Trang chủ Nghiên cứu Triết học Đại cương Phật giáo Đại thừa (phần 6)

Đại cương Phật giáo Đại thừa (phần 6)

260

4. Tại Việt Nam

Từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, bánh xe Phật giáo đã lăn tới vùng đất Giao Châu – tên gọi xứ Việt Nam thời xa xưa ấy – theo bước chân thương thuyền trên đó có các tăng sĩ Ấn Ðộ. Con đường từ Nam Ấn qua Ấn Ðộ dương đi vòng lên đưa Phật giáo tới Việt Nam trước con đường Bắc tông từ Trung Hoa đi xuống.


Từ đó đến nay, với sự thực hành các tông phái mà nổi bật là Tịnh độ tông, Thiền tông, v.v… cùng với ảnh hưởng của Theravada ở phương nam, Phật giáo có khi suy khi thịnh nhưng nói chung, chưa bao giờ mất ảnh hưởng trong dân tộc Việt Nam.


Trung tâm Luy Lâu

Từ thế kỷ thứ nhất sau CN, tại Luy Lâu (nay là phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã xây dựng một trung tâm Phật giáo với hàng trăm tu sĩ. Có người cho rằng trung tâm Luy Lâu được thành lập trước cả Lạc Dương và Bành Thành của Trung Hoa, và là nơi làm bàn đạp để hình thành hai trung tâm bên Tàu ấy.

Sang khoảng thế kỷ thứ 5, Giao Châu lại hân hạnh tiếp nhận vị đại sư Ấn Ðộ nổi tiếng thuộc truyền thống Ðại thừa là Pháp Thiên (Dharmadeva). Tương truyền sư cùng sơ tổ Thiền tông Trung Hoa là Bồ Ðề Ðạt Ma đến Giao Châu. Sư ở lại giảng dạy; trong số các đệ tử, có hai vị sư nổi tiếng là Huệ Thiên và Huệ Thắng.

Kể từ thế kỷ thứ 6 trở đi, bắt đầu từ Ðại sư Tì-ni-đa Lưu-chi, nhiều vị sư khác từ Trung Hoa sang Việt Nam khai sáng nhiều tông phái Ðại thừa, theo truyền thống Thiền tông và Tịnh độ tông. Từ đó, Phật giáo Việt Nam nghiêng dần về Bắc tông. Mãi tới thế kỷ 17, khi lãnh thổ Việt Nam mở rộng hết vùng đất Nam bộ, Phật giáo Việt Nam lại tiếp nhận Nam tông theo tập quán tín ngưỡng của sắc dân Thuỷ Chân Lạp ở vùng lục tỉnh ngày nay.


Mâu Tử và Khương Tăng Hội

Mâu Tử sinh khoảng năm 165-170 s.C.N., được xem là luận sư đầu tiên của Phật giáo Việt Nam với tác phẩm không những lưu hành tại Giao Châu mà còn ở cả Trung Hoa và được các học giả người Hoa, Nhật, Tây phương nghiên cứu.

Sư là người học nhiều, biết rộng, cuối cùng chọn lựa Phật giáo làm lối đi riêng cho mình sau khi đã chất vấn đối luận với những học giả thuộc các truyền thống triết học Trung Hoa khác. Lý hoặc luận là tác phẩm gồm những câu vấn đáp, dùng lý luận để xoá tan những nghi ngờ về đạo Phật. Phát xuất từ quan điểm Phật giáo, sách gồm có 37 điều.


Ngoài 3 điều đầu trình bày về cuộc đời Ðức Phật và các giới luật giữ đạo, tất cả 34 điều còn lại dành để bàn luận bàn về những tinh hoa và bất cập trong triết học Nho giáo, Ðạo giáo cùng lễ nghi và văn hoá của Trung Hoa. Ðây có lẽ là cuốn sách đầu tiên bằng chữ Hán với nội dung “giải hoặc” Nho giáo và Ðạo giáo và dùng văn học của hai truyền thống ấy để giải thích Phật giáo.

Sau Mâu Tử, Phật giáo Việt Nam nổi bật sư Khương Tăng Hội, người được xem là khởi nguyên Thiền tông tại Việt Nam. Sư sống vào khoảng thế kỷ thứ 3 sau CN với các sáng tác phẩm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam như Lục độ yếu mục; Nê hoàn phạm bối; chú giải sách An-ban thủ ý. Sư cũng là người có những đóng góp trở lại về học thuyết cho Phật giáo Trung Hoa. Cuối đời, sư đi Nam Kinh (Trung Hoa) và mất tại đó năm 280.


Tịnh độ tông

Tông phái này cùng với Mật tông và Thiền tông quyện chặt vào nhau, thấm nhuần trong Phật giáo Việt Nam. Con đường Tịnh độ tông đi vào Giao Châu là qua ngã thiền phái Vô Ngôn Thông.

Theo Nguyễn Lang (Thích Nhất Hạnh) trong Việt Nam Phật giáo sử luận tập I, tt. 218, 219 thì
“Ta biết rằng Thiền học Việt Nam đã từ lâu thấm nhuần Mật Giáo [Mật tông Phật giáo]; nhưng ta không biết được do cách nào mà giáo lý niệm Phật đã thâm nhập vào thiền phái Vô Ngôn Thông. Có thể nói đây là do sự tiếp xúc giữa các thiền sư phái này với thế hệ tăng sĩ Trung Hoa đệ tử của thiền sư Diên Thọ”.


Ðề cập sự có mặt của Tịnh độ tông trong cuốn Thiền uyển tập anh ngữ lục đời Trần, Nguyễn Lang cho biết các tác giả “ngoài việc nhắc đến tượng đồng A Di Ðà do Không Lộ (?-1119) thực hiện, còn nói đến thiền sư Lục Tịnh như một người đã đắc được ‘Pháp niệm Phật tam muội’ [.] Ông dạy đệ tử là ‘không nên cầu sự chứng ngộ bên ngoài’ và ‘nếu muốn diệt trừ các ác nghi ệp thì nên áp dụng phương pháp niệm tụng bằng cả tâm lẫn miệng’. Sự phối hợp giữa Thiền và Tịnh Ðộ sau này sẽ trở nên quan trọng trong đạo Phật tại Việt Nam”.


Truyền thống tứ ân

Người Phật giáo cũng là kẻ phải sống giữa cuộc đời, có tương liên nối kết cụ thể với những công quả đã nhận và những ơn đức phải báo đáp. Từ đó, triển khai khái niệm về Tứ ân tức là bốn ơn, vốn có nguồn gốc từ trong kinh điển truyền thống, và ảnh hưởng sâu sắc lên tâm thức của người Phật giáo Việt Nam. Có ít nhất hai thuyết về bốn ơn này.


1. Theo kinh Tâm địa quán, bốn ơn ấy gồm: ơn cha mẹ; ơn chúng sinh; ơn quốc vương; và ơn tam bảo.


2. Theo kinh Thích thị yếu lãm, bốn ơn gồm: ơn cha mẹ, ơn sư trưởng, ơn quốc vương, ơn thí chủ.


Yên tử Trúc Lâm

Khởi đi với danh xưng Yên tử, đây là một tông phái Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ 13, đặt cơ sở trên các bộ kinh Ðại thừa như Kim cương, Diệu pháp Liên hoa, Bát nhã Ba-la-mật, Nhập lăng già và Hoa nghiêm. Yên tử Trúc Lâm do sư Hiện Quang (?-1221) thành lập bằng cách hợp nhất ba phái thiền Thảo Ðường, Vô Ngôn Thông và Tì-ni-đa Lưu-chi.


Tổ thứ 13 của tông phái này từng là một vị vua lỗi lạc lãnh đạo đất nước hai lần đánh thắng quân Nguyên, tức Trần Nhân Tông (1258-1308), cho nên từ đó được gọi là phái Trúc Lâm Yên tử với vị sư cựu hoàng ấy làm Ðệ nhất tổ.

Trúc Lâm Yên tử ngoại trừ phần tu tập có tính tu viện, còn mang tính nhập thế. Tăng nhân cũng là kẻ có những ưu tư của người dân nước nhỏ sống bên cạnh một nước lớn với trạng thái bang giao “vô thường” khi bạn khi thù. Chính Trần Nhân Tông, tức Trúc Lâm Ðầu đà, đã hạ bút trong Cư trần lạc đạo rằng:

Tụng kinh niệm bụt
Chúc thánh khẩn cầu
Tam hữu, Tứ ân
Ta nguyền được trả”.

Triều đại Trần xem tông phái Trúc Lâm là một dạng Phật giáo chính thức của cả nước. Có lẽ vì sự liên quan mật thiết ấy nên sau khi nhà Trần suy tàn, Trúc Lâm bị lâm cảnh mai một. Mãi tới thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1600-1700) mới thấy xuất hiện các cao tăng của Trúc Lâm, nổi bật nhất là Minh Châu Hương Hải (1628-1715), ở cả hai miền nam bắc. Sư thường dạy rằng:


“Ngộ được tự tính mình thì chúng sinh là Phật, mê tự tính của mình thì Phật là chúng sinh. Giữ được tự tính mình bình đẳng thì chúng sinh là Phật, để tự tính mình gian hiểm thì Phật là chúng sinh”. Lại nói: “(Có những kẻ) Chỉ muốn tránh chỗ huyên náo, bỏ nơi hoạt động, cố phá từng cái tướng, tách từng mảnh bụi của vật thể để tìm hiểu biết. Làm như thế tuy chỗ tĩnh lặng cốt ngộ lý không nhưng không biết đó cũng là cái lối làm chôn vùi chân tính, lấp mất chân giác…


Nếu biết quay ánh sáng soi lại nơi mình, bỏ ngoại cảnh mà xem tự tâm, thì Phật nhãn sáng suốt, bóng nghiệp tự tan, Pháp thân hiện ra, những vết trần tự diệt… Cái bản thể của tâm và chân tướng của tánh, vốn lặng lẽ chẳng phải có, chẳng phải không, không có sinh cũng không có diệt. Ta tìm nó thì không thấy, bỏ nó vẫn chẳng rời. Nếu ta mê cái hiện tượng của nó thì khổ sở lầm lẫn lăng xăng, nếu ngộ được chân tánh của nó thì tinh thông sáng suốt. Tâm tức là Phật, Phật tức là tâm, song chỉ có người chứng ngộ mới biết”.

(Nguyễn Hiền Ðức, Lịch sử Phật giáo Ðàng trong, Tp HCM, 1988; trích theo Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, sách đã dẫn, t. 194).


Sư Hương Hải để lại 16 tác phẩm giải thích các kinh Pháp hoa, Kim cương và A-di-đà.

Trong thế kỷ 17-18, tông phái Trúc Lâm có vị thiền sư xuất sắc cuối cùng là Chân Nguyên Huệ Ðăng (1647- 1726), và hoà nhập vào tông Lâm Tế.


Hoà đồng và hiệp nhất

Từ cách hiểu Phật pháp của truyền thống nguyên thuỷ cho rằng cứu cánh con đường đạo là giải thoát con người cá nhân khỏi cõi thế đáng khinh rẻ, sang tới triển khai của Ðại thừa về lý tưởng Bồ tát đã đưa tới những thực hành tích cực trong Phật giáo Việt Nam. Phật giáo không còn là một truyền thống tách biệt như ở Ấn Ðộ mà đã hoà đồng với các truyền thống Nho giáo và Ðạo giáo. Trần Thái Tông (1218-1277), trước khi xuất gia thành Thiền sư, đã viết trong bài tựa cuốn Thiền Tông chỉ nam của mình rằng:


“Trẫm thầm nhủ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Ðặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy trách nhiệm của Tiên thánh. Cho nên Lục tổ có nói: ‘Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau.’ Như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ Tiên thánh mà truyền lại cho đời; thế thì nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của Tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật là giáo lý của mình!’’


