Nhưng ý nghĩa không dừng lại ở quy mô tổ chức, bởi vốn dĩ Lễ Phật đản ngay từ những kỷ nguyên độc lập dân tộc đã là lễ hội nhà nước.
Những giá trị chung của Phật giáo suốt mấy nghìn năm nay không chỉ được thể hiện qua những tư tưởng triết lý, những bài học nhân sinh mà hơn hết là cách trải nghiệm của từng cá nhân trong một chu trình hoàn thiện nhân cách (thực tu, thực chứng) dù ở cấp độ “nhân thừa” hay “bồ tát thừa”…
Chính vì vậy, trong lịch sử truyền bá, sự thực hành cá nhân sâu sắc ấy đã cụ thể hóa thành những hành vi ứng xử văn hóa, tôn trọng, hiểu biết và bất hại. Đó là những “tiêu chí” cụ thể nhất để Liên Hiệp Quốc tôn vinh đạo Phật là đạo của trí tuệ, tình thương và hòa bình.
Trong thế giới mà chiến tranh sắc tộc tôn giáo vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thế giới, nhìn một cách toàn diện, điều ấy càng khẳng định thêm những giá trị lâu dài của tư tưởng Phật giáo.
Phật giáo Việt Nam là một trong những minh chứng sinh động cho những bài học trên, bởi trong dòng chảy lịch sử đầy thăng trầm, Phật giáo đã đem lại cho dân tộc những thời đại cường thịnh, khoan dung, thuần từ và một nền văn hóa đã thấm sâu từ trong nếp sống, ngôn ngữ và nghệ thuật.
Từ những biến thiên của lịch sử, từ những lãng quên thời thế, Phật giáo vẫn âm thầm bền bỉ sánh bước cùng dân tộc và không hề bi quan trước mọi thử thách của vô thường. Giá trị của tư tưởng Phật giáo Việt Nam là những giá trị chung được tiếp nối trên cơ sở tinh thần nhân sinh dân tộc, cho nên ngay từ những buổi đầu của nền độc lập, Việt Nam đã xuất hiện những ngôi chùa mang tên Khai Quốc (Mở Nước), Trấn Quốc (Giữ Nước)…
Và với khả năng thích ứng xã hội và thời đại ở những giai đoạn đầu, đạo Phật đã trở thành quốc đạo, tham dự đầy đủ và tích cực với tất cả những vấn đề mà thời đại đặt ra. Và Phật giáo Việt Nam còn mang một ý nghĩa giá trị khác đó là “Phật giáo nhập thế”, một điều đang rất cần được phát huy trong đời sống hiện tại.
Sở dĩ Phật giáo Việt Nam “sống được” cho đến ngày nay dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử chính là nhờ vào những giá trị tinh thần được tiếp nối một cách bền bỉ ấy. Giọt lệ bi tâm trong những đêm thiền – tịnh vẫn truyền đời nhỏ xuống, câu niệm Phật, niềm ước nguyện thanh bình mộc mạc giản dị vẫn vang vọng trên khắp làng quê Việt Nam chính là nỗi niềm đau đáu với vận mệnh dân tộc.
Vận mệnh dân tộc là vận mệnh của Phật giáo nên không có lý do gì những giá trị Phật giáo được tôn vinh trên khắp thế giới lại không thể được đón chào tại Việt Nam, một dân tộc mà Phật giáo luôn cùng đi chung trên con đường vinh nhục.
Giáo sư Trần Đức Thảo có viết: “Nghiên cứu tư tưởng sử là phải phân biệt cái gì có giá trị, cái gì không, cái gì liên quan với di tích lạc hậu trong một bộ phận lạc hậu của xã hội hay trong tâm lý cá nhân, cái gì có tính chất tiến bộ tuy phát sinh trong giai đoạn trước, nhưng cần phát triển hơn nữa trong hiện tại” (Lịch sử tư tưởng trước Marx).
Sự tôn vinh những giá trị Phật giáo chính là nhằm củng cố và phát triển những giá trị thiết thực hiện tại của Phật giáo mà tính thống nhất của nó trong dòng lịch sử các dân tộc phương Đông đã chỉ ra.
Liên Hiệp Quốc tôn vinh những giá trị của đạo Phật bằng việc tổ chức kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật vào mỗi năm không phải là một cuộc đầu tư tư tưởng “nóng”, nhất thời, mà là những nhận thức căn cơ trước những khủng hoảng toàn diện về môi trường sinh thái về các thước đo giá trị trong một thế giới đa cực mà nhiều những thế lực lớn đang giữ quyền bao quát và lấn sân.
