Trang chủ Tu học Thiền Tứ Niệm Xứ Đại Niệm Xứ (Quán sát thân trong thân, Phần 3)

Đại Niệm Xứ (Quán sát thân trong thân, Phần 3)

345

 

Quán Sát Thân Ô Trược
 
Kinh điển chia cơ thể ra làm ba mươi hai phần. Thiền sinh được hướng dẫn quán sát sự ô trược của ba mươi hai phần này. Sách Thanh Tịnh Ðạo cũng có đề cập đến ba mươi hai thể trược. Trong Kinh Ðại Niệm Xứ Ðức Phật dạy:
 
Lại nữa, này các thầy tỳ khưu, tỳ khưu phải quán sát trên cơ thể này từ gót chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống bao bọc bởi da và đầy các loại bất tịnh khác nhau. Trong cơ thể này có:
 
          Tóc, lông, móng, răng, da (5)
– Thịt, gân, xương, tủy, thận (5)
– Tim, gan, ruột, lá lách, phổi (5)
– Phèo, bao tử, thực phẩm chưa tiêu, phẩn, óc (5)
– Mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ (6)
– Nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu (6)
 
Thiền sinh quán sát thân thể mình, dùng tâm để quán xét, nhìn kỹ ba mươi hai phần của cơ thể và quán sát đến đặc tính ô trược của những phần này.
 
Ðối với người Tây phương thì hành thiền quán sát thân ô trược thật khó hiểu và khó chấp nhận. Ðể có thể thực hành loại thiền này, thiền sinh phải nhìn ba mươi hai thể trược với tâm phóng khoáng, cởi mở. Với tâm phóng khoáng, cởi mở và cương quyết thoát khỏi khổ đau, bạn sẽ hiểu tại sao Ðức Phật ca tụng loại thiền này.
 
Ðức Phật dạy:
 
Này các thầy tỳ khưu, khi một điều được phát triển, được thực hành nhiều lần thì sẽ dẫn đến tư tưởng khẩn cấp cao tột, lợi ích cao thượng, sự chấm dứt tận cùng mọi trói buộc, chánh niệm và chánh định tối hậu, đạt tri kiến, đưa đến một đời sống an vui hạnh phúc tại đây và ngay bây giờ, dẫn đến chứng ngộ quả của tri kiến và giải thoát. Ðiều đó là gì? Ðó là quán thân ô trược. [8]
 
Và Ðức Phật dạy tiếp:
 
Này các thầy tỳ khư, người nào phát triển pháp quán sát thân sẽ đạt được sự bất tử, người không phát triển pháp quán sát thân sẽ không đạt được sự bất tử [9]
 
Tuy nhiên điều này không có nghĩa chỉ có niệm thân mới đưa đến giác ngộ chân lý. Niệm thân chỉ là một trong nhiều phương pháp hành thiền dẫn đến giác ngộ. Người muốn thực hành phương pháp thiền này, trước tiên phải đến gặp một vị thầy có đủ thẩm quyền để học hỏi.
 
I.                     Bảy Thiện Xảo Trong Việc Học Tập:
 
Muốn hành thiền về ba mươi hai thể trược, thiền sinh phải học bảy thiện xảo trong việc học tập, gồm: 
          tụng ra miệng
– tụng thầm
– học về màu sắc
– hình dáng
– phương hướng
– vị trí 
– giới vực.
 
Trước tiên là phải tụng thuộc lòng. Ðiều này có nghĩa là phải biết rõ ba mươi hai thể trược bằng tâm và đọc thuộc lòng tên ba mươi hai thể trược nhiều lần. Bất kỳ làm việc gì, bất kỳ lúc nào, suốt từ sáng đến tối, đều phải luôn luôn tụng đọc. Trong kinh có ghi lại rằng dù thiền sinh có thuộc lòng tam tạng kinh điển đi nữa, muốn hành thiền đề mục này, cũng phải đọc thuộc lòng tên của ba mươi hai bộ phận trong cơ thể. Việc tụng đọc thuộc lòng ba mươi hai thể trược này phải được thực hành một cách tinh tấn trong một trăm sáu mươi lăm ngày. Ðể cho dễ nhớ, người ta chia ba mươi hai bộ phận của cơ thể ra làm năm nhóm. Nhóm đầu gọi là "nhóm năm da", bởi vì nhóm này nói đến năm bộ phận và bộ phận kể đến sau cùng là "da". Nhóm thứ hai là "nhóm năm thận", bởi vì nhóm này nói đến năm bộ phận và bộ phận kể đến sau cùng là "thận". Cũng vậy, ta có "nhóm năm phổi", "nhóm năm óc", "nhóm sáu mỡ", " nhóm sáu nước tiểu". Như vậy, có bốn nhóm "năm thành phần" và hai nhóm "sáu thành phần".
 
Thiền sinh phải tụng nhóm thứ nhất (nhóm năm da) trong mười lăm ngày. Thiền sinh phải tụng năm bộ phận theo thứ tự xuôi trong năm ngày rồi lại tụng ngược trong năm ngày; sau đó, tụng xuôi và tụng ngược trong năm ngày nữa.
 
Thiền sinh phải tụng như sau:
 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
tóc, lông, móng, răng, da; 
tóc, lông, móng, răng, da …. 
(tụng xuôi như thế trong năm ngày).
Da, răng, móng, lông, tóc; 
da, răng, móng, lông, tóc; 
da, răng, móng, lông, tóc…. 
(tụng ngược như thế trong năm ngày). 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
da, răng, móng, lông, tóc; 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
da, răng, móng, lông, tóc; 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
da, răng, móng, lông, tóc….. 
(tụng xuôi, ngược như thế trong năm ngày).
 
Khi tụng "nhóm năm thận" phải cần ba mươi ngày. Bởi vì phải tụng như "nhóm năm da" trong mười lăm ngày, rồi tụng nhập chung với "nhóm năm da" trong mười lăm ngày khác. Nhóm này phải tụng như sau:
 
Thịt, gân, xương, tủy, thận; 
Thịt, gân, xương, tủy, thận; 
Thịt, gân, xương, tủy, thận… 
(tụng xuôi như thế trong năm ngày).
 
Thận, tủy, xương, gân, thịt. 
Thận, tủy, xương, gân, thịt. 
Thận, tủy, xương, gân, thịt … 
(tụng ngược như thế trong năm ngày).
 
Thịt, gân, xương, tủy, thận; 
thận, tủy, xương, gân, thịt. 
Thịt, gân, xương, tủy, thận; 
thận, tủy, xương, gân, thịt. 
Thịt, gân, xương, tủy, thận; thận, tủy, xương, gân, thịt… 
(tụng xuôi, ngược như thế trong năm ngày).
 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
thịt, gân, xương, tủy, thận; 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
thịt, gân, xương, tủy, thận; 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
thịt, gân, xương, tủy, thận… 
(tụng xuôi như thế trong năm ngày).
 
Thận, tủy, xương, gân, thịt; 
da, răng, móng, lông, tóc; 
Thận, tủy, xương, gân, thịt; 
da, răng, móng, lông, tóc; 
Thận, tủy, xương, gân, thịt; 
da, răng, móng, lông, tóc… 
(tụng ngược như thế trong năm ngày).
 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
thịt, gân, xương, tủy, thận; 
Thận, tủy, xương, gân, thịt; 
da, răng, móng, lông, tóc. 
Tóc, lông, móng, răng, da; 
thịt, gân, xương, tủy, thận; 
Thận, tủy, xương, gân, thịt; 
da, răng, móng, lông, tóc… 
(tụng xuôi, ngược như thế trong năm ngày).
 
Những nhóm còn lại cũng tụng đọc trong ba mươi ngày: Mười lăm ngày cho nhóm riêng đó, và mười lăm ngày tụng nhập chung với các nhóm trước.
 
Như vậy, phải cần đến một trăm sáu mươi lăm ngày hay gần nửa năm để hoàn thành việc tụng đọc.
 
Sau khi đã qua giai đoạn tụng đọc trong một trăm sáu mươi lăm ngày, bây giờ đến giai đoạn tụng thầm, cũng cùng một cách trên, trong một trăm sáu mươi lăm ngày nữa. Ðây là thiện xảo thứ hai trong việc học tập.
 
Sau giai đoạn tụng đọc ra miệng và tụng thầm, bây giờ đến giai đoạn thiền sinh phải học về màu sắc (ba), hình dáng (bốn), phương hướng (năm), vị trí (sáu) và giới hạn (bảy). 
 
"Phương hướng" ở đây có nghĩa là phần cơ thể mà ta chú ý đến nằm ở phần trên hay phần dưới của cơ thể. 
 
"Vị trí" có nghĩa là bộ phận đó nằm ở chỗ nào. 
 
Có hai loại "giới vực": "giới vực giống nhau" và "giới vực khác nhau". "Giới vực giống nhau" là biết được bộ phận đó được tiếp giáp trên, dưới và chung quanh bởi những gì. "Giới vực khác nhau" là biết được bộ phận đó không phải là những bộ phận khác hay những bộ phận khác không phải là bộ phận đó. Như vậy bạn phải học bảy thiện xảo: tụng đọc ra miệng, tụng thầm, màu sắc, hình dáng, phương hướng, vị trí và giới vực. 
 
Ðể dễ hiểu cách thực hành, chúng ta thử lấy Tóc làm đề mục thực hành.
 
– Màu sắc: Tóc có màu đen (Tóc người Tây phương có màu vàng, nâu…)
 
– Hình dáng: Tóc giống như một cái que dài, nhỏ. 
 
– Hướng: Tóc nằm ở phần trên của cơ thể.
 
– Vị trí: Tóc có gốc ở trong phần nội bì (phần da ướt bên trong) bao bọc sọ, phần trước ra đến trán, phần sau ra đến gáy, bao quanh tai.
 
          Giới vực: Về "giới vực giống nhau": Bên dưới, gốc tóc được bao bọc và nằm bên trong phần da ướt bao phủ đầu, gốc tóc lớn cỡ đầu hạt lúa. Bên trên, tóc tiếp xúc với không gian và tiếp giáp với những sợi tóc khác; giữa hai sợi tóc có một khoảng cách. Về "giới vực khác nhau" thì tóc không phải là lông, và lông không phải là tóc. Thêm vào đó, tóc không thể trộn lẫn với ba mươi mốt thể trược còn lại. Tóc là một phần riêng biệt của cơ thể.
 
Tương tự như thế, thiền sinh quán sát ba mươi hai thể trược từng phần một.
 
Chú thích:
[5] Ibid., p.286.
[6] Ibid., pp. 294-295.
[7] The Way of Mindfulness, 1975, p.81.
[8] Anguttara (Tăng Chi), i.43.  
 
Theo: Đại Niệm Xứ
Tác giả: Thiền sư U Silananda
Nguồn: Thư viện Hoa sen
 
Mời bạn đọc đón xem: Quán sát thân trong thân (Niệm thân), Phần 4