Và người ta đánh giá một con người, dù ở lĩnh vực nào, càng cao bao nhiêu nếu mặt đạo đức người đó càng lớn bấy nhiêu. Phải chăng đạo đức là một khuynh hướng tiềm ẩn, một hạt giống tiềm ẩn trong lòng mỗi người khiến cho họ luôn luôn đòi hỏi đạo đức ở những con người ưu tú?
Ví dụ người ta không gọi Gandhi là một nhà chính trị có công giành lại độc lập cho Ấn Độ mà tôn xưng là Thánh Gandhi, hay Mahatma Gandhi, (Mahatma có nghĩa là linh hồn vĩ đại, Linh hồn cao cả). Hay chúng ta có cảm tình đặc biệt với Albert Eindstein, người khai sáng ra vật lý học hiện đại, không chỉ vì đầu óc thiên tài trong khoa học của ông, mà còn vì tính tình hiền hòa, trẻ thơ, khuôn mặt, mang vẻ thiện lành của ông.
Đến bây giờ cũng vậy, người ta điều tra cho bằng được một vụ quên thanh toán tiền thuê nhà của một tổng thống, một vụ lăng nhăn, tình ái của một tổng thống, cũng chỉ vì người ta muốn người lãnh đạo của họ phải trong sạch, không thể là một người nói dối hay có một quan hệ mờ ám. Người ta nói đến và thực hành đạo lý chính trị, đạo đức kinh tế, đạo đức y học, thậm chí đạo đức trong quảng cáo v.v… nghĩa là trong tất cả những lĩnh vực của đời sống hiện đại. Như vậy, đạo đức vẫn là một ám ảnh, một nhu cầu, một khuynh hướng cố hữu của con người.
1. Đạo đức là sự tiến hóa của nhân loại
Nói đến đạo đức, hình như chúng ta ai cũng có thể hình dung đạo đức là gì, một con người đạo đức là sao, dù định nghĩa và quan niệm của mỗi người có thể khác nhau theo mức độ cao thấp, sâu cạn. Ở đây, chúng ta chỉ nêu lên vài nhận xét:
– Cùng với sự tiến hóa của hình thức xã hội, đạo đức cũng có tiến hóa, ít nhất là về mặt hình thức: sự tiến bộ này biểu hiện ở những tổ chức quốc tế. Ví dụ thời cổ, tù binh có thể bị giết, ngày nay hội Chữ Thập Đỏ đã đấu tranh không cho làm như vậy. Hay ngày xưa con người gây chiến với nhau mà không có một tổ chức quốc tế nào để hòa giải, ngày nay chúng ta có Liên Hiệp Quốc, ít ra là một diễn đàn để gặp gỡ, trao đổi hoặc điều đình. Thời cổ người ta chỉ dùng chiến tranh để giải quyết bất hòa, ngày nay biện pháp ngoại giao là chủ yếu. Như vậy là cùng với xã hội văn minh, người ta cư xử với nhau cũng văn minh hơn, có đạo đức hơn.
– Đạo đức gắn liền với những quy luật tiến hóa của con người và vũ trụ. Những quy luật ấy trong văn hóa Viễn Đông gọi là Lễ (theo Khổng Tử). Lễ là trật tự của vũ trụ và con người. những quy luật của tiến hóa ấy Lão Tử gọi là Đức, hoặc Đạo và Đức theo kinh Dịch. Và trong văn hóa Ấn Độ gọi là Pháp (Dharma), theo Phật giáo và Ấn giáo. Riêng với Phật giáo, Pháp có nghĩa là con đường đi đến sự hoàn thiện cao nhất của con người, tức là quả Phật. Chữ Đạo của Viễn Đông cũng là con đường. Như vậy, đạo đức gắn liền với con đường hay những quy luật tiến hóa của con người, để nâng cấp con người càng ngày càng đến chỗ hoàn thiện, thành hiền, thánh theo Nho giáo và thành Phật theo Phật giáo. Chính vì cùng hướng đến một đạo đức tối cao tối thượng này, nên đó là một lý do để người xưa gọi Phật, Nho, Lão là đồng nguồn, “Tam giáo đồng nguyên”.
