Hướng khai thác than "nhắm" thẳng di tích!
Quyết định số 2809/GP-BTNMT ngày 31/12/2008 về việc cấp phép khai thác cho Công ty TNHH một thành viên 91 (thuộc Tổng Công ty than Đông Bắc) được phép tiến hành khai thác than tại khu vực phía đông mỏ Khe Chuối với tổng diện tích 0,18km2, trữ lượng khai thác 754.660 tấn than, khai thác ở mức sâu +500 đến mức +100m; công suất 30.000 tấn/năm. Với trữ lượng và công suất này, trong thời hạn 14 năm, giấy phép khai thác của công ty này mới hết thời hạn.
Tại biên bản kiểm tra ngày 3/4/2009, đoàn công tác Bộ TN&MT xác định, toàn bộ diện tích 0,18km2 này không nằm trong vùng cấm và hạn chế khai thác khoáng sản tại tỉnh Quảng Ninh (được nêu trong văn bản số 491/CP-CN ngày 13/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ).
|
Theo bản đồ quy hoạch, cửa khai thác than tại điểm mé đông mỏ Khe Chuối cách chùa Hoa Yên chưa đầy… 1000 mét theo đường thẳng!
|
Trong khi đó, trong một lần được công ty này mời đến làm lễ động thổ, UBND thị xã Uông Bí mới nhận thấy toàn bộ diện tích được cấp phép khai thác than lại nằm hoàn toàn trong khu vực rừng đặc dụng Yên Tử (thuộc tiểu khu 9B – khu bảo vệ Di tích – Danh thắng Yên Tử). Cùng với UBND thị xã Uông Bí, Trung tâm quản lý Di tích danh thắng Yên Tử đã báo cáo lên UBND tỉnh xem xét có ý kiến đề nghị Bộ TN&MT dừng cấp phép khai thác tại khu vực này.
Theo Quyết định cấp phép của Bộ TN&MT, mỏ than này sẽ được khai thác theo phương pháp hầm lò. Các chuyên gia nhận định, khi khai thác than, các đơn vị thi công sẽ đi sâu vào các vỉa 4, 5, 7 theo chiều ngang (xuyên lòng núi). Để thu được hiệu suất lớn, bắt buộc phải phá hoả, như thế sẽ tạo các khoảng rỗng bên trong ruột, làm biến dạng bề mặt và gây rạn nứt.
Hướng khai thác này sẽ “nhắm” thẳng vào khu di tích Yên Tử, trực tiếp ảnh hưởng đến chùa Hoa Yên. Theo bản đồ quy hoạch được xác định, từ cửa khai thác than đến trung tâm di tích Yên Tử chưa đến 1.000m đường chim bay
Trong biên bản kiểm tra thực địa của Cục Địa chất – Khoáng sản cùng các cơ quan liên ngành của tỉnh Quảng Ninh tại khu vực đông mỏ Khe Chuối kết luận: điểm 5 và các điểm 1, 2, 3, 4, 6 (các điểm khép góc diện tích 0,18km2) nằm trong diện tích rừng đặc dụng Yên Tử.
Nhưng khi yêu cầu giải thích lý do cấp phép vùng khai thác than trùng với rừng đặc dụng vì "nhầm lẫn toạ độ”, những người trong cuộc chỉ có trả lời, đó là do việc sử dụng các hệ toạ độ khác nhau trong bản đồ khu vực khai thác than và bản đồ quản lý tài nguyên rừng – không thấy ai nhắc đến vấn đề xử lý và chịu trách nhiệm?
“Dừng mọi hoạt động khai thác than tại khu vực Yên Tử!”
