Trang chủ Văn hóa Chùa Việt Nam Đại hồng Chung trên Đồi Trại Thuỷ

Đại hồng Chung trên Đồi Trại Thuỷ

287
Được sự chú nguyện và chứng minh của Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Giác Nhiên, Viện trưởng Phật Học Viện Trung Phần kiêm Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật giáo và Hoà thượng Thích Phước Huệ trụ trì Chùa Hải Đức, chiếc Đại hồng Chung đầu tiên của Chùa Hải Đức xưa trên đồi Trại Thuỷ được hoàn thành.

        Đại hồng Chung được:
     – Lên khuôn ngày 19 tháng 9 năm Canh Tý 1960.
– Rót đồng ngày 17 tháng 11 năm Canh Tý 1960
 Khai Chung ngày 8 tháng 12 năm Canh Tý 1960 (tức 24/1/1961) đúng ngày Vía Bồ tát Chuẩn Đề.
Chuông có kích thước phỏng theo Đại hồng Chung chùa Thiên Mụ (Huế), với chiều cao 1,70m, đường kính 1,10m, trọng lượng 1 tấn lẻ 10 ký. Nhà Chuông được an trí phía đông Chùa, dọc theo đỉnh núi lên tịnh thất Phật học viện. Đó là Chuông được Thi sĩ – Triết gia Phạm Công Thiện nhắc đến:
Hồi chuông chùa vọng luân hồi
Chim chiền chiện hót ngang trời đau thương
Trùng dương nằm đợi vô thường
Đồi cao bặt gió hai đường âm u.

Theo hồi ký của Thi sĩ Quách Tấn, thì chính Cụ là người phát hiện tiếng Chuông bị rè sau một thời gian dài lắng nghe thinh âm của chuông vọng xuống khu vực chợ Đầm-Xương Huân vào mỗi sáng sớm tinh mơ…

Thoảng tiếng chuông chùa vọng
Bóng đèn khuya rung rinh
Nao nao lòng giếng quạnh
Hơi thu tràn hư linh.
Nghe được chuyên “tiếng Chuông bị rè”, Hoà thượng Trí Thủ cười cho là không phải do chuông mà do chú điệu còn ngái ngủ dộng trật dùi ra ngoài vành chuông. Thầy Trừng San, bổn sư của TKVH, mới trình sự thật là sợi dây da treo Chuông đã cũ kỹ, thấy bất an nên Thầy đã dùng dây xích sắt thay thế, vì vậy tiếng Chuông nghe đã khác đi, nghe như bị rè. Nhưng khoảng một tuần sau, khi Thầy Trừng San kiểm tra kỹ thấy rõ quả Chuông bị nứt một đường ở trên đỉnh mà không ai ngờ tới, Thầy mới xuống núi đến nhà gặp Quách thi sĩ, tán thán: “Tai bác thính thật!”

        Cụ Quách đâu chỉ nghe tiếng Chuông bằng tai, mà bằng cả một tâm hồn:

Sương xuống hồi chuông lặng
Dư âm tràn hư không
Lửng lơ vàng gợi sóng
Trăng hồ thu mênh mông.
(Âm ba)
hay:
Mây nước nhiễm phong trần
Nơi đâu tình cố nhân
Những đêm buồn tỉnh giấc
Chùa cũ tiếng chuông ngân.
(Tình cố nhân)
và còn:
Trăng lên đồi trại thuỷ
Chuông khuya ngời âm ba
Bồi hồi mây khóa viện
Sân bồ đề sương sa.
(Bồi hồi)

       … Một thời gian dài sau, một chiếc Đại hồng Chung khác mới được đúc, đặt ở vị trí cách nhà Chuông cũ khoảng 100m trên thế đất cao hơn ở gần dãy tịnh thất cuối phía đông của Chùa.
Chuông mới cũng có nhà mái ngói như Chuông cũ.
Từ dạo đó, Chuông cũ bặt thinh vì không còn được “thỉnh” nữa, nhưng vẫn còn được treo đó như một kỷ vật thiêng liêng của Chùa.
Trụ lao xao mối mọt
Chuông đen xỉn teng đồng
Tiếng nào rơi từng giọt
Mà vọng khắp hư không?
Chuông mới, nhà mới trụ được thời gian mấy mươi năm, cho đến năm 2017, gặp “oan gia trái chủ” là Con Voi Damrey, cơn bão hung hãn dữ dằn đã tấn công thành phố Nha Trang hiền hoà, quật ngã những cây cao bóng lớn trên Đồi Trại Thuỷ, làm cây đỗ đè sập nhà Chuông.
Nay, nếu ai có lên thăm, đừng ngạc nhiên vì sao nhà của Đại hồng Chung lại có mái ngói mới đẹp sáng trưng như vậy. Nhà Chuông mới được dựng lợp lại mà!
Từ vô minh bỗng sáng lòa
Bất nhị giải thoát vỡ òa hai vai
Tận cùng hải giác thiên nhai
Nghe chuông vọng tiếng khoan thai quay về
Cây tùng yên dưới đáy khe
Nhật nhật đối cảnh bản lai không gì
Chi tâm vạn pháp Bụt này
Tìm đâu cho mệt? Chuông thầy gõ boong…

 

Thông tín viên – Nhiếp ảnh
Tâm Không Vĩnh Hữu