– Đạo đức, dù với một quan niệm thô sơ thế nào hay trong một nền đạo đức phong phú và trùm khắp, thì nó luôn luôn gắn với cái thiện. Một người đạo đức trong hình dung của mỗi người là một người thiện. Như thế đạo đức nhắm đến cái thiện, một trong ba phẩm tính Chân – Thiện – Mỹ là lý tưởng chung của loài người. “Thiện” trong từ Hán Việt có nghĩa là tốt, trái với xấu (ác), nếu óc thể kể thêm một nghĩa nữa, thì thiện có nghĩa là trọn vẹn (như hoàn thiện, toàn thiện…).
Chúng ta không thể hình dung một con người được gọi là tiến hóa cao mà lại không có đạo đức, không phải là người thiện. Nói cách khác, một người càng tiến hóa cao thì ngoài những phẩm tính khác, nơi người đó đạo đức lại càng nhiều, cái thiện lại càng đầy dẫy, đến độ toàn bộ con người, thân khẩu ý đều hoàn toàn thiện, như Đức Phật. Như vậy, đạo đức không nằm ngoài cuộc tiến hóa của con người. Đạo đức chính là một trong những phương diện tiến hóa của con người, và muốn tiến hóa, muốn hoàn thiện, phát triển đến mức trọn vẹn, không thể nào không có đạo đức trên con đường tiến hóa, hoàn thiện ấy.
2. Đạo dức là hạnh phúc
Khi đạo đức gắn với cái thiện như một điều tất yếu thì đạo đức cũng đi liền với hạnh phúc vì cái thiện là cái tất yếu đưa đến hạnh phúc. Lấy một ví dụ, khi chúng ta nói lời dịu dàng, thân mến với ai (ái ngữ – một trong bốn nhiếp pháp), chúng ta có ngay hạnh phúc, niềm vui trong lòng, chưa kể đối tượng kia. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có cảm giác hạnh phúc này khi làm một việc thiện, nghĩa là làm một hành động đạo đức. Thậm chí chúng ta làm một việc thiện nhỏ, một hành động đạo đức nhỏ với chỉ bản thân chúng ta – chẳng hạn như giữ một giới nào đó trong một thời hạn ngắn – chúng ta cũng có ngay cảm giác hạnh phúc. Và khi chúng ta làm một việc ác (xấu) dù nhỏ với chỉ riêng bản thân mình, chúng ta cũng thấy mình mất đi một phần hạnh phúc.
Cái thiện của đạo Phật rất lớn, bao gồm toàn bộ mọi mặt của đời sống con người. Ví dụ một tâm thức được gọi là thiện theo Phật giáo thì tâm thức ấy không nghĩ đến chuyện làm hại (giới), không lăng xăng, buông lung (định), có tỉnh giác sáng tỏ (tuệ) và còn đủ mọi đức hạnh như từ bi hỷ xả… Với một tâm thức như vậy, hạnh phúc ắt có ở nơi đó. Hoặc hết tham sân si là cái thiện đối với Phật giáo, và tâm thức không tham sân si như vậy ắt phải hạnh phúc. Nói tóm gọn, đạo đức Phật giáo là: “Các điều ác, xấu chớ nên làm. Các việc thiện, tốt hãy vâng làm. Hãy tự làm thanh tịnh tâm ý mình”. (Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý).
Với đạo đức như vậy, bao trùm mọi lĩnh vực của đời sống, con người tiến trên con đường của hạnh phúc, từ những hạnh phúc nho nhỏ, dần dần đến hạnh phúc tối thượng là An lạc, trạng thái tâm thức tối thượng, mục đích đạt đến của con người. “Các điều ác chớ làm, các việc thiện vâng làm” là sự tích tập công đức và “sự tịnh tâm ý”, lĩnh vực của trí tuệ soi thấy vô ngã và vô pháp, là sự tích tập trí tuệ. Cả hai sự tích tập này được mối kết với nhau trong chỉ một hành động, trong chỉ một tâm.
Hành động đạo dức đưa ngay đến hạnh phúc cho người làm nó. nhưng hành động như thế nào để hạnh phúc đó càng lớn rộng và sâu xa? Về mặt chủ thể, hành động đó được thực hiện không vì một mục tiêu ích kỷ (nếu ích kỷ thì không còn là thiện hay hành động đạo đức theo quan điểm chung của người bình thường) và không bị bó hẹp trong một cái ta và cái của ta. Với một tâm thức rộng mở, không bị chướng ngại bởi những phiền não về ta và cái của ta, thì hành động đạo đức ấy là một hành động thanh tịnh, và như vậy hành động đó đưa ngay đến một hạnh phúc rộng lớn và sâu xa.
