Cuộc sống có rất nhiều khổ đau nhưng cuộc sống cũng tràn đầy những mầu nhiệm như trời xanh, mây trắng, nắng ấm, ánh mắt trẻ thơ… Cuộc sống không chỉ có khổ đau, do đó, chúng ta phải biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Bất cứ lúc nào, những mầu nhiệm ấy cũng có mặt khắp nơi trong ta và xung quanh ta.
Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho người khác, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và nở ra như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng. Chúng ta có cần cố gắng để hạnh phúc không? Có cần cố gắng để thưởng thức vẻ đẹp của trời xanh không? Có cần phải thực tập để có thể tận hưởng được vẻ đẹp đó không? Không. Chúng ta chỉ tận hưởng thôi. Mỗi giây, mỗi phút của đời sống hàng ngày đều có thể như thế cả. Bất cứ lúc nào, ở đâu, chúng ta cũng có khả năng thưởng thức nắng ấm, thưởng thức sự có mặt của nhau, hay thưởng thức hơi thở của chính mình. Chúng ta không cần phải đến Trung Quốc để ngắm trời xanh. Không cần phải đi tới tương lai để thưởng thức hơi thở. Chúng ta chỉ cần tiếp xúc với chúng ngay bây giờ. Nếu chúng ta chỉ để ý đến khổ đau thôi thì rất tội nghiệp.
Chúng ta quá bận rộn đến nỗi không có thời gian để nhìn mặt những người ta thương, kể cả những người trong gia đình ta. Ta cũng không có thời gian để nhìn lại chính mình. Xã hội đã tạo ra một lối sống mà ngay cả khi có thời gian rảnh rỗi, ta cũng không biết cách trở về tiếp xúc với bản thân. Ta đánh mất thời gian quý giá của ta bằng cả triệu cách: mở ti vi ra xem, nhấc điện thoại lên gọi, nổ máy xe đi đâu đó… Chúng ta không quen đối diện với chính mình, chúng ta chán ghét bản thân và muốn chạy trốn khỏi bản thân.
Thiền là ý thức những gì đang xảy ra trong thân thể, cảm thọ, tâm hành và thế giới. Mỗi ngày có 40.000 trẻ em chết đói. Những nước siêu cường quốc có hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân, đủ để tiêu diệt hành tinh của chúng ta nhiều lần. Tuy nhiên mặt trời mọc sáng nay rất đẹp, những đóa hoa hồng nở ven đường sáng nay là một mầu nhiệm. Cuộc sống đáng sợ nhưng cuộc sống cũng mầu nhiệm. Thiền tập là tiếp xúc với cả hai mặt. Đừng nghĩ rằng chúng ta phải trang nghiêm mới thực tập được. Kỳ thực, thực tập giỏi, chúng ta phải cười nhiều.
Gần đây, khi đang ngồi với một nhóm trẻ, thấy Jim cười rất đẹp, tôi nói: “Jim, con cười đẹp lắm!” Em trả lời: “Cám ơn Thầy”. Tôi nói: “Con không cần phải cám ơn Thầy. Ngược lại Thầy phải cám ơn con. Bởi vì nhờ nụ cười của con mà sự sống đẹp hơn. Vì vậy thay vì nói cám ơn, con có thể nói: ‘Đâu có gì đâu thưa Thầy, tự nhiên thôi mà!’”
Nếu em bé mỉm cười được, nếu người lớn mỉm cười được thì điều đó rất quan trọng và đáng quý. Nếu trong đời sống hàng ngày ta có thể mỉm cười, ta có khả năng bình an và hạnh phúc thì không những ta mà tất cả mọi người đều được thừa hưởng. Đó là nền tảng căn bản nhất của công việc chế tác hòa bình. Khi thấy Jim cười, tôi rất hạnh phúc. Nếu cậu bé ý thức rằng cậu đang làm cho người khác hạnh phúc thì cậu có thể nói: “Bạn quá tuyệt vời”.
Để nhắc nhở mình buông thư và giữ tâm bình an, thỉnh thoảng chúng ta cần nên tham gia các khóa tu, hay ngày quán niệm. Những lúc đó, chúng ta có thể đi chậm lại, mỉm cười, uống trà, trân quý sự có mặt của nhau và sống với nhau như thể mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Thực sự, đây không phải là khóa tu (retreat) mà là một sự ưu đãi, một bữa tiệc (treat). Trong khi đi thiền hành, ngồi thiền, nấu ăn, làm vườn… suốt ngày, ta có thể thực tập mỉm cười. Ban đầu có thể hơi khó. Có khi ta lại thắc mắc tại sao ta phải cười. Cười được nghĩa là mình đang có chủ quyền với chính mình, mình là mình, mình không đắm chìm trong thất niệm. Nhìn trên khuôn mặt của các vị Bụt và các vị Bồ Tát, ta cũng thấy được những nụ cười như thế.
Tôi xin cống hiến cho các bạn một bài thi kệ để các bạn có thể đọc thầm khi thở và mỉm cười:
Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời.
“Thở vào tâm tĩnh lặng” giống như uống một ly nước mát, chúng ta cảm thấy sự mát mẻ dễ chịu thấm vào châu thân ta. Khi tôi thở vào và đọc lên câu này, tôi thấy hơi thở thực sự làm lắng dịu thân tâm tôi.
