Trang chủ Tin tức ĐăkMil: Lễ hội Hoa Đăng cầu Quốc Thái Dân An tại Hồ...

ĐăkMil: Lễ hội Hoa Đăng cầu Quốc Thái Dân An tại Hồ Tây

165

Được biết, Lễ Hội Hoa Đăng 2013 bắt đầu từ ngày 16 – 18/ tháng giêng/năm Quý Tỵ với nhiều chương trình vừa mang tính nghệ thuật, vừa có ý nghĩa tâm linh như phát hành đèn hoa sen tại chùa Hoa Nghiêm; khai đàn Dược sư; phóng sanh cầu quốc thái dân an; cúng tạ lễ sơn thuỷ đất đai thần hoàng; chẩn tế chư anh linh. Riêng ngày 18/ tháng giêng thì chính thức Lễ hội Hoa đăng tại Lễ đài hoa viên Hồ Tây.

Bắt đầu 16h00”, dòng người càng lúc càng đông, đổ dồn về chật kín khu vực hồ nằm giữa trung tâm thị trấn vốn thường tĩnh lặng, giờ thì càng trở nên sống động bởi âm thanh, những bước chân tới lui, tiếng cười nói chào hỏi của Phật tử râm ran. Đặt chân vào hoa viên Hồ Tây, giữa rừng người mà ai cũng có vẻ thân thiện, cho ta cảm nhận đâu đây hương thơm hoa cà phê hoà quyện với hương vị của lòng người Đăkmil sao rất đổi mến thương.

Tham dự và chứng minh buổi lễ có: HT.Thích Quảng Xả – UV thường trực HĐTSTW GHPGVN – Trưởng BTS PG tỉnh Kontum; TT.Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT); TT.Thích Quảng Tuấn  – UV HĐTS – Trưởng BTS PG tỉnh Đăknông; ĐĐ.Thích Quảng Hiền – UV  HĐTS – Phó thường trực BTS PG tỉnh Đăknông; cùng Chư tôn thường trực BTS PG tỉnh Đăknông; Chư tôn đức trong Ban Đại Diện PG huyện Đăkmil và Chư tôn đức Trụ trì các Tự viện, Tịnh xá, Niệm Phật Đường trong toàn tỉnh. Ngoài ra, còn có Ban Hướng Dẫn – Phân Ban Gia Đình Phật Tử huyện Đăknông; Phật tử Nguyên Lạc – UV Ban Văn Hoá PG (TP.HCM), các Văn Nghệ Sĩ đến từ TP.HCM và Ban Mê Thuột. Mặt khác, Đại diện các Báo – Đài cũng đến tham dự và đưa tin.

Về phía chính quyền có: ông Lê Văn Tấn – Bí thư Huyện uỷ huyện Đăkmil; ông Hoàng Công Thắng – tỉnh uỷ viên – Chủ tịch UBND huyện Đăkmil, bà Lê Thị Nhị – Phó Bí Thư huyện uỷ; ông Lưu Quang Trung – Phó Bí Thư huyện uỷ huyện Đăkmil; ông Phạm Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăkmil; ông Lương Xuân Liêu – Chủ tịch UBMTTQ huyện Đăkmil; ông Phạm Lý Thống – Trưởng Phòng Nội Vụ huyện; ông Phạm Như Thức – Phòng Văn Hoá huyện Đăkmil; v.v…cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan ban ngành, chính quyền sở tại và gần 10 ngàn nhân dân Phật tử tại địa phương cũng như các Đạo tràng Phật tử từ các tỉnh cùng về tham dự.

Lễ hội bắt đầu từ lúc 18h với các nghi thức được hành trì trong buổi lễ như: Pháp hội Hoa đăng, thuyết Pháp, văn nghệ, nghi thức hành chính, niêm hương, nghi lễ cầu quốc thái dân an, thỉnh đăng, truyền đăng và phóng đăng.

