Trang chủ Bài nổi bật Đạo của tuổi thanh xuân

Đạo của tuổi thanh xuân

221

Lâu nay đa số người Việt Nam cho rằng, đạo Phật là dành riêng cho các bậc già nua tuổi tác, nên khi thấy một thanh niên cạo tóc xuất gia, hoặc đến chùa lễ Phật thì họ xầm xì cho là chán đời, là bi quan, là trốn nợ xã hội. Nhưng họ đâu ngờ đạo Phật là “đạo của tuổi thanh xuân đang căng nhựa sống và tha thiết yêu đời”.


Lưu lại tuổi thanh xuân trong các hoạt động Phật giáo

Những năm gần đây, trại hè do Phật giáo tổ chức ngày càng đón nhận được nhiều sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các bạn thanh thiếu niên, Phật tử trẻ. Hội trại Tuổi trẻ và Phật giáo có sức hút gì khiến các bạn cứ hè đến là nôn nao, mong ngày hội trại diễn ra để sum họp cùng nhau? Qua hoạt động trại hè đã diễn ra tại Đồng Nai phần nào giải mã điều đó.

Chủ đề hội trại là “Hào khí miền Đông”, với 4.000 bạn thanh thiếu niên Phật tử tham gia, đã hào hứng có mặt tại thiền viện Phước Sơn (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Học gì tại hội trại này? “Học được bài học sẻ chia từ cách các bạn trại sinh dành cho nhau. Chúng em không nề hà lấy giúp nhau ly nước, tô canh bún ăn sáng, và rất vui khi đoàn kết cùng với nhau trong lúc chơi trò chơi để cả đội cùng chiến thắng”; “Học được bài học sẻ chia với mẹ. Khi tham gia phiên chợ quê, em tự mua nguyên liệu nấu ăn, tự cân đo đong đếm cho bốn người ăn, mới thấy được mẹ vất vả trong việc tính toán chi phí phù hợp cho gia đình và mẹ dành nhiều tình cảm với bữa ăn gia đình. Cho nên em rút ra bài học là cần quý trọng hơn nữa các bữa cơm mẹ nấu, hạn chế đi ăn bên ngoài với các bạn, cơm tối phải về ăn chung với mẹ” – nhiều nam trại sinh cho biết.

Đến với hội trại này, các trại sinh phải tự mang cho riêng mình chén, đũa, muỗng (thìa) để dùng khi ăn cơm, nhưng 1.000 bạn trẻ đã hào hứng tham gia, đặc biệt là có cả các bạn trại sinh đến từ nước ngoài. “Đến vì thông điệp từ hội trại. Rất thích ý tưởng trại sinh phải tự trang bị chén, đũa, muỗng để dùng thức ăn và Ban Tổ chức hội trại không sử dụng hộp, bịch đựng thức ăn một lần, để bảo vệ môi trường” – một trại sinh lần đầu tham gia hội trại bày tỏ.

Đặc biệt là trong “Đêm yêu thương”, các trại sinh hoan hỷ cho biết, đã được các bạn và quý thầy chia sẻ về những ước mơ, những trăn trở, cả những lỗi lầm của tuổi trẻ, để nhận ra thanh xuân thật đẹp của mình. Lần thứ 6 tham dự hội trại, trại sinh Nguyễn Văn Nghĩa trải lòng: “Hội trại Tuổi trẻ và Phật giáo luôn là nơi truyền cảm hứng để phát triển bản thân theo hướng hoàn thiện nhất. Bên cạnh đó, hội trại là nơi giao lưu học hỏi, kết bạn mới là một trong những cơ hội hiếm có mà những hội trại khác khó có thể kết nối được”…

Phật giáo dấn thân vì hòa bình

Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người đưa ra khái niệm “Phật giáo dấn thân” và cả cuộc đời ông đã hoạt động không ngừng nghỉ để kêu gọi hòa bình, đưa Phật giáo Việt Nam vươn ra thế giới. Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin gần hai thập kỷ trước, thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích về Phật giáo dấn thân: “Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền”, ông nói với nhà báo John Malkin.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp mặt Martin Luther King, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi vào năm 1966. (Ảnh Sweeping Zen)

