Trang chủ Nghiên cứu Cúng dường người đã khuất

Cúng dường người đã khuất

1382

 

 
Thực ra việc cúng 7 thất chỉ có ở một số quốc gia, như Trung Hoa, Việt Nam, chớ không phải ở toàn thể các nước theo Phật giáo. Tuy nhiên, chúng ta có thể duy trì những cuộc lễ nầy như những cơ hội tốt để người Phật tử làm mười điều tạo phước báu, nhứt là bố thí cúng dường, lợi ích cho mình, cho người hiện tiền và quá vãng.
 
Thường thì người còn sống tổ chức nấu nướng những món ăn, thức uống thịnh soạn để cúng người quá vãng, họ tin tưởng rằng người quá cố sẽ trở về thọ hưởng những vật thực họ cúng. Việc làm nầy như thế nào đứng trên quan điểm của Phật giáo? Chúng ta nên đọc lại trong kinh tạng, xem Ðức Phật dạy như thế nào. Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Mười Pháp, III, 177, Phẩm Jànussoni có ghi lại cuộc đối thoại giữa Ðức Phật với Bà la môn Jànussoni cho biết không phải lúc nào sự cúng dường cũng đến được với người đã khuất.
 
Một lần nọ, Bà la môn Jànussoni đến bạch hỏi Ðức Thế Tôn. Ðại ý như sau:
 
– Bạch Tôn giả Gotama, chúng tôi là các Bà la môn chuyên làm các lễ cúng những người chết với mục đích mong rằng sẽ đem lại lợi ích cho người chết. Thưa Tôn giả Gotama, việc chúng tôi cúng người chết như vậy thật sự có lợi ích không ? Những người đã chết rồi có thọ hưởng được của bố thí cúng dường của thân nhân không ?
 
Ðức Phật trả lời:
 
– Nầy Bà la môn, nếu việc cúng dường người đã khuất đó có tương xứng xứ thì mới có lợi ích. Ngược lại nếu không có tương xứng xứ thì không có lợi ích cho người chết.
 
– Thưa Tôn giả Gotama, thế nào là tương xứng xứ? Thế nào là không tương ứng xứ?
 
– Nầy Bà la môn, ai sống sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời vô ích, có tham ái, có sân, có tà kiến, sau khi mạng chung sanh vào địa ngục. Tại đây, y được nuôi sống và tồn tại bằng thức ăn của địa ngục. Cúng thức ăn của con người là không tương xứng xứ. Vị nầy không hưởng được lợi ích gì từ thức ăn của người thân thuộc cúng kiến.
 
Cũng vậy, Ðức Phật giảng giải thêm rằng một người do làm mười điều ác như trên, sau khi thân hoại mạng chung, người nầy sanh vào loài bàng sanh. Tại đây, y được nuôi sống và tồn tại bằng thức ăn của loài bàng sanh. Do đó, không tương xứng, khi thân quyến đem thức ăn của con người để cúng quải, sẽ không được lợi ích gì từ thức ăn của người thân cúng .
 
Với những người khi sống biết tu tập mười nghiệp lành: từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham ái, không sân hận, có chánh kiến, sau khi chết được tái sanh làm người, hoặc có phước báu hơn thì tái sanh làm chư Thiên, thì tại đấy, tùy theo là con người, hoặc là chư Thiên, họ có thức ăn riêng ở cảnh giới đó để nuôi sống họ. Cả 2 trường hợp nầy đều là không tương ứng xứ. Họ không  thọ hưởng sự bố thí, cúng dường của người thân còn hiện tiền.
 
Kế tiếp Ðức Phật cho biết: đối với người nào từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, có tham ái, có sân, có tà kiến, sau khi chết tái sanh vào cõi ngạ quỷ. Chỉ riêng một loài ngạ quỷ mới có thể thọ hưởng sự bố thí cúng dường thức ăn uống của bạn bè, bà con. Món ăn nào mà thân quyến hiến cúng cho ngạ quỷ thì họ sẽ hưởng được món đó. Ðây là trường hợp tương xứng duy nhứt.
 
Sau khi Ðức Phật giải thích như thế, Bà la môn Jànussoni tiếp tục hỏi: nếu bà con huyết thống đã chết ấy không sanh vào loài ngạ quỷ thời ai sẽ hưởng việc bố thí cúng dường đó ?
 
– Nầy Bà la môn, các bà con huyết thống khác đã chết nay đang ở cảnh giới ấy sẽ thọ hưởng.
 