“Thở ra miệng mỉm cười”. Ta thấy được hiệu quả của nụ cười. Nụ cười làm buông thư hàng trăm bắp cơ trên khuôn mặt ta, làm cho hệ thần kinh ta thư giãn. Nụ cười giúp ta làm chủ bản thân. Vì vậy mà chư Bụt, chư vị Bồ tát luôn mỉm cười. Khi mỉm cười chúng ta sẽ nhận ra được sự mầu nhiệm của nụ cười.
“An trú trong hiện tại”. Khi ngồi đây tôi không nghĩ đến một nơi nào khác. Không nghĩ đến quá khứ hoặc tương lai. Tôi ý thức nơi mình đang ngồi. Điều này rất quan trọng. Chúng ta có khuynh hướng sống trong tương lai mà không phải sống trong giây phút hiện tại, không phải sống trong cái bây giờ, ở đây. Ta thường nói: “Đợi học xong có bằng tiến sĩ rồi tôi mới hạnh phúc”. Đâu dễ gì có bằng tiến sĩ, nhưng khi có bằng tiến sĩ rồi ta vẫn không hạnh phúc, ta lại nói: “Đợi đến khi có công ăn việc làm rồi tôi mới thực sự hạnh phúc, mới thực sự sống được”. Sau khi có công ăn việc làm ta lại đòi có xe hơi. Sau khi có xe hơi, ta đòi có nhà cao cửa lớn. Ta không có khả năng sống trong giây phút hiện tại. Ta có khuynh hướng trì hoãn đến tương lai, một tương lai xa xôi mà ta không biết là khi nào. Bây giờ không phải là giây phút để ta có thể sống hạnh phúc được. Và có thể suốt đời, không bao giờ ta thực sự sống, không bao giờ thực sự hạnh phúc. Vì thế, nếu có nói về một nghệ thuật sống thì đó là nghệ thuật sống trong giây phút hiện tại. Ý thức là chúng ta đang có mặt ở đây trong giây phút hiện tại, và chỉ có giây phút hiện tại là giây phút đáng sống nhất.
“Giây phút đẹp tuyệt vời”. Đây là giây phút duy nhất có thật. Có mặt ngay bây giờ, ở đây và sống hết lòng với giây phút hiện tại là công việc quan trọng nhất của ta. “Lặng, cười, hiện tại, tuyệt vời.” Tôi hy vọng các bạn sẽ thực tập được.
Dù cuộc sống có khó khăn cách mấy và nhiều khi rất khó để mỉm cười, nhưng cứ thử đi, rồi các bạn sẽ thấy được hiệu quả của nó. Chẳng hạn như khi ta chào nhau: “Chào anh, chào chị”, thì lời chào đó phải là một lời chào đích thực. Gần đây có một người bạn hỏi tôi: “Làm sao tôi có thể cười được khi trong lòng đầy khổ đau buồn tủi? Tôi thấy không tự nhiên thoải mái chút nào cả.” Tôi nói: “Cô phải mỉm cười với nỗi buồn của cô, bởi vì cô giàu có hơn nỗi buồn nhiều lắm.” Chúng ta giống như cái ti vi vậy, có hàng triệu kênh. Nếu mở kênh Bụt lên thì chúng ta là Bụt. Nếu mở kênh buồn lên thì chúng ta là nỗi buồn. Nếu mở kênh cười lên thì chúng ta là nụ cười. Chúng ta không nên để cho một kênh nào đó xâm chiếm, khống chế, lấn át ta. Trong ta có đủ mọi loại hạt giống. Chúng ta phải nắm lấy tình hình trong tay và khôi phục lại chủ quyền của mình.
Khi ta ngồi có ý thức, có bình an, có khả năng thở và mỉm cười được thì ta thực sự là ta, ta có chủ quyền với ta. Khi mở ti vi lên, ta thường để cho chương trình ti vi xâm chiếm. Thỉnh thoảng cũng có những chương trình hay nhưng thường thì chỉ là sự huyên náo, ồn ào. Nhưng vì ta muốn có một cái gì đó đi vào ta hơn là chính bản thân mình, nên ta ngồi đó để cho những chương trình huyên náo tấn công, ngự trị và hủy hoại mình. Cho dù hệ thần kinh của ta đau khổ, kêu la, ta vẫn không can đảm đứng dậy để tắt ti vi. Bởi vì tắt ti vi đi thì chúng ta phải quay về đối diện với chính mình.
Thiền thì ngược lại. Thiền giúp chúng ta trở về với chính tự thân mình. Trong xã hội, có cả hàng ngàn thứ như âm nhạc, phim ảnh, sách báo… kết hợp, hòa trộn lại lôi kéo ta đi, khiến ta ngày càng xa rời bản thân. Chúng ta phải ý thức, mỉm cười và biết thở những hơi thở chánh niệm. Đó là thiền tập, là một mặt khác của xã hội. Chúng ta trở về với chính mình để thấy được những gì đang xảy ra, vì chỉ có cái đang xảy ra mới là điều quan trọng nhất.
Trích sách “Muốn an được an”
Thiền sư Thích Nhất Hạnh