Năm 1956, thiền sư làm Tổng biên tập của Phật giáo Việt Nam. Thập niên 1960, ông lập nên trường Thanh niên Phụng sự Xã hội (SYSS), một tổ chức từ thiện giúp xây trường học, trạm xá, và hỗ trợ những gia đình vô gia cư. Ông cũng là một trong những người thành lập Đại học Vạn Hạnh, trường tư thục danh tiếng, tập trung nhiều nhà nghiên cứu về Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam. Trong một buổi gặp mặt vào tháng 4/1965, đoàn sinh viên trường Vạn Hạnh đưa ra “lời kêu gọi vì hòa bình”, tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Sau này, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Columbia. Mục đích chính của những chuyến đi ra nước ngoài của ông là “dấn thân” vận động cho hòa bình. Tháng 6/1965, Thiền sư viết thư cho nhà hoạt động nổi tiếng Mỹ Martin Luther King Jr. để kêu gọi ông công khai chống lại Chiến tranh Việt Nam. Một năm sau, hai người lần đầu tiên gặp nhau tại Chicago, thảo luận về hòa bình, tự do và cộng đồng. Trong cuộc họp báo sau đó, King đã phản đối mạnh mẽ chiến tranh Việt Nam…

Là một trong những người thầy về Phật giáo ở phương Tây, những lời dạy và phương pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh thu hút sự quan tâm của nhiều người với các quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Ông đưa ra cách thực hành chánh niệm thường được điều chỉnh cho phù hợp với tri giác phương Tây. “Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm 100% vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức. Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây. Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa trả lời e-mail vừa nói điện thoại. Trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác. Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc”, Thiền sư viết trong cuốn sách “Quyền lực đích thực”.

Với việc tiên phong mang đạo Phật, đặc biệt là pháp môn chánh niệm đến xã hội phương Tây, thiền sư đã góp phần xây dựng một cộng đồng “Phật giáo dấn thân” cho thế kỷ XXI với gần 1.250 đệ tử xuất gia, theo tăng đoàn Làng Mai. Ngoài ra, còn hàng triệu đệ tử tại gia và độc giả trên khắp năm châu. Thiền sư cũng đứng ra tổ chức các khóa tu thiền cho nhiều người Israel và người Palestine, khuyến khích họ lắng nghe và học hỏi lẫn nhau, thuyết giảng kêu gọi các bên hãy đình chiến và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các mâu thuẫn. Năm 2005, ông tổ chức buổi diễu hành vì hòa bình ở Los Angeles với sự tham gia của hàng nghìn người. Tháng 5/2013, trong một buổi diễn thuyết kéo dài ba giờ tại sân vận động ở Hàn Quốc, thiền sư đã bàn về mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, chìa khóa để hòa giải chính là “biết lắng nghe”. Ông cũng khuyên các chính trị gia nên học theo con đường của Phật giáo để giúp ích cho đàm phán và hòa giải.

Sau hơn 4 thập niên rời xa quê hương, ông về Việt Nam lần đầu vào năm 2005 và năm 2007, ông đi khắp đất nước, tổ chức những khóa tu, buổi pháp thoại và gặp gỡ các tăng ni phật tử. Tại Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc ở Hà Nội, ông được mời về Việt Nam với tư cách người thuyết trình chủ đề chính…

Tuổi trẻ biết mộ đạo tu hành

Lâu nay đa số người Việt Nam cho rằng, đạo Phật là dành riêng cho các bậc già nua tuổi tác, nên khi thấy một thanh niên cạo tóc xuất gia, hoặc đến chùa lễ Phật thì họ xầm xì cho là chán đời, là bi quan, là trốn nợ xã hội. Nhưng họ đâu ngờ đạo Phật là “đạo của tuổi thanh xuân đang căng nhựa sống và tha thiết yêu đời”.