Bà la môn Jànussoni lại hỏi tiếp:
 
– Thưa Tôn giả Gotama, nếu cả dòng họ bà con huyết thống của người cúng, không một ai tái sanh vào ngạ quỷ thời ai sẽ hưởng việc bố thí cúng dường ấy?
 
Ðức Phật trả lời:
 
– Không có trường hợp nầy, rằng chỗ ấy có thể trống không trong một thời gian dài mà không có một ai trong huyết thống bị tái sanh vào đó. Nhưng nầy Bà la môn, người bố thí vẫn hưởng quả tốt.
 
Sau đó, Ðức Phật dạy thêm về phước báu của sự bố thí.
 
Ngài dạy rằng người nào trong đời sống tuy có sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, có tham, có sân, có tà kiến, nhưng lại biết bố thí cho Sa môn, cho Bà la môn, các món ăn thức uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Người ấy sau khi mạng chung sẽ sanh vào loài voi, nhưng là con voi được ăn uống, chăm sóc và trang phục đầy đủ. Nếu sanh làm ngựa, bò hay các loài gia cầm khác thì vẫn thọ hưởng đầy đủ đồ ăn uống, được chăm sóc và đeo vòng hoa, đầy đủ đồ trang phục, tương xứng với phước duyên bố thí của họ khi còn làm người.
 
– Ðối với những người đầy đủ mười hạnh lành như từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ lời phù phiếm, từ bỏ tham ái, từ bỏ sân, có chánh kiến, lại còn biết trau dồi hạnh bố thí, cúng dường các Sa môn, Bà la môn các món ăn, thức uống, vải mặc, xe cộ, các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Sau khi thân hoại mạng chung, người nầy sanh làm người, được hưởng năm dục công đức của loài người, hoặc được sanh làm chư Thiên và tại đấy được hưởng năm dục công đức của chư Thiên.
 
Cuối cùng Ðức Phật xác định người bố thí đương nhiên có kết quả, chứ không phải không có kết quả.
 
Tóm lại, bài kinh nầy cho chúng ta biết rằng chỉ có chúng sanh ở cõi ngạ quỷ, trong một giới hạn nào đó, mới có thể thọ hưởng những gì người sống bố thí cúng dường.
 
Trong kinh Singàlovàda Ðức Phật dạy người con phải làm tròn 5 bổn phận. Phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm công việc thay thế cha mẹ, gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình, tỏ ra xứng đáng thọ hưởng di sản của ông cha và điều cuối cùng là đặt bát cúng dường Tam bảo, hồi hướng phước báu đến những thân nhân quá vãng. Không phải chỉ tổ chức cúng dường hồi hướng phước trong tang lễ, mà còn phải tinh tấn tu tập, làm nhiều việc lành trong suốt cuộc sống, và trong những dịp giỗ, hoặc bất cứ khi nào thuận tiện cũng phải tạo cơ hội để làm nhiều phước sự và hồi hướng đến người đã mất.
 
Trong dân gian, do tập nhiễm những tục lệ lỗi thời lâu đời của Trung Hoa xưa, thay vì làm phước đúng theo pháp để hồi hướng cho người quá cố, người ta phung phí tiền bạc mua các loại vàng mã đốt cúng người chết. Ngày nay với kỹ thuật hiện đại người ta in những đồng dollars Mỹ, rất giống tiền thiệt, để cúng người chết, phải nhìn thật kỹ mới biết đó là tiền giả. Trên thế gian nầy tiền nước nào thì phải do ngân hàng chính phủ nước đó in ấn phát hành. Giấy bạc nào không do ngân hàng của nước đó phát hành thì xem như bất hợp pháp. Việc lưu hành và sử dụng tiền giả là một trọng tội. Giả sử ở cảnh giới mới, người thân của chúng ta sử dụng được tiền của chúng ta đốt cúng đó, thì có phải người thân quá vãng của chúng ta sẽ phạm tội của luật pháp nơi cõi đó hay không. Người ta cũng có thể làm được những nhà cửa, tivi, thẻ tín dụng, telephone, các vật dụng khác .v.v… trông như thật, thậm chí làm những hình người rất đẹp đốt cúng người chết xem như để cưới vợ cho con của mình đã chết. Giả sử người đã khuất sẽ nhận được một tivi, một chiếc xe hơi, telephone, hay các vật dụng khác .v.v…, tất cả đều là cái vỏ không có ruột, không có máy móc bên trong, không có nhiên liệu, không pin, không điện v.v… họ có thể sử dụng được hay không ? Hay là một người vợ bằng giấy, chỉ có da, không có lục phủ ngũ tạng, không có thần kinh, không máu .v.v…thì có lợi ích gì cho người chết hay không ?
 
