ĐÁP:
Cúng dường Tam bảo là một trong những pháp tu quan trọng của hàng Phật tử tại gia. Chính nhờ tu tập bố thí và cúng dường mà phước báo của tự thân cùng gia đình sẽ được vun bồi, tăng trưởng. Vì thế, cúng dường và bố thí là những việc làm luôn được chư Tăng khuyến khích, tán thán. Chư Tăng là người đại diện cho Tam bảo, do vậy mọi việc cúng dường để phụng sự Tam bảo đều do quý Tăng Ni thọ nhận.
Đối với vấn đề cúng dường, có hai phương diện mà cả người cúng lẫn người nhận cần phải nhận thức rõ ràng để hành xử đúng Chánh pháp. Trước hết là cúng dường Tam bảo, tức tịnh tài và tịnh vật dâng cúng được sử dụng với mục đích duy nhất phụng sự Tam bảo. Nghĩa là mọi tài vật do thí chủ cúng dường chỉ chi dụng vào các Phật sự như: xây chùa, dựng tháp, tạo tượng, đúc chuông, ấn tống kinh sách, tiếp Tăng độ chúng v.v… Khi thí chủ hỷ cúng cho việc kiến tạo một hạng mục riêng biệt nào đó của Tam bảo thì chư Tăng cần trợ duyên cho thí chủ như nguyện. Trong một vài trường hợp chư Tăng có thể tùy duyên phương tiện “cân đối” cho phù hợp với tình hình thực tiễn của tự viện nhưng vẫn không ngoài việc phụng sự Tam bảo. Đối với việc Phật tử phát tâm cúng dường Tam bảo để tu tạo phước điền thì chư Tăng phải thay mặt Tam bảo thọ nhận, không có quyền khước từ.
Thứ đến là cúng dường cho cá nhân một vị Tăng, tức tài vật dâng cúng này vị Tăng được tùy nghi sử dụng trong đời sống hàng ngày để phục vụ tu tập, học hành, đi lại v.v… Trong trường hợp này, những vị Tăng sống thiểu dục, tri túc thì chỉ nhận vừa đủ và có quyền từ chối không nhận thêm. Thời Phật tại thế cho đến ngày nay, một Tỳ kheo đi khất thực nếu cảm thấy thực phẩm đã đủ cho bữa ăn thì có quyền đậy nắp bình bát, không nhận thêm nữa. Dù vậy, để cho hàng Phật tử được phước, chư Tăng cần thọ nhận tâm cúng dường (tấm lòng) đồng thời hướng dẫn thí chủ đến cúng dường chư vị khác hoặc cúng vào Tam bảo.
Tuy nhiên, có một vấn đề cực kỳ quan trọng mà hàng Phật tử khi phát tâm cúng dường cần lưu tâm, đó là phải cúng dường như pháp tức thanh tịnh cúng dường và cần tránh “tình cảm” cúng dường. Thanh tịnh cúng dường là tài vật và tâm cúng dường hoàn toàn trong sáng nhằm phụng sự Tam bảo để trang nghiêm phước báo, không hề móng khởi những tà niệm như cầu danh tiếng, để được ca ngợi hay bất cứ những ý niệm nào liên hệ đến vấn đề vun đắp tự ngã. Ngược lại với thanh tịnh cúng dường là “tình cảm” cúng dường, tức chỉ cúng dường cho thầy của tôi bởi tôi nể phục, tôi kính mến, tôi tôn thờ v.v… nói chung là liên hệ đến “tôi”. Đây chính là mấu chốt của vấn đề vui buồn và bất an thường xảy ra cho những ai không nhận thức đúng đắn và thực hành thanh tịnh cúng dường.
Vì thế, khi bạn cúng dường thầy mà không được thọ nhận thì bạn cần bình tâm quán sát để thấy điều đó là điều bình thường. Có thể thầy của bạn đang hành trì hạnh biết đủ nhưng không tiện nói. Nếu đúng như vậy thì bạn không nên buồn đồng thời phát tâm cúng dường lên Tam bảo số tịnh tài hay tịnh vật ấy và chắc chắn thầy sẽ thay mặt Tam bảo chứng minh, thọ nhận và hồi hướng phước đức cho bạn.
Ngược lại, nếu ngoài nguyên nhân trên thì bạn cần xem lại tâm niệm của mình trước, trong và sau khi cúng dường đã thật sự thanh tịnh như pháp hay chưa? Bởi thực chất của hạnh cúng dường là gieo trồng phước báo cho người cúng, làm cho bạn chứ không phải là để “giúp đỡ” thầy. Có thể bạn không cố ý nhưng nếu có chút biểu hiện của tự ngã trong cúng dường thì sự khước từ của thầy là một bài học nhằm thức tỉnh bạn đó. Vì thế, bạn cần quán sát sự việc một cách thấu đáo, xem mình nằm trong trường hợp nào để có cách hành xử thích hợp.
Đỉnh cao của bố thí và cúng dường là đạt đến “trình độ” ba la mật. Cho mà không thấy có người cho, của đem cho và người nhận (không chấp thủ, cái tôi vắng mặt) thì sự bố thí và cúng dường ấy đạt được vô lượng phước đức. Vì thế, chỉ cần tâm cúng dường của bạn thanh tịnh thì cúng dường thầy hay cúng dường Tam bảo, bạn cũng đều gặt hái được thật nhiều phước báo, hạnh phúc và an vui.