Nói thế, không phải cố gò bó đạo Phật cho gần với tuổi trẻ, mà vì thật tánh của đạo Phật rất thích hợp với hàng hoa niên. Sự thích hợp ấy bởi những điểm như: Thanh tịnh (Ðạo Phật cốt đào luyện tâm hồn người hoàn toàn trong sạch, nên cực lực sa thải những tính: tham lam, sân hận, oán thù… đang trú ẩn trong tâm giới người, tuổi thiếu niên tâm hồn còn trong trắng, những tính xấu nếu có, cũng chỉ một vài điểm nhỏ thôi, nếu họ sớm biết thức tỉnh quyết tâm tẩy trừ thì rất dễ dàng, như chiếc áo trắng vừa vấy vài vết nhơ, giặt tẩy rất mau sạch. Vì thế tuổi thiếu niên rất thích hợp với đức thanh tịnh của đạo Phật).

Chân thật (Ðạo Phật cấm nói dối và dạy quán vô thường, bất tịnh, khổ… đều nhắm mục đích này. Tuổi trẻ là ngây thơ chất phác, nghĩ sao nói vậy, nên ít biết dối trá xảo quyệt, rất gần với đạo Phật).

Từ bi (Ðạo Phật là đạo Từ bi, là đạo cứu khổ chúng sanh bằng mọi phương tiện và mọi hình thức. Cố nhiên phải là người niên tráng lực cường, thân hình căng đầy nhựa sống, mới đủ khả năng sớt cơm, chia áo và gánh vác những điều khó khổ nhọc nhằn cho chúng sanh).

Tinh tấn (Công trình tu tập như một bộ hành trèo núi cao mấy mươi cây số; muốn đến được đỉnh, người bộ hành phải dẫm qua lắm đoạn đường chông gai, đá sỏi, vượt qua nhiều vách đá cheo leo và trải qua những đèo cao, hố thẳm, nhiên hậu mới mong ngồi bóng mát trên đầu non chót vót và ngắm xem bức sơn thủy muôn màu ngàn sắc của trần gian. Như vậy, muốn thực hiện được công phu này, phải đòi hỏi ở người có cặp chân cứng rắn, đôi mắt tinh anh, sức lực dồi dào và đủ tinh thần quả cảm. Thanh niên là tuổi máu nóng đang lên, nhựa sống căng thẳng, đời sống còn dài, nên dễ thực hiện được công tác này).

Trí tuệ (Ðức Phật là đấng đã giác ngộ. Người tu theo đạo Phật là noi theo con đường sáng suốt của Ngài đã qua để đến thành trì giác ngộ. Muốn được giác ngộ cần phải có trí tuệ, vì trí tuệ là ánh sáng quét sạch màn đêm và soi tỏ mọi vật, khiến chúng hiện bày chân tướng dưới mắt người. Tuy nhiên, muốn có trí tuệ ta cần phải có thân hình tráng kiện, như nói: “Một tâm hồn sáng suốt trong một thân thể tráng kiện”; hay ngược lại, cũng thế. Như vậy tuổi trẻ rất dễ phát khởi trí tuệ, người già yếu trí tuệ cũng bị ảnh hưởng phải lu mờ. Bằng chứng, cùng một bài học mà người trẻ học mau thuộc, người già học rất lâu. Do đấy nên tuổi trẻ là tuổi rất thích hợp với đạo Phật).

Tóm lại, đạo Phật là đạo chung tất cả, nhưng thích hợp nhất là tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ mới có đủ phương tiện thực hiện triệt để giáo lý cao siêu của Phật, và tuổi trẻ mới đủ bầu nhiệt huyết hăng hái quả cảm trên con đường tự giác, giác tha, dù gặp mọi gian nguy khó khổ. Do đó nên Phật dạy bốn pháp kiên cố đến quả Bồ-đề, “tuổi trẻ biết mộ đạo tu hành” là một trong bốn điều ấy vậy.

Diệu Hương (tổng hợp)/PLVN