Trang chủ Tu học Đà Nẳng: TT TS Thích Chân Quang tham vấn Thiền nhân dịp...

Đà Nẳng: TT TS Thích Chân Quang tham vấn Thiền nhân dịp Lễ hội Quán Thế Âm

402

Vừa qua, Lễ Hội Quán Thế Âm được tổ chức hàng năm tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm (đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã diễn ra từ ngày 26 – 29/03/2024 (nhằm ngày 17 – 20/02/Giáp Thìn). Nhận lời mời của Hòa thượng Thích Huệ Vinh – Phó Trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự GHPGVN TP. Đà Nẵng, Trụ trì chùa Quán Thế Âm, Phó Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm 2024, chiều ngày 28/03/2024 TT Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang đã có buổi chia sẻ trực tuyến và tham vấn Thiền đến với quý Phật tử gần xa.

Được biết, nhiều năm qua, Lễ Hội Quán Thế Âm tại chùa Quán Thế Âm đã được HT Thích Huệ Vinh tổ chức thành công. Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 Lễ hội lớn của cả nước năm 2.000; năm 2021 được Bộ VH-TT-DL cộng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và từ năm 2023, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được UBND TP Đà Nẵng chủ trì tổ chức với quy mô cấp thành phố.

Trong chuỗi chương trình Lễ Hội Quán Thế Âm, Hoà thượng đã dành một buổi để xây dựng sự tu tập về Thiền định. Tuy đây là một trải nghiệm tu học trong nội bộ nhưng ẩn chứa trong đó một điều rất ý nghĩa là tạo thành sức mạnh nội tại về Thiền cho Phật giáo.

Chương trình có sự chứng minh của Hòa thượng Thích Huệ Vinh – Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP. Đà Nẵng, Trụ trì chùa Quán Thế Âm và sự tham dự của chư Tăng đến từ Thiền Tôn Phật Quang, chư Tăng tại Bổn tự, cùng hơn 500 khách thập phương, Phật tử tại chùa Quán Thế Âm và hàng nghìn Phật tử gần xa theo dõi qua online.

Mở đầu, Hòa thượng Thích Huệ Vinh đã có những lời đạo từ quý báu dành cho quý Phật tử. Hòa Thượng nhấn mạnh rằng, khóa Thiền trong Lễ Hội Quán Thế Âm đã trở thành một chương trình đặc sắc không thể thiếu. Bởi vì, ngồi Thiền đúng phương pháp đã mang lại nhiều lợi ích để chuyển hóa thân tâm và đạt được niềm hạnh phúc, giá trị cao đẹp trong cuộc đời của mỗi người tham dự.

Tiếp đến, quý Phật tử cùng lắng lòng đón nghe những chia sẻ của Thượng tọa Thích Chân Quang.

Thượng tọa bày tỏ niềm hoan hỷ khi Ban Tổ chức đã quyết định tổ chức khóa Thiền như một thông lệ, một chương trình chính thức của Đại lễ. Ý nghĩa thiền định trong phép tu của Bồ Tát Quán Thế Âm là điều độc đáo, làm cho buổi lễ trở nên hoàn chỉnh, phong phú hơn.

Nhắc đến Bồ Tát Quán Thế Âm, theo quan niệm dân gian, Ngài giống như một người mẹ hiền cứu khổ cứu nạn, giúp chúng sinh vượt qua mọi cơn nguy khốn. Còn theo kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm đại diện cho một phép tu Thiền nổi tiếng là “PHẢN VĂN VĂN TỰ TÁNH”, tức là nghe lại chính mình. Người phàm phu chúng ta không hiểu nghe lại chính mình là gì nhưng đây là con đường Bồ Tát Quán Thế Âm dạy để đi vào Thiền định. Vậy nên, Thượng tọa muốn nhân buổi hôm nay sẽ làm rõ hơn về vấn đề này.

Thượng tọa khẳng định, muốn hiểu rõ về “Phản văn văn tự tánh”, trước hết chúng ta phải hiểu Bồ Tát Quán Thế Âm từ căn bản. Và nếu ai đã từng tìm hiểu, nghiên cứu về Bồ Tát Quán Thế Âm sẽ thấy công hạnh, thần lực siêu việt của Ngài được viết rõ ở phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa. Phẩm Phổ Môn rất quan trọng. Hiện nay, nó đã trở thành tín ngưỡng về Bồ Tát Quán Thế Âm ngập tràn hết trong Phật giáo Bắc Tông.

