Một trong những chỗ dựa của loại ý kiến này là việc khai thác não trạng bài Trung Quốc, phát triển mạnh trong cộng đồng người Việt hải ngoại, sau một số sự kiện liên quan đến vấn đề tranh chấp biển Đông.
Những người đề ra ý kiến bỏ tết ta nhấn mạnh đến mục tiêu giải trừ những ảnh hưởng Trung Quốc, trong đó tết nguyên đán là một biểu hiện quan trọng của ảnh hưởng đó.
Thoạt nghe thì có vẻ thiện chí.
Ở đây, xin phép không bàn luận đến vấn đề Tết Nguyên đán mang tính chất truyền thống dân tộc như thế nào và còn chịu ảnh hưởng của Trung Quốc ra sao.
Mà bài viết tập trung vào việc chỉ ra một trong những hậu ý của đề nghị nói trên.
Những năm gần đây, tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ, những ngôi chùa Việt đã trở thành tâm điểm của ngày tết nguyên đán.
Không khí ngày tết Việt đương nhiên không có trên đường phố Mỹ, siêu thị Mỹ, mà nó biểu hiện trước hết ở những khu thương mại Việt Nam vào những ngày giáp tết.
Từ 30 Âm lịch trở đi, không khí tết của người Việt Hải ngoại chuyển về các chùa.
Vào chùa Việt ở Mỹ, Canada, Pháp, Úc…, trong những ngày tết người Việt có cảm giác trở về Việt Nam.
Những bức ảnh chụp, những đoạn video cho thấy chùa Việt hải ngoại trong dịp Tết Nguyên đán đông đảo không khác chùa chiền trong nước.
Cá biệt, có những bức ảnh cho thấy có những đám đông đặc kín người tay cầm những cành mai loại trồng ở Mỹ, bán gây quỹ từ thiện, giữa không gian hương khói mịt mờ.
Mua mai ở chùa để gây quỹ từ thiện trong dịp tết với số lượng lớn vào những ngày trong tết (30, mùng 1) là điều các chùa trong nước chưa có (thường là việc mua hoa tết của người trong nước kết thúc vào trưa 30 tết, khi những chợ hoa đã dọn dẹp, sau giao thừa không còn mua gì cả).
Hình ảnh chùa chiền hải ngoại ngày tết Âm lịch tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng của người Việt định cư ở nước ngoài.
Vì vậy, khách đi lễ chùa đã đông càng đông hơn.
Nghe các chương trình nói về sinh hoạt cộng đồng người Việt hải ngoại trong dịp tết của đài VOA, BBC, RFI, RFA, thì cũng toàn nhắc đến tên chùa với chùa. Tết ở chùa này thế này, ở chùa khác thế kia.
Người ta đi chùa Việt Hải ngoại trong dịp tết những năm gần đây cũng không giống như lễ chùa Việt trong nước (15 – 20 phút, lễ Phật xong rồi về), mà ở nước ngoài Phật tử và Việt Kiều nói chung (kể cả người theo các tôn giáo khác) ở lại chùa cả ngày, từ sáng đến tối, chờ đợi gặp gỡ bạn bè, người thân hàn huyên tâm sự, hưởng thụ tối đa không khí tết Việt.
Có thể nói chùa Việt Nam ở hải ngoại đã mặc nhiên nhận lãnh vai trò đứng ra tổ chức ngày tết hàng năm cho người Việt xa xứ, với những sinh hoạt ngày càng phong phú, không chỉ tụng kinh lễ bái, mà còn là cơm trưa, văn nghệ, rút thăm tặng quà lẫn nhau, tổ chức bán hoa gây quỹ từ thiện, phát hành kinh sách, băng dĩa thuyết pháp, tổ chức giao lưu gặp gỡ, giới thiệu sách…
Chùa Việt hải ngoại trở thành những ốc đảo Tết Việt giữa các nước châu Âu, Bắc Mỹ.
Không về Việt Nam ăn tết được ư? Thì cứ tới chùa ăn tết mệt nghỉ.
Trước ảnh hưởng lớn lao, sự phát triển sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại trong trong dịp tết, ngày càng tác động mạnh mẽ đến toàn thể cộng đồng người Việt xa xứ, thu hút cả những người không phải Phật giáo, một số các tôn giáo khác phải tính cách đối phó.
Ngoài chùa Phật giáo ra, các cơ sở những tôn giáo khác đều khó lòng trở thành những tâm điểm tổ chức tết nguyên đán.
Cũng có thể có cành mai, cành đào, phong pháo giả, câu đối đỏ, nhưng như ta vẫn thấy ở Việt Nam, nó chỉ có tính chất trang trí hình thức, mà không thể trở thành nội dung máu thịt.
Bởi bản chất vấn đề là đã như vậy, đã có sự phân chia rạch ròi. Có khi lễ ở các cơ sở những tôn giáo khác xong, người ta lại đổ đến các chùa vui tết.
Ở Việt Nam hiếm có cái cảnh từng nhóm thanh niên hay các gia đình trải bạt picnic ngồi chơi trong vườn chùa để tận hưởng cho kỳ hết không khí ngày xuân, giữa tiếng cười nói chúc tết liên tục, giữa hương trầm phảng phất.
Ra khỏi chùa Việt là hết tết. Có Việt kiều tâm sự, đi chùa rồi, về nhà, cảm thấy buồn quá, lại trở lên chùa chờ bạn bè đến.
Vậy nên, để triệt tiêu vai trò tâm điểm tổ chức tết Âm lịch cho tất cả đồng bào Việt Nam xa xứ, không phân biệt tôn giáo của chùa Việt Nam ở hải ngoại, cách tốt nhất là cố gắng dẹp luôn ngày tết nguyên đán, thay vào đó là tết tây, với tuần lễ từ sau Noel đến mồng một dương lịch, chủ yếu tổ chức ở nhà thờ.
Tất nhiên, muốn xóa bỏ ngày lễ hàng đầu trong truyền thống dân tộc Việt Nam chỉ là một ảo tưởng thiếu khôn ngoan và điều thất bại là điều chắc chắn.
Tuy vậy, điều đó cho thấy người ta ngày đêm tìm đủ mọi cách để bào mòn, triệt hạ sinh hoạt Phật giáo Việt Nam, loại dần ảnh hưởng chùa chiền Việt Nam trong sinh hoạt người Việt.
Hậu ý của đề xuất bỏ tết ta, chỉ ăn tết tây thâm hiểm như vậy đó.
Họ mượn cớ bài Trung Quốc để thực chất cố gắng làm chùa Việt ở hải ngoại mất vai trò tập trung thu hút công chúng.
Tất nhiên, Phật giáo chúng ta không bận tâm với những ý kiến kỳ quặc như thế, và ngày càng tìm kiếm những hình thức tổ chức tết sao cho thật vui tươi, hấp dẫn, đạo vị, nhất là thông qua đó tranh thủ cơ hội hoằng dương chánh pháp.
Chắc cũng chỉ có vài người trong số hàng triệu Việt kiều bỏ tết ta, chỉ ăn tết tây.
Khi đó, khi tết nguyên đán đến, họ cứ nằm nhà, bịt tay lại, đừng nghe nhạc xuân, tắt TV đi để không phải thấy phóng sự, tin tức về những ngôi chùa đầy ắp khách thập phương lễ bái, và cứ cố gắng ức chế mà tưởng tượng đây là những ngày bình thường.
Quả thật là đáng thương cho họ.
MT