Trang chủ Tu học Niệm Phật Đại nguyện của Phật A Di Đà (4)

Đại nguyện của Phật A Di Đà (4)

478

Đại nguyện ba mươi mốt: Cõi nước thanh tịnh

Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Tự tính vốn nghiêm tịnh
 Chiếu suốt như pha lê.

 
Thế giới Tịnh độ là thế giới của đại nguyện và của tự tính thanh tịnh. Nghĩa là nhìn mọi thế giới hiện tượng qua tự tính thanh tịnh thì xuyên suốt tất cả. Với cách nhìn ấy, giáo lý Hoa nghiêm gọi là Lý sự vô ngại pháp giới và Sự sự vô ngại pháp giới. Nghĩa là không những lý tính và sự tướng của mọi sự hiện hữu không chướng ngại nhau, mà ngay cả sự tướng này với sự tướng kia hiện hữu cũng không trở ngại nhau, chúng hiện hữu là để hỗ dụng cho nhau và cùng nhau làm nên tất cả.
 
Đây là đại nguyện, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi thành Phật, thì Tịnh độ của tôi thanh tịnh trong sáng như gương, soi suốt thấy vô số thế giới của chư Phật khắp mười phương”.
 
Với đại nguyện này, tạo nên Tịnh độ của Phật A Di Đà, và với sự có mặt của thế giới Tịnh độ ấy, không làm chướng ngại bất cứ Tịnh độ nào của vô số chư Phật mười phương mà còn tương nhiếp và hỗ dụng với vô số Tịnh độ đó nữa. Chư thiên, nhân loại, Thanh văn và Bồ tát ở ngay nơi bản độ mà nhìn thấy xuyên suốt thế giới của chư Phật mười phương, để học hỏi, nghe pháp và phụng sự cúng dường.
 
Đại nguyện này còn gọi là Quốc độ thanh tịnh nguyện, Hình sắc công đức nguyện, Quốc độ quang sắc triệt chiếu nguyện, Quốc giới nghiêm tịnh nguyện, Tịnh như minh cảnh chiếu kiến thập phương nguyện, Đắc kiến thập phương nguyện,…
 
Nên, ta lạy Phật A Di Đà và quốc độ nghiêm tịnh thành tựu từ đại nguyện của Ngài, là ta có cơ hội tiếp xúc với tự tính thanh tịnh vốn có nơi ta và qua tự tính ấy, mà ta có thể tiếp xúc với quốc độ nghiêm tịnh của Phật A Di Đà và chư Phật mười phương để học hỏi, nghe pháp và phụng sự cúng dường các Ngài, ngay nơi đương xứ.
 
Đại nguyện ba mươi hai: Trang nghiêm cõi nước
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Cõi nước được trang điểm
Bằng châu báu và hương.

 
Những châu báu và hương thơm được dùng để trang điểm ở Tịnh độ Phật A Di Đà, không phải chỉ đơn thuần là vật chất mà những vật chất ấy, từ phúc đức mà sinh ra và từ đại nguyện mà tạo thành.
 
Những châu báu và hương thơm kỳ diệu ấy, từ Giới định tuệ hay từ Bát chính đạo, Ngũ căn, Ngũ lực, Tứ niệm xứ, Tứ như ý túc, Tứ chính cần, Thất bồ đề phần, Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện, Bồ đề hạnh, Tứ vô lượng tâm, Tứ vô ngại biện, Tứ vô sở úy, Mười năng lực trí tuệ,… tạo thành.
 
Thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà do được trang nghiêm bằng những châu báu của Pháp bảo ấy, nên từ đó mà có sự tương cảm, khiến những châu báu và hương thơm kỳ diệu của vật lý sinh ra để trang điểm thế giới ấy về mặt y báo.
 
Đại nguyện này khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, thì cõi nước của tôi được trang điểm bằng những châu báu đan xen và những hương thơm kỳ diệu, những người nghe hương đều tu theo hạnh Phật”.
 
Vì vậy, Nhân, Thiên, Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát ở Tịnh độ Phật A Di Đà khi tiếp xúc với hương, là đều hướng về Phật hạnh và nỗ lực thực tập hạnh ấy cho đến chỗ viên mãn.
 
Nên, đại nguyện này còn gọi là Quốc độ nghiêm sức nguyện, Cung điện bảo sức nguyện, Trang nghiêm công đức nguyện, Chúng bảo diệu hương hợp thành cung điện nguyện, Nghiêm tịnh kỳ diệu nguyện, Hương huân thập phương nguyện, Diệu hương hợp thành nguyện, Tạp vật hương huân nguyện,…
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà, và Tịnh độ trang nghiêm cả hai mặt chính báo và y báo của Ngài, là để thắp sáng các pháp môn và công hạnh tu tập trong đời sống hàng ngày của ta, nhằm nhắm tới Phật hạnh, và khi nhân duyên hội đủ, ta vãng sinh về Tịnh độ Phật A Di Đà cũng là để tiếp tục Phật hạnh ấy cho đến chỗ viên mãn.
 
Đại nguyện ba mươi ba: Xúc chạm ánh sáng
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện thân con tiếp xúc
Ánh sáng Phật phóng ra.

 
Ánh sáng vô lượng của Phật A Di Đà là ánh sáng thành tựu từ đại nguyện. Nên trong ánh sáng ấy, có chất liệu của Bồ đề tâm, Bồ đề nguyện và Bồ đề hạnh. Bồ đề tâm là Phật tính. Bồ đề nguyện là từ nơi bồ đề tâm mà tu học, và thấy tự tính bất sinh, bất diệt hay tự tính Như nơi vạn hữu, mà khởi đại nguyện từ bi hóa độ chúng sinh, nên gọi là bồ đề nguyện. Và bồ đề hạnh là biến bồ đề tâm, bồ đề nguyện trở thành hiện thực để cứu độ chúng sinh, liên tục dưới nhiều hình thức, không biết mỏi mệt cho đến ngày viên mãn bồ đề đại nguyện.
 
Với ánh sáng có công đức vô lượng thường chiếu như vậy, nên nó có khả năng nuôi dưỡng thân mệnh chúng sinh bằng xúc giác. Nghĩa là chúng sinh nào có tín hạnh nguyện đối với Tịnh độ là chúng sinh ấy, có tần số để tương ứng và ăn nhập với ánh sáng ấy, và ánh sáng ấy có tác dụng làm cho thân tâm của những chúng sinh đó, sinh ra những cảm giác thanh thoát, nhẹ nhàng.
 
Với đại nguyện này, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, ánh sáng của tôi chiếu soi đến tận vô lượng thế giới chúng sinh không thể nghĩ lường khắp cả muời phương, khiến thân tâm họ tiếp xúc, liền được nhẹ nhàng, thanh thoát hơn hẳn trời người”.
 
Đại nguyện này có nội dung như vậy, nên còn gọi là Xúc quang nhu nhuyến nguyện, Quang minh nhiếp ích nguyện, Quang minh nhu nhuyến nguyện, Quang xúc diệt tội nguyện,…
 
Vì vậy, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, để mỗi ngày ta có khả năng tiếp xúc với ánh sáng đại nguyện ấy, qua tín hạnh nguyện của ta, nhằm làm cho thân tâm ta nhẹ nhàng, thanh thoát và thăng hoa.
 
Đại nguyện ba mươi bốn: Chứng vô sinh nhẫn
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Được pháp vô sinh nhẫn
Nắm giữ hết pháp lành.

 
Vô sinh pháp nhẫn, tiếng Phạn là Anutpattikadharmakṣānti. Nhẫn này là do quán chiếu và chứng nhập lý tính vô sinh diệt nơi vạn hữu, và an trú vững chãi ở nơi lý tính ấy, khiến tâm bất động, nên gọi là đắc Vô sinh pháp nhẫn.
 
Tổng trì, tiếng Phạn là Dhāraṇi. Nghĩa là nắm giữ hết thảy thiện pháp. Người thực tập pháp Tổng trì do sức mạnh của định và tuệ, nên nắm giữ hết thảy thiện pháp không để quên mất.
 
Đại nguyện này, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng sinh ở vô lượng thế giới trong mười phương không thể nghĩ bàn, nếu được nghe danh hiệu của tôi, thì liền chứng Vô sinh pháp nhẫn và Tổng trì”.
 
Đại nguyện này có nội dung như thế, nên nó còn gọi Văn danh đắc nhẫn nguyện, Âm thanh nhiếp ích nguyện, Văn danh tất đắc vô sinh pháp nhẫn nguyện, Đắc thân pháp nhẫn nguyện, Pháp nhẫn tổng trì nguyện,…
 
Do nguyện lực của Phật A Di Đà có tác dụng với chúng sinh như vậy, nên qua đại nguyện này, giúp cho ta thấy rằng, thực hành pháp môn Tịnh độ bao gồm cả Thiền và Mật nữa. Nghĩa là Thiền Tông và Mật giáo đều có mặt ở trong Tịnh độ.
 
Thiền tông, Tịnh độ và Mật giáo đều là những thuộc tính của đạo Phật, chúng có tác dụng hỗ tương cho nhau để tựu thành Phật quả. Nếu ta tu tập chủ yếu là Thiền, thì Tịnh độ và Mật sẽ đóng vai trợ đạo cho ta. Nếu ta tu tập chủ yếu là Tịnh độ, thì Thiền và Mật sẽ đóng vai trợ đạo cho ta. Nếu ta tu tập chủ yếu là Mật, thì Thiền và Tịnh đóng vai trợ đạo cho ta. Người tu trong đạo Phật cần phải hiểu rõ nguyên tắc cơ bản này, để tránh rơi vào những cạm bẫy của những cực đoan. Mọi hành hoạt rơi vào cạm bẫy của cực đoan đều không phải là Phật giáo. Tại sao? Vì nó không phải là “Trung đạo”. Niết bàn được dẫn sinh từ trung đạo và vượt ra ngoài mọi hành hoạt của cực đoan.
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày là để mỗi ngày, ta đều có khả năng an trú vào tự tính vô sinh diệt nơi ta và chính tính ấy, nắm giữ hết thiện pháp.
 
Đại nguyện ba mươi lăm: Thoát ly nữ thân
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện cho những người nữ
Đều chuyển thành nam thân.

 
Tự thân của thân nữ có nhiều chướng ngại cho sự tu tập, là do ái nghiệp buộc ràng, khiến họ phải thụ thai và sinh nở, vì vậy cấu trúc thân thể sinh học của họ khá phức tạp và tế nhị hơn thân nam và cũng vì vậy, mà những cấu trúc tâm lý của họ cũng phức tạp và tế nhị để tương ứng với cơ thể sinh học của họ. Và cũng vì vậy, trách nhiệm chăm sóc con cái, những buộc ràng trong đời sống gia đình của họ khá nặng nề và lao nhọc hơn người nam. Đối với mặt xã hội cũng vậy, người nữ dù có được pháp quyền bảo vệ và ưu tiên đến mức nào đi nữa, thì họ vẫn không thể sống hay đi một mình ở nơi thanh vắng, vì vậy đối với sự tu học thân nữ có nhiều chướng ngại. Tuy rằng, có nhiều chướng ngại, nhưng không phải không vượt qua được. Có những người mang thân nữ, nhưng họ tu tập rất giỏi, vì sao? Vì tuy họ mang thân nữ, nhưng tâm của họ lại là tâm bồ đề!
 
Đại nguyện này, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, người nữ ở trong mười phương thế giới không thể nghĩ bàn, khi họ nghe danh hiệu tôi, tin vui, nhàm chán thân nữ, phát tâm bồ đề, thì sau khi sinh mệnh của họ kết thúc, không còn sinh trở lại với thân tướng nữ”.
 
Đại nguyện này có nội dung như vậy, nên nó còn gọi là Thoát ly nữ thân nguyện, Nữ nhân vãng sinh nguyện, Linh ly uế hình nguyện, Biến thành nam tử nguyện, Nữ nhân thành Phật nguyện,…
 
Vì vậy, ở đại nguyện này, Phật A Di Đà nói, những người nữ khi nghe danh hiệu của Ngài, họ tin vui, nhàm chán thân nữ, phát tâm bồ đề tu học, thì khi sinh mệnh kết thúc, họ không còn bị ái nghiệp ràng buộc để mang thân nữ nữa, họ thoát hẳn thân ấy, có thân thể đầy đủ các tướng của bậc trượng phu, như ở đại nguyện hai mươi mốt Ngài đã nguyện.
 
Do đó, ta lạy Phật mỗi ngày để nuôi dưỡng tâm từ bi và tự tính bình đẳng nơi ta, khiến ta luôn có thân thể và tâm lý nhẹ nhàng, thanh thoát để tiến tu đạo nghiệp. Nếu người nữ thì chuyển hóa thành nam thân, thân có đầy đủ các phúc tướng của bậc đại trượng phu và nếu đã là nam thân, thì đừng đánh mất phúc đức của mình để trở thành thân và tâm của người nữ.
 
Đại nguyện ba mươi sáu: Tu hạnh thanh tịnh
 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Chúng bồ tát phạm hạnh
Đến Phật quả sinh ra.

 
Đại nguyện này, khi còn tu nhân, Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chúng Bồ tát trong thế giới mười phương vô lượng không thể nghĩ bàn, được nghe danh hiệu tôi, đến khi mạng chung, thường tu phạm hạnh cho đến khi thành Phật đạo”.
Phạm hạnh, tiếng Phạn Brahmacaryā. Hán dịch là Tịnh hạnh. Hạnh thanh tịnh mà người xuất gia và tại gia đệ tử Phật tu tập, giữ gìn các giới đã thọ một cách tinh tế và miên mật.
 
Nên, đại nguyện này còn gọi là Thường tu phạm hạnh nguyện, Văn danh giả tu hành bất thoái ích nguyện, Văn danh phạm hạnh giai chứng chính giác nguyện, Linh lập phạm hạnh nguyện, Văn danh phạm hạnh nguyện,…
 
Với đại nguyện này, Bồ tát không những chỉ giữ gìn các tịnh giới của Thanh văn một cách tinh tế miên mật, mà từ Thanh văn giới, Bồ tát giữ gìn, phát triển thành Bồ tát giới, bằng đại nguyện và đại thệ qua tâm bồ đề, và duy trì thệ nguyện ấy liên tục, không gián đoạn cho đến khi tâm bồ đề sinh ra quả Phật. Đó là Bồ tát thường tu phạm hạnh.
 
Do đó, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày là để khi ta bỏ thân hay thọ thân đều ở trong tâm bồ đề, đều ở trong đại nguyện và đại thệ, nghĩa thường ở trong đời sống phạm hạnh vậy.
 
Đại nguyện ba mươi bảy: Trời người cung kính

Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Bồ tát nghe danh hiệu
Tin vui thực tập theo.

 
Đại nguyện này, khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, vô lượng Bồ tát không thể nghĩ bàn ở trong thế giới mười phương, nghe danh hiệu tôi, lòng tin vui mừng, gieo năm vóc kính lễ sát đất, hành bồ tát đạo, trời người cung kính”.
 
Muốn được mọi người kính trọng, thì trước hết ta phải thực tập hạnh kính trọng đối với mọi người. Khi nghe những điều tốt đẹp từ người khác, từ những bậc cao đức, từ bồ tát và Phật nói ra, ta đem tâm cung kính tiếp nhận và thực hành, đó cũng là một trong những cách thực tập hạnh cung kính người khác. Hạnh cung kính đối với người khác cũng là hạnh của bồ tát.
 
Bồ tát biết rõ, chúng sinh bị ái nghiệp buộc ràng, bị lửa ngã chấp đốt cháy, bị sóng triều kiêu mạn nhận chìm, bị gió ác kiến thổi làm cho khô héo, nhưng bồ tát vẫn không khinh chúng sinh, vẫn thương và kính trọng những phẩm tính giác ngộ, quý hiếm vốn có nơi họ, nên nguyện làm thuận duyên hay nghịch duyên để giúp chúng sinh khai mở Phật tính.
 
Vì vậy, nguyện này của Phật A Di Đà là nguyện cho những vị Bồ tát trong mười phương khi nghe danh hiệu của Ngài, thì tin tưởng vui mừng, cung kính thực hành bồ tát hạnh, khiến cho trời người đều sinh tâm cung kính đối với bồ tát.
 
Nên, nguyện này còn gọi Văn danh tu hành đắc tha kính ích nguyện, Linh thành tôn đức nguyện, Tác lễ trí kính nguyện, Văn danh ái kính nguyện,…
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà và đại nguyện này mỗi ngày, để niềm tin, sự kính trọng không những đối với Phật, Bồ tát, Thánh hiền mà còn đối với chúng sinh ở nơi ta được lớn mạnh và phát triển đến chỗ viên thành đại nguyện, như chính đức Phật A Di Đà đã viên thành.
 
Đại nguyện ba mươi tám: Y phục tùy niệm

Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Nguyện chư thiên, nhân loại
Y phục có tự nhiên
.
 
Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi, hễ muốn mặc y phục, thì y phục đẹp đúng như ý  tự nhiên đến”.
 
Nội dung của đại nguyện này như vậy, nên đại nguyện này, còn gọi là Y phục tùy niệm nguyện, Y phục tự nhiên nguyện, Ưng pháp diệu phục nguyện, Nhân thiên thụ lạc nguyện,…
 
Trong đời sống, con người lận đận với áo cơm, với ăn uống hầu như hết cả đời người, và cũng có khi vì áo cơm, ăn uống mà con người tàn hại, bóc lột, cướp giựt, dối láo lẫn nhau và ngay cả muôn vật. Sống với tâm như vậy, thì ác nghiệp tăng lên, thiện căn giảm xuống và phúc báo tan dần.
 
Ở thế giới Tịnh độ, Phật A Di Đà, do đại nguyện của Ngài và do thiện căn phúc đức nhân duyên của chư thiên và nhân loại ở đó, nên mọi hoạt động ở thế giới này không còn bị bận rộn bởi đời sống kinh tế, ăn hay mặc đều tùy niệm, nghĩa là tùy theo tác ý về ăn và mặc của chư thiên, nhân loại ở nơi thế giới ấy như thế nào, thì y phục và thực phẩm đều hiện ra cho họ đúng như thế ấy, để đáp ứng những nhu cầu của họ.
 
Sống ở trong đời, những người nào không bận rộn với áo cơm, những người ấy đã có phần nào phúc báo của cõi Tịnh độ. Ở thế giới Tịnh độ, chư thiên và nhân loại không bận rộn áo cơm, là để có nhiều thì giờ thực tập sâu vào thiền định và thường trú ở trong thiền định, cho đến khi chứng ngộ Niết bàn. Như vậy, đại nguyện ba mươi tám này, nhằm hỗ trợ cho đại nguyện thứ mười một của Phật A Di Đà thành tựu.
 
Vì vậy, ta lạy Phật A Di Đà mỗi ngày, là ta thực tập hạnh không gian tham trộm cắp, không bần tiện bỏn sẻn đối với các tài sản, lại thêm thực tập hạnh từ bi bằng sự cúng dường, bố thí, khiến cho phúc báo Tịnh độ về “y phục tùy niệm”, nơi ta được tăng lên, và khi nhân duyên hội đủ, thì ta vãng sinh về thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà, cùng hiện hữu ở trong phúc báo của cõi Tịnh độ ấy.
 
Đại nguyện ba mươi chín: Niềm vui vô tận
 
Con đem tâm kính lễ,
Đức Phật A Di Đà
Các phiền não dứt sạch
Niềm vui con không cùng.

 
Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, chư thiên, nhân loại ở trong nước tôi đều có niềm vui, như vị tỷ khưu hết sạch phiền não”.
 
Chưa dứt sạch phiền não mà vui, cái vui ấy là cái vui không chân thật. Cái vui sinh ra do đã dứt sạch phiền não, cái vui ấy là cái vui không cùng, vì nó không còn bị giới hạn và bị hủy diệt.
 
Một vị tỷ khưu do tu tập viên mãn, thanh tịnh về giới, định và tuệ, khiến những chủng tử căn bản của phiền não như tham, sân, si ở nơi tâm hoàn toàn dứt hẳn, từ đó niềm vui đối với chính pháp sinh khởi và tăng trưởng mãi đến vô cùng.
 
Vì vậy, đại nguyện này, đức Phật A Di Đà, nguyện chư thiên và nhân loại ở nơi cõi nước của Ngài có được niềm vui, như đời sống của một vị tỷ khưu không còn phiền não. Nên, đại nguyện này còn có tên là Thọ lạc vô nhiễm nguyện,  Lạc như lậu tận nguyện, Tự nhiên lậu tận nguyện,…
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, là mỗi ngày ta thực tập để giảm và đoạn trừ các phiền não nơi tâm ta, khiến ta có niềm vui chân thật và vô tận ở trong chính pháp.
 
Đại nguyện bốn mươi: Ngay trong cây báu thấy rõ cùng khắp

 
Con đem tâm kính lễ
Đức Phật A Di Đà
Bồ tát nhìn Đạo thọ
Thấy rõ Phật mười phương.

 
Khi còn tu nhân, đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Nguyện khi tôi thành Phật, Bồ tát trong nước tôi, nhìn vào “đạo tràng thọ”, thấy rõ vô lượng cõi nước của chư Phật mười phương”.
 
Cây “Đạo tràng thọ” ở thế giới Tịnh độ, được tạo nên từ đại nguyện của Phật A Di Đà và từ phúc đức nhân duyên thanh tịnh của chư thiên, nhân loại, chúng Thanh văn và Bồ tát của cõi nước ấy, nên bản chất và hiện tượng của nó hết sức trong suốt hơn cả lưu ly hay ngọc minh châu, nên vô lượng thế giới của chư Phật trong mười phương đều hiện ra ở trong “đạo tràng thọ” ấy. Đạo tràng thọ, cũng chính là tâm bồ đề thanh tịnh và xuyên suốt ở nơi mỗi chúng ta.
 
Vì vậy, Bồ tát ở Tịnh độ nhìn vô lượng thế giới của chư Phật mười phương qua “Đạo tràng thọ” hay tâm bồ đề xuyên suốt và thanh tịnh ở nơi chính mình.Và nhìn ngay nơi “Đạo tràng thọ” hay tâm ấy, mà Bồ tát ở cõi Tịnh độ Phật A Di Đà, thấy được bản chất và hiện tượng của mọi nhân duyên, nhân quả, chính báo và y báo của vô lượng thế giới chư Phật mười phương. Nên, đại nguyện này, còn gọi là Thọ trung kiến độ nguyện, Tùy ý đắc kiến thập phương quốc độ nguyện, Chiếu kiến thập phương ích nguyện, Tùy ý chiếu kiến nguyện, Phổ kiến Phật độ nguyện,…
 
Do đó, ta lạy đức Phật A Di Đà mỗi ngày, để cho ta có điều kiện nhìn vào   “Đạo tràng thọ”, hay cây bồ đề nơi tâm ta và qua đó, mà ta có thể tiếp xúc và học hỏi được các phương pháp tu tập, nhiếp phục phiền não, nhân duyên và hạnh nguyện giáo hóa chúng sinh, kiến thiết quốc độ của vô lượng chư Phật ở trong thế giới mười phương.

Còn nữa