Trang chủ Tin tức Đại lễ Vesak 2008: Phật giáo và mong ước một xã hội...

Đại lễ Vesak 2008: Phật giáo và mong ước một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

145

Đại lễ Vesak được tổ chức bắt đầu từ năm 2000 ở các quốc gia: Mỹ, Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan. Năm 2008 được tổ chức ở Việt Nam, từ 13 – 17.5 tại Hà Nội.


Ngày 15.12.1999, theo đề nghị của 34 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Đại Hội đồng LHQ công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hoá, tôn giáo quốc tế của LHQ.


Đại lễ Vesak 2008 mang chủ đề: “Sự đóng góp của Phật giáo (PG) về việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Điều này thể hiện xuyên suốt từ diễn văn khai mạc, nội dung thông điệp của những đoàn khách hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.


Đặc biệt, hơn 60 bản tham luận trong hội thảo theo 7 chủ đề: Vai trò PG trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh; sự đóng góp của PG về công bằng xã hội; PG nhập thế và sự phát triển; chăm sóc môi trường: Giải pháp của PG về sự thay đổi khí hậu; xung đột trong gia đình và giải pháp của PG; giáo dục PG, kế thừa và phát triển; PG trong thời đại kỹ thuật số; tinh thần này được nêu ra một cách cụ thể, cả lý luận, thực tiễn vừa mang tính triết lý khoa học của Phật học, vừa rất thời sự đương đại thế giới hôm nay.


Một thế giới hoà bình trong an lạc


Trong 7 chủ đề của hội thảo tại Đại lễ Vesak 2008, chủ đề: “Vai trò của PG trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh”, với 21 tham luận mang các đề tài “nóng”, nhưng đồng thời đều toát lên khát vọng hoà bình, an lạc cho nhân loại của tinh thần triết lý nhà Phật.


Bài dẫn mở đầu hội thảo của tổ chức phi chính phủ thuộc LHQ: Hội Hoà bình thế giới Lama Gangchen nêu bật tinh thần này của Phật giáo: “Bình an nội tại là nền tảng vững chắc nhất cho hoà bình thế giới”.
 
Gần với nội dung này là các bản tham luận của các nhà nghiên cứu Phật học, các chư tôn PG khác như: PG cống hiến gì cho hoà bình thế giới – Ven.Rathmale Punnaratana Thero; Hàn gắn khổ đau chiến tranh, xung đột và hoà giải – quan điểm của PG – Ts Marie Louise Friquegnon, ĐH William Paterson, Mỹ; xung đột và giải pháp PG – TT Thích Tâm Đức, Học viện PGVN; PG trong việc giải quyết xung đột và chiến tranh – Thiền sư Thích Nhất Hạnh; giải quyết xung đột: Tỉnh thức, chân thật và các phương tiện thông tin khác – Pharmachari; phát huy vai trò và thực lực của PGVN góp phần xây dựng xã hội dân sự hài hoà, dân chủ, văn minh – Ts Bạch Thanh Bình…


Phật giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước


Trong các tham luận hội thảo tại Đại lễ Vesak 2008, chủ đề về Phật giáo Việt Nam (PGVN) được chú ý nhiều nhất. Không chỉ có truyền thống lịch sử lâu đời mà PGVN còn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc lập quốc, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.


Cho tới hôm nay, PGVN đã chứng minh được đây là một trong những sức mạnh của đất nước trong thời kỳ hội nhập, là một động lực phát triển bền vững của dân tộc VN trong thời kỳ đổi mới, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.


Với đề tài chung: “PGVN có vị trí như thế nào trong công cuộc xây dựng đất nước ở hiện tại và tương lai”, xuyên suốt qua các bản tham luận, với nhiều chủ đề khác nhau, những vấn đề được nêu ra đã nâng cao thêm uy tín của PGVN với bạn bè quốc tế.


Từ bản tham luận: Tính dân tộc của PGVN trong lĩnh vực chính trị – Gs Hoàng Xuân Hào & Gs Tạ Văn Tài, Cambridge, nói về lịch sử PGVN thời Lý – Trần đã ảnh hưởng đến việc lập quốc, bảo vệ quốc gia, trở thành Quốc đạo.


Sự nhập thế của PGVN góp phần vào sự nghiệp độc lập và phát triển của tổ quốc – TT-Ts Thích Tâm Đức, Học viện PGVN, đề cập 2 vấn đề: Sức mạnh của văn hoá dân tộc là nền tảng cho sự nhập thế của đạo Phật, tư tưởng Hồ Chí Minh kế thừa tinh thần nhập thế của PGVN, kết hợp đạo & đời, nguyên nhân phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc – “Lịch sử đã chứng minh ngay từ thời kỳ đầu du nhập cho đến nay, PGVN như là một thực thể xã hội – chính trị, luôn luôn tự thích ứng để góp phần mang lại lợi ích và an lạc cho đồng bào và tổ quốc của mình”.


Bản tham luận PG trong thời đại mới – hội nhập thế kỷ 21 – ĐĐ Thích Thiện Hạnh, Bắc Ninh, nêu cao tinh thần: Hoà hợp chúng yên vui, đoàn kết thống nhất của PGVN. Ngay cả vấn đề thời sự “nóng” của VN cũng được nhìn dưới con mắt PG: Giải pháp của PG trước vấn nạn an toàn giao thông tại VN – TT Thích Chúc Phú, Kỹ thuật số: Cơ hội và thách thức đối với PG – TT Thích Chân Quang. Và để giữ gìn tiếp nối truyền thống của PGVN như một thành tố tạo nên sự an lạc, bình yên, công bằng, dân chủ và văn minh trong xã hội đương đại, bản tham luận Giáo dục PGVN theo hướng kế thừa và phát triển – TT-PhD Thích Minh Thành, như một đúc kết kinh nghiệm của PGVN.


Vesak 2008 tại VN không chỉ là một lễ hội VHTG tầm cỡ quốc tế mà còn là cơ hội để tỏ rõ với thế giới về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc ở VN. Đồng thời, sự kiện này cũng thể hiện một nước VN yêu chuộng hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng tiến bộ với phương châm “VN muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, cùng ước mơ xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh của nhân loại.