Liên Hiệp Quốc đã tôn vinh những nguyên tắc sống của đạo Phật, mong muốn rằng điều này có thể đem đến những tiến bộ và hòa bình cho thế giới. Việt Nam đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc không phải là một cuộc “tìm ra” và “phát hiện lại” những tinh thần dân tộc, nhập thế của Phật giáo Việt Nam, mà vốn dĩ những nguyên tắc sống làm người căn bản đã được nhiều vị vua Lý – Trần khuyến khích xã hội thực hành.
Đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, với những hình thức ấn tượng, tiếp đón chu đáo, trọng thị… là điều cần thiết, song bạn bè thế giới phải được quyền hiểu cái gì là tinh hoa của Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.
Thiết nghĩ câu hỏi “Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc 2008 Việt Nam được gì?” rất cần được trả lời trên cơ sở của những nguyên tắc sống mà chúng ta cùng nhau cỗ vũ trong xã hội, chứ không phải ở những danh xưng “lần đầu tiên tổ chức hoành tráng”, “tầm cỡ quốc tế”… Bởi sự kiện Liên Hiệp Quốc tôn vinh những giá trị đạo Phật vốn dĩ đã là một thông điệp có sức sống và giá trị truyền cảm cao đối với thế giới.
Cần phải nói, có lúc, chúng ta đã rất “đói” thông tin khi mãi đến năm 2007, báo chí trong nước mới chính thức phổ biến tinh thần này của Liên Hiệp Quốc, bởi trước đó, vào năm 2000, Liên Hiệp Quốc đã chính thức lấy ngày Phật đản làm ngày Lễ hội tôn giáo của thế giới và được tổ chức lần đầu tiên tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc – New York (Mỹ).
Như trên đã nói, đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc không phải là một cuộc “đầu tư nóng”, vì những nguyên tắc sống của đạo Phật rất cần được triển khai và phổ biến trong hệ thống giáo dục. Bởi khi hỏi “được gì?” thì phải hiểu mình sẽ được những cái cụ thể gì đằng sau lối sống của một dân tộc có 2.000 năm Phật giáo hiện diện.
Về phía Phật giáo cần phải bắt đầu quá trình tự đánh giá: năng lực giáo hội, nhân sự, chiều sâu tu tập (quản lý thời gian tu tập, nhân cách cá nhân), chiều rộng về nhận thức chính trị xã hội (thời gian dành để cống hiến, dân thân, nhập thế), các kỹ năng về tổ chức và trách nhiệm cá nhân cao trước các vấn đề liên quan đến lợi ích chung.
Từ đó hoạch định chiến lược giáo dục, hoằng pháp nhằm đến những vấn đề như: tinh thần dấn thân nhập thế mới, hoàn thiện nhân cách người công dân – Phật tử, nhận thức và củng cố đường hướng tâm linh cho tương lai, xây dựng đời sống gia đình lành mạnh, tiềm lực và giá trị của giáo dục Phật giáo đối với xã hội, rèn luyện khả năng thích ứng xã hội của thế hệ trẻ Phật tử, giải phóng mọi tiềm năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người Phật tử khi tham gia cống hiến cho đạo pháp và cộng đồng xã hội…
Về phía Chính phủ, cần có một cái nhìn toàn diện hơn về Phật giáo, để cụ thể hơn những điều đã nói và làm, để Phật giáo Việt Nam trở thành một kênh giao tiếp xã hội, có tiếng nói thiết thực trong sự phát triển chung của đất nước. Đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Chính phủ nên tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam hội nhập toàn diện hơn với Phật giáo thế giới mà từ năm 1950 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã là thành viên sáng lập.
Có thể nói, cái “được” chung chính là một sự “chuyển mình”, điều chỉnh thực sự từ trong suy nghĩ, nhận thức, lời nói, việc làm để thống nhất những giá trị Phật giáo được tôn vinh trở thành những giá trị thiết thực trong cuộc sống xã hội thường nhật.
Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc thì Chính phủ và Giáo hội có quyền và khả năng xác định mối liên hệ nhân – quả, sự nhận thức và tương quan giữa phương tiện và mục đích của vấn đề, bởi trên thực tế cả về phía Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt nam cũng đã tự trao cho mình một lợi thế quảng bá hình ảnh lớn hơn và trách nhiệm cao hơn.
“Việt Nam là nước thành viên của Liên Hợp quốc, là ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc 2007 – 2008. Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Việt Nam tỏ rõ thiện chí và quyết tâm ủng hộ chủ trương của Liên Hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Điều này phù hợp với giáo lý của Đức Phật và phù hợp với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việt Nam là nước có Phật giáo với truyền thống đã gần 2 ngàn năm. Phật giáo ở Việt Nam được đánh giá là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, bởi vậy đất nước Việt Nam tôn trọng các giá trị nhân bản, nhân văn của Phật giáo. Đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008, Chính phủ Việt Nam đề cao giá trị của Phật giáo đồng thời đề cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta…”. |