Đây là điều mà ai trong chúng ta cũng có thể thể nghiệm được. Và có thể nói thêm, chính sự an lạc càng rộng lớn và sâu xa sẽ làm cho tiêu trừ sự trói buộc trong cái ta và cái của ta. Về mặt đối tượng, theo nguyên lý nhân quả, hành động càng có lợi lạc cho đối tượng (về phẩm cũng như về lượng) thì hạnh phúc càng lớn và sâu. Một hành động đạo đức đem lại lợi lạc cho mình và cho người trên căn bản trí tuệ nghĩa là thoát khỏi cái ta và cái cái của ta, hành động đó được Phật giáo gọi là Hạnh.
Qua quan sát ở trên, chúng ta thấy một hành động đạo đức, một hành động thiện, để được rộng lớn và bao la thì chính người làm hành động đó phải rộng lớn và bao la, hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo thì phải càng ít chướng ngại (phiền não chướng và sở tri chướng), càng vô ngã và vô pháp (không có một sự ngã hiện hữu độc lập ở nơi con người và mọi hiện tượng). Ở đây chúng ta thấy sự tương liên giữa đạo đức và trí tuệ, hay nói cách khác là mối tương liên giữa cái thiền và cái chân.
Cái thiện gắn với sự thật vô ngã và vô pháp, và càng vô ngã vô pháp thì càng thiện. Chúng ta thấy công thức gắn hành động đạo đức với trí tuệ là một đặc điểm của Đại thừa, ví dụ như ở trong kinh Kim Cương: “Hãy không trụ sắc thanh hương vị xúc pháp (trí tuệ) mà bố thí (hành động đạo đức)”. Chính sự gắn kết hành động công đức và trí tuệ này, hay còn gọi là hai sự tích tập công đức và trí tuệ, đã làm nên con đường Bồ tát, hay Bồ tát hạnh.
Như vậy, khác với những kiến giải có một viễn cảnh không rộng, cho rằng làm một việc thiện chỉ là tạo một nhân tốt để hưởng quả tốt, nghĩa là chỉ nằm trong lĩnh vực phước báu trời người, Đại thừa dùng việc thiện nối kết với trí tuệ để đạt đến mục đích tối hậu.
Trong mục đích tối hậu đó, cái thiện trở thành cái thiện rốt ráo, tức là không còn sự phân chia ta – người, chủ thể – đối tượng, tâm – cảnh…, mà nói theo kinh Hoa Nghiêm, đó là một trạng thái trong đó “Một là tất cả, tất cả là một”. Trạng thái đó đầy đủ các mặt của trạng tahí Phật, mà chúng ta chỉ kể một số đức tính như Trí tuệ, Từ bi, Hạnh hay hoạt động của một vị Phật (Từ bi và Hạnh có thể xếp vào mặt đạo đức), An lạc (hạnh phúc tối thượng)…
3. Đạo đức là cái vốn có sẵn nơi chúng ta, nó là một phương diện của Phật tính hay Như Lai tạng
Không ai có thể hình dung được một vị Phật, một vị Bồ tát, mẫu người lý tưởng của Phật giáo mà lại thiếu kém về phương diện đạo đức. Trái lại, một con người tiến hóa đến mức độ lý tưởng thì phải đủ “muôn hạnh, muôn đức” như các kinh thường nói về Đức Phật.
Ai trong chúng ta cũng hình dung được một con người “thần tượng” của mình như thế nào, và chẳng ai muốn thần tượng của mình là một người không có đạo đức, không trong sạch. Dù người ta say mê thần tượng của mình về mặt nào, tài năng, thông minh, khéo léo, hay đẹp đẽ, trong sạch… thì sở dĩ người ta đam mê các đức tính đó là vì nơi bản thân người say mê đã tiềm ẩn cái đức tính đó. Chúng ta say mê các đức tính của Phật vì chính nơi mỗi chúng ta đều tiềm ẩn những đức tính đó. Đây là điều mà đạo Phật nói là “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều sẽ thành Phật”. Phật tính này kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
Với quan điểm của Đại thừa, “muôn hạnh muôn đức” không phải là cái gì ở ngoài vào, cái gì chưa có mà phải tập luyện mới có, mà chúng đã được chứa đựng và tiềm ẩn nơi Phật tính, là cái đã có sẵn nơi mỗi chúng sinh, và để trở nên hoàn thiện người ta chỉ cần nhận biết sự có mặt của chúng và triển khai chúng đến trọn vẹn.
