Roberto Baggio sinh ngày 18/02/1967 tại Caldogno, Ý. Anh có biệt danh là “đuôi ngựa thần thánh” và được xem là một trong những tiền đạo vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Ý.
Danh thủ người Ý giành được cả 2 danh hiệu cao quý nhất của bóng đá thế giới khi còn thi đấu là Quả bóng vàng châu Âu (1993) và Cầu thủ xuất sắc nhất năm của FIFA (1993). Anh còn nổi tiếng khắp thế giới vì thực hiện không thành công loạt đá luân lưu của mình khiến đội tuyển Ý thất bại trước Brazil trong trận chung kết World Cup 1994.
Đạo Phật đã thay đổi nhận thức của Baggio về cuộc đời và giúp anh vượt qua những chấn thương, thất bại, tìm được cuộc sống hạnh phúc như hiện tại
Ở nơi Baggio có tất cả, chiến thắng và thất bại, hạnh phúc và khổ đau sau những bàn thắng, chấn thương, thất bại, vì bị nghi ngờ và gạt bỏ…
Sau khi từ giã sân cỏ vào năm 2004, Baggio nổi tiếng với các hoạt động từ thiện của mình. Anh trở thành đại sứ toàn cầu của Tổ chức Nông nghiệp và Thực phẩm thuộc Liên Hiệp Quốc vào năm 2005. Anh đảm nhiệm vai trò giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Ý từ năm 2010 đến 2013.
Trong cuốn tự truyện“Una porta nel cielo” (Có một khung thành trên bầu trời xanh), anh đã thuật lại:
Mùa bóng 1987-1988, tôi chơi 27 trận cho Fiorentina và ghi được 6 bàn. Tôi đã không ghi được nhiều bàn thắng hơn vì những chấn thương. Tôi không thể tham gia nhiều buổi tập.
Một lần, tôi được gọi vào tập và cảm thấy kiệt sức chỉ sau 10 phút. Trong thời điểm khắc nghiệt đó, tôi đã tiếp cận với đạo Phật. Ngày đầu năm 1988 là ngày mà cuộc đời tôi rẽ sang một trang mới. Nó có ý nghĩa không chỉ đây là ngày đầu năm mà còn có ý nghĩa với cả cuộc đời tôi.
Tôi gõ cửa nhà Morrichio, một người bạn ở Florence, lúc 7h30 sáng. Anh ta theo đạo Phật và đã thuyết phục tôi đổi tôn giáo sang đạo Phật. Tôi thường tin vào Thiên chúa. Khi còn nhỏ, tôi thường đi lễ Mina ở nhà thờ.
Tuy nhiên, tôi đã không có đức tin sâu sắc lắm. Tôi đã không đến nhà thờ nữa vì nhận ra đó đơn giản chỉ là một thói quen. Sự kiên định của Morrichio đã làm cho tôi càng muốn tìm hiểu thêm về đạo Phật. Tôi bắt đầu chú ý đến những quyển sách về đạo Phật và cuối cùng, theo bản năng, tôi đã đi đến quyết định này vào đầu năm 1988.
Cũng như mọi người, Morrichio thức suốt đêm để đón năm mới và mới chỉ ngủ 3 tiếng thì tôi tới. Anh ta ra mở cửa với cặp mắt vẫn còn mơ màng: “Mày hả? Cái gì vậy?”. Tôi nói: “Tao phải chuyển sang đạo Phật, ngay bây giờ. Nếu mày không tin thì… quên đi”.
Morrichio không thể tin được những gì tôi nói: “Mày điên rồi. Mày nên ngừng lại đi. Tại sao lại là bây giờ? Mày không chọn được lúc khác sao? Cái quái gì trong đầu mày vậy?”. Dĩ nhiên, anh ấy không bác bỏ lời đề nghị của tôi.
Thế là, vào một buổi sáng lạnh lẽo của ngày đầu năm, cuộc đời tôi bước sang một trang mới. Kể từ đó, tôi không thể dừng lại. Tôi ngồi thiền và đọc kinh 2 lần một ngày, mỗi lần 1 giờ. Nếu không bị việc gì làm gián đoạn, tôi sẽ tiếp tục ngồi không nghỉ bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.
