đủ để đền ơn sanh dưỡng? Ðây là vấn đề chúng ta phải hiểu cho tường tận mới biết cái quý của sự tu hành. Phật thành đạo, thấy rõ chung sanh luân hồi trong sáu nẻo là do hành nghiệp mà sanh. Tạo nghiệp ác thì sanh làm súc sanh, ngạ quỷ… chịu khổ. Năm giới cấm Phật chế ra cho người cư sĩ nhằm ngăn chặn ác nghiệp. Không tạo ác nghiệp thì hiện đời được an vui, đời sau cũng được an vui, ít khổ. Như vậy, không đền ơn là gì? Ðó là tầm quan trọng của việc quy y giữ giới và cũng là bước đầu của từ bi cứu khổ mà đức Phật dạy và Tăng Ni thuyết giảng.

2. Giai đoạn thứ hai: Dứt si mê là gốc của phiền não khổ đau. Tất cả mọi khổ đau của kiếp người, gốc từ si mê mà ra. Một người giàu có, cơm no, áo ấm, ở nhà lầu, đi xe hơi, nhưng tâm họ si mê điên đảo, liệu người ấy có được an vui, hạnh phúc không? Chắc chắn là không. Thực tế trong xã hội có nhiều gia đình dư tiền lắm của mà thiếu an vui, hạnh phúc, bởi lẽ tâm trí còn mê loạn. Người này tham, người kia giận, người nọ đố kỵ, ganh ty… Tham, giận, đố kỵ… nổi lên liền bất an, đau khổ. Cái đau khổ này, không phải thiếu ăn, thiếu mặc mà do si mê. Vì si mê chấp thân này là ta nên cái gì đẹp quý, khởi lòng tham chiếm đoạt cho mình. Chiếm đoạt không được thì sân giận nổi lên bức xúc, đau khổ. Khi nào thấy thân này không thật là giảm si mê, si mê giảm thì tham sân cũng giảm.

Làm sao thấy thân này giả? Ðọc kinh, Phật nói thân này do đất nước gió lửa hợp thành, nó sẽ hoại nên không thật. Ai cũng biết như thế, nhưng vẫn cứ tham, vẫn cứ sân, vì chưa hằng thấy thân này giả tạm, không thật. Thân này do tinh cha hợp với huyết mẹ và thần thức gá vào mà thành. Nhờ ăn cơm uống nước và hít thở không khí mà sống. Ðó là vay mượn bốn đại bên ngoài. Ăn cơm là vay mượn đất, uống nước là vay mượn nước, hít thở không khí là vay mượn gió. Mượn vô rồi trở ra, mượn mà không trả cũng không sống, trả mà không mượn cũng chết. Thở ra mà không hít vào thì chết ngay, hoặc hít vào mà không thở ra cũng chết. Không khí ở ngoài là của trời đất, mượn vô chốc lát trả ra nói là hơi thở của tôi. Mượn tách nước, ít tiếng đồng hồ trả ra nói mồ hôi của tôi, nước tiểu của tôi… Mạng sống của thân này là sự mượn trả tứ đại mà cho là mình. Có vô lý không? Cái mượn trả không phải là mình mà cho là mình thật, không si mê là gì?

Kiểm lại cái gọi là mình đang sống, có thật an ổn, hạnh phúc không? Nếu mượn trả suông sẽ cho là hạnh phúc an vui, nếu mượn trả không suông thì đau đớn, quằn quại. Vậy cuộc sống của chúng ta là gì? Có thật không? Chỉ là sự mượn trả tứ đại tạm bợ. Thế mà chúng ta cho là mình thật, rồi chấp vào đó sanh nhơn ngã sân giận đủ thứ. Thấy như vậy không si mê là gì? Trong cuộc sống, nếu hằng nhớ mình đang mượn trả thì không lầm, đã không lầm thì không chấp. Vậy si mê ban đầu là chấp ngã. Nếu thấy rõ cái ngã là thân này không thật thì bớt tham lam, nóng giận, bớt si mê, sống giữa đời này bớt đau khổ. Ðó là Phật chỉ cho chúng ta thấy thân này do duyên hợp, hư dối, không thật, để chúng ta bớt si mê chấp ngã, giảm bớt khổ đau. Ðó là bước thứ hai của từ bi cứu khổ mà Phật dạy và Tăng Ni trì tụng thuyết giảng. Song, cách cứu khổ này ít người biết đón nhận, chỉ những ai khéo tiếp thu và khéo ứng dụng mới nhận được lợi ích này.

3. Giai đoạn thứ ba: Dứt vô minh thoát luân hồi sanh tử. Ở đoạn trước mới phá si mê chấp thân là ngã. Phần này nói phá vô minh chấp tâm là ngã. Vô minh là đầu mối dẫn con người đi trong luân hồi sanh tử. Vòng luân hồi sanh tử là mười hai nhân duyên, vô minh dẫn đầu. Muốn dứt luân hồi sanh tử là phải hết vô minh, đạo Phật dạy tu để giác ngộ; giác ngộ là trí tuệ sáng lên, vô minh hết. Mọi khổ đau gốc từ vô minh mà ra, nếu giác ngộ thì hết vô minh, hết vô minh thì hết khổ.