Mở đầu lễ khai mạc là các tiết mục văn nghệ đặc sắc nhằm tạo không khí vui tươi cho buổi lễ; đồng thời là lời chào của Ban Tổ Chức gửi đến Chư tôn đức, các vị Lãnh đạo chính quyền và nhân dân Phật tử đang hiện hiện.

Nhằm để mọi người đến với Lễ hội có được những phút giây hướng thượng an lạc đối với đời sống tinh thần, đời sống tâm linh thì phần Lễ không thể thiếu chương trình thuyết Pháp. Theo lời thỉnh mời của TT. Thích Quảng Tuấn – Trưởng BTS PG tỉnh Đăknông – Trưởng Ban Tổ Chức Lễ hội, TT.Thích Chân Quang (BRVT) đã đăng đàn thuyết Pháp cho quần chúng Phật tử với bài Pháp thoại có tựa đề Ý NGHĨA VỀ LỄ CẦU QUỐC THÁI DÂN AN để mọi người hiểu rõ trước sau, tại sao có buổi Lễ này mà không phải là mê tín. Đồng thời hiểu thêm rằng “Yếu tố tâm linh” là yếu tố rất quan trọng trong đời sống của con người, trong sự phát triển của quốc gia.

Lời cầu nguyện cho “Quốc thái dân an – Thế giới hoà bình – chúng sinh hạnh phúc” là niềm mơ ước của tất cả loài người tiến bộ. Đặc biệt trong đạo Phật, câu cầu nguyện này trở thành lời cầu nguyện hằng ngày của các chùa và đó là niềm mơ ước cháy bỏng của nhân loại.

Thượng toạ đặt vấn đề “Tại sao chúng ta phải làm cái Lễ này mãi như vậy”, vì thực sự đó là mơ ước của loài người mà chúng ta chưa bao giờ được thỏa mãn. Có những biến động của thiên tai – tật bệnh – kẻ thù, khiến cho cái ước mơ chúng ta là quốc thái dân an hết sức khó khăn và chúng ta vẫn cứ ước mơ mãi. Chính vì vậy ta đang đi tìm mọi cách để làm sao đạt được mục tiêu quốc thái dân an. Và để đạt được mục tiêu đó, rất nhiều người phải bỏ công thực hiện không phải chỉ cầu nguyện, mà rất nhiều người đang ngày đêm bằng công sức, bằng mưu trí, bằng mưu lược của mình, để làm sao cho quốc gia hưng thịnh. Và Thượng toạ dẫn chứng đủ mọi thành phần, đủ mọi lãnh vực xã hội là những người đang góp phần cho mục tiêu quốc thái dân an. Thế nhưng dù tất cả mọi người đã hết sức khổ công vất vả rồi vẫn chưa bao giờ đủ, có cái sao đó làm cho ta cảm thấy quốc gia được thới thịnh chưa như ý mình và lòng dân vẫn chưa phải là an lành, tức là dù chúng ta hết sức cố gắng vẫn không dễ đạt được. Dường như mục tiêu Quốc thái dân an nó vượt khỏi tầm tay con người. Cho nên chúng ta bắt đầu nghĩ đến khía cạnh tâm linh.

Từ xưa đến nay ở tất cả các quốc gia, khi con người bó tay rồi thì người ta bắt đầu quỳ xuống để nhìn lên thế giới tâm linh. Chúng ta cũng không thoát khỏi nguyên tắc này. Bên cạnh những con người có tâm huyết, có trách nhiệm nổ lực để xây dựng đất nước mà cứ trục trặc, cứ bất ổn, không hoàn toàn thỏa mãn, cho nên chúng ta bắt đầu nhờ cậy đến yếu tố tâm linh Thần Thánh.  

Do đó, khi chúng ta cầu đến cái Lễ quốc thái dân an, chúng ta phải hiểu một điều “Sức người có hạn”, không phải con người “Muốn” là mọi điều thành tựu, không phải mọi điều ta “Mưu tính” là thành công, đến nổi người xưa từng nói  “Mưu sự tại nhân – thành sự tại thiên”. Không phải sức lực, trí tuệ con người có thể xoay trời chuyển đất hết tất cả. Dù tài giỏi, có tâm huyết, có trách nhiệm đến đâu, ta vẫn phải nhường một bước so với đất trời. Trong đất trời này còn cái gì đó bí ẩn hơn rất nhiều mà chúng ta chưa thể hiểu hết. Điều còn lại, chúng ta biết khiêm tốn hiểu rằng: Ngoài sức lực của con người còn có yếu tố khác, đó là Thần Thánh. Chính vì vậy mà chúng ta nghĩ đến một buổi lễ long trọng là Lễ cầu “Quốc thái dân an” để nhờ cậy đến sức mạnh của ơn trên.

Cả một đất nước hơn 80 triệu con người này, trong đó, một phần lớn đang ngày đêm xây dựng đất nước vẫn chưa xong. Thế chúng ta vài ngàn con người ngồi đây, trong buổi lễ thiêng liêng này, vậy mà ta hy vọng làm được một việc của mấy chục triệu con người không làm nổi. Nghĩa là chúng ta có niềm tin bởi sự chí thành cầu nguyện của mình thì có những cái may mắn, nó gấp trăm ngàn lần sức con người bỏ ra. Tuy nhiên, cái niềm tin đó nếu không được lý giải đoàng hoàng, lập tức trở thành mê tín, tức là ta tin một điều không có thật. Nhưng nếu Lễ cầu Quốc thái dân an này được lý giải một cách rõ ràng, hợp lý, chính xác tới tận cùng gốc rễ và ta có cái tâm thế, cái tâm lý để bước vào Lễ hội hết sức chân chính, trịnh trọng thì buổi lễ này thật sự đóng góp rất lớn cho ước mơ Quốc thái dân an của dân tộc ta, mà không bị trở thành mê tín.

Còn như chúng ta hiểu không hết thì sự cầu nguyện này trở thành mê tín, vì chúng ta nghĩ rằng: Một Lễ hội vớỉ vài ngàn con người tham dự mà có thể thành công hơn mấy chục triệu con người đang nổ lực dựng xây đất nước này. Do đó ta phải hiểu cho đến đầu đến đũa; đến căn đến gốc cái ý nghĩa của Lễ cầu quốc thái dân an là gì thì ta mới đủ lòng chí thành mà bước vào buổi Lễ một cách trân trọng. Còn như ta hiểu mơ mơ để chuẩn bị đi vào Lễ chính, lòng ta không chí thành. Như vậy, có khi đây chỉ là mê tín.

Để hiểu được ý nghĩa cầu Quốc thái dân an, bắt đầu ta trở lại với Luật Nhân Quả. Khi ta tin theo Phật thì ai cũng phải tin hiểu Luật Nhân Quả, tức là hạnh phúc chỉ có được khi ta làm được nhiều những thiện nghiệp trong quá khứ. Trong quá khứ, chúng ta đã từng sống tử tế với nhau, hoặc trong kiếp này hoặc nhiều kiếp trước, ta hay giúp đỡ người, ta không để người khác phải tuyệt vọng, đau khổ thì bây giờ ta được hưởng quả phúc là “Hạnh phúc – an lành – giàu sang”. Ngược lại, nếu trước đó hoặc hiện tại ta đối xử tệ bạc với nhau (Khinh rẽ; mưu hại; nghĩ xấu về nhau; bỏ mặc nhau trong tuyệt vọng trong đau khổ) thì chắc chắn bây giờ ta phải chịu nhiều cay đắng khổ sở, đó là sự công bình của Luật Nhân Quả mà bất cứ ai theo Phật đều phải hiểu rõ.

