Nơi ăn ở của Đại biểu
Tối 11 và tối 12/12, sau khi rời cung Đại hội, Biên tập viên Phật tử Việt Nam lại ghé qua Khách sạn La Thành – 1 trong 2 địa điểm ăn nghỉ chính của Đại biểu dự ĐH VI PGVN.
Được biết, số lượng đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI là 1.442, trong đó đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đoàn thể ngoại giao khoảng 200 vị. Đại biểu các tỉnh thành phía Bắc và TP. HCM có 242 vị, sẽ ăn nghỉ tại khách sạn La thành. Đại biểu các tỉnh thành phố phía Nam còn lại gồm 600 vị, ăn nghỉ tại Khách sạn Kim Liên.
Khách sạn La Thành cách cung Đại hội chừng 5 cây số. Đây là một tổ hợp khách sạn, nhà hàng rộng lớn và sang trọng bậc nhất của thủ đô Hà Nội. Rất nhiều sự kiện quan trọng đã được tổ chức ở đây. Lần này, chư Tôn đức Giáo phẩm được bố trí ở trong hơn 100 phòng tại tòa nhà E, cao 8 tầng, vừa mới khánh thành gần đây, có trang bị nội thất hiện đại và đồng bộ.
BTV PTVN tới vấn an và đỉnh lễ nhị vị Đại trưởng lão hơn 90 tuổi Thích Phổ Tuệ và Thích Thanh Bích đến từ Hà Tây, thấy các Ngài rất ung dung tự tại. Vốn chung thân ở nơi thôn dã, nhưng đến đây, các Ngài không vướng bận gì cả. Nhu cầu sinh hoạt của các Ngài quá tối thiểu. Tam nghiệp gần như tịnh. Miếng ăn, đồ mặc đối với các Ngài chỉ còn là vật gá tạm. Bộ y phục cũ sờn, đôi dép mòn vẹt, hành lý tuềnh toàng, ở trong phòng khách sạn cao cấp, đi trên chiếc xe hơi sang trọng mà sao sự – lý vẫn viên dung đến thế!
Các vị đại biểu khác cũng vậy, ở trong các phòng đồng hạng, rất tiện nghi. Chả thấy vị nào ta thán về nơi ăn chốn ở cả.
Nhà ăn khách sạn phục vụ chư tôn đức Tăng Ni ngày 3 bữa cơm chay chu tất. Thực đơn đã được lựa chọn kỹ càng. Vị trưởng bếp nhà E cho BTV PTVN biết: Được phục vụ Đại hội Phật giáo là một vinh hạnh đối với khách sạn. Doanh thu và lợi nhuận chỉ là một phần. Cái chúng tôi quan tâm hơn cả là Phúc Lộc may mắn mà quý thầy mang lại cho chúng tôi. Tất cả nhân viên đều đã được quán triệt về điều đó.
Đi lại
Từ nơi ở của các Đại biểu tới cung Đại hội tuy chỉ cách xa vài cây số, nhưng đi lại trở thành vấn đề rất lớn với ban tổ chức Đại hội. Phần vì số lượng Đại biểu tới gần 1.000 người, phần vì đường xá Hà Nội thường hay ách tắc. Gần 50 chiếc xe các chủng loại, các cỡ đã được huy động để đưa đón Đại biểu. Chư tôn đức trong 2 Hội đồng đều được bố trí đi các loại xe 4 chỗ có đánh số và có phù hiệu riêng, đi lại có xe cảnh sát giao thông dẫn đường ưu tiên.
Còn các thầy trẻ, cần đi lại nhiều thì đã có taxi, xe máy chở khách (thường thì giá rất phải chăng vì các Thầy mà – đôi khi chủ xe e ngại tổn phúc mà không dám chẹt giá!) nhưng thông thường thì các thầy có các Phật tử tại gia hộ trì nên đi lại đã có người nhà phục vụ. Vừa kinh tế lại vùa tạo cơ hội cho các Phật tử biểu hiện lọng mộ Đạo của mình!
Có Đại biểu ở nước ngoài về đã lo lắng chia sẻ với chúng tôi rằng: sao lại có cảnh sát của Nhà nước tháp tùng và đưa đón long trọng chư Tôn đức như vậy? Làm như vậy có e ngại các tổ chức Tôn giáo khác tỵ nạnh hay so bì với Phật giáo không? Sao không để các Phật tử làm việc đó?
Các Thầy có trách nhiệm đã chia sẻ lại rằng: Điều đó là cần thiết và hợp tình hợp lý thôi. Đơn giản là, nếu các Tôn giáo khác có tổ chức Đại hội như vậy, có nhu cầu và có đề nghị thì chắc là các cấp hữu quan cũng sẽ hộ trì như đối với Phật sự này thôi. Đâu cần nghe phong thanh rồi lo lắng vu vơ. Hơn nữa, không có cảnh sát dẫn đường thì sao đi lại thuận tiện và nhanh chóng được trong phố xá Hà Nội luôn đông đúc chật chội.
An ninh
Đây là vấn đề rất quan trọng nhưng xem ra khá đơn giản ở Đại hội này. Ở các khách sạn thì đã có hệ thống bảo vệ, vệ sỹ chuyên nghiệp của chủ nhà. Phục vụ và bảo vệ là trách nhiệm của họ. Việc ra vào thăm hỏi các Thầy rất thoải mái, miễn là lịch sự thực hiện đúng nội quy vốn có của chủ nhà.
Hòa bình và trật tự dường như đã là nếp muôn đời trong các Phật sự ở Việt Nam. Xô sát, cãi cọ nhau ở những nơi đó vô cùng hiếm. Tuy nhiên để điều hòa trật tự, ban tổ chức Đại hội đã cho sử dụng các loại phù hiệu khác nhau để cho phép hay không ra vào các cửa khác nhau. Nói chung thì mọi chuyện là hài hòa và không gay căng thẳng gì cả. Mọi người đều hiểu, điều đó là rất cần thiết ở những nơi tổ chức các sự kiện quan trọng như thế này. Đâu cũng vậy mà!
Gặp gỡ bên lề Đại hội
Có lẽ đây là điều thú vị bậc nhất ở Đại hội này. Đây là cơ hội để những người muốn và cần gặp nhau có cơ hội thể hiện. Tay bắt mặt mừng, mừng mừng tủi tủi, thỏa lòng “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, v,v. Gặp nhau ở hành lang, ở các quán trà, quán cà phê…. Riêng chúng tôi thì thật thỏa nguyện: được gặp mặt và hàn huyên với những anh chị em cộng tác viên đã lâu. Chân tình và thân thiết lắm. “đồng tâm, đồng chí” đã lâu mà nay mới có dịp gặp mặt…
Cảm động và vui thay!
(Hình ảnh sẽ được cập nhật lúc 20h ngày 13/12/2007)