Vô minh theo giáo lý nguyên thủy là thấy biết không đúng như thật. Chẳng hạn thân này do tinh cha hợp với huyết mẹ, thần thức gá vào mà thành, vay mượn đất nước gió lửa bên ngoài để sống. Thế mà nhận cái vay mượn là mình thật. Ðó là thấy biết không đúng như thật, là vô minh. Nếu thấy rõ thân này do tinh cha hợp với huyết mẹ, thần thức gá vào mà thành, vay mượn tứ đại bên ngoài mới tồn tại, không phải là ta. Ðó là thấy đúng như thật, thấy như vậy là sáng.

Vô minh theo kinh Viên Giác là chấp thân tứ đại này là thân ta thật, chấp tâm nghĩ tưởng lăng xăng là tâm ta thật. Chấp thân tâm này là ta thật, đó là vô minh. Theo nghĩa này, mỗi người chúng ta có ai không vô minh? Vậy làm sao không chấp thân tâm là ta để được minh? Như ở trên đã nói, thân này do tứ đại bên ngoài bồi bổ thường xuyên mới sống còn. Cái mà do vay mượn mới sống còn thì không phải là ta thật. Thấy rõ như vậy thì bớt phần chấp thân. Còn chấp cái nghĩ suy tốt xấu, hơn thua… là tâm mình thì sao phá? Bây giờ chúng ta thử kiểm lại xem từ sáng tới chiều có bao nhiêu lần nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ khôn, nghĩ dại… ? Cộng lại có cả trăm ngàn lần nghĩ như thế. Nghĩ nhiều như vậy thì chúng ta nhận cái nghĩ nào là mình? Cái nghĩ tốt là mình hay cái nghĩ xấu là mình? Nếu cái tốt là mình thì cái xấu là ai? Chẳng lẽ cả trăm thứ đều là mình? Cả trăm thứ ấy là mình, quý vị có chấp nhận không? Nếu thật là mình thì trước là mình, sau cũng là mình. Nhưng trước tốt, sau xấu, trước khôn, sau dại… mình nhiều dạng như thế ư? Cái nghĩ suy biến đổi như thế thật không phải là mình. Ðó là giai đoạn thứ nhất chấp nghĩ tưởng là mình không đúng.

Giai đoạn thứ hai: Nếu chấp cái nghĩ tưởng là mình thì có những phút giây không nghĩ tưởng gì hết, lúc đó có mình không? Lúc nghĩ tưởng là mình, vậy lúc không nghĩ tưởng không có mình sao? Nhưng tại sao không nghĩ tưởng mà vẫn biết? Có biết tức có mình. Có mình lúc không nghĩ tưởng, tức là không suy nghĩ mà vẫn có mình. Như vậy, cái nghĩ tưởng không phải là mình. Nghiệm lại thật kỹ mới thấy lẽ thật tại chỗ này. Lại nữa, nếu chấp cái nghĩ tưởng là mình, vậy thử tìm coi cái nghĩ tưởng ở đâu? Khi tìm nó thì nó mất tiêu, không còn dấu vết. Xét kỹ cái nghĩ tưởng, đủ duyên thì nó khởi lên, hết duyên thì nó lặn mất. Vậy nó đâu có thật, nếu có thật thì nó vắng mặt ở chỗ này phải có mặt ở chỗ khác. Cái nghĩ tưởng không thật mà chấp là mình có phải vô minh không? Cái vô minh này tệ hơn cái vô minh chấp thân là mình ở trước.

Mọi người chúng ta, khi nào thấy rõ thân này không thật, thấy rõ cái nghĩ tưởng không thật, chừng đó mới hết luân hồi sanh tử khổ đau. Nếu cứ thấy thân duyên hợp là mình, thấy cái nghĩ tưởng sanh diệt là mình, thì luân hồi khổ đau không bao giờ hết. Tại sao vậy? Vì cái nghĩ tưởng sanh diệt là cái động, thân duyên hợp là cái động. Phàm cái gì duyên hợp và động thì luôn luôn biến chuyển, nó hợp tan, tan hợp không dừng, vì vậy mà luân hồi sanh tử mãi. Do đó, Phật mới chỉ cho người đời thấy tường tận thân và cái nghĩ tưởng không thật, để dứt cái vòng luân hồi đau khổ. Ðó là Phật cứu chúng ta, giải thoát sanh tử khổ một cách rốt ráo. Nói như thế chắc có người thắc mắc: Thân không thật là mình, nghĩ tưởng không thật là mình. Vậy cái gì thật là mình? Tôi xin trả lời: Cái biết thân này không thật và nghĩ tưởng không thật, “cái biết” đó không phải là cái giả dối. Nếu nó giả dối thì đâu biết được thân và nghĩ tưởng không thật! Cái bị biết là thân và nghĩ tưởng, hai cái này không thật, cái hay biết mới là thật.

Tóm lại, khi thấy rõ thân này không thật, nghĩ tưởng không thật, nhận ra “cái biết” hằng hiện hữu nơi mình, chừng đó mới hết khổ. Ðó là giáo lý từ bi cứu khổ của đạo Phật. Chúng ta học Phật, học từ thấp lên cao, bước đầu là tam quy, ngũ giới. Sau đó biết thân tâm là vô thường, vô ngã… tiến lên bước nữa là biết vô minh là nguồn gốc của luân hồi sanh tử khổ, không sống với vô minh, mà hằng sống với trí tuệ là “cái biết” hằng hữu nơi mình. Ngang đây mới hết khổ. Ðó là cách cứu khổ của đạo Phật mà Tăng Ni thường giảng dạy cho người đời nghe để tự học cho hết khổ.