Mùa Phật đản là mùa hoa ưu đàm nở, là mùa của lòng tri ân, là dịp để Tứ chúng bày tỏ lòng cảm tạ sâu sắc đối với một Bậc giác ngộ sinh ra trong cuộc đời, nhằm phá tan màn vô minh từ vô lượng kiếp của chúng sanh và để lại cho đời hương hoa giải thoát. Rồi hương thơm ấy mãi lan xa mà một thoáng thời gian đã gần hai ngàn sáu trăm năm trôi qua, nhưng hình ảnh Bậc vĩ đại đó vẫn còn sống mãi với dòng thời gian bất tận, và tồn tại mãi trong con tim của mỗi người con Phật.
Bài Pháp khai Hội vào phần mở đầu được TT Thích Chân Quang đặt câu hỏi: Tại sao ta phải từ bỏ, hạn chế những vui thú thế gian để tu hành theo Phật; tại sao ta phải đi tìm đạo lý, bởi vì “Đời vốn là đau khổ, mà ta tin rằng chân lý Phật dạy sẽ cho ta hạnh phúc tột cùng là giải thoát, giác ngộ”. Đồng thời tùy theo trí tuệ – đạo đức – đạo lý được học của mỗi người mà ta đi tìm hạnh phúc khác nhau và đặc biệt hơn người đệ tử Phật phải biết phía sau của hạnh phúc là gì? Cái phía sau mới đáng sợ hơn.
Kế đến, Thượng tọa phân tích một số quan niệm về mỗi một loại hạnh phúc có những mặt ưu và mặt khuyết đi kèm với ví dụ minh họa cho dễ hiểu:
– Tình yêu nam nữ là hạnh phúc và phía sau tình yêu là hôn nhân, mà đời sống hôn nhân gia đình là quá cực khổ, đụng chạm, đủ thứ trách nhiệm đè nặng lên đôi vai. Vậy phía sau của tình yêu, hôn nhân là bấp bênh, mệt mõi, không bền vững.
– Có người nghĩ có nhiều tiền là hạnh phúc, thực sự có nhiều thứ tiền mua không được. Ví dụ tiền mua được thuốc, nhà cửa nhưng không mua được sức khỏe, mái ấm gia đình và phía sau tiền bạc là gánh nặng, là đau thương, ly tán, hận thù, chết chốc. Phải người rất đạo đức, rất trí tuệ mới xử lý đồng tiền vào tay mình được. Tiền không phải là hạnh phúc mà là phương tiện, một sự nguy hiểm.
– Có người thích quyền lực, cho đó là hạnh phúc nhưng đâu ngờ phía sau quyền lực còn khủng khiếp hơn phía sau tiền bạc rất nhiều, đó là thủ đoạn, mưu mô, ác độc, tính toán, v.v… Và khi đạt được quyền lực rồi thì mới nhận ra, họ đã chạm vào cánh cửa của quỷ. Theo tâm lý thường tình, một người có thể sai bảo được người khác thì cho là hạnh phúc. Thực sự đó chỉ là ảo tưởng, sự khoái trá của bản ngã mà thôi. Còn hạnh phúc là khi ta vâng lời người khác, không có ý phản kháng. Mà khi có nhiều người cùng ham muốn sẽ dẫn đến đụng độ, xung đột, dành giật nhau để đạt được quyền lực, thế là con người mưu hại nhau không thương tiếc. Rất hiếm người có quyền lực trong tay mà vẫn lo được cho cuộc đời, cho con người. Riêng những Bậc Thánh, có thể đứng trên quyền lực nhưng không lo cho mình, chỉ lo cho tha nhân.
– Có người quan niệm sắc đẹp là hạnh phúc, kỳ thực đằng sau nét đẹp sắc sảo mặn mà đó là tai họa, là mồi của dục vọng.
– Có người cho rằng hạnh phúc là được ăn nhậu, hút sách, bài bạc nhưng phía sau đó, không bao lâu tiền hết sạch mà cái nghiện thì còn, có thể dẫn đến tù tội. Do đó, khi ta theo đuổi thỏa mãn những lạc thú trên đời, để rồi hết phước, hết tiền mà cái nghiện vẫn còn, đó mới là đau khổ.
Vì vậy, ta nhìn ra phía sau của hạnh phúc để dạy dỗ con cháu, nhắc nhở bạn bè, khuyên bảo đồng nghiệp của mình về một triết lý sống “Khi ta mong ước điều gì thì hãy nhìn phía sau của nó ”.