Hằng trăm năm trước triều đại nhà Trần, Phật giáo Việt Nam nói chung và các vị cao tăng nói riêng với triết lý nhập thế, đã có những đóng góp tích cực vào cuộc an dân vệ quốc của dân tộc Việt như Khuông Việt (933-1011) phò trợ Ðinh Tiên Hoàng và Lê Ðại Hành, sư Ðỗ Thuận (915?-990) làm cố vấn cho Lê Ðại Hành (935?-1018), góp phần vào việc khai sáng nhà Lý, v.v…


Bửu sơn Kỳ hương

Vùng đất Nam bộ thuở mới mở mang vào các thế kỷ 18 và 19 là nơi lưu dân người Việt sống rải rác, phải giáp mặt với thiên nhiên, dịch bệnh, thảo khấu và sự va chạm giữa các sắc tộc. Ðó cũng là vùng đất đi lại khó khăn, triều đình gặp nhiều trở ngại không thể thi hành pháp luật chu đáo. Sự xuất hiện của Phật thầy Tây An với tông phái Bửu sơn Kỳ hương đã phát triển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long – vốn phần lớn thuộc Nam tông – một tông phái Phật giáo Ðại thừa, có tính dân dã, vệ quốc và an dân.

Phật Thầy tức tu sĩ Ðoàn Minh Huyên (1807-1856), đạo hiệu Giác Linh, quê ở Sa-đéc (nay là Ðồng Tháp). Mùa thu năm 1819, họ Ðoàn xuất hiện chữa bệnh thời khí đang nhiễu hại dân chúng Hậu giang. Từ đó, sư thành lập tông phái Phật giáo Bửu sơn Kỳ hương với giáo thuyết nhấn mạnh trên:


1. Tứ ân: ân tổ tiên cha mẹ; ân đất nước; ân tam bảo, ân đồng bào (hoặc ân thí chủ);


2. Tránh tạo ba nghiệp chướng thân-khẩu-ý;


3. Thực hành Bát chính đạo.


Vì chủ yếu thiên về lối tu hành dành cho cư sĩ tại gia, Bửu sơn Kỳ hương gần như không có tầng lớp tăng lữ và chùa chiền; chỉ có các nhà hội họp, đọc và giảng kinh, cùng hai ngôi cổ tự ở Long Kiến (An Giang) và Núi Sam (Châu Ðốc), nơi hiện còn ngôi mộ không đắp nấm của Phật Thầy. Kinh sách hầu hết dựa trên các sáng tác gồm những bài thơ, bài vè và tập văn vần khuyến giáo và khuyến thiện của giáo chủ. Bên cạnh đó, Phật thầy Tây An cổ động việc khai khẩn đất hoang, mở các trại ruộng cho tín đồ di dân tới ở.

Sau ngày Phật Thầy qua đời, các giáo đồ tin rằng “hồn” – nghiệp lực cứu độ chúng sinh – của Phật Thầy được lưu truyền qua các hoạt Phật kế tiếp, cùng sống chung đụng với người đời để cứu độ chúng sanh trong thời hạ nguyên này, chuẩn bị vào hội Long Hoa là thời điểm những người thiện hảo được hưởng ân phúc, và vũ trụ chuyển sang một chu kỳ mới. Hậu thân của Bửu sơn Kỳ hương ngày nay là Phật giáo Hoà Hảo và đạo Hiếu nghĩa, v.v… Thời Pháp mới xâm chiếm nam Việt, có nhiều đại đệ tử của Phật Thầy và tín đồ Bửu sơn Kỳ hương tham gia các phong trào nghĩa dân bảo vệ lục tỉnh.

Triển khai ý niệm Bồ tát của truyền thống Ðại thừa, Phật giáo Việt Nam đã tiến rất sâu và rộng trên con đường nhập thế bằng con đường hoà đồng với các truyền thống triết học Nho và Ðạo, kết hợp một cách tự nhiên giữa chính trị và tôn giáo, và trên con đường tích cực phục vụ với lý tưởng Bồ tát ấy, Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp đặc biệt và nổi bật vào nền triết học cũng như văn hoá của người Việt.


