Trang chủ Văn hóa Du lịch Đánh thức địa linh

Đánh thức địa linh

98

Chẳng phải ngẫu nhiên mà có người quyết tâm bỏ cả chục ngàn tỉ đồng xây ngôi chùa Bái Đính mới trên một vùng núi rộng lớn và khoáng đạt. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà một vị cao tăng Thái Lan khi ghé lại ngôi chùa mới đang xây, biết đây là vùng địa linh, bèn nảy ra ý định thông qua đệ tử hiến tặng 6 viên ngọc xá lợi Phật cho chùa.
 
Lại càng không ngẫu nhiên khi trên chiếc chuyên cơ rước xá lợi Phật ra Bắc có cả các vị đại sư cao tăng, lẫn những diễn viên múa lân chưa một lần tiếp xúc giáo lý nhà Phật lại đi "bảo hộ" Phật ngọc. Ai có cơ duyên, người đó đến được với tâm tính Phật; vùng đất có cơ duyên thì sẽ được đánh thức cho dù phải qua gần 1.000 năm lãng quên.

Vùng đất bị lãng quên 1.000 năm

Trong trí nhớ hữu hạn của con người, hay trong bộ nhớ vốn nhiều khoảng trống của sách sử, không hiểu sao một vùng địa linh như kinh thành xưa Hoa Lư lại chìm vào quên lãng, kể từ khi Lý Công Uẩn quyết định dời đô ra Thăng Long. 1.000 năm trước đây, Hoa Lư từng lưu dấu 42 năm trị vì của các triều đại nhà Đinh, Tiền Lê, Lý.

Cũng ở vùng địa linh này, lần đầu tiên, Đinh Bộ Lĩnh mở nước, lập đô, lấy niên hiệu Đinh Tiên Hoàng- vị hoàng đế đầu tiên ở một nước độc lập. Mảnh đất núi non bao quanh như một thành trì vững chãi bảo vệ Đại Cồ Việt trước giặc ngoại xâm, thì nay là chốn vắng vẻ, nhiều lau lách, bụi rậm. Nhưng cũng có thể vì thế mà cả một vùng sơn thuỷ động hữu tình thơ mộng và kỳ vĩ lại còn nguyên, không nhiều người biết đến.

Dưới những chân núi đá vôi là 48 hang động thuộc hai huyện Gia Viễn và Hoa Lư trên diện tích khoảng 1.030ha. Các hang động này đi qua 31 thung và 18 điểm tâm linh. Vẻ hoang sơ của núi rừng trập trùng, tạo những thế núi bao quanh rừng nguyên sinh bạt ngàn, phía dưới là thung lũng xanh, những chiếc thuyền con chở khách đến các hang động tịch mịch.

Ở đây có sự giao hoà giữa trời đất, cây cỏ, đá núi, con người và cảnh nguyên sơ. Chính vì thế, Tràng An còn được gọi là "vịnh Hạ Long trên cạn".

Nhưng cái thú khi ngồi trên thuyền đi vào hang tối ngắm nhũ thạch xù xì hay lấp lánh muôn hình vạn trạng, lòng bình yên và thời gian như ngừng lại thì dường như không nơi nào giống như ở đây. Người ta đổ ra bến thuyền, nơi các cô lái đò áo xanh sắp hàng dài thuyền đón khách. Nào là hang Tối, hang Sáng, hang Địa Linh, rồi hang Si, Seo…

Nằm rạp người xuống khoang thuyền để tránh va phải nhũ đá như giọt nước rớt xuống từ vòm động, hay chỉ để soi đèn ngắm những khối đá đủ hình thù trên trần và hai bên, rồi có khi trong bóng tối dày đặc im ắng nín thở chỉ để nghe tiếng chèo khua nước, âm thanh của gió luồn qua những kẽ hở trong động và tiếng nước giọt lanh tanh. Dường như trong bóng tối đó có cả tiếng thở dài khẽ khàng của lịch sử.

Các bậc tao nhân đã chọn một hang động, nơi có giếng nước sâu 13-15m, bên cạnh là bãi đá trống, để cất rượu. Đồn rằng chỉ nước giếng ở trong hang Nấu Rượu thì mới làm nên rượu ngon. Hang Sính, hang Si, hang Ao Trai và hang Ba Giọt gắn với chuyện tình buồn của một chàng trai, đến đá cũng phải rơi lệ thương chàng, những giọt nước đông lại thành những khối nhũ đá lóng lánh.

