Theo các vị cao tăng trong chùa, núi Túy Vân ngày xưa có tên là Mỹ Am sơn, năm đó chúa Nguyễn Phúc Tần trong một lần đi qua Tư Hiền thấy cảnh nơi đây quá hữu tình nên đã chọn đỉnh Mỹ Am Sơn để lập một ngôi chùa nhỏ cầu phúc an dân.
Năm Minh Mạng thứ 6 (2826), nhân dịp đến cửa Tư Hiền, vua ghé thăm Mỹ Am Sơn thấy chùa cổ điêu tàn, hoang vu mới cho xây dựng lại và đổi tên là chùa Túy Ba. Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), chùa được trùng tu và dựng thêm lầu. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841) được tiếp tục trùng tu và đổi tên chùa là Túy Vân.
Trải qua thời gian hàng trăm năm, chùa Túy Vân đã xuống cấp, điêu tàn đổ nát nhưng vẫn giữ được nét cổ kính của một ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm. Đây là ngôi chùa có hàng trăm gốc cây cổ thụ, bao quanh chùa là hệ thống rừng nguyên sinh với những gốc cây có đường kính hai ba người ôm không xuể, dây leo chằng chịt.
Chùa Túy Vân lọt thỏm giữa núi và sóng nước, khung cảnh như càng u tịch. Vào chùa vào những ngày oi nồng mà vẫn có cảm giác mát lạnh, giữa hoa và tiếng chim muông như đang lạc vào khu rừng nguyên sinh.
Con đường nhỏ hàng trăm bậc thang dẫn bước lạc giữa hàng cây cổ thụ, lá rừng trút giữa lối đi khiến người viếng chùa có cảm giác khác hẳn với những ngôi chùa khác.
Thú vị nhất là được leo lên đỉnh ngọn tháp ba tầng gọi là Điếu Tháp Ngư, từ đây đưa tầm mắt hướng ra xa có thể quan sát hết toàn cảnh của huyện Phú Lộc, nhìn sự hùng vĩ mênh mông của phá Tam Giang, cảng cá Tư Hiền và biển Đông. Chiều về, tàu thuyền từ ngoài phá lùa ghé mũi vào nhau tạo nên một bức tranh như sắp đặt tuyệt đẹp.