Trang chủ Thời đại Xã hội Đạo đức Phật giáo trong việc bảo tồn và phát triển văn...

Đạo đức Phật giáo trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc

89

Nền văn hoá của một dân tộc là gia tài truyền thống được bảo lưu, kế thừa và phát huy từ thế hệ này đến thế hệ khác.


Một con người không còn biết chăm sóc mặt mũi của mình nữa thì thành người mất trí. Cũng thế, một nền văn hoá không còn giữ gìn được bản sắc riêng thì chắc chắn sẽ đi đến diệt vong. Vì thế, bất cứ một dân tộc nào, muốn tồn tại và phát triển vững chắc, đều phải luôn cảnh giác trước mọi nguy cơ có thể tác hại đến nền văn hoá của mình.


Hiện nay, cùng lúc với tình hình kinh tế thị trường mở cửa, sự du nhập các luồng văn hoá hỗn tạp từ nước ngoài đã gây ra nhiều biến đổi trong sinh hoạt xã hội, làm cho những giá trị văn hoá, đạo đức tinh thần của dân tộc bị xuống cấp đáng lo ngại.


Các tạp chất độc hại của văn hoá ngoại lai đang tung hoả mù gây ô nhiễm môi trường, làm hoen ố đạo đức, băng hoại thuần phong mỹ tục qua nhiều hoạt động bất chính, phạm pháp trong lĩnh vực đời sống mà hậu quả là kích thích thị dục thấp hèn, kích động khuynh hướng vô kỷ luật, gây tội ác, cổ suý tinh thần vọng ngoại, đề cao chủ nghĩa cá nhân.


Trước tình hình bạo động như vậy, mỗi người trong chúng ta đều có bổn phận phải góp phần đấu tranh, tìm ra những giải pháp đúng đắn để thống nhất hành động và đạt được hiệu quả mong muốn đối với yêu cầu đề ra.


Trải qua lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, chúng ta rất đỗi tự hào về truyền thống văn hoá của mình, một nền văn hoá rực rỡ đã hun đúc sức sống mãnh liệt, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân ái, khoan dung cùng với bao nhiêu phẩm chất của trí tuệ, tâm hồn con người Việt Nam mà trong đó đã gần 2000 năm, có sự đóng góp to lớn của tư tưởng, học thuật Phật giáo. Đây là một thực tại không thể phủ nhận.


Nền văn hoá Phật giáo đã ăn sâu cội rễ trong lòng dân tộc Việt Nam. Phật giáo và Dân tộc là một hệ thống nhất không thể tách rời ra được. Do đó, khi nói đến Văn hoá Dân tộc mà không đề cập đến tư tưởng Đạo Đức của Phật giáo thì là một thiếu sót lớn, một sự hụt hẫng trong tư tưởng hành động, trong chiến lược đấu tranh bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc.


Lịch sử đã ghi nhận, vào những thời Đinh, Lê, Lý, Trần cũng như trong thời kỳ giành độc lập, giải phóng đất nước vừa qua, với tinh thần “tuỳ duyên bất biến” trong mọi hành động, có biết bao nhà sư đã “cởi cà sa khoác chiến bào” để tham gia cứu nước.


Thật vậy, Phật giáo Việt Nam đã luôn luôn đồng hành với toàn thể dân tộc, cùng toàn dân làm nên những chiến thắng lẫy lừng trong lịch sử. Văn hoá, đạo đức Phật giáo đã góp phần tạo nên sự thăng hoa tâm hồn người dân Việt Nam.


Với pháp Lục hoà, dựa trên giáo lý căn bản như “Nhân quả, Luân hồi, Nghiệp báo”, tư tưởng đạo đức Phật giáo giúp cho người học Phật thấu hiểu chân tướng cuộc đời, biết cân nhắc, suy nghĩ và hành động sáng suốt để sống phù hợp với Chân Thiện Mỹ.


Vì thế, muốn có một sức mạnh tổng hợp, toàn diện, kết tinh trí tuệ tâm hồn của cả dân tộc, chúng ta không những phải quay về với những giá trị đạo đức xã hội của nhân dân, mà còn phải quan tâm phát huy hơn nữa nền đạo đức, tư tưởng Phật giáo vẫn luôn sinh động trong nếp sống, nếp nghĩ của đại bộ phận nhân dân lao động.