Trước khi kết thúc

Trong phần lớn tư tưởng Ðông phương có sự đan quyện của những yếu tố mà người Tây phương hẳn muốn, nhưng rất khó đạt được khi tách riêng thành những gì thuộc về triết học ở bên này, và thuộc về tôn giáo ở bên kia.

Trong phần bàn về Ðại thừa ở trên, chúng ta không thể tránh khỏi việc đề cập tới một số luận giải có tính tôn giáo trong truyền thống ấy, dù những thăm dò liên quan tới ý nghĩa tôn giáo đều nằm ngoài phạm vi chủ đề của bài viết này. Nhưng dù có cố tránh cũng không thể không đề cập, nếu muốn làm sáng tỏ triết học Ðại thừa. Cũng như chúng tôi đã hầu như cố ý lặp đi lặp lại rất nhiều lần, ở nhiều chỗ khác nhau, nội dung của Không tính và Tự tính, vì đây là các khái niệm tương đối khó diễn tả minh bạch bằng ngôn từ và khúc chiết theo lối lập luận qui ước thông dụng.

Mặt khác, cũng xuất phát từ Ðại thừa, đưa tới hai định hướng rất riêng biệt, dựa trên các nguyên lý triết học rất khác nhau: Mật tông và Thiền tông mà chúng ta sẽ bàn trong một dịp khác.


Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5

Tư liệu tham khảo:




  • Chân Nguyên & Nguyễn Tường Bách, Từ điển Phật học, Thuận Hoá, Huế, 1999;


  • Ðoàn Trung Còn, Phật học từ điển, bản năm 1963, Chùa Khánh Anh Paris, không ghi năm tái bản;


  • Don Reisman, Senior editor, Religions of the World, Third Edition, Nxb St. Martins’s Press, New York, 1993;


  • Huệ Năng, Pháp bảo đàn kinh, bản dịch của Thích Thanh Từ, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh, 1992;


  • Kimura Taiken, Ðại thừa Phật giáo Tư tưởng luận, bản dịch của Thích Quảng Ðộ, Sài Gòn, không ghi nhà xuất bản.


  • L.H. Tịnh Huệ, Ðại thừa yếu lược, bản in ronéo tại Sài Gòn năm 1988;


  • Lao Tử & Thịnh Lê, Từ điển Nho Phật Ðạo, Văn học, Hà Nội, 2001;


  • Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, quyển I, Thuận Hoá, Huế, 1999;


  • Mel Thompson, Eastern Philosophy, NTC/Contempory Publishing, Hoa Kỳ, 2005;


  • Một số Từ điển Triết học bằng Anh ngữ;


  • Nàrada Thera, Ðức Phật và Phật Pháp, Phạm Kim Khánh dịch, TP. Hồ Chí Minh, 1998;


  • Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, quyển I, Văn Học, Hà Nội, 1994;


  • Nguyễn Q. Thắng, Từ điển tác gia Việt Nam, Văn Hoá, Hà Nội, 1999;


  • Nguyễn Tôn Nhan, Bách khoa thư: Văn hoá cổ điển Trung quốc, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2000;


  • The Oxford Dictionary of World Religions, Oxford University Press, Anh, 1997;


  • Thích Minh Châu & Minh Chi, Từ điển Phật học Việt Nam, Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991;


  • Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phật học tinh hoa, Khai Trí, Sài Gòn, 1965;


  • Trần Trọng Kim, Phật Lục, Tôn giáo, Hà Nội, 2002;


  • Trần Trọng Kim, Phật giáo, Tôn giáo, Hà Nội, 2002.


  • Walpola Rahula, What the Buddha Taught (Bản dịch: Tư tưởng Phật giáo – Con đường thoát khổ của


  • Thích nữ Trí Hải), Phật học viện Quốc tế tái bản, Hoa Kỳ, 1990;


  • Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Ðộ, Nguyễn Hiến Lê dịch, Văn Hoá, Hà Nội, 1996.