Trang chủ Tu học Phổ thông Đại cương về Bồ tát thừa với sáu phép Ba la mật

Đại cương về Bồ tát thừa với sáu phép Ba la mật

103

Bồ tát thừa là đường lối tu hành của các vị Bồ tát nhằm tự giác, giác tha đi đến giác hạnh viên mãn và thành Phật đạo.


Trong Thanh văn thừa và Duyên giác thừa, đường lối tu hành đều dựa vào quy luật nhân quả sẵn có trong sự diễn biến của sự vật; đường lối này chủ yếu nhận rõ nguyên nhân của luân hồi, tu tập diệt trừ những nguyên nhân ấy để ra khỏi luân hồi và được giải thoát. Còn Bồ tát thừa thì nhằm mục đích tự giác và giác tha đi đến giác hạnh viên mãn.


Tự giác là giác ngộ bản lai tự tính của mình. Muốn giác ngộ được bản lai tự  tính thì điều cốt yếu là phải nhận rõ thế nào là bản lai tự tính.


Tất cả sự sự vật vật có danh, có tướng, có thể nhận biết được thì đều gọi là pháp và đều thuộc về một giới gọi là pháp giới.


Bản tính của pháp giới là các pháp duyên khởi ra nhau; một pháp duyên khởi ra tất cả pháp, tất cả các pháp duyên khởi ra một pháp, cùng ba đời, khắp mười phương, không thể tách rời một pháp nào với một pháp nào cả.


Ví dụ: hạt bụi là một vật có hình tướng, vật có hình tướng này không thể riêng có một mình mà chỉ có được nhờ đối với những cái không có hình tướng. Những cái không có hình tướng đó cũng phải nhờ đối với những cái có hình tướng khác mà thành; những cái có hình tướng khác đó lại cũng phải nhờ đối với những cái không hình tướng khác nữa mà thành… Các pháp ảnh hưởng dây chuyền với nhau như thế nên cái có của hạt bụi là do tất cả sự vật trong ba đời, mười phương duyên khởi ra và chính hạt bụi lại cũng duyên khởi ra tất cả các sự vật trong ba đời mười phương. Nếu cái có hình tướng của hạt bụi không thành lập thì cái không có hình tướng cũng không thể thành lập.


Cái tính của tất cả các pháp duyên khởi dây chuyền lẫn nhau được gọi là tính trùng trùng duyên khởi. Tính ấy là tính của pháp giới nên cũng được gọi là pháp giới tính.


Dựa vào pháp giới tính này, tất cả các pháp tác động, ảnh hưởng, chi phối, nương dựa, kết hợp, đối đãi lẫn nhau mà chuyển biến không ngừng theo quy luật nhân quả. Do vậy, pháp giới tính là cơ sở, là then chốt của nhân quả, nghĩa là tất cả nhân quả chỉ có thể diễn biến trong pháp giới tính mà thôi.


Tâm của chúng sinh là một pháp trong vô lượng pháp. Đã là một pháp thì bản tính của tâm chỉ có thể là pháp giới tính. Vậy giác ngộ bản lai tự tính tức là giác ngộ pháp giới tính của tự tâm.


Pháp giới tính của tự tâm cũng tức là pháp giới tính của tất cả sự vật, của tất cả các pháp, không có gì sai khác. Do pháp giới tính rõ thật là bản tính của các pháp nên gọi là chân, do pháp giới tính không có sai khác nên gọi là như, vì thế nên pháp giới tính cũng gọi là tính chân như. Giác ngộ được tính chân như của tâm mình thì gọi là tự giác.


Pháp giới tính là chân như, nhưng pháp giới tính lại có khả năng duyên khởi ra mọi sự mọi vật, duyên khởi ra thế giới và chúng sinh trong mười phương ba đời, có nhiều tướng sai khác, mặc dầu bản tính vẫn là chân như, không có sai khác.


Nếu chỉ nhận được cái tính chung của các pháp là tính chân như thì còn chưa có nhận thức sâu sắc về pháp giới tính. Vì thế, các vị giác ngộ được bản lai tự tính, cần phải vận dụng pháp giới tính trong nhiều trường hợp khác nhau để thấy rõ cái dụng to  lớn của pháp giới tính, để thấy rõ pháp giới tính duyên khởi ra các sự vật mà không hề thay đổi, pháp giới tính tuy không hề thay đổi mà có khả năng duyên khởi ra các sự vật.


Vì thế, đi đôi với những công hạnh tự giác, các vị Bồ tát còn tu tập những công hạnh giác tha, nghĩa là hiện ra nhiều thân trong các loài để hoá độ chúng sinh đồng thành Phật đạo.