Như vậy hành động đạo đức của chúng ta chính là làm hiển lộ Phật tính ấy nơi mỗi chúng ta. Với những nhà Đại thừa hậu kỳ ở Ấn Độ, Phật tính được tượng trưng bởi Phật Samantabhadra (Phổ Hiền), tiếng Anh là All food (Toàn thiện). Trong kiến giải như thế, đạo đức là sự trở lại cái Thiện nguyên sơ của mỗi chúng ta. Nhìn ở một phương diện, hành động đạo đức có công năng phá tan những che chướng (vô minh), chúng che lấp Phật tính vốn toàn thiện nơi mỗi chúng ta. Và trong hành động đạo đức như vậy chúng ta đã phần nào (vì vẫn còn nhiều che chướng) tương ưng với Phật tính, cội nguồn của mọi hạnh, mọi cái thiện, mọi hình thức đạo đức.
Khi chúng ta giúp đỡ một người, chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Thậm chí khi chúng ta thấy, chỉ thấy thôi chứ không trực tiếp làm, chẳng hạn một đứa trẻ giúp đỡ một đứa trẻ khác, lòng chúng ta cũng rung lên những tiếng chuông hạnh phúc. Sở dĩ như vậy vì lúc ấy chúng ta đã cảm thông, tương ưng chút gì với Phật tính, cái vốn có sẵn và có rất đổi gần gũi với chúng ta, mà chỉ vì ít khi chúng ta tiếp xúc với nó. Trong ý nghĩa ấy mà kinh Pháp Hoa nói:
Nhẫn đến trẻ em chơi
Nhóm cát thành tháp Phật
Tất cả người như thế
Đều đã thành Phật đạo.
…
Hoặc người lòng hoan hỷ
Hát, ngâm ca ngợi Phật
Nhẫn đến một tiếng nhỏ
Đều đã thành Phật đạo.
…
Nếu người lòng tán loạn
Vào nơi đền chùa tháp
Một xưng Nam mô Phật
Đều đã thành Phật đạo.
Khi người ta làm một hành động đạo đức, dù nhỏ và có vẻ vô tình, ta liền tương ưng với Phật tính Thường – Lạc – Ngã – Tịnh ở nơi chúng ta và nơi tất cả, do đó kinh nói “Đều đã thành Phật đạo” (giai dĩ thành Phật đạo). Và chúng ta có thể suy ra, nếu hành động đạo đức càng lớn thì Thường – Lạc – Ngã – Tịnh càng sâu xa.
Cũng trong một chiều hướng khai triển hạt giống đã có sẵn nơi mỗi người, mặc dù ở đây chúng ta không bàn đến mức độ cao hoặc sâu đến đâu, cái nào ưu thế hơn cái nào, chúng ta thấy trong sáng Đại học của Khổng giáo nói: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”. Tạm dịch là: Cái đạo của sự học lớn lao, cốt ở làm sáng cái đức sáng ở nơi mình, cốt ở cái cách đổi mới cho người, cốt ở dừng yên nơi chỗ chí thiện. Đạo đức của Khổng giáo chính là “làm sáng cái đức sáng ở nơi mình”, một lần nữa chúng ta thấy chiều hướng chung của Tam giáo đồng nguyên.
Trở lại với cái nhìn Phật giáo, làm một việc thiện không chỉ là tạo một nhân tốt để sau đó được hưởng một quả tốt, rồi quả này cũng biến mất khi hết tác dụng, theo đúng luật nhân quả và vô thường, và chúng ta sẽ trở lại như cũ. Khi thực hiện một việc thiện là khai thác, làm biểu lộ chính cái nguồn Thường – Lạc – Ngã – Tịnh nơi mỗi chúng ta. Đạo đức không phải là kỷ luật, một bổn phận phải tuân thủ, mà là quyền lợi, tài nguyên hạnh phúc vốn có sẵn với mỗi người, sẵn sàng vào bất cứ lúc nào cho chúng ta khai thác và thọ hưởng.
