Trang chủ Văn hóa Giới thiệu sách Cuộc đối thoại với nhà sư được trao giải Nobel Hòa bình

Cuộc đối thoại với nhà sư được trao giải Nobel Hòa bình

“Những cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma về Chánh niệm, Cảm xúc và Chữa lành” là ấn phẩm hướng tới đại lễ Phật Đản 2025. Ấn phẩm này vừa mới phát hành đã ngay lập tức được tái bản.

Sách Những cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma về Chánh niệm, Cảm xúc và Chữa lành.

Đức Đạt Lai Lạt Ma được coi là hóa thân hiện tại của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 của Tây Tạng trước đó (vị đầu tiên được sinh ra vào năm 1391. Ngài cũng là vị thứ 74 trong một dòng truyền thừa được bắt nguồn từ một cậu bé Bà La Môn sống trong thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Năm 1989, Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hòa bình về cuộc đấu tranh bất bạo động cho sự nghiệp giải phóng Tây Tạng.

Cuốn sách Những cuộc đối thoại với Đức Đạt Lai Lạt Ma về Chánh niệm, Cảm xúc và Chữa lành ghi lại những thông tin trong cuộc hội thảo Tâm thức và Đời sống lần thứ ba do Viện Tâm thức và Đời sống tổ chức tại Dharamsala năm 1990.

Người thực hiện những ghi chép này là Tiến sĩ tâm lý Đại học  Goleman (một chuyên gia hàng đầu về trí tuệ và cảm xúc) với sự tham luận của nhiều nhà khoa học phương Tây và nhà sư được trao giải Nobel Hòa bình này.

Với mục tiêu là tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau và tạo điều kiện cho những hiểu biết mới trong mối quan hệ giữa những trải nghiệm cảm xúc và sức khỏe, tại hội thảo Tâm thức và Đời sống lần thứ ba do Viện Tâm thức và Đời sống, các chuyên gia về tâm lý học, y học, khoa học thần kinh, triết học, miễn dịch học còn thảo luận với Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng những hành giả thuần thục về thiền Phật giáo để làm rõ sự tương đồng và khác biệt giữa khoa học và kiến thức của Phật giáo Tây Tạng.

Thông qua cuộc hội thảo mang tính đối thoại trực diện giữa các nhà khoa học và Đức Đạt Lai Lạt Ma, bạn đọc sẽ tìm thấy câu trả lời cho mối liên hệ tương trợ sâu sắc giữa bộ não và cảm xúc, đạo đức, chánh niệm và chữa lành bằng tâm trí.

Theo đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định lòng trắc ẩn là nền tảng đạo đức của mọi tôn giáo và quốc gia. Với triết lý sống của mình, ông cũng khơi dậy và nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, hướng con người và thế giới tới hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại.

Những cuộc đối thoại được ghi trong sách mở ra những góc nhìn mới, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách chánh niệm có thể điều hướng cảm xúc, nuôi dưỡng sự cân bằng và tạo nên một tâm hồn tĩnh lặng giữa những biến động của đời sống.

Điểm đặc biệt là “cuộc hội ngộ” giữa khoa học và tôn giáo trong tác phẩm này không nhằm thiết lập ranh giới, mà để kiến tạo sự thấu hiểu, từ đó hé mở phương thức giúp con người tìm thấy sự hài hòa và chữa lành từ sâu bên trong mình. Với giá trị đó, dù là một cuốn sách Phật học với độ dài đáng kể, ấn phẩm này vừa phát hành đã ngay lập tức được tái bản và được giới chuyên môn đánh giá cao.

“Cuốn sách sẽ giúp cho người làm trị liệu tâm lý hiểu rõ tác động của cơ thể, tâm trí, tác động thiền với sức khỏe nói chung và sức khỏe tâm thần nói riêng, những cách tiếp cận khi hỗ trợ những cộng đồng bị rối loạn cảm xúc hoặc rối loạn căng thẳng sau sang chấn, giúp thân chủ của mình hiểu ý nghĩa của những cảm xúc tích cực và cách nuôi dưỡng chúng trong cuộc sống hằng ngày”, ThS Mai Thị Việt Thắng, người hiệu đính cuốn sách viết.

Minh Châu