Lại nữa thông thường người Việt chúng ta khi nghĩ đến người thân quá vãng, nhứt là lúc họ vừa mới qua đời, chúng ta chỉ nghĩ đến việc cúng dường thức ăn thôi. Làm sao nấu nướng và dọn lên bàn những thức ăn ngon, mâm cao cổ đầy để cúng người quá vãng, mà chúng ta không nghĩ đến phần tinh thần. Chúng sanh vừa cần đến đời sống vật chất mà cũng cần đến đời sống tinh thần. Chúng ta nên phân biệt về sự cúng tế của nhân gian và cách tạo phước để hồi hướng, phù hợp với lời dạy của Ðức Phật. Sự tạo phước của người Phật tử không thuần là lễ nghi. Lễ nghi chỉ làm đẹp, làm trang nghiêm, làm cho tâm chúng ta hoan hỷ thêm, nhưng điều cốt yếu là chúng ta tạo những phước lành. Ðức Phật dạy chúng ta những pháp mà khi thực hành chúng ta tạo ra những phước báu, để rồi chúng ta đem những phước báu đó hồi hướng cho người quá vãng. Ðó là mười phước nghiệp sự, tạo phước báu bằng: bố thí, trì giới, tu thiền, cung kính, phục vụ, thính pháp, thuyết pháp, hồi hướng phước, tùy hỷ phước, cải thiện tri kiến.
 
Trong việc tạo phước hồi hướng đến người quá vãng, từ ngàn xưa trong truyền thống Phật giáo, chúng ta thường quan trọng trong việc để bát, trai tăng. Chẳng hạn vua Bimbisàra nằm mộng thấy thân nhân bị khổ quả đói lạnh, vua đến bạch hỏi Thế Tôn. Ðức Ðiều Ngự bi mẫn chỉ dạy cách tạo phước hồi hướng các vong linh thoát ly mọi khổ ách, được sanh vào cõi chư Thiên. Hay là chẳng hạn, Tôn giả Sariputta gặp một ngạ quỷ thân mình trần truồng, hình dung xấu xí, gầy guộc và thân thể nổi gân, người yếu ớt, xương sườn lộ rõ, trong kiếp thứ năm về trước đã là mẹ của ngài Sariputta. Chồng của ngạ quỷ nầy trong kiếp đó là đại phú gia thường xuyên bố thí cúng dường thực phẩm, y phục, sàng tọa, nhiều vật dụng đến người nghèo, du sĩ, lữ khách, hành khất và nhất là các Sa môn, Bà la môn. Vị đại phú gia nầy dặn vợ mỗi khi ông vắng nhà, bà nên bố thí, cúng dường rộng rãi như vậy. Mặc dầu bà đã hứa với chồng, bà sẽ giúp đỡ, bố thí rộng rãi như lời ông căn dặn, nhưng khi ông đại phú gia đi vắng thì bà cắt giảm tục lệ cúng dường chư Tăng. Ðối với các khách lỡ đường đến xin tạm trú, bà chỉ cho ở túp lều xiêu vẹo bị bỏ phế sau nhà. Khi đám du sĩ đến xin thực phẩm nước uống và các thức ăn khác, bà thường buông lời nguyền rủa như: hãy ăn phân đi! Hãy uống nước tiểu đi! Hãy uống máu đi! Hãy ăn óc của mẹ ngươi đi! Do ác hạnh nầy, sau khi từ trần bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ có thân hình đáng ghê như trên. Nữ ngạ quỷ nầy than với tôn giả Sariputta, do ác nghiệp đã tạo, nữ ngạ quỷ phải ăn hoặc uống những thứ gì từ sự nôn tháo, bọt mồm, nước mũi, nước đờm dãi, chất mỡ rỉ ra từ xác chết bị thiêu, máu sản phụ lâm bồn, máu mủ của các loài thú và máu của người nam người nữ. Ngạ quỷ phải ăn tất cả những gì cấu uế khác trong người nam và người nữ, mặc dầu vậy vẫn đói khát vô cùng. Lại nữa, không nơi cư trú, không nhà cửa, chỗ nằm là chiếc giường đen ở nghĩa địa.
 
