Trang chủ PGVN Lịch sử PGVN Đám tang đế vương lạ lùng nhất trong lịch sử

Đám tang đế vương lạ lùng nhất trong lịch sử

86

Trần Nhân Tông tên thật là Trần Khâm, vị vua thứ ba của nhà Trần,  ông ở ngôi 15 năm (1278-1293) sau đó nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng hoàng 15 năm rồi xuất gia tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Điếu ngự giác Hoàng. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh trong lịch sử Việt Nam

Trần Nhân Tông mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Ngày mồng 3, Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo: Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay!

Nói xong, Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hóa. Thiên Thụy cũng mất vào hôm đó. Pháp Loa thiêu (xác Thượng hoàng) được hơn ba ngàn hạt xá lỵ mang về chùa Tư Phúc ở kinh sư”.

Tháp chứa xá lỵ và tượng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử.

Đến tháng 9 năm Canh Tuất niên hiệu Hưng Long năm thứ 18 (1310), triều đình làm lễ an táng vua ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng (thuộc Thái Bình ngày nay), xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông.

Lễ tang của Trần Nhân Tông trở thành một sự kiện lạ lùng bậc nhất trong lịch sử. Bấy giờ dân chúng nghe tin đã cùng nhau tụ tập đông nghẹt từ ngoài cho đến cung điện để tiễn đưa linh cữu vị vua anh minh. Dân được vào tận cung điện đã lạ, những chuyện tiếp sau đó càng lạ hơn. Sử cho biết như sau:

“Mùa thu, tháng 9, ngày 16, rước linh cữu thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ thì cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế. Đem Khâm Từ Bảo Thánh thái hoàng thái hậu hợp táng ở đấy.

Trước đó, linh cữu Nhân Tông tạm quàn ở điện Diên Hiền. Khi sắp đưa rước, đã đến giờ rồi mà quan lại và dân chúng còn đứng chật cả cung điện. Tể tướng cầm roi xua đuổi mà vẫn không giãn ra được. Vua cho gọi Chi hậu thánh chưởng Trịnh Trọng Tử tới bảo: Linh cữu sắp đưa rồi mà dân chúng đầy nghẽn như vậy thì làm thế nào? Ngươi hãy làm cho họ tránh ra!.

Trọng Tử lập tức đến thềm Thiên Trì, gọi quân Hải khẩu và quân Hổ dực (quân do Trọng Tử trông coi) đến ngồi thành hàng trước thềm, sai hát mấy câu điệu Long Ngâm. Mọi người đều kinh ngạc, kéo nhau đến xem, cung điện mới giãn người, bèn rước (linh cữu thượng hoàng) về lăng Quy Đức.

Trọng Tử lo dọc đường thế nào cũng có chỗ cao thấp quanh co, nếu nghiêm túc im lặng thì sợ có sự nghiêng lệch, nếu truyền gọi bảo ban thì lại e ồn ào, bèn đem những lời dặn về cách đi đứng dàn hàng, phổ vào khúc hát Long Ngâm, sai người hát lên để bảo nhau. Người thời ấy rất ca ngợi ông. Ý tứ khéo léo của ông đại loại như vậy. Vua gọi ông là con nhà trời, vì ông hiểu khắp mọi nghề, lớn nhỏ đều thạo, không việc gì là không biết” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Điệu hát Long ngâm (khúc ngâm về rồng- tức vua) do Trịnh Trọng Tử theo lối cổ vãn đặt ra, đây là một lối hát vãn, giọng bi ai, nghe rất cảm động… Suốt mấy ngày ấy từ Thăng Long đến Long Hưng (Thái Bình), Long Ngâm khúc đã vang lên suốt dọc đường  theo linh cữu của vị vua anh minh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau này “Long ngâm” là bài nhạc dùng trong chùa vào những ngày lễ lớn, cho thấy trong cung đình lúc bấy giờ rất thường sử dụng nhạc mang âm hưởng Phật giáo và dân gian.

Qua cảnh tượng này chúng ta thấy rõ lòng ái mộ của nhân dân đối với triều đình và đức thân dân của các vua nhà Trần. Sử thần nhà Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên có lời bình về sự kiện lạ lùng này như sau: “Triều đình cốt phải nghiêm. Rước đưa linh cữu thì cần gì phải đến tể tướng dẹp người, hữu ty dùng kế mới đi được, ấy là bởi nhà Trần khoan hậu thì có thừa mà nghiêm khắc thì không đủ vậy!” (Đại Việt sử ký toàn thư).