Ta đặt vấn đề, nếu có cái Luật Nhân Quả như vậy thì liệu sự cầu nguyện có kết quả hay không, khi trong đạo Phật nói chắc rằng mọi diễn biến xãy ra trên cuộc đời này đều phải theo Luật Nhân Quả. Chúng ta có biết chắc là dân tộc ta trong quá khứ đã hoàn toàn tạo nên những điều thiện để ta chờ đợi cái kết quả là Quốc thái dân an? Rõ ràng chúng ta thấy mục tiêu đó xa vời nên mới lập Lễ đàn cầu nguyện. Mà khi ta lập Lễ đàn cầu nguyện, liệu có đúng với Luật Nhân Quả hay không? Đây là vấn đề ta phải nhìn cho ra, thấy cho đúng để biết trách nhiệm mình trong Lể đàn này.

Theo nhân quả,  khi nào toàn thể dân Việt Nam đều biết tu thiện thì Quốc sẽ thái; dân sẽ an. Vậy thử hỏi trong toàn dân Việt với tám mươi mấy triệu con người này được bao nhiêu phần trăm là người biết tu thiện? bao nhiêu người biết ăn hiền ở lành; bao nhiêu người biết yêu thương giúp đỡ, đoàn kết nhau và bao nhiêu phần trăm còn lại là những con người hơn thua; ích kỷ; mưu hại; chia rẽ. Nếu vẫn còn những con người ích kỷ, hẹp hòi; tham lam thì Quốc không thể thái; dân không an.  Vậy chừng nào toàn dân Việt Nam đều biết tu theo điều thiện; sống với nhau tử tế; nhường nhịn giúp đỡ nhau và yêu thương đoàn kết nhau?

Mãi mãi thế giới này không bao giờ con người hoàn toàn tốt. Cái thế giới ta bà này cứ vĩnh viễn tồn tại một cái tỷ lệ là một phần người xấu; một phần người tốt; một phần người trung trung. Tuy nhiên trong giai đoạn nào người tốt chiếm tỷ lệ lớn thì trái đất này rất hạnh phúc, thanh bình. Còn giai đoạn nào người xấu chiếm tỷ lệ lớn thì trái đất này loạn lạc, khổ đau, tan tóc. Đất nước mình cũng vậy, nếu trong thời gian nào đất nước ta tỷ lệ người tốt nhiều thì thì đất nước được ấm no, hạnh phúc, tai họa ít. Ngược lại, trong giai đoạn nào đất nước ta người xấu nhiều thì loạn lạc tan tóc, khổ đau, đó là nhân quả.

Bây giờ không ai biết chắc được trong đất nước ta có bao nhiêu người tốt hay xấu. Chính vì người xấu vẫn còn tồn tại nên đất nước này không thể là Quốc thái dân an. Dù nhà Lãnh đạo, kỹ sư, công nhân hay nông dân ra sức xây dựng nhưng thiên tai vẫn tàn phá, khó khăn vẫn chập chùng làm cho Quốc không thể thái, Dân không thể an. Chính vì tỷ lệ người xấu này làm cho đất nước ta bấp bên mãi, chứ nếu hầu hết dân ta tu theo điều thiện thì tự nhân quả sẽ tới, bổng nhiên mưa thuận gió hòa; sản xuất gia tăng thành công, v.v… Do vì ta cứ bấp bênh, trục trặc, cứ vất vả, cứ khó khăn dù hết sức cố gắng, nên ta mới có những Lễ đàn thế này.

Khi mà suy luận tới điểm này, ta chợt hiểu một điều là mấy ngàn con người đang ngồi đây dự trong buổi Lễ đàn Quốc thái dân an, chúng ta dám cân bằng, trừ đi, xoá đi cái nghiệp của mấy chục triệu con người chưa tu thiện bằng một lời cầu nguyện không? Đây là một sứ mạng bất khả thi.

