10 giờ 30 đêm qua, Hoa Anh Túc gọi cho tôi bảo: “anh Bi à! Đi ngủ đi thôi, sáng mai dậy sớm. 4 giờ 30 em đến đón anh ra Quán Sứ. Đừng lo quá sớm kẻo lại bị muộn. Mai là khai mạc Đại hội nên chắc sẽ đông lắm đó. Chúc ngủ ngon!”
Biết vậy, tôi tắt máy tính, đi nằm.
Y hẹn, 4 giờ 30 sáng nay, Hoa Anh Túc đến rồi đưa tôi ra Quán Sứ trên quãng đường chừng 10 cây số.
Hôm nay trời không lạnh lắm. thêm một chiếc áo khoác mỏng và một tấm khăn nhẹ là đủ dễ chịu rồi. Đèn đường còn lác đác, hắt ánh đục mờ vào không gian đầy sương sớm. Ánh đục ấy được sinh động lên bởi những luồng ánh sáng quét vội của những pha đèn ở những chiếc xe chạy vội đi làm sớm, cũng có khi là về muộn?
Tôi bảo: Có lẽ chúng ta tạt qua tạt lại cung Đại hội và chùa Quán Sứ đi, rồi sau đó hãy quyết định ở lại đâu đó.
Cung Đại hội nhạt nhòa, ngái ngủ trong ánh đèn mờ đục sương sớm. Không gian như huyễn như mơ. Trong khu triển lãm, một số gian hàng đã thức dậy, cũng có khi chưa đi ngủ chăng? Lác đác đâu đó, có vài mươi nhóm Phật tử, nhóm thì 5 – 7 người, nhóm thì nhiều hơn đang ngồi ngủ gà ngủ gật bên nhau. Nếu còn thức thì chắc bớt lạnh hơn, nếu đã ngủ say thì chắc là lạnh. Vài nhóm đã thức, rì rầm nói chuyện hoặc nhai nhẩm miếng bánh mì hay nắm xôi cho bớt cồn ruột.
Lân la hỏi chuyện mới biết, họ là những Phật tử ở nơi xa về. Nhóm từ Vĩnh Phúc, nhóm từ Hưng Yên, nhóm từ Hà Tây… Có nhóm đến từ Hà Tĩnh. Không biết là mộ đạo hay hiếu kỳ mà cơm đùm cơm nắm về đây “xem” Đại hội. Họ khát ngưỡng Đạo như người đói thèm cơm, như con thơ khát sữa vậy.
Lượn xe qua, lượn xe lại, gần 5 giờ rồi mà chưa có điểm gởi xe nào chịu mở hàng. Hoa Anh Túc bị mắc kẹt vào chiếc xe, không biết để đâu, bực mình lắm. Tôi bất chợt nhớ đến ẩn dụ trong câu chuyện về chiếc bè qua sông của Đức Phật.
Chùa Quán Sứ giờ này vẫn còn im ỉm khóa nhưng ghé mắt qua khe cửa nhìn vào thì thấy bên trong đã nhộn nhịp. Hóa ra, đóng cổng không phải vì nhà chùa đi vắng hay còn ngủ, mà bởi vì có việc nên dùng cổng để ngăn không cho mọi người ra vào tự do.
Bên ngoài cổng, mọi người đến mỗi lúc một đông, phần lớn là các bà, các mẹ ở Hà Nội, mọi thứ đều sang trọng, no đủ. Đến chùa bằng xe hơi riêng, tac xi hay xe máy của nhà, chí ít cũng là xe ôm với đồ đạc lỉnh kỉnh. Tiếng gọi cổng ơi ới, nhận ra người quen thì hé mở cho họ lách vào rồi lập tức đóng ngay lại, dập tắt bao hy vọng nhỏ nhoi của những người muốn vào trong mà không được.
