A. Vài đặc điểm của thân trung ấm:
1. Sau khi chết người cực thiện vãng sinh ngay về cõi lành, kẻ cực ác thì nghiệp lực lôi kéo về cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh tức thời, phần đông còn lại phải trải qua giai đoạn thân trung ấm, là giai đoạn tạm thời chờ đợi để chiêu cảm thêm nghiệp lực quyết định cho nẻo tái sinh cho cuộc sống kế tiếp.
2. Thân trung ấm nầy chỉ kéo dài được bảy ngày, nếu chưa tái sinh thần thức phải trải qua một kinh nghiệm chết rồi sống trở lại với thân trung ấm mới trong bảy ngày nữa, diễn tiến sống chết tiếp nối nầy có thể kéo dài thân trung ấm trong thời gian tối đa là 7 tuần tức 49 ngày.
3. Mỗi lần thân trung ấm lập lại cái kinh nghiệm chết, nó phải tái diễn trọn vẹn tình tiết của lần chết chính thức: người chết an lành trải nghiệm lại cái chết an lành; người chết vật vã, đau đớn kinh hoàng… trải qua kinh nghiệm đau khổ đó mãnh liệt gấp 7 lần khi chết (nguyên nhân vì thân trung ấm thuần tâm linh, không có thân xác thịt ngăn trở nên ý thức khổ đau hay an lạc đều mãnh liệt gấp bảy lần lúc sống).
Điểm cần lưu ý khác là trong giai đoạn thoáng qua của Trung Ấm tái sinh, mọi nghiệp ác của các đời trước đều chiếu hiện trở lại, một cách cô đọng cường liệt, làm cho thần thức bối rối tột cùng.
Đây là lý do tại sao Phật Giáo có lệ tụng niệm cho người chết liên tiếp “bảy thất”, mỗi thất nếu sắp xếp tổ chức kịp thời vừa trước phút thân trung ấm phải trải nghiệm lập lại cái chết thì quí giá vô cùng, sự kiện đó giúp thân trung ấm cảm nhận niềm bình an, một nhân tố lợi lạc cho việc tái sinh.
4. Có thể nói Thân Trung ấm có thần thông, một trạng thái tinh tế thấy, nghe, hay biết tâm ý người sống, cũng có thể đi khắp nơi trong chớp mắt, xuyên qua tất cả chướng ngại vật, tóm lại tâm người chết ở giai đoạn này hết sức bén nhạy, nhưng cũng rất phân tán và thường bất an. (Do đó, tang quyến nên luôn luôn sinh tâm thương yêu quí kính với người chết, nên nhớ là dầu chỉ móng niệm trong lòng ý khinh bạc, bất hiếu, cũng bị người chết khám phá được mà sinh tức giận đọa vào ác đạo; nếu thân quyến cãi vã tranh chấp nhau thì tình trạng càng tệ hại)
5. Thời gian 49 ngày là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết, giúp họ tạo cận tử nghiệp lành, tức là giúp họ chuyển vọng về chân, chuyển phàm thành Thánh một cách dễ dàng.
Theo Dudjom Rinpoche giải thích thì trong 21 ngày đầu của thời gian Trung Ấm, người chết vẫn còn một số ấn tượng mạnh về đời sống vừa qua, vì vậy đây là giai đoạn quan trọng nhất để người sống giúp đỡ người chết.
Sau đó, kiếp tái sinh dần dần tượng hình và trở thành ảnh hưởng chính, nên cơ hội chuyển nghiệp cho họ khó khăn hơn 21 ngày đầu.
6. Sau 49 ngày nếu chưa đầu thai, thì thần thức sẽ không còn dưới dạng thân trung ấm nên cũng không còn chịu tái diễn kinh nghiệm sống chết sau mỗi bảy ngày nữa, vì đã chuyển sang kiếp quỷ thần rồi. Từ thời điểm nầy thì việc cứu độ vong linh trở nên khó khăn bội phần.
B. Vai trò và phương pháp cứu độ:
1. Vai trò tự tu tự độ của hương linh:
– Phải ý thức rõ rệt rằng tự thân hương linh phải thức tỉnh và chuyển hóa thì sự vãng sinh, siêu thoát mới có cơ thành tựu, nếu hương linh cố chấp, bám chặt vào si mê, tham đắm danh lợi, giận hờn chất ngất thì tất cả nổ lực hỗ trợ của thân nhân và chư tu sĩ đều vô ích.
– Vì vậy, nếu hương linh đã có nếp sống đạo đức, đã từng quy ngưỡng Phật pháp thì chỉ cần nghe lời khai thị, nghe tụng niệm, nghe nhắc nhở… cũng có thể tức thời chuyển hóa được.
– Hương linh dẫu chưa từng Niệm Phật nhưng nhờ có căn lành, nương vào thành tâm của thân quyến, mà quy ngưỡng Phật, một lòng Niệm Phật không loạn động, cũng có thể được Thánh chúng tiếp dẫn về cõi Tây Phương.
2. Vai trò của thân quyến (đặc biệt là lòng thành tâm, hiếu đạo):
– Gia quyến cũng đóng vai trò tối quan trọng trong việc cứu độ người chết, vì chỉ có thân quyến do những cộng nghiệp ràng buộc, những dính mắc sâu xa với người chết mới có đủ nhân duyên giao cảm khiến người chết hoan hỷ đón nhận mà phát thiện tâm, chuyển biến nghiệp dữ thành nghiệp lành.
– Do đó thân quyến phải nên thường trực giữ lòng chân thành hiếu thảo đối với người chết, nên ghi nhớ là trong thời gian 49 ngày, thần thức người chết rất bén nhạy hiểu biết rõ rệt tâm tư người sống, vì vậy điều kiện tiên quyết khi làm bất cứ Phật sự gì thân quyến cũng nên hướng thành tâm về người chết, thương yêu cầu nguyện thì thần thức họ sẽ cảm ứng mà an vui, nhờ vậy niệm lành sanh khởi mà được siêu sinh. (Ngược lại, trong thời gian nầy nếu con cháu sinh tâm ngỗ nghịch, phát ngôn bừa bãi, sinh sự bất hòa thì thần thức người chết biết rõ nảy lòng khổ sở, giận hờn mà bị đọa lạc)
– Thân quyến cũng có thể trợ duyên cho hương linh chuyển hóa bằng phương pháp ăn chay, tụng niệm, làm các việc phước thiện… hồi hướng cho hương linh. (Theo kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, phẩm thứ 7 thì trong bảy phần công đức, hương linh cũng hưởng một phần)
– Thân quyến cũng nên tránh sát sanh hại vật nhân danh tang lễ để tổ chức đãi đằng khiến hương linh phải liên đới trách nhiệm về nghiệp sát mới nữa.
3. Vai trò tăng ni chủ lễ:
– Theo Hoà Thượng Thánh Nghiêm thì “không nhất thiết phải mời Tăng Ni đến tụng kinh. Tăng Ni khi được cúng dường thì chỉ chú nguyện cho thí chủ mà thôi”, có thể hiểu là trong các lễ cầu siêu nếu mời được chư Tăng Ni thì tốt, nếu không thuận duyên hay vì một lý do nào đó không thể mời được thì chính gia quyến chí thành tụng niệm cũng có giá trị.
Dù sao, khi tang gia bối rối, nếu được vị thầy kinh nghiệm hướng dẫn thì người sống cảm thấy an lòng, mà hương linh cũng có điều kiện chuyển hóa hơn.
– Nếu vị chủ lễ là bậc thầy đạo đức từng được hương linh kính trọng thì pháp nhủ của thầy sẽ giúp hương linh chuyển hóa rất mạnh. (Cũng nên lưu ý là thần thức hương linh tinh tế, nên một vị thầy dầu lễ tụng nhuần nhuyễn mà bụng dạ kém đoan chính, lại có thể khiến hương linh thấu rõ mà sanh tâm phiền não)
– Được chư tăng ni chủ lễ thì tang lễ có thể hoàn mãn đầy đủ mọi nghi thức: Lễ Nhập Quan, Lễ Phục Tang, Lễ cầu siêu và cúng cơm, Lễ Di Quan, Lễ An Táng.