Trong kinh Pháp Hoa viết khá nhiều điều về Bồ Tát Quán Thế Âm nhưng với trí tuệ cạn cợt của mình, chúng ta không thể hiểu một cách rõ ràng, cặn kẽ được. Tuy nhiên, việc niệm danh Bồ Tát Quán Thế Âm là điều linh ứng có thật, ai cũng cảm nhận được. Ngài giống như một vị Thần để ta có thể quỳ lạy, năn nỉ, cầu xin nhưng lại mang tính chất của sự giác ngộ, giải thoát đúng nghĩa của nhà Phật.

Từ nơi Ngài, ta không chỉ thấy hình ảnh của một người mẹ hiền, mà còn là một người thầy nghiêm khắc. Thần lực của Ngài vừa giống một tín ngưỡng dân gian, vùa như một tôn giáo ở đẳng cấp cao. Qua đến kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Quán Thế Âm lại trở thành một vị Thiền sư dạy Thiền ở một cấp độ rất cao. Đây là điều rất đặc biệt nơi tín ngưỡng Bồ Tát Quán Thế Âm.

Nói về khía cạnh cứu độ của Bồ Tát Quán Thế Âm, trước hết chúng ta phải nhớ mọi chúng sinh đều đau khổ, kể cả chúng sinh tốt. Chúng sinh tốt ở đây được Thượng tọa chia rõ là 3 hạng người. Một là không hại ai cũng không giúp ai; Hai là có một chút năng lực, thiện chí, giúp người khác ở mức bình thường. Tức là thấy ai khó khăn, ta giúp họ cầm cự, tạm vượt qua nguy khốn; Hạng ba là đủ sức cứu người trong cơ nguy cấp. Việc cứu người trong cơn nguy cấp rất khó. Nó đòi hỏi ta phải có năng lực tính toán nhanh, thông minh, nhạy bén, Không có sẵn năng lực này, ta không thể cứu người trong lúc nguy cấp được. Bồ Tát Quan Thế Âm thuộc hạng thứ 3 này.

Thực sự, mỗi vị Thánh có một năng lực, sở trường khác nhau. Ví dụ, ngài Sivali là đệ nhất phúc lộc. Ngài Bạc Câu La là đệ nhất khỏe mạnh. Ngài Ananda là đệ nhất ghi nhớ. Ngài Đại Ca Diếp là đệ nhất tinh tấn thiền định…. Và cứu người trong cơn nguy cấp là năng lực đặc biệt của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài biết mọi chúng sinh đều đau khổ. Cái đau khổ này có thể là âm ỉ, kéo dài hoặc nguy cấp. Nhưng dù là gì, Ngài cũng lắng nghe, nhìn thấu và cứu khổ tất cả mọi người bằng lòng từ bi, bản lĩnh phi thường của mình trên mọi phương diện. Trong đó, nguy cấp chỉ là một phương diện. Ngoài ra, những cái tinh vi, sâu xa hơn nữa Ngài cũng cứu độ được hết. Trong tâm mọi người, Ngài trở thành hình tượng rất đặc biệt.

Chúng ta biết Nhân quả công bằng nên ai thấy mình chưa đủ may mắn thì tích cực làm phước. Tuy nhiên, có rất nhiều tình huống gấp cần phước lớn mà ta không đủ thời gian để chờ cái phước đến. Lúc đó, ta buộc lòng phải cầu xin Bồ Tát Quán Thế Âm để được mượn phước của Ngài. Tức là, ta đã làm phước rồi mà chưa đủ, thì Bồ Tát sẽ cho ta mượn phước của mình. Khi đã được như ý nguyện, ta phải làm phước trả lại nếu không những gì ta mong cầu, bằng một cách nào đó cũng tự nhiên biến mất. Đây vừa là nhân quả, vừa là thần lực cứu độ của Bồ Tát. Nhiều người nghĩ cầu xin Bồ Tát linh ứng rồi thì thôi, không làm phước nữa. Điều này là cái sai rất lớn. Cầu Bồ Tát mà quên Nhân quả, ta sẽ lập tức rơi vào tà kiến. Kiếp sống này ngắn ngủi, nếu cứ kiên nhẫn chờ nhân quả viên mãn, có thể ta sẽ đánh mất nhiều cơ hội. Vậy nên, nếu cần gấp thì hãy cầu xin Bồ Tát nhưng không bao giờ được phép quên Nhân quả.