Viết đến đây, tôi bất chợt nhớ đến lời Tổ Ráng Thích Phổ Tuệ nói với chư Tăng hồi chuẩn bị Khai Pháp ở trường Hạ Viên Minh: “Các vị may mắn lắm mới được ở trong phòng Tăng mà cửa không có cánh này. Sao lại coi là sinh hoạt bất tiện? Cửa không cánh thì đến đi “vô ngại”, “Vô môn” thì “tối quảng”, chẳng phải là vậy ư?”
Bên kia đường, chếch đối diện cổng chùa, có một gánh xôi đang mở hàng. Thấy mọi người đang tíu tít, tôi bảo Hoa Anh Túc: “chúng ta đi ăn xôi đi! Sáng nay chắc mệt đấy. Cần ăn cho chắc dạ.” Chị bán xôi, trong cảnh tranh tối tranh sáng, ước chừng gần 50 tuổi, xởi lởi mời chào: “Hai em ăn xôi nhé! Nhưng xôi bán trước cổng chùa chỉ có vừng lạc thôi.” Mỗi nắm xôi 3.000 đồng, nếu có nắm chặt lại chắc to chừng quả trứng vịt. Xôi dẻo, thơm, rất bùi, ngon.
Hỏi chuyện thì được biết, chị ở làng Phú Thượng trên Tây Hồ – một làng có tới mấy trăm gia đình chuyên đồ xôi bán khắp Hà Nội từ xưa tới nay. Chị ngồi bán xôi sớm ở đây từ năm 1990. Chị bảo: Bán xôi trước cổng chùa Quán Sứ là phải rất sớm, nhà chùa công việc thường sớm. Chùa đây lại là Trung ương nên lắm việc, đông người, nhiều hội hè. Mọi người thích ăn xôi sáng vừa tiện lợi nhanh chóng lại chắc dạ, ngày hội lớn như thế này, chỉ bán một loáng là hết. Hôm nay tôi làm 3 thúng đầy”. Luôn tay xới, gói, xởi lởi mời chào, nhanh thoăn thoắt.
Chào chị hàng xôi, chúng tôi len chân vào chùa. Vỉa hè trước chùa đã đông nghịt người. Mấy nhà bên đường đã mở hàng trông xe. Cổng chùa vẫn đóng im ỉm. Thỉnh thoảng lại hé ra cho người ra vào vội vã. Là người quen và có thẻ, chúng tôi được vào nhanh.
Đã 5 giờ, trên sân chùa, gần chục Phật tử đang trải thảm đỏ. Họ không chuyên nghiệp nên dùng băng dính dán thảm nỉ. Thật cố gắng, nắn nót mà vẫn không sao đẹp được. Thảm bị cuộn tròn lâu ngày nên quăn queo, không duỗi ra được, băng dính dán chằng chịt, chẳng đẹp mắt chút nào. Tôi tiếc rẻ cho sự thiếu thẩm mỹ đó, nhưng rồi tặc lưỡi: thế giới vốn không toàn vẹn, kinh Phật còn bị rách mất mấy tờ kia mà!
Trong giảng đường dưới nhà Tổ, lố nhố đầy người. Đó là anh em trong đoàn âm nhạc và nghi trượng. Nhộn nhạo vậy thôi nhưng còn nghiệp dư và nghèo. Nhìn vào trang phục, khuôn mặt, đồ đạc của họ tất rõ. “Giấu giàu, không ai giấu được nghèo” là vậy. Tôi lại tặc lưỡi: “thôi! Thế là tốt rồi, dân gian mà!”
Bên dãy bàn kế bên, mấy chục vị tăng trẻ vừa họp bàn, cắt đặt, vừa ăn bánh quy lót dạ. Trông vị nào cũng hảo tướng, phương phi, phong độ. Chắc đã được chọn để thị giả phòng trà và nghi trượng dẫn Tăng.