Ngược lại, làm một việc xấu, không thiện, đó là chúng ta tự phá hoại chính gia tài của mình, phá hoại chính mạch nguồn Thường – Lạc – Ngã – Tịnh của mình. Theo kinh Duy Ma Cật cũng như các kinh khác, cõi này là cõi thanh tịnh (Tịnh độ) của Phật Thích Ca, chỉ vì tâm mình bất tịnh mà biến cõi này thành bất tịnh. Theo kiến giải của truyền thống Duy Thức, một trong hai dòng chính của Đại thừa, với một cái nhìn ở một mức độ rất cao, thì tất cả đều là tâm ta, tất cả đều là mình: ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức – tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức.
Do đó mà khi giết hại, trộm cướp, tà dâm, nói dối… nghĩa là làm hại bất cứ một ai tức là chúng ta đang làm hại chính bản tâm của mình; mà bản tâm của mình chính là Phật tâm (Tâm của muôn loài tức Phật tâm, Phật tâm bèn với tâm ta hiệp. Pháp vốn như nhiên suốt cổ kim – Tuệ Trung Thượng Sĩ, Phật Tâm Ca). Khi tạo ra sự phân chia, chia rẻ, tranh chấp, tưởng là ta làm việc với cảnh vật bên ngoài, nhưng thật ra đó là việc làm phân chia, chia rẻ chính tâm thức của mình, tâm thức tự chia rẻ để tranh chấp với chính nó. Làm điều gì trái với đạo đức, làm thương tổn một sinh vật hay thực vật hay loài vô tri nào, đó là chúng ta đang làm thương tổn chính tâm mình, bởi vì tất cả đều là Tâm, nhất như một thể.
Làm trái đạo đức, làm điều xấu như vậy, không chỉ phải chịu lãnh nhân quả mà còn phá hoại chính trí tuệ thấy “Tất cả là một” của mình, tức là nói theo thành ngữ của người xưa, phá đi “tuệ mạng” của mình.
Sơ lược qua một vài kiến giải như vậy, chúng ta thấy đạo đức gần với mỗi người chúng ta hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Và dù những kiến giải ấy có vẻ mang nhiều tính triết học, ít thực tế – chỉ thực tế với những người đã đạt đến một tâm vi tế – với phần đông chúng ta, thì ít ra chúng ta cũng thấy rằng nếu Phật tính hay Phật tâm là cái gì gắn liền với chúng ta trong mỗi phút giây, thì đạo đức, hành động thuận với Phật tính, và không đạo đức, hành động trái với Phật tính, hẳn cũng là ở sát ngay chúng ta trong mỗi phút giây. Từ đó, đời sống là sự tự do để biểu lộ Phật tính hay để che lấp Phật tính tùy theo chúng ta thuận với đạo đức hay nghịch với đạo đức.
4. Đạo đức và xã hội
Suốt trong lịch sử loài người, con người dù ở bất cứ xã hội nào, giai đoạn lịch sử nào cũng đều tìm cách hoàn thiện xã hội mình đang sống, và do đó có nhiều lý thuyết xã hội ra đời. Vì sự tiến hóa của con người là tiến đến Chân – Thiện – Mỹ, nên về mặt xã hội con người cũng mong muốn một xã hội Chân Thiện Mỹ. Trong quan niệm về một xã hội tốt đẹp, Phật giáo cũng cho rằng phương diện Thiện, phương diện đạo đức là không thể thiếu. Hơn thế nữa đạo đức chính là động lực để xây dựng một xã hội hoàn thiện.
Đạo đức, khuynh hướng đam mê cái tốt, cái thiện, sự hoàn thiện nơi con người là sinh khí làm cho xã hội, dù theo bất kỳ hình thức xã hội nào, vận hành, lưu thông và tiến bộ. Đạo đức theo Phật giáo, là tất cả những đức tính của con người; những đức tính ấy cần được khai triển đến chỗ tròn vẹn. Có thể nói nhân loại có bao nhiêu đức tính, và hình dung ra được bao nhiêu đức tính, thì tất cả những đức tính ấy đều có trong Phật giáo. Bất cứ kinh điển nào cũng nêu ra hàng chục, hàng trăm những đức tính cần có, cần trau dồi để trở nên một người toàn thiện.