Đồng thời Thượng tọa cũng trình bày những khía cạnh mà khi ta được thì hạnh phúc bền vững, đó là :
– Sự tu hành. Tu hành có những lúc tưởng là khổ vì đụng chạm đến bản ngã của ta, nhưng khi qua rồi, nhìn lại ta mới thấy những giây phút chiến đấu với tập khí, với thói quen của mình là hạnh phúc, bình an, là trí tuệ. Thế gian hạnh phúc hay đau khổ phụ thuộc vào tâm ta. Khi bước vào cuộc đời tu hành cũng vậy, phải từ bỏ niềm vui thế gian, giữ gìn giới luật, nhưng đến khi đạt được bình an của nội tâm thì mỗi bước chân đi đều là hạnh phúc bình an. Nên hạnh phúc trong đạo là những điều đơn sơ, giản dị nhưng cao cả vô cùng.
– Thiền định là hạnh phúc nhưng bước đầu tu đó là sự thử thách rất cực khổ khi chiến đấu với cái đau, chiến đấu với vọng tưởng, với hôn trầm. Tuy nhiên một ngày nào đó duyên phước đã đủ, tâm lắng được ta sẽ thấy hạnh phúc là đây, bến bờ là đây, chân lý là đây. Tâm bất ngờ thay đổi, từ đây niềm kính tin với Phật pháp là tuyệt đối, không bao giờ thay đổi. Để được kết quả đó ta phải tu rất nhiều năm. Cảm giác của một người đạt được Thiền định thì không gì diễn tả được, là Phật tử ta cố gắng tập Thiền mặc dù tu Thiền khó, mà ta cứ đi để vượt qua cái khó đó, không sợ. Ta tu theo Phật thì phải đi xuyên qua con đường thiền định đó.
– Sống trên đời này có nhiều cái chung của đời sống thường ngày, nhưng ta cứ thích riêng, chính vì cái riêng đó mà ta đau khổ. Còn người nào hiểu được cuộc đời coi vậy mọi thứ của chung nên ca dao có câu «Ở đời muôn sự của chung/ hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi». Ta sống sao cho đừng thấy cái gì của riêng, đó là biết tu, xứng đáng là đệ tử Phật. Ai thường xuyên nhắc mình câu nói «Ở đời muôn sự của chung » thì tâm bắt đầu mở ra, từ đây mình sống với mọi người yêu thương, hòa hợp, tử tế, hay chia sẻ giúp đỡ, không ích kỷ nữa, và đằng sau cuộc sống vị tha đó là hạnh phúc bền lâu. Ngay tại khi ta yêu thương, giúp đỡ mọi người là ta thấy lòng mình ngập tràn vui sướng. Ngược lại, người thích sống riêng tư thì đằng sau là khổ đau, cay đắng, cô độc.
Tóm lại, ai cũng đi tìm hạnh phúc, và mỗi người đi tìm hạnh phúc khác nhau nhưng phía sau hạnh phúc đó mới là điều đáng nói. Có những cái con người tưởng là hạnh phúc, nhưng không ngờ phía sau đó là tội lỗi, khổ đau. Còn người đệ tử Phật đi tìm hạnh phúc thông qua sự tu hành, giác ngộ, giải thoát, từ bi, yêu thương, tử tế. Và hạnh phúc này là vĩnh viễn, hạnh phúc cứ nối tiếp nhau nếu ta tu đúng đường.
Sau cùng, trong sự thiêng liêng ngập tràn không khí Lễ hội Phật đản, ở giữa vùng rừng núi Đăk Nông xa xôi, ít người biết đến Phật pháp, Thượng tọa tán dương công đức của ĐĐ Thích Chiếu Ý– một Tu sĩ trẻ có đạo hạnh, có kiến thức, rất nhiệt tình đã vấn thân vào vùng sâu vùng xa, nơi mà điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, để xây dựng Đạo tràng tu học cho người cư sĩ tại đây, trên tinh thần góp phần đưa Phật pháp vào đời. Được biết, Đại đức Trụ trì cũng như một số vị Tăng trẻ khác của tỉnh Đăknông đã mang đến “Luồng gió mới” trong các hoạt động Phật sự tại địa phương, là những tấm gương chứng minh được khả năng và sức trẻ của một Tu sĩ Phật giáo trong thời hiện đại với “Hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh”, nhằm đưa đạo Pháp, đất nước, con người toàn chơn thiện mỹ và cứu cánh an lạc.
Nhân đây, để tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật, để tỏ lòng quý kính đối với vị Thầy của mình, Thượng tọa khuyến tấn các Phật tử phải tinh tấn tu hành và rủ nhiều người cùng tu, cùng chung tay với Thầy tổ mà xây dựng Phật Pháp nơi đây, để giúp cho mọi người tìm về cội nguồn tâm linh, được hưởng pháp lạc vô biên của Đức Phật và đem lại hạnh phúc an lạc trong đời sống của mọi người./.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi nhận về buổi thuyết Pháp của TT Thích Chân Quang tại chùa Hoa Khai – Đăk Nông: