Tại đây, Hòa thượng đã tán thán Thượng tọa trụ trì với tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sinh vi bản hoài” đã không ngại gian khó, nỗ lực trong các hoạt động Phật sự và những chương trình từ thiện an sinh xã hội. Có thể nói, chùa Bà Đa chính là một trong những điểm sáng của Phật giáo Đà Nẵng, góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển trong lòng dân tộc.
Nhân dịp này, Hòa thượng đã kể lại cho đại chúng về câu chuyện thời Đức Phật còn tại thế, có Trưởng giả Cấp Cô Độc với lòng thành kính đã hỷ cúng mảnh đất để xây dựng ngôi tinh xá đầu tiên ở vườn Trúc Lâm thuộc địa phận đất của Thái tử Kỳ Đà, với mong muốn Đức Phật có nơi ngự tọa. Đó chính là sự khởi đầu cho việc hình thành nên những bảo tháp, những ngôi chùa của sau này. Từ đó Hòa thượng nhấn mạnh về “Ý nghĩa của ngôi chùa trong đời sống nhân dân“.
Hòa thượng chia sẻ “ngày xưa dân gian có câu “hôm nay mười tư, mai đã mười rằm, ai muốn ăn oản thì năng lên chùa”. Ngày xưa người dân thường hay nấu xôi, đóng thành oản, cùng với nải chuối dâng lên cúng Phật. Sau đó, mọi người ai đến chùa sẽ được hưởng lộc Phật là chính những miếng oản, quả chuối ngọt lành đó. Cha ông ta đã nói câu này để nhắc nhở con cháu ít nhất một tháng hai lần lên chùa lễ Phật, đây cũng là tinh thần ảnh hưởng bởi giới luật Đức Phật chế là một tháng hai lần trưởng tịnh bố tát, đọc lại giới bổn, nhớ lại những lời Phật dạy trong tam tạng thánh giáo, đặc biệt là trong luật tạng”. Nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta sẽ thấy những câu ca dao tục ngữ, những nét văn hóa của dân tộc Việt luôn hòa quyện với những giáo lý của Đạo Phật, đan xen với nhau trở thành nét đặc sắc của văn hóa Phật giáo. Khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, chư Tổ đã uyển chuyển kết hợp giữa giáo lý Đạo Phật cùng với văn hóa và tập tục của từng địa phương để tạo ra nét văn hóa Phật giáo không tách rời xa lạ với người dân nơi đó. Vì vậy, Phật giáo đi tới đâu, thì ở nơi đó có sự an lạc, hạnh phúc và góp phần tô thêm nét đẹp văn hóa ở địa phương đó. Bởi thế cho nên từ xa xưa, cha ông ta đều chọn những nơi có thế đất đẹp nhất để dựng chùa làm ngôi nhà tâm linh chung cho tất cả mọi người.
Theo Hòa thượng, ngôi chùa không chỉ là điểm du lịch văn hóa tâm linh, nơi phụng sự Tam Bảo, nơi quy ngưỡng tâm linh cho tín đồ Phật tử, mà còn là trường học, là bệnh viện chữa trị thân bệnh và tâm bệnh cho chúng sinh. Ngôi chùa là nơi khiến mỗi người như tĩnh lặng lại, cảm nhận được niềm an lạc trong cuộc sống. Bởi vậy cho nên Cố Sa môn Thích Trí Hải – bậc danh tăng của Phật giáo Việt Nam thế kỷ XX đã viết đôi câu đối “Tới cổng từ bi lòng trần nhẹ bẫng – Bước lên đường giác gót ngọc thênh thang“.
Khép lại thời pháp thoại, Hòa thượng Trưởng Ban Hoằng pháp mong muốn các Phật tử hãy tinh tiến tu học, nỗ lực trợ duyên Thượng tọa trụ trì xây dựng chùa Bà Đa ngày càng phát triển hơn nữa, đưa Phật pháp phổ cập nhân gian, giúp nhiều người tu theo chính pháp, sống đời tỉnh thức.
Sau cùng, Hòa thượng đã dành thời gian giải đáp những thắc mắc của quý Phật tử về những vấn đề trong quá trình tu tập cũng như trong cuộc sống, khép lại buổi chia sẻ pháp thoại tràn đầy hỷ lạc.
Trước đó, Hoà thượng đã tới chùa Linh Ứng Bãi Bụt thắp hương trước di ảnh Cố Hoà thượng Thích Thiện Nguyện – Cố trưởng BTS Phật giáo thành phố Đà Nẵng.
Diệu Tường