Trên đường qua các động, khách đến thăm đền Trình – nơi thờ hai vị tướng trung của triều Đinh, đền Trần thờ một vị tướng thời Hùng Vương thứ 18, rồi phủ Khống với dòng khắc "Thế hồ thâm" là cả một câu chuyện bi thương của lịch sử. Khi Vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, 7 vị trung thần làm 100 chiếc quan tài bằng đồng và mang đi chôn cất, để không ai biết đâu là mộ vua. Sau đó, họ tuẫn tiết bằng rượu độc.
 
Có một vị Đinh Công trấn giữ kinh thành phía Nam nghe tin than khóc, trồng cây thị và lập bát hương thờ 7 vị . Cây thị lúc nào cũng cho 2 loại quả tròn và quả dẹt, đồn rằng rất linh, hái mà không xin thì y như rằng bị quở phạt. Khi Đinh Công mất, người dân lập phủ thờ, khắc 3 đại tự "Thế hồ thâm", nghĩa là nước mắt thâm sâu chảy mãi…

Tìm Phật, gặp thiên nhiên

Trong dòng 20 ngàn người lũ lượt xếp hàng dài dọc theo đường lên chùa Bái Đính hôm 6.6 chờ rước xá lợi Phật, có thể thấy rất đông các cụ già. Họ không quản nắng nóng, đám đông dằng dặc, kiên nhẫn chờ đợi trong nhiều giờ liền để có được giây phút hiếm hoi chiêm bái xá lợi Phật. Phần đông người đến là phật tử ở Bắc, Trung, Nam về đây.

Dễ nhận ra vẻ ngơ ngẩn của không ít hoà thượng trong Nam, khi nhìn thấy những cột gỗ to bằng tay người ôm ở cổng chùa Bái Đính. Toàn bộ cổng Tam quan của chùa có kết cấu hoàn toàn bằng gỗ. Những kiến trúc gỗ khổng lồ cho thấy sức người, sức của đổ vào đây quá lớn. Những người thợ xây dựng cho biết, loại gỗ kia phải chở từ bên Lào về.

Chùa Bái Đính (nghĩa là cúng bái trời đất, Tiên Phật ở trên cao) ngự trên khuôn viên rộng 700ha, được khởi công xây dựng từ năm 2004, dự kiến hoàn thành vào năm 2015, với tổng số vốn dự kiến là 6.200 tỉ đồng, do DN xây dựng Xuân Trường thực hiện.

Ngôi chùa này giữ nhiều kỷ lục nhất VN. Hiện có 6 kỷ lục: Chùa có bộ tam thế bằng đồng lớn nhất VN (mỗi tượng nặng 50 tấn, cao 7,5m), ngôi chùa có giếng nước lớn nhất, có pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất (nặng 100 tấn, cao 9,5m), có đại hồng chung lớn nhất nước (36 T), có hành lang La Hán lớn nhất và nhiều cây bồ đề nhất. Có cảm giác tiền bạc không hề thiếu khi người ta bỏ công xây chùa, mà chỉ thiếu thời gian đủ để làm nên những giá trị trầm tích.

Kiến trúc đồ sộ của ngôi chùa chỉ làm người ta ngỡ ngàng phút đầu, bởi đôi nét lai tạp vẫn còn vướng vất đâu đó. Người ta đến chùa, trước tiên là thoả lòng chiêm ngưỡng xá lợi Phật. Sự khao khát chiêm bái đôi khi trở thành sự cuồng tín, không ít phật tử cúi rạp dưới đất bất kể khi chưa có đám rước xá lợi Phật, hay chen lấn xô đẩy chỉ để cốt… được lách vào gần hơn. Đôi khi sự lệch tâm trong đời sống tinh thần thể hiện qua sự bất an và sùng bái thái quá, như một cơn khát tâm linh mà uống mãi cũng không thoả. 