Thượng toạ mượn hình ảnh, ngân hàng cho một người vay vốn để làm ăn vì biết người đó có khả năng trả vốn lãi. Tương tự, Trời Phật cũng cho vay phước vì thấy người đó có tiềm năng tạo phước đủ để trả lại được. Nhân quả không cứng ngắt, tức gieo nhân rồi mới gặt quả mà rất linh động, có khi chưa gieo nhân, Trời Phật đã cho quả, vì biết người đó có khả năng gieo nhân. Đây là khía cạnh đặc biệt của Luật Nhân Quả, tức là hưởng quả trước, gieo nhân sau. Người cầu nguyện được linh ứng vì họ có nhân cách, có đạo đức, có tu thiện, biết làm phước dù phước chưa đủ. Đó là cá nhân.

Còn trên bình diện một quốc gia, vài ngàn con người ngồi đây mở một tấm lòng cầu nguyện thay cho 80 triệu con người của quốc gia này bằng cách “Hứa”. Chính cái Lễ đàn này là một lời hứa vĩ đại tận tấm lòng, cả hết cuộc đời của ta. Nói là Lễ cầu, sự thật không phải “Cầu” mà là một lời hứa để đạt được ước mơ Quốc thái dân an. Đây là lời hứa với Trời Phật bằng tất cả tâm huyết, cả cuộc đời của mình thì chúng ta mới thay đổi được Trời đất, mới làm cảm động được bao nhiêu tầng Trời ở trên, để chúng ta đạt được ước mơ là Quốc thái dân an.

Ngay từ bây giờ Thượng toạ kêu gọi mọi người hãy khởi động trong tâm cái ước mơ vĩ đại này. Một khi chúng ta dám bước vào Lễ đàn cầu Quốc thái dân an thì đây là một buổi lễ vĩ đại, có ý nghĩa lớn lao và tâm hồn ta không được quyền nhỏ bé nữa. Với một ước mơ lớn thì tâm hồn, trái tim, lời hứa nguyện phải lớn, tức là “Một người phải tu hoàn hảo như một ngàn người. Một người trong Lễ đàn bước ra phải giáo hoá được một ngàn người khác trong suốt cuộc đời còn lại”  thì Lễ đàn này mới thật sự là có kết quả, mới có sự linh thiêng, còn nếu không đó chỉ là một cuộc chơi và nhiều khi trở thành mê tín. Nhưng tại sao ta có thể cầu nguyện như vậy, vì ta yêu thương 80 triệu con người Việt Nam này. Chính vì ta yêu thương nên được quyền đại diện. Và ai có quyền ban cho ta điều này? – Vấn đề được đặt ra và Thượng toạ đã phân tích, lý giải rõ ràng, khúc chiết trong phần kết thúc bài Pháp thoại. Nếu ai có thiện căn đang tu thiện thì sau bài Pháp thoại này, cảm xúc đối với ước mơ lớn của mình sẽ dâng lên gấp bội…bội lần như thế! Và họ biết mình phải làm gì cho con người, cho thế giới này.

Tiếp theo là phần nghi lễ hành chính. Trong buổi lễ, TT.Thích Quảng Tuấn – Trưởng BTS PG tỉnh Đăknông – kiêm Trưởng Ban Tổ Chức đêm Lễ Hội Hoa Đăng đã đọc diễn văn khai mạc. Trong đó, Thượng toạ nhấn mạnh đến yếu tố tâm linh, nhắc nhở mọi người Phật tử phải tin thấn tu tập vì cuộc đời luôn vô thường bấp bênh và biến chuyển theo nghiệp lực, đồng thời kêu gọi mọi người có mặt trong Lễ đàn hãy thành tâm thắp lên ánh sáng trí tuệ, từ bi cầu nguyện cho Quốc thới dân an, cho quê hương Đakmil mãi phúc lộc đẹp giàu.