Cả trong lúc mới phát tâm tu học Bồ tát thừa, các vị Bồ tát cũng đã phát những đại nguyện phả độ chúng sinh. Chỉ khi nào công hạnh giác tha được viên mãn thì công hạnh tự giác mới thật là viên mãn, nghĩa là chứng được toàn thể toàn dụng của pháp giới tính.


Nếu không có công hạnh giác tha thì chân như chỉ là cái chân như tương đối, cái chân như đối với cái không chân như, cái chân như vô dụng, không thể là bản tính chân như của pháp giới được.


Lại cũng chỉ nhờ công hạnh giác tha mới rõ được thật tướng của pháp giới; thật tướng ấy về phương diện tuyệt đối là bất khả tư nghì, nghĩa là không thể nghĩ được, không thể nói được; nhưng về phương diện tương đối thì lại có thể nghĩ được, có thể nói được. Thật tướng tương đối này rất phức tạp, một vật dẫu nhỏ đến đâu cũng đối đãi hiện ra cái vũ trụ của mình và cái tướng của vật đó cũng chuyển biến theo sự đối đãi của các vật khác.


Chính vì thế mà chúng sinh có cái thân nào thì đồng thời cũng có cái cảnh giới đối hiện với cái thân ấy; vì thế mà một sự vật nào cũng có những tướng đối hiện trong cảnh giới của tất cả sự vật khác. Việc sự vật đối hiện lẫn nhau như thế thì gọi là diệu hữu.


Do có đối đãi mới thành ra có; do đối với cái này thì hoá ra thế này, đối với cái khác thì hoá ra cái khác, như huyễn, như hoá, không có tự tính nên gọi là diệu hữu. Chỉ khi nào thực hành trong diệu hữu mà hoá độ quần sinh thì mới nhận rõ thật tướng của pháp giới, đi đến chẳng những nhận rõ cái không sai khác về thể tính mà còn nhận rõ cái không sai khác về sự tướng, đi đến nhập một với pháp giới tính và thành Phật đạo.


Những phương pháp tu hành của chư vị Bồ tát để nhập một với pháp giới tính có rất nhiều, nay chỉ xin giới thiệu về Lục Ba la mật mà thôi.


Lục ba la mật là sáu phép đến bờ bên kia. Bờ bên này là vô minh, bờ bên kia là trí tuệ tự giác. Sáu phép Ba la mật là những phép tu hành thuận theo trí tuệ tự giác, đi đến trí tuệ tự giác, ở trong trí tuệ tự giác, nên gọi là đến bờ bên kia. Sáu phép ấy là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và bát nhã Ba la mật.


1. Bố thí Ba la mật


Bố-thí là đem những cái mình có mà giúp cho người. Khi đem tiền của mà giúp cho người thì gọi là tài thí, khi đem chính pháp mà chỉ dạy cho người thì gọi là pháp thí, khi đem sức mình cứu giúp che đỡ cho người thì gọi là vô uý thí (nghĩa là bố thí cái không sợ khi người khác đương sợ hãi).


Các vị Bồ tát thuận theo bản tính không có xan tham mà tu hạnh bố thí. Trong lúc bố thí các vị không rời bản tính chân như nên không thấy thật có mình bố thí, thật có vật bố thí, thật có người chịu bố thí, thật có sự bố thí; không thấy thật có quả báo bố thí và không mong cầu quả báo ấy nên gọi là bố thí Ba la mật; khác với lối bố thí thông thường, còn phân biệt có mình, có người, có sự, có vật.


Do các vị Bồ tát thuận theo tâm tính vô biên mà bố thí nên phúc đức cũng vô lượng vô biên.


2. Trì giới Ba la mật


Các vị Bồ tát nhận xem bản tính không có nhiễm trước nên thuận theo bản tính, tu hành phép trì giới Ba la mật. Giới có ba nhóm:


Nhóm thứ nhất là Nhiếp luật nghi giới gồm tất cả những luật nghi phải giữ gìn một cách nghiêm túc, khi đã lĩnh thụ để hộ trì thân tâm được thanh tịnh, xa rời các ác nghiệp. Bồ tát chấp trì luật nghi nơi thân, làm cho thân được thông suốt ; chấp trì luật nghi nơi tâm, làm cho tâm không vọng động, đi đến cả thân và tâm đều yên lặng, thông suốt, không còn những niệm bất thiện và mê lầm.


Nhóm thứ hai là Nhiếp thiện pháp giới, nghĩa là cái giới buộc phải làm tất cả những điều thiện hữu lậu và vô lậu, nói một cách khác là phải làm tất cả những điều có lợi cho người và cho các loài hữu tình, đồng thời phải tu hành tất cả các pháp môn thuận theo bản tính thanh tịnh.