Ở không gian rộng lớn, kỳ vĩ, núi non trập trùng này, chỉ cần nhìn rộng ra, thiên nhiên là một gạch nối mà chỉ một bước thôi, người ta có thể với đến sự thanh tịnh, rũ bỏ mọi khổ não ra khỏi tâm tưởng, vui sướng hít thở sự tự do trong thân.

Đường đi tìm Phật đôi khi không xa, có khi không phải qua trập trùng sách kinh hay những năm dài tu tập, mà ở trong từng giây phút một được tính là sự nhẹ nhõm, an nhiên, đầy niềm vui của hiện tại. Liệu xá lợi Phật khi được rước ra sân bay trên chiếc Limousine đen bóng lộn, trên xe hoa lộng lẫy, hay nằm yên vị trên bảo tháp ở Bái Đính có khác biệt gì chăng hay quan trọng nhất là sự đạt ngộ trong tâm tưởng mỗi con người?

Một vị hoà thượng ở Bình Dương cứ thắc mắc mãi, tại sao khi cung nghinh xá lợi Phật về chùa, người ta không thử lại xem có đúng là xá lợi Phật và thánh tăng thật hay không. Nếu không, sau này không ai chịu trách nhiệm. Đó là nỗi lo chính đáng trong thời buổi khó tin này, nhưng nghĩ cho cùng bên cạnh dấu tích của Đức Phật gửi lại nhân gian, thì rộng lớn và muôn đời hơn vẫn là chính pháp, là cách người ta mở tấm lòng vị tha biết quan tâm người khác hơn bản thân và đó chính là cách vọng tưởng, cúng dường thiết thực nhất.

Du lịch hang động và tâm linh

Khu du lịch Tràng An vẫn đang còn thời kỳ tiền khám phá, lượng khách đến chưa phải là nhiều. Trong khi những hang động khác ở nhiều nơi đang trong tình trạng bị khai thác chụp giật và thiếu văn minh, thì mức độ bị tàn phá ở đây còn rất nhẹ. Tuy nhiên, đã bắt đầu thấy rõ sự thiếu ý thức của không ít khách du lịch, khi xả rác, thức ăn, ném chai nước xuống lòng thung và trong hang động. Làm sao để kết hợp giữa du lịch khám phá hang động và du lịch mạo hiểm leo núi, giữa du lịch tìm về lịch sử và hành trình tâm linh ở vùng đất này là một bài toán khó.

Cân bằng giữa việc tăng lượng khách du lịch và giữ gìn môi trường sinh thái cũng không phải chuyện dễ. Có thể kết hợp du lịch sinh thái và du lịch thiền, khách có thể tận hưởng những phút giây bên cạnh thiên nhiên, sau đó nghe thuyết giảng ở chùa và tham gia vài khoá thiền ngắn hạn.

Những người dân địa phương lúc đầu sống nhờ làm ruộng và trồng cây ăn quả, còn bây giờ thì thu nhập chính lại phụ thuộc vào mùa khách du lịch. Cô Vui, người lái đò mấy năm nay cho biết, để xin được suất lái đò này, gia đình cô đã phải nộp sào ruộng cho chủ thầu để mở rộng đất làm du lịch.

Ngày đông khách nhất thì được 2 chuyến, mỗi chuyến cô được trả công 40 ngàn đồng. Còn bình thường những khi mùa vắng, thì có khi cả tháng được 1 lần. Hầu như gia đình nào cũng trông chờ vào những người phụ nữ đưa đò, ngoài thu nhập từ nuôi dê và trồng vải.

Nhưng không hiểu sao , khi nhìn vào vẻ mặt sáng sủa và trẻ hơn tuổi rất nhiều của cô, nhìn nụ cười nhẹ nhõm của cô, mới hiểu vì sao trong một hoàn cảnh sống khó khăn như vậy, mà người địa phương vẫn hồn nhiên vươn lên như cây cỏ.

Có thể vì địa linh, núi đá nhiều năng lượng tốt và cả sự hào phóng của thiên nhiên nơi đây đã nuôi dưỡng con người vui thoả trong bình dị chăng? Hay bản chất con người là thế, ở đâu cũng có thể sống được, chỉ cần làm lụng và hưởng lấy thành quả dù ít ỏi mà lại thanh thản vì không vướng bận quá nhiều tham, sân, si, hơn là cuộc sống ở những chốn đô thành kia?