Trang chủ PGVN Nhân vật Đạo đức của Hòa thượng Đệ nhị Pháp chủ

Đạo đức của Hòa thượng Đệ nhị Pháp chủ

105

Do đó những lần ra Hà Nội dự Đại hội Phật giáo hay Đại hội Mặt trận Tổ quốc Trung ương tôi đều tìm cách đến chùa Quán Sứ hầu thăm sức khỏe Hòa thượng. Mặc dù cuối năm 2001 thân tứ đại của Ngài bị bệnh duyên chi phối, nhưng tay Ngài không rời tràng hạt hổ phách, mỗi hạt chuỗi lần qua là một câu niệm Phật, khi đi cũng như khi ngồi. Được biết thường nhật Ngài luôn luôn an trú chính niệm, ít khi đi lại nếu như không có việc cần thiết. Hành trang của Hòa thượng rất tương ứng với câu: “Bớt nói một câu chuyện, niệm nhiều một câu Phật, dập tắt hết vọng niệm, chơn tâm ấy hiện tiền”. Những gì Hòa thượng đang thực hiện, cũng là việc làm của chư Tổ hàng trăm năm về trước. Tuy ngày nay Hòa thượng đã xả bỏ báo thân, nhưng âm của một đời “Thanh bần phạm hạnh” sẽ gắn chặt suốt hành trang trong tâm linh của thế hệ “con cháu” kế thừa.


         Do phẩm hạnh và đạo đức của Hòa thượng, nên năm 1981, sau khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng đã được Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ định Hòa thượng giữ chức trụ trì Tòng Lâm Quán Sứ. Đây là trụ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


         Tháng 11 năm 1983, Hòa thượng được Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận giáo sắc làm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và cũng trong năm này Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội cung thỉnh Hòa thượng giữ chức vụ Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự đến tháng 9-2002.


         Tháng 11 năm 1992, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ III suy cử Hòa thượng lên ngôi Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


         Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IV vào tháng 11 năm 1997 (1997-2002) và Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc kỳ V (2002-2007) đã suy tôn Hòa thượng lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


         Trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo của Hòa thượng, dù ở cương vị nào, Hòa thượng luôn thể hiện tâm đức của người con Phật “xuất trần thượng sĩ” hành trì Giới Định Tuệ, chú tâm tỉnh giác, thu nhiếp tam nghiệp thân, khẩu, ý”… phụng sự trang nghiêm Tam bảo.


Thường nhật, Ngài rất ít nói, nếu phải nói thì Ngài cũng chỉ nói ít lời về những công việc cần làm. Hòa thượng luôn kiên định, thầm lặng, suy tư tìm những phương pháp thích nghi, góp ý chỉ đạo, khuyến tấn tứ chúng thực hiện những định hướng Giáo hội đã vạch ra để phụng sự “Đạo pháp và Dân tộc”. Ngài cũng thường nói với Phật tử: “Mọi việc chúng ta làm là để nhằm góp phần làm cho Phật pháp ngày thêm ngời sáng, tỏ rạng viên minh, đồng thời điểm tô tấm gương đại từ bi của Đức Phật ngày càng tươi sáng, đẹp hơn trong tâm trí và cuộc sống nhân sinh”.


         Sanh, già, bệnh, chết, hay sanh, trụ, dị, diệt, thành, trụ, hoại, không là quy luật muôn đời của các pháp hữu vi, vạn vật và con người. Thân tứ đại của Hòa thượng cũng thế, cuối năm 2001, Hòa thượng bị bệnh duyên chi phối, khi bệnh duyên thì Hòa thượng cũng tăng sức an trú nhiếp phục. Mặc dù bệnh trạng chi phối trầm trọng, nhưng Ngài vẫn an nhiên vắng lặng. Được quý vị thị giả cho biết: hàng ngày, Ngài vẫn niệm Phật, giữ chánh niệm, chú tâm tỉnh giác trước sự mòn mỏi của huyễn thân tứ đại.


         Rồi cái gì đến cũng sẽ đến, công đức hóa thân viên mãn, Hòa thượng Đệ nhị Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thu thần thị tịch vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 6-3-2005 tức ngày 26-1-Ất Dậu. Cây “thạch trụ tòng lâm” đã đổ, để lại hàng tứ chúng Tăng Ni trong và ngoài nước niềm kính thương vô hạn.