Chúng ta hầu hết đều tin Bồ Tát Quán Thế Âm và cũng từng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm lúc khó khăn. Khi cầu xin Ngài, chúng ta đặt vị trí mình giống như đứa con đang cầu xin cha mẹ mình. Nghĩa là trong tâm thế, ta xem mình như là con của Bồ Tát Quán Thế Âm để cầu xin đủ thứ. Và Ngài lúc nào cũng yêu thương, tha thứ, độ lượng, cứu độ.

Sau khi được Bồ Tát Quán Thế Âm cứu độ, chúng ta phải cố gắng tu tập, làm phước, thương người như Ngài đã thương chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta vô hạn thì ta cũng phải bắt chước để thương lại mọi người. Ta không thể nhận tình thương đó rồi ăn ở bạc bẽo, không thương yêu, không giúp đỡ ai. Làm như vậy là ta đang đi ngược lại với đạo lý, đạo đức. Đã nhận được ân huệ từ Bồ Tát Quán Thế Âm để vượt qua cơn nguy khốn, nếu là người hiểu đạo, ta phải sống cả cuộc đời còn lại để yêu thương, giúp đỡ, tử tế, sẵn sàng cứu giúp lại mọi người. Chỉ có cách này, ta mới đền đáp lại được ơn huệ của Bồ Tát.

Cuộc đời này có rất nhiều cái nguy khốn, nguy cấp. Vậy nên, ta lúc nào cũng phải sẵn sàng năng lực để cứu người. Gặp một người nguy khốn mà ta không đủ khả năng giúp thì thật khổ tâm. Khoảnh khắc bất lực ấy sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Vậy nên, lúc nào ta cũng phải cố gắng tu hành, làm phước để tích lũy năng lực, đạo lực, đạo hạnh. Biết đâu một ngày nào trong cuộc đời, ta có thể giúp đỡ được ai đó khi họ gặp khó khăn. Đây cũng là hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Sau khi chia sẻ về đạo hạnh, vai trò của Bồ Tát Quán Thế Âm, Thượng tọa đã có những chia sẻ về Thiền rất thú vị để mọi người hiểu rõ “Phản văn văn tự tánh” là gì. Theo đó, “tự tánh” là chính mình. Chính mình là cái gì, chỉ khi nào ta ngộ ta mới thấy, còn chưa ngộ sẽ không thấy được chính mình vì nó vô hình. Nó vô hình nhưng nó nơi chính ta bao gồm: Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức. Trong đó, Sắc chính là “tự”, là cái thân tứ đại vô thường, dễ nhìn thấy nhất. Đây là cái chính mình đầu tiên nhưng ở mức độ thô. Nhờ có nó là cầu dẫn, ta đi được vào “tánh”.

Thượng tọa phân tích, “tánh” nó phải qua khỏi sắc thân này để đi vào Tâm, vào Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Nên Thọ – Tưởng – Hành – Thức này mới là Tánh, bởi vì đã bắt đầu đi vào cái Tâm rồi. Khi ta an trú được nơi thân, ta biết rõ toàn thân thì tâm ta sẽ lắng dần, để ta bước vào biết được “Thọ”, biết được “Tưởng”, biết được “Hành”, biết được “Thức”, đây là quay lại nhìn được chính mình, nhận ra được chính mình. Ví dụ đầu tiên là cái Sắc, nhưng thật sự ta còn một cái chính mình mà nó quậy ta tưng bừng, hết kiếp này tới kiếp kia là “vọng tưởng”. Vọng tưởng coi vậy lại không được xếp vào Sắc Thọ Tưởng Hành Thức.

Ta cứ tưởng cái “Tưởng” này là vọng tưởng nhưng không phải, vọng tưởng là một cái gì nó phủ trùm, lắn quắn, làm cho ta mờ mịt, thất niệm, không tu được. Phải vượt khỏi vọng tưởng thì bước đầu ta mới an trú được trên thân này, là chính mình thứ nhất, tức khi biết rõ toàn thân, cảm giác toàn thân thì tự nhiên tâm ta yên, bớt vọng tưởng; ngược lại khi tâm yên, tự nhiên ta biết rõ toàn thân (ai có tu thiền đều sẽ nhận ra cái này rất rõ, hai cái đó nó đảo qua đảo lại). Đó là cái “Sắc” để chiến đấu với vọng tưởng (cái lớp đầu tiên).

Khi tâm yên, ta an trú được toàn thân rồi (đi đứng nằm ngồi co tay duỗi chân đều biết rõ toàn thân). Và nếu tiếp tục đi sâu vào, tiếp tục làm phước, gây tạo công đức đầy đủ ta sẽ bước vào một cái “Tánh” là quán Thọ trên Thọ, tức cảm nhận được cái sâu hơn của cái thân này. Khi biết toàn thân, cảm giác toàn thân thì tâm ta yên, dù cái thân vật chất (Sắc: tức đất, nước, gió, lửa) đó là cái thân vô tri. Và nếu ta cứ an trú cái thân vô tri đó một thời gian, tiếp tục ngồi thiền, tiếp tục biết toàn thân, làm nhiều công đức lành, tu dưỡng đạo đức cho sâu thì bỗng nhiên một ngày nào đó ta vào sâu hơn khỏi cái thân vô tri đó, ta cảm nhận được cái tri giác nơi cái thân đó, tức nơi cái thân vô tri này ta nhận sâu hơn trong đó có cái biết. Nếu phân tích theo khoa học ta nói giống như là “xúc giác”, ví dụ cái thân này ta nhéo nó thì cảm giác có cái đau. Cái thân có tri giác ở trong là bắt đầu bước vào Thọ ấm là cái tự tánh ở mức độ sâu hơn cái thân vô tri này. Đây mới gọi là tự tánh, là “Phản văn văn tự tánh”.

Hôm nay mọi người chỉ cần nghe, tiếp cận khái niệm này ở mức thô. Muốn nhận  ra được cái tri giác nơi thân đòi hỏi thiền định phải sâu. Biết toàn thân thì một số người trong Pháp hội này đã nhận ra rồi nhưng chưa sâu. Chỉ khi nhận ra cái tri giác, cảm giác, cảm xúc trong thân, ta bắt đầu bước vào Phản văn văn tự tánh nhưng nó cũng chỉ mới là Thọ ấm thôi.

Chỉ những Thiền sư đi sâu vào Thiền mới nhận ra được Tưởng ấm, Hành ấm, Thức ấm,… Đây là những tầng bậc Thiền định sâu, ta gọi là Phản văn văn tự tánh của Bồ Tát Quán Thế Âm. Nghĩa là không hướng ra, không bận tâm những điều bên ngoài, lúc nào cũng thấy được, nghe được, cảm nhận được chính mình. Cái chữ “Văn” ở đây nó không còn là cái nghe nữa mà là sự cảm nhận, thấy, biết được chính mình. Và cái chính mình đó nó đi qua tới năm lớp. Khi qua khỏi vọng tưởng rồi thì nó là cái thân tứ đại vô tri, rồi đến cái thân tứ đại có tri giác (có cảm xúc, cảm giác), rồi tới tưởng ấm, hành ấm, và thức ấm. Ta đi sâu vào dần cho tới khi đạt được sự giải thoát hoàn toàn, vượt khỏi tâm trở thành bản thể của vũ trụ. Đây cũng chính là con đường, ý nghĩa của “Phản văn văn tự tánh”, rất cao siêu nhưng cũng rất cụ thể, thực tế.

Khép lại thời chia sẻ, Thượng tọa đã giải đáp những câu hỏi thắc mắc của quý Phật tử về những hiện tượng, vấn đề phát sinh trong quá trình tu tập Thiền định. Từ đó, giúp mọi người có những đạo lý, phương pháp tu hành đúng đắn, củng cố sự kiên trì dũng mãnh để tiến bộ trên con đường Thiền, tìm ra được những giá trị sống đích thực.

Tiếp đến, quý Phật tử bước vào thời ngồi Thiền trang nghiêm dưới sự hướng dẫn của quý Thầy đến từ Thiền Tôn Phật Quang.

Tóm lại, qua phần chia sẻ đạo lý của TT TS Thích Chân Quang đã gợi mở, giúp các Phật tử hiểu rõ hơn về đạo hạnh, năng lực vô hạn của Bồ Tát Quán Thế Âm; cũng như hiểu rõ về con đường Thiền đúng lại từ thời Đức Phật dạy, khả dĩ làm hành trang tư lương cho mọi người suốt cuộc đời tu tập.

Chúng ta không phủ nhận tu Thiền cực khổ vô cùng, nhưng cái khổ đó sẽ đưa ta vào sự giác ngộ tâm linh. Đức Phật và tất cả Thánh nhân khác cũng đều đắc đạo nhờ Thiền định. Tu Thiền là cuộc hành trình của mỗi người và ai cũng cần dũng cảm dấn thân thực hành để có thể thấu hiểu và làm chủ. Tuy nhiên, trong tu tập luôn cần những vị Thầy có sự tu tập hành trì, có kinh nghiệm hướng dẫn, giúp đỡ để trên đường tu của ta mỗi ngày mỗi tiến, tránh những điều tai hại.

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Thực hiện: Tâm Trụ