Sau khi sự việc được chính quyền huyện Đông Triều phát hiện dự án khai thác than mỏ Khe Chuối của Công ty TNHH một thành viên 91 chồng lấn lên khu vực rừng đặc dụng – tiểu khu 9B, những hoạt động tiến hành khai thác tại khu vực này đã được dừng lại.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Yên Tử là địa danh linh thiêng, là di tích lịch sử cấp Quốc gia nên bất kỳ hoạt động khai thác khoáng sản nào có nguy cơ xâm hại tới danh thắng này đều không được phép tiến hành. HĐND tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu Công ty 91 dừng mọi hoạt động khai thác!”.
Ông Hưng khẳng định, việc khai thác than xung quanh vùng núi Yên Tử là không thể. Theo ông Hưng, UBND tỉnh Quảng Ninh đã sai sót trong việc xem xét báo cáo thăm dò thực địa của đơn vị khai thác, trước khi báo cáo lên Bộ TN&MT và Cục Địa chất – Khoáng sản xin cấp giấy phép khai thác tại khu vực mỏ này.
Ông Đỗ Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thì cho rằng, khu vực cho phép khai thác than tại mé đông mỏ Khe Chuối vẫn còn cách xa khu vực rừng quy hoạch. Cụ thể, điểm xa nhất cách 200 mét, điểm gần nhất cách 30 mét. Ông Thông cũng cho hay, hiện trạng phần rừng đặc dụng vẫn chưa bị “động chạm” đến, và việc tiến hành khai thác mới bắt đầu ở việc… động thổ!
|
Khu vực khai thác than trùng lấn với tiểu khu 9B – rừng đặc dụng Yên Tử.
|
Một điều may mắn (cho di tích Yên Tử hay cho chính quyền sở tại?), khi dự án khai thác này mới chỉ bắt đầu hoàn tất trên mặt giấy tờ, còn thực tế, vẫn chưa có bất cứ một nhát cuốc, nhát xẻng nào động chạm đến đất thiêng. Tuy nhiên, cần có một sự minh bạch và khách quan để quy trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc chấp bút để dự án khai thác than này, dù là mới "sai sót" trên văn bản. Khi được hỏi, lãnh đạo chính quyền địa phương có “nhắc” đến trách nhiệm của Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, khi tham gia cùng Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh dẫn đoàn khảo sát thực địa đã không “phát biểu” về 18ha rừng đặc dụng mới được phê duyệt vào nhóm 3 loại rừng vừa được quy hoạch từ năm 2007, từ đó dẫn tới việc, khi báo cáo lên UBND tỉnh để trình lên Bộ TN&MT phê duyệt dự án cho phép khai thác than tại khu vực này, mới có “sai sót” mang tính dây chuyền đó.
Câu chuyện khai thác than tại khu vực Yên Tử, chắc chắn không phải là “việc riêng” của những người trong cuộc, bởi một lẽ, đây còn là địa danh linh thiêng của hàng triệu người dân Việt. Lợi ích tự việc khai thác khoáng sản vàng đen này mang lại không thể phủ nhận, thế nhưng, nếu Yên Tử không phải là một địa danh "nhạy cảm", linh thiêng như vậy, thì liệu những "sai sót" này có chịu dừng trên văn bản?
Ngày 23/4/2001, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có QĐ số 1068 phê duyệt dự án đầu tư rừng đặc dụng Yên Tử giai đoạn 2001 – 2010. Tại khoản 2 điều 1 của văn bản này xác định, phạm vi ranh giới của vùng dự án có tổng diện tích 2.686,5ha, ở 3 tiểu khu: tiểu khu 9, tiểu khu 32 và tiểu khu 36 thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí.
Năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch thêm 368ha gồm 3 loại rừng chính: vùng cấm tuyệt đối; vùng hạn chế khai thác và rừng đặc dụng (có diện tích là 17,8ha). Đây là khu vực nghiêm cấm các hoạt động khai thác khoáng sản và là vùng được bảo tồn.
Rừng đặc dụng Yên Tử cũng đang trong quá trình xúc tiến đề nghị nâng cấp thành vườn Quốc gia Yên Tử.
|