         Trong những ngày tang lễ, tôi đã ra Hà Nội đảnh lễ Kim quan Ngài và thực hiện trách nhiệm của mình cùng quý Hòa thượng, Thượng tọa trong Ban tang lễ, đón tiếp các phái đoàn Phật tử, ngoại giao, lãnh đạo trong và ngoài nước và các tỉnh lân cận về dâng hương lễ bái trước Kim quan Hòa thượng. Trong những ngày Kim quan của Hòa thượng quàn tại Tòng Lâm Quán Sứ, đủ các tầng lớp người đến dâng hương: Phật tử, nhân dân, lãnh đạo và quý vị lãnh đạo các tôn giáo bạn, thấy mọi người từ giã Ngài với niềm thương tiếc.


         Ngày 13-3-2005 tức ngày 04-02- Ất Dậu là ngày cung tiễn Kim quan Hòa thượng nhập Tháp tại Tổ đình Bồ Đề, thuộc phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.


         Trời chưa sáng, Phật tử trong cũng như ngoại thành đã vân tập về chùa Quán Sứ đông đặc cả trong lẫn ngoài, tiếng niệm Phật cầu nguyện của quý cụ già vang dội cả sân chùa, thêm vào đó, tiếng còi, tiếng xin tránh đường của các em Gia đình Phật tử và ban trật tự đang chen chúc để đưa quý vị lãnh đạo Trung ương, thành phố và các tôn giáo bạn vào vị trí hành lễ.


         Đúng tám giờ, ba hồi chuông trống Bát nhã được chư Tăng thực hiện, Lễ truy niệm được cử hành. Sau Lễ truy niệm, Kim quan của Hòa thượng được từ từ di chuyển ra khỏi chùa Quán Sứ, an trí trên một cỗ xe kết hoa, cờ, phướn… được quý Phật tử trang phục theo lễ nghi, cung tiễn xe an trí Kim  quan về hướng Tổ đình Bồ Đề.


         Tiễn đưa Kim quan có quý Hòa thượng, Thượng tọa giáo phẩm Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự cùng quý vị lãnh đạo chánh quyền, Mặt trận, Tôn giáo Trung


ương và thành phố Hà Nội. Tiếng niệm Phật cầu nguyện của quý Phật tử hai bên đường tiếp nối vang lên cả khu phố nơi Kim quan chuyển đến.


         Mặc dù trời rất rét, dòng người tiễn đưa nghẹt cả lòng đường, các xe cộ di chuyển đều phải dừng lại, hoặc chuyển sang đường khác, tiếng niệm Phật của quý cụ vang lên cả khu phố khi Kim quan Ngài di chuyển. Đặc biệt hai bên đường phố từ Quán Sứ đến Tổ đình Bồ Đề, Phật tử và nhân dân chen chúc đứng hai bên đường phố, mũ khăn cầm tay tỏ lòng tôn kính với Hòa thượng, thỉnh thoảng có những gia đình thiết hương án bên lề đường trước nhà, hương trầm nghi ngút. Một đám tang được người tiễn đưa đông đảo như thế này chưa từng có.   


Hòa thượng Thích Tâm Tịch, Đệ nhị Pháp chủ là vị lãnh đạo tối cao trong Phật giáo. Đời sống của Hòa thượng rất bình dị, Ngài không dùng giáo quyền để điều hành Tăng Ni Phật tử phải tuân thủ như thế này hoặc như thế khác, cũng không dùng danh lợi mua chuộc một ai. Hòa thượng tuy quản lý nhiều cơ sở tự viện tại thủ đô, cũng như ở các tỉnh, Hòa thượng khuyên tứ chúng có trách nhiệm luôn phải hòa nhã, hòa mình cùng mọi người chung quanh, cùng xây dựng xóm làng. Tự bản thân Hòa thượng noi gương chư Tổ tấn tu đạo hạnh, nghiêm trì giới đức làm gương cho hậu thế.


         Mặc dù huyễn thân của Hòa thượng không còn, nhưng hình ảnh đĩnh đạc của Hòa thượng, cũng như những lời nói của Hòa thượng đã khắc sâu vào tâm khảm của con và Tăng Ni Phật tử Việt Nam.


         Cầu nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.


         Chúng con nguyện noi theo gương sáng của Hòa thượng và hạnh nguyện của Ngài để phụng sự “Đạo pháp và Dân tộc”.


 Nam mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.


HT. Thích Thiện Bình – Trưởng ban Trị sự THPG Khánh Hòa