Trang chủ Đời sống Cuộc cách mạng của tình thương

Cuộc cách mạng của tình thương

Giận là một loại năng lượng. Mãnh lực của cơn giận làm cho ta kiệt sức và nó chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn. Sức mạnh của tình thương, trái lại, có tính bền bỉ. Giận và sợ liên quan mật thiết với nhau. Mãnh lực của sợ hãi sẽ làm người khác hoảng sợ, trong khi đó sức mạnh của thương yêu sẽ gây cảm hứng và mang tới sự chuyển hóa. Những người trẻ như Greta Thunberg¹ rất tuyệt vời, và tôi hoàn toàn yểm trợ cô ấy. Cô ấy chính là một nữ anh hùng vĩ đại của thời đại chúng ta.

242

(Trích từ buổi chia sẻ của Satish Kumar ngày 6-11-2019 tại xóm Hạ, Làng Mai trong tuần lễ tu học dành riêng cho các nhà hoạt động về môi trường)


 

Trong buổi chia sẻ tại xóm Hạ, Làng Mai, thầy Pháp Lai – trong vai trò người dẫn chương trình – đã hỏi Satish Kumar: “Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, thế hệ trẻ đang phải đối diện với nhiều thử thách lớn. Các em tức giận khi thấy tương lai của mình đang bị đánh cắp vì cách vận hành của xã hội hiện nay. Có thể nói đó là một sự tức giận chính đáng. Các em nói: ‘Có thể quý vị sẽ chết vì tuổi già, nhưng chúng tôi thì sẽ chết vì biến đổi của khí hậu’. Dĩ nhiên là chúng ta có thể thấy được trong câu nói ấy hàm chứa một nỗi sợ hãi. Là một nhà hoạt động vì hòa bình và môi sinh, ông có lời khuyên hay lời động viên, khuyến khích nào dành cho những người trẻ đang phải đối diện với một tương lai đầy bất trắc như vậy?”.

Dưới đây là phần chia sẻ của Satish Kumar đã được BBT chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Giận là một loại năng lượng. Mãnh lực của cơn giận làm cho ta kiệt sức và nó chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn. Sức mạnh của tình thương, trái lại, có tính bền bỉ. Giận và sợ liên quan mật thiết với nhau. Mãnh lực của sợ hãi sẽ làm người khác hoảng sợ, trong khi đó sức mạnh của thương yêu sẽ gây cảm hứng và mang tới sự chuyển hóa. Những người trẻ như Greta Thunberg¹ rất tuyệt vời, và tôi hoàn toàn yểm trợ cô ấy. Cô ấy chính là một nữ anh hùng vĩ đại của thời đại chúng ta.

Phong trào Extinction Rebellion – tạm dịch là “Nổi loạn chống tuyệt chủng”, một phong trào tranh đấu vì môi sinh, cũng diễn ra trên căn bản của tình thương. Tôi muốn nói với những người trẻ, những học sinh đang biểu tình, các chiến binh đang hoạt động cho môi sinh và những nhà bảo vệ trái đất: chúc mừng các bạn, các bạn làm hay lắm. Nhưng, xin các bạn hãy hành động với sức mạnh của thương yêu.

Nếu các bạn nhìn lại lịch sử của chúng ta, các bạn sẽ thấy rằng tất cả những thay đổi có tầm vóc lịch sử đều do các nhà lãnh tụ đã lãnh đạo phong trào tranh đấu bằng tình thương. Đó là cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela với 27 năm bị giam cầm, Thánh Gandhi, Mục sư Martin Luther King, Thầy,… Bạn có thể đi ngược dòng lịch sử để thấy điều này. Tất cả những thay đổi lớn lao đã xảy ra trên thế giới: chế độ nô lệ, chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, kỳ thị phụ nữ,… đã chấm dứt. Tất cả những thành tựu đó đều là nhờ sức mạnh của tình thương và một cam kết lâu bền. Bạn không thể nào trông đợi kết quả đến ngay lập tức vào ngày mai khi hôm nay bạn mới bắt đầu xây dựng phong trào.

Người trẻ có thể tức giận và nói: “Quý vị sẽ chết vì tuổi già, nhưng chúng tôi sẽ chết vì biến đổi khí hậu”. Đó là một câu nói đầy sức mạnh. Nhưng, các lãnh tụ trẻ tuổi, các nhà hoạt động cho môi sinh, các nhà bảo vệ trái đất và các học sinh biểu tình thân mến của tôi, xin hãy nhớ rằng thậm chí tổ tiên của chúng ta, những người đã chết trong chiến tranh Việt Nam, họ chết đâu phải vì tuổi già, mà vì chiến tranh do con người gây ra. Hoặc chết trong chiến tranh thế giới thứ hai, trong các trại tập trung, hoặc do nghèo đói. Lịch sử loài người vừa bi thảm, vừa tuyệt vời và vinh quang. Và đó là thực trạng của con người.