Cùng với những biện pháp ngăn chặn, xử lý thích đáng đối với mọi tiêu cực xã hội, chúng ta còn phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi giới đồng bào, thanh thiếu niên có dịp tiếp cận với Đạo Phật qua nhiều hình thức sinh hoạt mới mẻ.


Các giới văn nghệ sĩ, trí thức và cả những nhà chính trị cũng cần nghiên cứu Phật học hay thực hành tu chứng để mở rộng tri thức, phát triển tuệ tâm, làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình.


Hiện nay, các giới khoa học đã lên tiếng báo động về những “bước sai lầm” của nhân loại trong nền văn minh kỹ thuật. Nó thúc đẩy con người chạy đua theo “cái mới” và không biết “thiểu dục tri túc” là gì. Dù có bao nhiêu tiện nghi vật chất, người ta cũng chưa cảm thấy yên tâm tự tại.


Trong số những nguyên nhân tác hại, có hai cái chính là sự vong thân và sự cắt đứt với truyền thống. Mải mê chạy theo âm thanh sắc tướng và những nhu cầu giả tạo ngày một gia tăng, con người đã quên đi chính mình, thiếu tự chủ và luôn phải khổ não vì đã đánh mất sự an lạc nội tâm là cái “tịnh độ” sẵn có trong ta. Đồng thời, trên mọi lĩnh vực đời sống, những gì đã khiến con người cắt đứt với truyền thống, dù ở mức độ nào, cũng đều đem lại sự bất ổn hoặc sự suy vi không thể tránh được.


Với tinh thần bảo vệ và phát huy truyền thống dân tộc trong giai đoạn hiện nay, chúng ra tin chắc rằng tư tưởng và đạo đức Phật giáo hoàn toàn có khả năng kết hợp với đạo đức Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa và tư tưởng, đạo lý dân tộc để làm chỗ dựa vững chắc cho nền Văn hoá Dân tộc vượt mọi khó khăn, vươn tới đỉnh cao của thời đại.


Qua phương châm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam “Đạo pháp – Dân tộc – XHCN” và qua những lời dạy của Đức Phật “không làm điều ác, vâng làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch”, “phục vụ chúng sanh tức cúng dường Chư Phật”, chúng ta đã thấy hoạt động của Phật giáo không chỉ đóng khung trong việc gột rửa thân tâm, trau dồi Giới Định Tuệ, chiến thắng dục vọng, mà còn mở rộng, hoà nhập vào cuộc sống qua những công tác giáo dục, cứu tế xã hội, phát triển kinh tế, tham gia các tổ chức Hoà Bình Thế Giới.


Công cuộc bảo vệ và phát huy văn hoá dân tộc trong giai đoạn hiện nay là một vấn đề có ý nghĩa sống còn. Thiết tưởng, ở mọi lĩnh vực, những người có tâm huyết phải góp sức tìm ra một chiến lược quốc sách với những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn mọi hình thức suy thoái của văn hoá.


Có vị lãnh đạo đã khẳng định: “Không có biện pháp khuyến khích văn hoá lành mạnh thì chúng ta không thể giữ vững được con người”. Vì thế, khi văn hoá dân tộc được đề cao thì tiêu cực xã hội sẽ giảm xuống và các giá trị tinh thần lại được nâng lên.


Để kết thúc, chúng tôi thành tâm kêu gọi mọi giới, mọi ngành hãy tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chương trình: “Về nguồn” thật đúng với ý nghĩa của nó để cho nền Văn Hoá Dân Tộc với bản sắc Từ bi, Trí tuệ được khơi sâu nguồn mạch, tuôn trào những dòng nước trong mát, làm trôi nhanh những ô uế độc hại của cặn bã văn minh ngoại lai.


Chúng ta vững tin rằng Đạo Phật, đạo đức Phật Giáo được kết hợp hài hoà với đạo đức xã hội truyền thống sẽ là thành trì vững chắc ngăn chặn mọi sa đoạ, thoái hoá, giữ vững thuần phong mỹ tục, phát huy nội lực và bản sắc của dân tộc trong thời kỳ phát triển mới.