Nhóm thứ ba là Nhiêu ích hữu tình giới là cái giới buộc phải tìm mọi cách làm lợi ích cho tất cả các loại hữu tình, đặc biệt là làm cho các loài hữu tình hiểu biết và tín ngưỡng Phật giáo, dắt dẫn các loài hữu tình tu hành theo đạo giải thoát.


Các vị Bồ tát chú ý đặc biệt việc hoá độ chúng sinh, vì biết rõ tất cả những phúc báo thế gian chỉ là tạm thời, duy có dắt dìu chúng sinh vào con đường giải thoát thì mới phục vụ lợi ích lâu dài cho chúng sinh mà thôi.


Trong lúc trì giới, các vị Bồ tát không thấy thật có mình trì giới, không thấy thật có giới phải trì, không thấy thật có thiện, thật có ác, thật có hoá độ, thật có chúng sinh. Nói một cách khác, không lúc nào rời bản tính chân như nên gọi là trì giới Ba la mật.


3. Nhẫn nhục Ba la mật


Nhẫn nhục Ba la mật nếu dịch cho đúng thì phải dịch là Nhẫn Ba la mật, vì nhẫn có nhiều hình tướng sai khác chứ không phải chỉ là nhẫn nhục.


Các vị Bồ tát thuận theo bản tính chân như vốn không có giận ghét, không có chấp nệ mà tu hành Nhẫn Ba la mật. Chẳng những đối với những nghịch cảnh có hại cho mình, Bồ tát không sinh lòng giận ghét mà đối với những thuận cảnh có lợi cho mình Bồ tát cũng không sinh lòng tham trước.


Bồ tát còn đi ngược lại những thói quen mê lầm nhiều đời, nhiều kiếp, cương quyết không nhận thật có ngã, thật có pháp, cho dù có sự thúc dục của những thói quen đó. Do tâm cương quyết ấy, Bồ tát luôn luôn huân tập tự tâm bằng những chính niệm vô ngã, vô pháp, đi đến thực chứng vô sinh nhẫn và vô pháp nhẫn.


Trong lúc tu hành Nhẫn Ba la mật, các vị Bồ tát không thấy thật có mình tu hành, thật có nhẫn phải tu, thật có đạo quả phải chứng, không hề rời bản tính chân như nên gọi là Nhẫn Ba la mật.


4. Tinh tiến Ba la mật


Các vị Bồ tát thuận theo bản tính không có lười biếng mà tu hành Tinh tiến Ba la mật. Do các vị Bồ tát thật biết sẵn có tâm tính thanh tịnh sáng suốt như Phật không khác, nên phát tâm cương quyết tu tập phát hiện tâm tính ấy, luôn luôn tiến mãi trên con đường Bồ đề nên gọi là Tinh tiến.


Như thế, Tinh tiến không phải là cái siêng năng thông thường mà là cái siêng năng tu tiến trên con đường tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn.


Tinh tiến bao gồm tất cả các Ba la mật, nó có tác dụng thúc đẩy tu tiến thêm mãi. Không tự mãn với những pháp đã thực hiện được. Trong lúc Tinh tiến, các vị Bồ tát thuận theo bản tính chân như, không thấy thật có pháp phải tu, không thấy thật có việc phải làm, không thấy thật có đạo quả phải chứng, nên gọi là Tinh tiến Ba la mật.


 5. Thiền định Ba la mật


Thiền định dịch là tịnh lự, có cả tịnh và lự nghĩa là có cả sự yên lặng và sự suy xét mới gọi là thiền định. Trong các Kinh, thường cắt nghĩa Thiền định là: Tâm nhất cảnh tính. Tâm nhất cảnh tính có rất nhiều nghĩa:


Hàng sơ tâm tu tập thiền định, chuyên tâm về một cảnh, thì chỉ được tâm nhất cảnh chứ chưa được tâm nhất cảnh tính.


Các vị tu tập thiền định, quán tất cả các cảnh đều đồng một tính, như tính chân không, tính như huyễn, v.v,  thì bắt đầu được gọi là tâm nhất cảnh tính, vì tâm chỉ duyên với một tính của cảnh mà thôi. Nhưng tâm năng quán và cảnh sở quán không thể tách rời nhau, năng với sở là một, tâm với cảnh không hai, nên chỉ khi nào đi đến trí và lý hợp nhất, năng và sở đồng một thể tính thì mới thật là được tâm nhất cảnh tính.


Các vị Bồ tát tu Thiền định nhưng vẫn thuận theo bản tính chân như không thấy thật có Thiền định phải tu, không thấy thật có đạo quả phải chứng nên gọi là Thiền định Ba la mật.