Đi lại nhiều chừng đã mỏi. Thấy cửa thư viện đã mở, đèn đã sáng, tôi và Hoa Anh Túc ghé vào. Thấy chừng mươi vị nhân viên thư viện và viện Phật học đang ăn sáng, sắp xếp đồ đạc và chuyện phiếm. Toàn người quen biết cả, chúng tôi kéo ghế ngồi tự nhiên. Theo dõi một tý thì được biết, các cô đang trao đổi và “cá cược” nhau xem tại Đại hội này, Hòa thượng nào sẽ lên ngôi Pháp chủ. Tôi nghĩ, Đại hội có bao nhiêu vấn đề, sao các vị này chỉ quan tâm đến điều đó.
Nhưng lại nghĩ: đúng thôi, Đức đệ nhị Pháp chủ viên tịch đã gần 3 năm. Từ đó đến nay, Tăng già nước Nam vắng “Sư tử chúa”. Mọi việc vẫn hanh thông nhưng vẫn man mác thiếu vắng một linh hồn. Muôn nơi khát ngưỡng, ngóng trông chờ đợi. Và ngày đó đang đến rất gần. Khi bài này lên mạng thì chắc chung cuộc đã rõ.
Các vị bàn mênh mông, chung quy thì bảo rằng lên ngôi Pháp chủ còn 2 vị là Hòa thượng đệ nhất phó Pháp chủ kiêm Chủ tịch HĐTSTW – Vị đầy kinh nghiệm hoạt động, đệ nhất dịch Kinh Phật và Tổ Ráng Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh – Vị giữ gìn mạng mạch của chư Tổ, phúc tuệ song toàn, chân tu nhất mực. Các vị biết nhau cả. Ai hơn ai kém đâu phải là chuyện chúng nhân có thể lạm bàn. Đó là việc của chư Phật, chư Bồ tát và chư Tổ. Chung cuộc rồi sẽ hay.
Là Phật tử, ai không tin vào thần lực của chư thiên hộ pháp – biểu hiện của Phật lực quyền uy? Ở nơi rất cao và rất xa ấy, tâm và tầm của người thế gian không thể chi phối.
Rời văn phòng thư viện đã là 7 giờ. Sân chùa Quán Sứ thật uy nghi. Đã hàng trăm năm nay, nơi đâu là chốn cung đình của Phật giáo trời Nam. Chư Tăng đang vân tập. Ở nhũng miền xa xôi và nơi biên viễn các vị là trung tâm của mọi sự, mọi chú ý. Về đây, muôn sông về biển, 140 vị Hòa thượng và 350 vị Thượng tọa, các Ni trưởng và Ni sư đều trở nên nhỏ bé, vì Tăng già nước Nam – gần 90 triệu dân phần lớn theo Đạo Phật đã ngàn đời. Đó là cái phúc của Phật giáo trời Nam.
Và kìa, nhị vị Đại trưởng lão Thích Trí Tịnh và Thích Phổ Tuệ đang tiến vào. Vinh danh Phật giáo trời Nam!
Đại trưởng lão Thích Trí Tịnh phương phi trong Pháp phục tề chỉnh uy nghi, sang trọng, uy nghi chống tích trượng thong dong quan sát mọi sự, tinh anh có thừa.
Tổ Ráng Thích Phổ Tuệ gầy gò vóc hạc, chung thân cày cấy, buông tay cày cầm tay bút, trong Pháp phục cũ kỹ như Tổ Bách Trượng, Trầm mặc như Tổ Tào Khê, Sải bước như Tổ Thọ Xương, tiến vào phòng khách.
Thấy Tổ Ráng, bao năm lân mẫn, nắng cháy thịt, rét buốt xương. Chợt trào nước mắt khi tụng cảnh sách:
“Tổ Tào Khê siêng năng giã gạo,
Tổ Tuyết Phong tần tảo làm cơm,
Quy Sơn bếp núc chăm nom,
Kính Sơn quét tước thường làm vệ sinh,
Tổ Bách Trượng thanh mimh trong chúng,
Ngày không làm thời cũng không ăn,
Thọ Xương cày cấy chung thân,
Đều là những bậc Vĩ nhân cửa Thuyền”
Thấy vậy, hồi tưởng vậy, cảm động và vui thay!
(Còn tiếp)