4. Linh Tinh:
– Chương trình kết thúc tang lễ, gồm các tiếc mục: Cung thỉnh chư tăng ni, cảm niệm người quá cố, quan khách phát biểu, lời cảm tạ của gia quyến… nên sắp xếp tổ chức ngay trước lễ di quan, vì nếu chờ đến khi hoàn mãn – an táng xong – thì trật tự không còn nữa…
– Trường hợp cư trú tại địa phương không có điều kiện mời tăng ni chủ lễ: Trong hoàn cảnh nầy, theo lời dạy của chư hòa thượng, gia chủ nên mạnh dạn tự mình hay nhờ cư sĩ hiểu biết, tuỳ tiện nương theo kinh Phật mà đọc tụng kinh và Niệm Phật cầu siêu, thì cũng có kết quả tốt đẹp.
Thật ra, Pháp Phật là pháp để tu học, lắng nghe tìm hiểu mà chuyển hóa, chớ không phải là một pháp mầu cần phải tụng theo âm điệu, chuông mõ “rình rang” mới hiệu nghiệm.
Vấn đề là gia chủ cần phải có tâm thành, hết lòng hết sức vì hương linh mà tha thiết thưa thốt nhắc nhở, thì mặc dầu tang lễ đơn sơ mộc mạc mà giá trị tinh thần vẫn có thể rất sâu xa.
Thí dụ như khi thọ tang gia chủ có thể thân thương cất tiếng: “Thưa Mẹ (hoặc Ông, bà. Cha…) Mẹ ơi! Mẹ đã suốt đời tận tụy hi sinh gánh chịu bao điều gian khổ để chăm sóc chúng con. Ơn mẹ bao la như trời biển, chúng con chỉ gây khổ đau cho mẹ chớ chưa báo đền chút ân tình sâu dầy thì nay mẹ đã ra đi rồi.
Giờ đây, quỳ trước linh đài mẹ, chúng con xin chính thức thọ tang, chúng con chỉ biết thành tâm sám hối, thành tâm tụng niệm cầu cho mẹ được an vui nơi tịnh thổ. Chúng con xin tụng đọc lời Phật dạy về cõi Phật A di Đà và niệm Phật hồi hướng cho mẹ.
Xin mẹ lắng lòng nghe, xin mẹ cùng niệm Phật với chúng con. Xin mẹ lắng lòng tưởng nhớ đến Phật và xin buông bỏ đừng bận tâm gì chuyện đời nữa!..”
Đây chỉ là một gợi ý đơn giản, gia chủ nên tuỳ nghi theo tình tiết riêng của gia đình mà bộc bạch.
5. Lo lắng sau đám tang:
– Tổ chức lễ cúng thất, mỗi 7 ngày, nhất là lễ chung thất tức thất cuối cùng thứ bảy tại chùa.
– Ngoài nghi lễ chinh thức nầy, hằng ngày hằng giờ nếu tưởng nhớ đến người quá cố, thân quyến nên tiếp tục niệm Phật hồi hướng, với niềm tin tưởng vững chắc rằng lòng thành của mình sẽ được hương linh cảm ứng mà phát tâm lành.
– Về tiền phúng điếu, nếu có phương tiện, đề nghị nên xử dụng vào các công tác phước thiện, tạo duyên phước cho hương linh lẫn người gởi phúng điếu.
– Thời gian tốt nhất để tu tập cho người chết khi còn giữ dạng thân trung ấm thì 3 tuần đầu là quan trọng nhất vì trong thời điểm nầy người chết còn liên hệ mạnh mẽ với cuộc đời, nên họ dễ dàng nhận sự giúp đỡ của thân quyến, tóm lại sự tu tập của thân quyến ảnh hưởng đến tương lai của người chết rất nhiều, có thể giúp họ giải thoát, hoặc tái sinh tốt đẹp.
Thời gian kế tiếp – khoảng từ ngày thứ 21 đến ngày thứ 49 – thì hình dạng vật lý của họ bắt đầu quyết định, nên cơ hội giúp họ chuyển nghiệp trở nên khó khăn và bị hạn chế. (Tạng thư sống chết, Thích nữ Trí Hải dịch)