Về duyên khởi của y Kathina, luật Tứ phần, quyển 5, chương 8 (Y Kathina) cho biết như sau: Bấy giờ, Thế Tôn ở tại nước Xá Vệ. Khi ấy có số đông các Tỳ kheo sau khi an cư ở nước Câu Tát La xong, ngày mười lăm Tự tứ, ngày mười sáu đến hầu thăm Đức Thế Tôn. Trên đường đi, họ gặp mưa lớn, y phục ướt sũng, hết sức vất vả vì Tăng già lê (y lớn) quá nặng. Sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn, các Tỷ kheo được Phật quan tâm hỏi han về tình hình tu tập trong mùa an cư và nhận thấy tình trạng các Tỳ kheo vất vả như vậy, Ngài dạy: ‘An cư xong, có bốn việc cần phải làm. Đó là tự tứ (thỉnh cầu người chỉ lỗi lầm cho mình), giải giới (xả giới mùa an cư), kết giới (trả lại giới của già lam) và thọ y công đức (y Kathina)’. Thọ y công đức có năm điều lợi: Được chứa y dư, được lìa y nằm ngủ, được phép ăn riêng chúng, được phép ăn nhiều bữa (trước giờ Ngọ), được vào làng xóm trước và sau bữa ăn mà không cần báo cáo cho các Tỳ kheo khác biết.
Tất cả các bộ luật đều đồng nhất về duyên khởi của việc thọ y công đức. Tuy vậy, luật Ngũ phần và kinh Trung A Hàm (Ca si na kinh) còn cung cấp thêm một chi tiết về y Kathina liên quan đến Trưởng lão A Na Luật. Sau mùa an cư, ba y của Trưởng lão đã cũ rách, trong khi mắt của Trưởng lão bị mù nên nhờ Tôn giả A Nan thỉnh các Tỳ kheo may hộ y, cốt may xong y trong ngày. Phật biết sự việc nên phát tâm cùng các Tỳ kheo may y giúp ngài A Na Luật. Sau khi may y xong, Phật khuyến khích các Tỳ kheo nên thọ trì y Kathina.
Nhờ các nhân duyên đó mà ngày nay, sau ngày Tự tứ của mùa an cư, hàng Phật tử và Tăng chúng thường tổ chức lễ dâng, thọ y Kathina rất trọng thể. Vải để làm y Kathina, theo luật Tứ phần, là những loại vải hợp pháp dùng để may ba y thông thường của Tỳ kheo, ngoại trừ có sự gợi ý hoặc có được bằng sự xu nịnh hay tà mạng. Y Kathina phải được làm hoàn tất và tác pháp thọ y chỉ trong một ngày. Thời gian hợp pháp để thọ y là trong một tháng, kể từ sau ngày Tự tứ. Tỳ kheo được Tăng chúng đề cử thọ trì y Kathina phải gồm đủ năm đức: Không thiên ái, không dễ nóng giận, không sợ hãi, không si mê, biết đã thọ và chưa thọ (Luật Thập tụng).
Như vậy, thọ y Kathina có ý nghĩa là phần thưởng xứng đáng cho các Tỳ kheo đã thực hiện trọn vẹn phận sự an cư, thể hiện cụ thể qua năm công đức. Mặt khác, y Kathina do các Tỳ kheo phối hợp cùng chung sức làm nên thể hiện sự xác chứng và ngưỡng mộ của đại chúng đối với những thành tựu mà vị Tỳ kheo đạt được trong đời sống phạm hạnh. Đây là một vinh hạnh to lớn trong đời sống tu tập của các Tỳ kheo, có giá trị tinh thần và lan tỏa công đức cho đại chúng tinh tấn, noi gương hơn là nhằm thọ hưởng năm lợi ích vật chất.
Hàng Phật tử phát tâm dâng y Kathina, cúng dường lễ thọ y công đức thì được vô lượng phước báo. Theo HT.Bửu Chơn: “Thí chủ nào có tâm trong sạch dâng y Kathina đến chư Tăng thì sanh lên kiếp nào đều có sắc đẹp, y phục đầy đủ không thiếu chi. Nếu người nam thì sau này gặp Phật nghe pháp xong, muốn xuất gia thì sẽ trở thành Ehibhikkhu, nghĩa là khi muốn xuất gia bạch Phật, Đức Phật bèn gọi Ehibhikkhuvo: Ngươi trở thành Tỳ kheo đi! Khi ấy tự nhiên do phước báu của lễ Kathina mà vị ấy trở nên một vị Tỳ kheo có đủ tam y, quả bát và tám món vật phụ tùng, giống như vị Tỳ kheo đã xuất gia lâu rồi vậy, khỏi cần phải cạo tóc và kiếm y bát chi cả. Còn người nữ thì không trở thành Ehibhikkhu được, nhưng sanh lên kiếp nào cũng có y phục dồi dào đầy đủ, lại thêm có sắc đẹp hơn người. Đừng nói chi đến sự dâng cúng y đầy đủ mà dầu cho khi có người làm lễ dâng, mình hùn kim chỉ để may y thôi nhưng phước báu cũng không kể hết được (Sách Đại Lễ Dâng Y Casa).