Chỉ kể sơ lược một số: trí tuệ, từ bi hỷ xả, rộng lượng, tự chế, kiên nhân, cương quyết, nỗ lực chuyên cần, có lý tưởng, tâm thức không tạp loạn, không thành kiến v.v… rồi biết ơn, báo ơn, trung kiên, không sợ hãi, thích học hỏi để tiến bộ, lòng hiếu, tình bạn… cho đến những đức tính nổi bật của thời hiện đại như bén nhạy, dễ thích ứng, tinh thần hợp tác, trách nhiệm phổ quát đối với toàn bộ sự sống…
Hơn nữa, theo Phật giáo Đại thừa, tất cả những đức tính ấy đều nằm trong Như Lai tạng hay Phật tính, nghĩa là không phải từ ngoài nhà vào, không phải là những cái giả tạo và nhân tạo, không phải do xã hội tạo ra để huân tập cho con người, mà những đức tính ấy nằm tiềm ẩn trong mỗi con người và nhờ xã hội và qua xã hội những đức tính ấy được khai triển cho đến khi con người trở thành hoàn thiện.
Như vậy, Đại thừa không có khuynh hướng lánh xa xã hội, mà ngược lại, quan niệm xã hội là môi trường, là hoàn cảnh, hay dùng một thuật ngữ Phật giáo, là đạo tràng cho con người tự hoàn thiện, tự thực hiện mình. Con người cần khai triển, trau dồi những đức tính vốn đã tiềm ẩn nơi mình để thành tựu định mệnh vinh quang của mình. Đó là con đường lợi mình lợi người, hay là sự tự phát triển của cá nhân kéo theo sự phát triển của xã hội, cả hai tương tác lẫn nhau trên con đường tự hoàn thiện.
Sự tiến hóa của con người là biểu lộ cái thiện ra nơi thân tâm của mình, và như vậy xã hội, một cộng đồng nhiều con người, cũng là sự biểu lộ của cái thiện ra trong sinh hoạt của xã hội. Với sự hiển lộ của những điều thiện, xã hội sẽ tốt đẹp, tiến bộ về cả ba mặt Chân, Thiện, Mỹ. Xã hội là môi trường để con người thành tựu đạo đức, tức cái Thiện, của mình, đồng thời xã hội cũng được nâng cấp tiến bộ khi nỗ lực của con người là tự hoàn thiện chính nó. Cái thiện hay đạo đức là sức sống và niềm vui của xã hội, sự sống tốt lành của xã hội. Không có một xã hội nào, trong bất cứ hình thức văn minh nào lại không muốn loại trừ những điều không thiện, không tốt, tức là những tệ nạn xã hội ra khỏi cơ thể xã hội. Cái thiện hay đạo đức như vậy chính là ý nghĩa sống của xã hội, là giá trị sống của xã hội, là sức sống của xã hội.
Tóm lại, khi mỗi cá nhân thấy rằng đạo đức hay cái thiện là nguồn hạnh phúc và sống theo đó, nghĩa là trải rộng đạo đức hay hạnh phúc ra môi trường chung quanh (xã hội), thì lúc đó chúng ta có một xã hội tốt đẹp, tôn vinh cho ý nghĩa của con người và xã hội. Xã hội đó cũng là quan niệm lý tưởng của Nguyễn Trãi khi ông nói về âm nhạc trong một bản tấu với vu Lê: “Ý nghĩa của âm nhạc là hòa. Cho nên khi nào người người, nhà nhà, làng làng hòa thuận với nhau, thì đó là cái gốc của nhạc”.
Nếu có điều cần nói thêm thì đạo Phật không chỉ nêu lên một lý tưởng cho con người, mà đạo Phật là một con đường, nghĩa là có đủ những phương tiện để cho con người có thể đi trên con đường đó, hay nói cách khác, có đủ những phương pháp thực hành để hiện thực hóa đạo đức hay cái thiện, hay hạnh phúc, nơi mỗi con người và xã hội.