Cốt tuỷ của đạo Phật là sự tự nhìn nhận. Tôn giáo này nhấn mạnh đến nhân quả và nghiệp. Con người phải chịu trách nhiệm về những gì xảy đến với bản thân họ. Tôi thường tự hỏi mình những lúc bị chấn thương: ‘Tại sao lại là tôi?’ . Phật giáo dạy bạn cách nhìn khác về tương lai. Bản chất cuộc đời cay đắng, khổ đau. Việc bị quá nhiều chấn thương có thể làm tôi nản lòng và sẽ dễ dàng từ bỏ bóng đá.
Nhưng tôi nhận ra rằng cuộc đời là một sự thách thức. Phật giáo dạy tôi phải biết đối mặt với những thách thức đó. Phật giáo đã thay đổi cách nghĩ của tôi, cho tôi sức mạnh và tránh xa những lầm lỗi. Ví dụ như lúc còn đá cho đội thiếu niên của Caldogno, chúng tôi đã chơi rất hay và đôi khi còn thu hút hàng ngàn người đến sân vận động. Nhưng cuối cùng, chỉ có mình tôi là trở nên nổi tiếng.
Cách đây vài năm, tôi đọc trên một tờ báo và được biết rằng một người bạn cũ ở Caldogno đã vướng vào nghiện ngập. Tôi cảm thấy đau khổ cho anh ấy và cũng cho chính mình vì khi anh ta đi chệch hướng, tôi đã không có mặt kịp thời để giúp đỡ. Thật quá dễ dàng để đi lầm đường.
Nếu không có đạo Phật, có thể bây giờ tôi đang rèn sắt với ba tôi ở Caldogno, hoặc có một tương lai tệ hơn: nghiện ma tuý hay có những thói quen tệ hại khác. Lúc này, Andreina rời Caldogno đến Florence sống với tôi. Trong những ngày đau đớn vì chấn thương, cô ấy là niềm an ủi to lớn đối với tôi.
Andreina là cô bạn hàng xóm từ thuở nhỏ của tôi. Tôi yêu cô ấy từ năm 15 tuổi. Đó là vào buổi tối ngày 24/7/1982, tôi chơi bóng với các bạn tôi đến 9h tối. Andreina chạy xe qua sân cỏ đến 3 lần. Khi cô ấy chuẩn bị ra về, tôi đã lấy một chiếc nhẫn của cô ấy và nói: “Anh sẽ không quay lại Vicenza trong 3 tuần. Anh sẽ đeo chiếc nhẫn này và vì thế em sẽ không thể không nghĩ đến anh”.
Trong khi huấn luyện ở Vicenza, tôi phát điên lên vì yêu. Ngay khi trở về Caldogno, tôi đã tìm Andreina và biết rằng tình yêu cô ấy dành cho tôi cũng rất sâu đậm. Chúng tôi đã đính hôn vào ngày 16/8/1982. Đám cưới của chúng tôi vào ngày 2/7/1989.
Một ngày trước đó, tôi chơi cho Fio trong trận quyết định với Roma ở cup UEFA. Khi trận đấu kết thúc, tôi quay lại Florence để lấy vài thứ rồi lập tức trở về Caldogno. Tối hôm đó, với tiếng guitar của một người bạn, tôi đã hát 1 dạ khúc dưới cửa sổ phòng ngủ của Andreina và thức suốt tới tận 7h sáng hôm sau. Ba giờ sau, chúng tôi cùng nhau đi tới tiệc cưới.
Tôi đã rất buồn ngủ và đã ngủ gục giữa buổi tiệc. Đám cưới được tổ chức ở nhà thờ Catholic. Vài người đã chỉ trích tôi không nên làm vậy vì tôi đã theo đạo Phật. Tôi biết rõ sự đối lập giữa hai tôn giáo này. Tuy nhiên, tôi đã quyết định thay cho Andreina và bố mẹ cô ấy vì họ cũng rất lo lắng với chuyện này. Nếu bây giờ mới tổ chức lễ cưới thì chúng tôi dứt khoát không tổ chức lễ cưới ở nhà thờ.
Vào lúc đó, tôi mới theo đạo Phật hơn 1 năm. Gia đình tôi đã nghi ngờ và phản đối việc thay đổi tôn giáo này. Cả Andreina cũng vậy. Cho đến một ngày, tôi phát hiện ra cô ấy đọc kinh Phật sau lưng tôi một cách e dè. Cô ấy đã nhận ra sự giúp đỡ to lớn của Phật giáo với tôi. Kể từ ngày đó, cô ấy đã không bao giờ dừng lại. Ngồi thiền và cầu nguyện với Đức Phật đã trở thành một nhu cầu chung trong cuộc sống của chúng tôi.
Nam Phương tổng hợp