Vâng, chúng ta hãy đến cùng nhau, nắm tay nhau và tôi sẽ vào tù với tinh thần của Thánh Gandhi: “Vào tù như cô dâu, chú rể đi vào phòng cưới”. Vâng, tôi sẽ vào tù với bạn. Nhưng không có lý do gì để chúng ta phải nổi giận. Tình cảnh đã như vậy rồi. Nhưng sự thay đổi vẫn có thể diễn ra. Xã hội công nghiệp hóa này, nền công nghiệp gây ô nhiễm, phung phí, bóc lột này đã do con người tạo ra trong thời gian ba, bốn trăm năm trở lại đây. Cái gì đã được con người tạo ra cũng có thể được con người thay đổi.

Từ xã hội săn bắt hái lượm, chúng ta đã trở thành một xã hội nông nghiệp. Từ nông nghiệp, chúng ta tiến lên xã hội công nghiệp. Giờ đây, nếu tất cả chúng ta, với sức mạnh của tình thương, nắm tay nhau, đi chung với nhau, cùng hành động, cùng vào tù với nhau, cùng làm bất cứ cái gì cần thiết, chúng ta sẽ tạo ra một nền văn minh thân thiện với môi sinh (ecological civilisation) dựa trên nền tảng thương yêu, từ bi, chánh niệm, thiền định, sẻ chia và quan tâm chăm sóc cho nhau. Có thể chúng ta sẽ không hoàn hảo, và có thể chúng ta sẽ không bao giờ có được một thế giới hoàn hảo, bởi vì chúng ta là con người với những đặc tính rất con người. Trong chúng ta ai cũng có một chút giận, một chút sợ. Chúng ta là con người. Chúng ta phải ôm ấp, chấp nhận sự không hoàn hảo của mình. Thế nhưng, một tương lai có sự hòa điệu, bền vững và có sức hồi sinh rất đáng để chúng ta đầu tư tâm lực của mình.

Nhưng nếu các bạn hành động dựa trên sự tức giận, sợ hãi và tuyệt vọng thì sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Bạn có thể tuyệt vọng, nhưng nó sẽ không gây cảm hứng hoặc cho bạn thêm năng lượng.

Vì vậy, tôi khẩn thiết kêu gọi các nhà hoạt động môi trường đang hành động với sự tức giận và sợ hãi hãy nên nhìn sâu, như Thầy đã nói, và nhìn vào bức tranh tổng thể. Khi bạn nhìn vào tổng thể, bạn sẽ thấy được sức mạnh của thương yêu, bạn sẽ thấy Chúa Jesus, Bụt, Thánh Francis, Mahatma Gandhi,… Tất cả những tấm gương mà ta thấy đó, ta phải đem vào lòng để có thể nói rằng, vâng, chúng ta đang cùng đi trên một hành trình, và chúng ta sẽ tiếp tục đi tới, tiếp tục làm hay hơn, hay hơn nữa. Đây là một cam kết lâu dài, một cam kết suốt đời. Không phải vì tôi muốn mọi sự thay đổi vào ngày mai mà tôi đòi hỏi nó sẽ diễn ra ngay ngày mai. Chẳng hạn tôi mong muốn mọi người ăn chay trường, không ăn trứng hoặc sữa và đến sống ở Làng Mai. Những cái đó sẽ không xảy ra vào ngày mai. Tôi ước gì nó xảy ra, nhưng nó sẽ không xảy ra. Tôi phải thực tế, nhưng đồng thời tôi cũng phải có ước mơ, có lý tưởng. Vì vậy tôi là một người theo chủ nghĩa duy tâm thực dụng. Tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả những người cấp tiến trên thế giới. Vâng, tôi ủng hộ các bạn, tôi cũng cấp tiến như các bạn, nhưng động lực thúc đẩy tôi không phải là sự sợ hãi, cũng không phải là sự tức giận, mà là tình thương. Và tôi muốn có một cuộc cách mạng của tình thương!

Chú thích:

¹ Greta Thunberg : (sinh năm 2003) là một nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển. Quyết định bỏ học vào mỗi thứ Sáu của Greta Thunberg để đơn độc ngồi trước tòa nhà Quốc hội Thụy Điển cùng tấm biển có thông điệp “Bãi khóa vì khí hậu”  (tiếng Thụy Điển: “Skolstrejk för Klimatet”) đã khởi đầu cho phong trào “Fridays for Future” (“Những thứ Sáu vì tương lai”) hiện đang thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên trên thế giới.


 

Satish Kumar sinh năm 1936 tại Ấn Độ và hiện đang sống ở Anh. Ông từng là một tu sĩ theo Kỳ Na giáo (Jainism) và là một nhà hoạt động cho hòa bình. Ông đã từng thực hiện hành trình đi bộ cho hòa bình dài hơn 8,000 dặm trong hai năm 1973 – 1974, từ New Delhi đến Moscow, Paris, London và Washington DC để kêu gọi các cường quốc giải trừ vũ khí hạt nhân. Ông hiện đang là Tổng biên tập của tạp chí Resurgence & Ecologist – một trong những tạp chí có uy tín về môi trường ở Anh. Đây là công việc mà ông đã đảm đương trong 40 năm qua. Satish Kumar còn là người sáng lập Schumacher College với mong muốn tạo môi trường cho những người trẻ đến với nhau để nghiên cứu sâu về môi trường sinh thái, trong mối liên hệ với kinh tế học và tâm linh.

 


Làng Mai