Trong buổi lễ, ông Lương Xuân Liêu – Đại diện Lãnh đạo chính quyền Huyện Đăkmil cũng có đôi lời phát biểu chào mừng. Qua đó, ông bày tỏ “Chúng ta mong và tin tưởng Lễ hội Hoa đăng Quốc thái dân an năm nay là cơ hội tốt để chúng ta tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, sống chân thành và nhân hậu, chung tay chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng địa phương phồn thịnh, hạnh phúc”.

Lời đạo từ của HT.Thích Quảng Xả – UV thường trực HĐTSTW GHPGVN thật sâu sắc. Hoà thượng tán dương công đức của BTS PG tỉnh Đăknông cùng Ban Đại Diện Phật giáo Huyện Đăkmil, nhất là TT.Thích Quảng Tuấn (Trưởng BTC Lễ hội) đã phối hợp với các Ban ngành địa phương tổ chức được một Lễ hội Hoa đăng rất ý nghĩa và trang trọng hơn những năm trước. Hoà thượng hy vọng mọi điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người trong năm mới. Trên tinh thần của buổi Lễ, Hoà thương nêu bật ý nghĩa Lễ Hội hoa đăng là đem ánh sáng từ bi trí tuệ của Đức Phật đã ban rãi để mọi người biết làm lành, biết tu thiện và biết hướng về chánh pháp, hầu đem lại sự lợi lạc cho đất nước nói chung và cho huyện nhà nói riêng. Ngoài ra, Lễ Hội hoa đăng còn là cầu nguyện cho tất cả các vị anh hùng dân tộc, đồng bào tử nạn ở đây được trượng thừa ánh sáng hào quang của Chư Phật, ra khỏi chổ tối tăm, trờ về cảnh giới an lạc.

Tiếp theo, ông Hoàng Công Thắng – Tỉnh uỷ viên – Chủ tịch UBND huyện Đăkmil thay mặt cho BTC giống lên những hồi trống trầm hùng trang nghiêm, chính thức khai mạc cho Lễ Hội Hoa Đăng, như xua tan đi những buồn đau của cuộc sống, đem lại sự bình yên cho quê hương đất nước.

Đến đây, Chư tôn Giáo phẩm cùng các cấp Lãnh đạo chính quyền quan lâm Lễ đài thực hiện nghi thức cầu Quốc thái dân an và thắp nến cầu nguyện. Khúc tán ca TÔN KÍNH PHẬT cử lên trầm hùng phủ khắp cả quảng trường Lễ hội, đã đem đến đỉnh điểm của cảm xúc thiêng liêng về niềm tôn kính Phật. Sau đó, lễ niêm hương bạch Phật – đảnh lễ Tam Bảo đã diễn ra thật trang trọng.

Liền đó, nghi thức truyền đăng – Cầu nối sự truyền thông giữa Phật và chúng sanh. Trong giờ phút thiêng liêng, ánh sáng từ bi, ánh sáng trí tuệ của Mười phương Chư Phật được trao truyền từ Hoà thượng chứng minh đến Chư tôn đức hiện tại, đến các cấp Lãnh đạo chính quyền và tất cả Hội chúng. Những ngọn nến được thắp lên, tỏa mình trong đêm tối, đã tạo thành một khung cảnh lung linh và huyền ảo. Tiếp theo, hàng vạn hoa đăng được thả xuống hồ Tây trong sự nhất tâm cầu nguyện cho đạo Pháp được trường tồn, đất nước thanh bình, nhân dân an lạc.

Cũng trong dịp này, một chương trình văn nghệ đặc sắc đã diễn ra trong không khí linh thiêng của buổi lễ, đặc biệt là tiết mục trình diễn vũ khúc Lục cúng Hoa đăng./.

                                                                                                           

Dưới đây là hình ảnh được ghi nhận về LỄ HỘI HOA ĐĂNG cầu nguyện Quốc thái dân an tại hoa viên Hồ Tây – Đăkmil: