Trang chủ Quốc tế PGVN Hải ngoại Đại Lễ Hoàn Nguyện tại Lâm Tỳ Ni thật mãn nguyện

Đại Lễ Hoàn Nguyện tại Lâm Tỳ Ni thật mãn nguyện

178

Mỗi người con của Phật thỉnh 3 hồi chuông như nhắc mình thêm cung kính Tam Bảo, quyết tâm tu tập và hoằng pháp, quyết xứng danh là con của Đức Bổn Sư. Tiếng chuông ngày mới ngân vang, ngân xa như đánh thức chúng sinh khỏi cơn mê ngay tại nơi Phật giáng trần. Nghe đại hồng chuông mà lòng thanh thản biết bao, bao phiền não bay tan biến, tâm con người thanh tịnh đến lạ thường.

Trời những ngày cuối năm ở đất Phật Lâm Tỳ Ni khá lạnh. Sương đêm qua vẫn còn đọng lại, phủ kín mặt đất. Sương sớm hòa quyện và tiếng chuông làm tôi thấy mình thanh thoát biết nhường nào, thấy mảnh đất Lam Tỳ Ni càng thêm linh thiêng, thấy Đại Lễ càng thêm ý nghĩa. Sáng nay trời mưa nhỏ – chuyện lạ nơi đây vào mùa lạnh này – điềm lành cho Đại Lễ.

Đêm qua hơn 100 thành viên đã thắp nến nguyện cầu cho thế giới hòa bình. Tôi ngắm bản đồ đất nước Việt Nam thân yêu tràn ngập trong đèn nến mà thấy như năng lượng đang lan đến và tràn ngập trong khắp gần 100 triệu người con đất Việt không chỉ hiện đang có mặt trên mảnh đất hình chữ S mà đang sống, công tác, làm việc trên khắp thế giới.

Chương trình ca nhạc chào mừng Đại Lễ Hoàn Nguyện đêm qua với những lời ca tiếng hát bằng nhiều thứ tiếng, được thực hiện bởi các ca sỹ nghiệp dư đến từ rất nhiều quốc gia, với nhiều quốc tịch khắp thế giới. Hay quá! Ấn tượng quá! Khởi đầu cho Đại Lễ Hoàn Nguyện thật tuyệt vời!

08h30 sáng ngày 12/12, đoàn tăng ni Phật tử được thầy Huyền Diệu dẫn đầu chậm rãi thiền hành tiến về trụ đá do vua A Dục xây dựng. Chúng tôi thanh thản từng bước chân tiến về nơi Đức Phật đã sinh ra cách đây hơn 2 ngàn năm. Vừa đi vừa niệm Phật. Tiếng niệm Phật hòa vang cùng tiếng trống hào hùng tạo ra một không khí linh thiêng và sống động. Gần 200 chư vị tăng, ni và Phật tử đến từ khắp thế giới tạo ra khung cảnh đặc biệt làm người dân Nepal cũng như khách hành hương 2 bên đường ra xem cũng như chắp tay lạy Phật cùng rất đông. Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng niệm Phật của người dân các nước khác, nhất là dân bản xứ. Họ niệm Phật bằng tiếng Việt!

09h00 lễ kỷ niệm và cầu nguyện chính thức diễn ra tại cột đá vua A Dục, trong khuôn viên Lâm Tỳ Ni, chính thức bắt đầu. Bài phát biểu của thầy Huyền Diệu nhấn mạnh câu chuyện của 42 năm về trước khi thầy cưỡi voi đi thăm cột đá linh thiêng này. Thầy đã phát nguyện làm hết mình để Lâm Tỳ Ni được tái hiện, được sống lại như 2 ngàn năm về trước. Để rồi ngày nay, tại vùng đất nơi Phật đản sinh, đã có đến 32 ngôi chùa. Thật khó thể tin được. Thật khó nghĩ bàn về sự nhiệm màu này.

Các bài phát biểu của lãnh đạo chính quyền Nepal đều nhấn mạnh đến công lao khai phá Lâm Tỳ Ni của thầy Huyền Diệu, rằng thầy là người nước ngoài đầu tiên đến tái thiết mảnh đất thiêng này. Tôi ấn tượng nhất với các phần tụng kinh (ngay sau các bài phát biểu chính thức) bằng các thứ tiếng do đoàn tăng ni các nước thực hiện. Đó là các đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Tây Tạng, Nepal, Việt Nam,… Năng lượng tràn ngập khắp khu vực quanh cội đá vua A Dục. Nghe tiếng tụng niệm bẳng đủ các thứ tiếng trầm bổng, vang vọng làm cho ai cũng thấy vui và thậm chí bất ngờ. Số lượng các đoàn đến tham gia cùng ngày càng đông. Đúng là Đại lễ! Đúng là Hoàn Nguyện! Nguyện vọng đã thành! Sau 42 năm!

Ngay sau khi kết thúc phần tụng kinh bằng các thứ tiếng, cả đoàn tăng ni, Phật tử (giờ đây đã lên đến chắc phải trên 300 người) quay trở về Việt Nam Phật Quốc Tự trong tiếng niệm Phật và trống. Đường về lúc này có thêm đoàn trống của các vị tăng Nhật Bản nên không khí càng sống động hơn. Quan sát tôi thấy, số lượng quý thầy, cô và Phật tử đông hơn và số lượng ngày càng tiếp tục tăng cho đến khi đoàn về đến chùa Việt.

Niềm hân hạnh lớn của Đại Lễ Hoàn Nguyện tại Việt Nam Phật Quốc Tự không chỉ có sự xuất hiện của lãnh đạo chính quyền Nepal, từ trung ương đến địa phương mà bất ngờ chúng tôi được cung nghinh Hòa thượng Thích Thái Hòa và các chư vị tăng ni Phật tử đến từ cố đô Huế. Và thầy Huyền Diệu cùng ban tổ chức đã kính mời Hòa thượng Thích Thái Hòa chủ lễ cầu nguyện hòa bình tại chánh điện.

Đúng 12 giờ, 12 phút, 12 giây, ngày 12 tháng 12 năm 12, Hòa thượng Thích Thái Hòa đã chủ trì lễ cầu nguyện tại chánh điện Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni. Tất cả các quý thầy trong đoàn tăng ni cố đô Huế cùng tham gia tụng kinh và lễ Phật theo đúng nghi lễ Việt Nam. Các đoàn nước ngoài như Thái Lan, Nepal, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Úc,… cũng cùng tham gia khóa lễ. Vì chánh điện quá nhỏ so với số lượng thành viên tham dự nên phần lớn phải đứng phía ngoài và dưới cầu thang. Lễ cầu nguyện rất long trọng và linh thiêng. Giờ phút đặc biệt này tôi may mắn có mặt tại đây và cảm nhận rất rõ dòng năng lượng lan tỏa khắp chánh điện.

Ngay sau đó Hòa thượng Thích Thái Hòa và tăng đoàn xuống dự lễ tại hội trường lớn ngoài sân. Các phát biểu của quan chức chính phủ Nepal và địa phương, những phát biểu của các đoàn quốc tế như nhấn mạnh vai trò của hòa bình trên thế giới, như mong muốn để Nepal luôn có hòa bình, như thể hiện quyết tâm để Lâm Tỳ Ni phát triển hơn nữa. Thầy Huyền Diệu nhấn mạnh rằng Nepal có thể là tấm gương về hòa bình và hòa hợp, thậm chí có thể “xuất khẩu” hòa bình đến bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Trong bài phát biểu của mình Hòa thượng Thích Thái Hòa bày tỏ mong muốn hòa bình và thịnh vượng nơi đất Phật. Hòa thượng cũng mong sự phát triển và hợp tác giữa 2 dân tộc, 2 quốc gia ngày càng mạnh mẽ. Bất ngờ và món quà lớn cho hàng trăm vị khách có mặt là bài thơ về Lâm Tỳ Ni do chính Hòa thượng sáng tác. Một quý Thầy trong đoàn Cố đo Huế đã ngâm bài thơ này, tạo nên sự xúc động lớn trong lòng những ai có mặt.

Khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni, Nepal thường ngày lớn là như vậy mà hôm nay trở lên nhỏ bé quá. Khách đông bất ngờ. Không khí cho lễ lớn lan tỏa khắp nơi, khắp Lâm Tỳ Ni. Chương trình kéo dài với những lời chúc tụng, những nụ cười, những sẻ chia đến tận chiều tối.

Đại Lễ Hoàn Nguyện tại Lâm Tỳ Ni thật mãn nguyện. Tôi vui mừng biết bao khi gặp quý tăng ni Phật tử đến từ khắp 4 châu: Á, Âu, Úc, Mỹ. Môi trường quốc tế tuyệt vời. Lòng tôi hân hoan quá. Thật mãn nguyện. Tuy nhiên khi gõ những dòng chữ này tôi chợt nhận ra: hỉnh như thiếu đoàn đại biểu của quý tăng ni Phật tử châu Phi. Hình như không thấy bóng dáng của các quý thầy và những người con Phật của lục địa đen. Và tôi chợt nghĩ: Ai là người sẽ mang đạo Phật đến châu lục này? Ai sẽ khai phá vùng đất còn hoang vu này? Ai sẽ giúp cho châu lục thứ 5 này để Đạo Phật đến được? Ai? Bạn? hay tôi? Hay biết đâu, lại là thầy Huyền Diệu!   

Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà

Viết tại Lâm Tỳ Ni, Nepal 12/12/12