NSND Kim Cương sống lạc quan, tích cực trong thời dịch. Bà còn đứng ra quyên góp giúp đỡ các nghệ sĩ khó khăn và chuẩn bị cho hồi ký của mình.
Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn
NSND Kim Cương là một nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Bà được mệnh danh là “kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam.
NSND Kim Cương được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam vinh danh là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam”. Bà nổi tiếng qua những vở Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ…
Ngoài thành tựu diễn xuất, Kim Cương còn nổi tiếng với công tác thiện nguyện. Nhiều năm, bà tổ chức sự kiện Nghệ sĩ tri âm để quyên góp giúp các diễn viên, nhạc công, soạn giả… nghèo khổ.
Bà sáng lập quỹ học bổng Bảy Nam hỗ trợ các con em nghệ sĩ đang túng thiếu. Quỹ đặt theo tên mẹ bà – cố Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam, đại thụ của sân khấu cải lương, kịch nói. Bà hiện là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM.
Mới đây, “kỳ nữ” của làng sân khấu TPHCM cho biết bà nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn của các nghệ sĩ lão thành mong được giúp đỡ. Nhiều tháng qua, họ mất thu nhập vì không còn được đi diễn, hát. Các nghệ sĩ kỳ cựu cũng hạn chế ra ngoài vì sức khỏe yếu, nhiều bệnh lý nền.
Chính vì thế, NSND Kim Cương vẫn lên kế hoạch kêu gọi. Bà nhờ một số mạnh thường quân hỗ trợ 150 triệu đồng và bỏ tiền túi thêm 50 triệu đồng.
Bà còn gọi điện hỏi thăm từng hoàn cảnh các đồng nghiệp như: Vợ chồng Thanh Tú – Trang Bích Liễu, Diệu Hiền, Mạc Can, Tô Kim Hồng…, Kim Cương tặng mỗi nghệ sĩ 5 triệu đồng theo hình thức chuyển khoản.
Ở Viện dưỡng lão Nghệ sĩ, quận 8, nhận được tin nhắn từ Kim Cương, nghệ sĩ Diệu Hiền xúc động, nói: “Năm nào, chị Hai cũng quan tâm đến các diễn viên, công nhân hậu đài sân khấu một thời. Đợt trước, khi chưa giãn cách, lo chúng tôi thiếu cái ăn, chị gửi nông sản, gạo thịt đến tận nhà”.
Nghệ sĩ gạo cội còn dự kiến trao thêm cho mỗi người trong danh sách 4 triệu đồng, trong đó có một số nghệ sĩ như: Tô Kim Hồng, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Diệu Hiền…
“Tôi muốn được giúp nhiều hơn nhưng sức mình cũng có hạn, không dám kêu gọi nhiều mà chỉ nhờ cậy những người thân quen, hi vọng phần nào sẽ động viên nhau cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này” – nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Viết hồi ký
Ở nhà tránh dịch, Kim Cương tập trung hoàn thành hồi ký phiên bản thu âm – tâm nguyện lớn của bà những năm gần đây. Cống hiến suốt 40 năm, điều bà tiếc là thời trước, hình thức thu âm, quay video chưa dễ dàng, thuận tiện như sau này. Do đó, bà không còn lưu giữ được nhiều tư liệu, băng hình.
Bà nói: “Tôi muốn ghi âm hồi ký như một món quà gửi tặng khán giả đã theo chân tôi bấy lâu, cũng là cách tôi tạ ơn đời, tổ nghiệp”.
Trước đó, bà mời ba tên tuổi kỳ cựu của làng sân khấu miền Nam – Kim Xuân, Thành Lộc, Hữu Châu – thu hồi ký. Thành Lộc giúp bà ghi âm chương Sân khấu và cuộc đời, bởi cả hai cùng chung tâm huyết với kịch nói.
Hữu Châu và Kim Xuân phụ Kim Cương thu âm phần kể về sự nghiệp làm soạn giả của bà – mảng giúp bà thành danh với nhiều kịch bản kinh điển. Hữu Châu, Kim Xuân vốn là đàn em thân thiết của bà, xuất thân từ đoàn kịch Kim Cương nên thấu hiểu nỗi vất vả của bà suốt những năm làm đầu tàu lèo lái đoàn.
ĐÔNG DU/NLĐ