Sáng 6/9 tại chùa Trăm Gian, các cơ quan chức năng đã tổ chức buổi họp làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan đến việc tu bổ chùa Trăm Gian nhằm đưa ra những phương án giải quyết hợp lý và kịp thời nhất.
Chùa chỉ tu sửa hai hạng mục…
Mở đầu cuộc họp, sư thầy trụ trì Thích Đàm Khoa tường trình lại toàn bộ sự việc tu bổ chùa trong thời gian qua. Đồng thời, sư thầy cũng đưa ra lý do vì sao lại tu sửa: “Từ năm 2008 đến 2010, có nhiều hạng mục của chùa đã xuống cấp nghiêm trọng, luôn phải chống cột nếu không sẽ bị đổ nát mỗi khi mùa mưa về”.
Sư Thích Đàm Khoa: “Nhà chùa tu sửa 2 hạng mục chứ không phải phá hay đập cả chùa”. |
“Hàng nghìn người đến lễ bái chùa đều mong muốn nhà chùa tu sửa lại một số hạng mục cần thiết. Để đáp ứng nguyện vọng của mọi người, tôi đã gửi văn bản tường trình lên các cơ quan ban ngành để được tiến hành tu sửa” – sư thầy Đàm Khoa chia sẻ.
Ông Tống Bá Lương – Phó chủ tịch UBND xã Tiên Phương, kiêm Trưởng BQL Di tích chùa Trăm Gian cho biết: “Sau khi nhận được bản tường trình của sư Đàm Khoa, UBND xã đã trực tiếp xuống kiểm tra và xác nhận việc sư Đàm Khoa báo cáo hiện trạng của chùa Trăm Gian là hoàn toàn đúng. Tức là một số hạng mục đang bị xuống cấp nghiêm trọng và cần phải tu bổ gấp”.
Theo sư thầy Đàm Khoa, ngày 1/6 âm lịch (tức 19/7/2012) sư thầy đã quyết định cho tu sửa lại hai hạng mục của chùa là nhà Tổ và gác Khánh. Trước ngày tiến hành tu sửa, sư thầy đã xuống trình báo với UBND xã.
Tuy nhiên không gặp được ai nên sư thầy đã nhờ truyền thanh xã thông tin đến người dân đến chùa chấp tác, tháo dỡ gạch, ngói chứ không phải… phá chùa.
Tuy nhiên, việc tu bổ này lại không đúng theo quy định của Luật Di Sản, do vậy, lãnh đạo UBND TP cùng Sở VHTTDL Hà Nội ngay lập tức vào cuộc, đình chỉ thi công các hạng mục công trình.
Từ khi đình chỉ thi công (ngày 24/8), toàn bộ các nguyên vật liệu của hai hạng mục này đều được giữ nguyên, trừ những cái quá mục nát thì nhà chùa bỏ đi.
Nhà chùa nóng vội, chưa hiểu… luật
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Hòa – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội khẳng định: “Bất cứ công trình di tích nào khi tháo dỡ cũng phải theo đúng quy định và trình tự của các cơ quan cấp trên. Chùa Trăm Gian tháo dỡ như vậy là sai luật Di sản, chưa đúng thiết kế và làm các bước chưa chuẩn xác. Chùa Trăm Gian nóng vội quá…”
Ông Nguyễn Đức Hòa – Phó GĐ Sở VHTTDL Hà Nội |
Còn ông Nguyễn Xuân Tuân – Trưởng BQL Di tích TP Hà Nội lại đặt ra câu hỏi: “Về khu Di tích, trước hết nên xem và hiểu xuống cấp như thế nào thì được tu bổ?”
Sở dĩ ông Tuân hỏi như vậy bởi trong các buổi tập huấn của Sở VHTTDL cho các quận, huyện đã nói rất kỹ về việc tu bổ. Tuy nhiên, các đơn vị không nắm chính xác việc này.
“Mặc dù lỗi là do sư thầy nóng vội, không nắm được quy trình nhưng chúng ta cũng phải ghi nhận tâm huyết của sư thầy và người dân địa phương, bởi đây là công trình công phu, đầu tư lớn. Chúng ta phải nhìn nhận vào thực tế và nhiều khía cạnh chứ không riêng một mặt sai nào đó” – ông Tuân nhấn mạnh. Nhiều báo chí đưa tin là phá chùa Trăm Gian nhưng trên thực tế nhà chùa chỉ tu sửa lại hai hạng mục công trình, không phải là công trình chính (nhà Tam Bảo – PV) của chùa.
Về phía địa phương, ông Trần Vũ Lâm – Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nói: “Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã chỉ đạo 2 nhiệm vụ: Tuyên truyền cho nhân dân đúng bản chất việc tu bổ và ngày 4/9 tổ chức kiểm điểm các cá nhân, đơn vị có liên quan”.
“Đặc biệt UBND huyện nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội một cách đúng đắn và kịp thời trong việc tu bổ tại chùa. Ngày 15/9 phải báo cáo kiểm điểm với chủ tịch” – ông Lâm cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Tảo – Thanh tra Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Nghe sư thầy Đàm Khoa báo cáo toàn bộ sự việc, tôi nhận thấy nguyên nhân là do nhà chùa quá nóng vội đáp ứng nguyện vọng của người dân nên dẫn đến việc làm không đúng quy định 05 của Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, sư thầy đã nhận lỗi ngay. Xã Tiên Phương và phòng Văn hóa thông tin huyện Chương Mỹ chưa phát huy cao vai trò quản lý nhà nước, cần phải kiểm điểm và nhận thức cao về việc tu bổ Di tích. Riêng với báo chí thì phải đưa ra những thông tin trung thực và chính xác, tránh đưa ra nhiều luồng tin, gây bức xúc trong dư luận, bởi thực tế sư thầy tu sửa 2 hạng mục là nhà Tổ và gác Khánh, không phải là phá hay đập chùa”. |
Theo: Kienthuc.net.vn