6. Bát nhã Ba la mật


Bát nhã thường dịch là trí tuệ. Do trí tuệ ấy phát hiện bản tính chân như, không được một cái gì nên cũng gọi là Không tuệ. Bồ tát thuận theo bản tính không có si mê mà tu hành Trí tuệ Ba la mật. Trí tuệ là cái tâm sở biết lựa chọn giữa chân và vọng, giữa thật và giả. Phân tích ra thì có Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ.


Văn tuệ là khi nghe Phật pháp, hiểu rõ ý nghĩa, bắt đầu quan niệm được Bản tính thanh tịnh, sáng suốt của mình. Do đó, phát lòng tin chắc chắn đối với Phật pháp.


Tư tuệ là nương theo chính pháp đã nghe được, tự mình suy xét nơi tâm cảnh hiện tiền, đi đến giác ngộ được bản lai tự tính của mình, không có sai lầm.


Tu tuệ là nương theo cái trí tuệ bắt đầu trực nhận Bản tính chân như mà tu tập gọt rửa những thói quen mê lầm từ nhiều kiếp để lại, đi đến duy có một tâm chân như, phát ra cái diệu dụng của chân như, đầy đủ vô lượng vô biên công đức mà nhập một với pháp giới tính.


Trí tuệ Bát nhã của các vị Bồ tát phá tan tất cả những kiến chấp mê lầm, chấp có thật ngã, thật pháp; thuần một trung đạo, không còn một sự đối đãi gì, không còn được một cái gì, tuyệt nhiên không có các sự phân biệt về người, về mình, về tâm, về cảnh, về thời gian, về không gian, về thường, về đoạn, về có, về không, về trung đạo hay không phải trung đạo, về lý, về sự, nên gọi là Bát nhã Ba la mật.


Các vị Bồ tát vận dụng Bát nhã Ba la mật mà hoá độ chúng sinh mà đầy đủ 4 đức từ, bi, hỉ, xả.


Từ là yêu mến chúng sinh cho chúng sinh các điều vui.


Bi là thương xót chúng sinh cứu chúng sinh khỏi điều khổ.


Hỉ là vui mừng khi được gặp gỡ thân cận chúng sinh vì đó là dịp kết duyên và hoá độ.


Xả là nhận rõ mọi sự mọi vật đều là những tướng sai khác của bản tính, nên tuy làm rất nhiều Phật sự, rất nhiều công đức nhưng vẫn không thấy có ai làm, có làm cái gì và có làm cho ai, vẫn không được một cái gì cả vì bản tính là chân như ra ngoài các sự đối đãi.


Trong sáu phép Ba la mật, thì Ba la mật Bố thí, Trì giới và Nhẫn nhục thuộc về phần Giới; Thiền định thuộc về phần Định; Bát nhã thuộc về phần Tuệ; Tinh tiến thì bao gồm tất cả. Giới, Định, Tuệ là ba phép vô lậu học mà tất cả các đệ tử Phật đều phải tu trì. Có Trì giới được nghiêm túc thì mới tâm mới yên lặng và dễ tu Thiền định; có tu Thiền định thì mới phát ra Trí tuệ và được giải thoát.


Bồ tát tu sáu phép Ba la mật thì tăng thêm tư lương về phúc đức và trí tuệ và nhờ các tư lương ấy mà chứng được những đạo quả trên đường Bồ đề.


Muốn tu theo Bồ tát thừa, trước hết cần phát Bồ đề tâm, muốn phát Bồ đề tâm thì cần phải học hỏi Phật pháp, suy xét nghĩa lý để mường tượng bản lai tự tính là như thế nào.


Nếu không nhận được bản tính chân như là duy nhất, mình và chúng sinh là đồng thể, Phật và chúng sinh là bình đẳng không có sai khác thì không thể phát Bồ đề tâm.


Vì thế việc học hỏi là rất cần thiết cho những người tu theo đạo Phật./.


HT. Thích Phổ Tuệ (*)


(*) Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Viện chủ Tổ đình Viên Minh – Hà Tây thường tự trào mình là một vị “nông tăng”. Đó là một sự thật. Với 92 tuổi đời, 73 tuổi Đạo, xuất gia từ năm 6 tuổi, Ngài luôn ở nơi thôn dã, cả đời cày cấy, là một “lão nông tri điền” thực thụ. Nhưng Ngài còn là nhà tu hành “học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Ngài luôn tranh thủ mọi thiện duyên để thuyết pháp độ sinh. Phần trên là một thời pháp mà Ngài đã thuyết trong mùa Hạ vừa qua cho một nhóm cư sĩ trí thức đến từ Hải Phòng. BTV PTVN có mặt tại chùa Ráng – Viên Minh Pháp tự đã ghi lại được, dựa trên tài liệu “Phật học thường thức” của Ngài mà biên tập lại. Xin trân trọng được giới thiệu (Tên bài do BBT đặt).