Nữ ngạ quỷ thỉnh cầu tôn giả cúng dường chư Tăng, tạo phước bố thí hồi hướng để từ đó ngạ quỷ giải thoát khỏi cảnh khổ phải ăn uống dơ bẩn, và đày đọa như vậy. Hôm sau, tôn giả Sariputta, cùng với tôn giả Moggallanà (Mục Kiền Liên), Anurudha (A na luật đà), và Kappina (Kiếp tân na) đến gặp vua Bimbisàra (Tần bà sa). Tôn giả Mục Kiền Liên trình bày những việc xảy ra về nữ ngạ quỷ nầy. Nghe xong, sau đó vua cho xây 4 am thất, có đủ bóng mát và nước. Sau khi am thất được hoàn tất, nhà vua đem chúng cùng các vật dụng cần thiết trong cuộc sống cúng dường tôn giả Sàriputta. Tôn giả nhận xong, đem dâng đến tất cả chư Tăng có Ðức Phật làm thượng thủ, và hồi hướng phước đến nữ ngạ quỷ nhờ vậy nữ ngạ quỷ liền tái sanh lên thiên giới thân hình đẹp đẽ, có đầy đủ thức uống, thức ăn, lẫn áo quần. (xem chú giải Ngạ Quỷ Sự, Chương II, chuyện ngạ quỷ Mẹ Xá Lợi Phất)
 
Một số người chỉ lo tạo chùa to tượng lớn, nhưng lãng quên, hoặc xem nhẹ việc đào tạo tăng tài và làm sao duy trì Tăng đoàn.Vận mạng Phật giáo không nằm ở chùa to, Phật lớn, những cái nầy rất cần nhưng vẫn là việc phụ. Phật Pháp tồn tại và hưng thạnh nằm ở đạo cao đức trọng của tập thể chư Tăng. Tăng tài có thể tạo ra chùa lớn và gìn giữ giáo pháp lâu dài. Chớ chùa lớn không tạo ra chư Tăng. Việc bố thí cúng dường cho tập thể quan trọng hơn cá nhân. Nếu không có sự cúng dường của thiện tín thì chư Tăng Ni phải lo cái ăn mặc …không có thì giờ, không thể an tâm tu tập, học pháp, hành pháp, hoằng pháp. Từ đó không có người gìn giữ giáo pháp và hoằng pháp, Phật Pháp sẽ mai một, suy đồi. Một khi nền tảng đạo đức suy đồi thì người làm ác sẽ gia tăng, xã hội sẽ bất ổn. Lúc đó chúng sanh sẽ sống bất an, đau khổ gia tăng. Do vậy, một chén cơm, một bộ y, một trú xứ thích hợp, một viên thuốc mà người thiện tín cúng dường đến Tăng già có ý nghĩa bảo vệ Phật Pháp, bảo vệ an ninh cho mọi người. Thế thì, việc cúng dường trai tăng quả là có phước báu vô lượng, đem lại an vui cho mình, cho người, cho muôn loài. Việc bố thí cúng dường quan trọng không phải ở số lượng lễ vật nhiều và sang trọng mà cốt yếu ở tấm lòng. Tấm lòng vì mình, vì người, vì an vui của muôn loài. Vật thí phải hợp đạo tức là không do sự trộm cắp, không do tà mạng. Một vật thí hợp đạo đó nếu được xuất ra với tấm lòng, đó là một hành động sống vị tha.
 
Sống vị tha là sự vĩ đại. Một người biết mở lòng mình ra bao trùm đến tha nhân thì tâm của họ không chật hẹp, tù túng. Một đại nhân là người sống bằng cái tâm bao trùm đại thể, sống biết mình mà cũng biết người. Người như vậy thì tâm của họ rất nhẹ nhàng, rất an vui, đây là nguồn phước báu vô vàn. Trái lại, một người sống chỉ biết mình thôi thì có thể còn tệ hơn loài bàng sanh. Một người sống bằng tâm trạng ích kỷ hẹp hòi, không biết tùy hỷ với việc tốt của người thì khi chết rất khó nhận được phước báu của người khác hồi hướng cho mình. Bởi vậy biết bố thí, cúng dường, san sẻ cho kẻ khác là phước báu lớn lao. Chúng ta tổ chức một buổi lễ trai tăng trang nghiêm đó là lễ cúng dường rất tốt. Những khi khác không có chư Tăng, chúng ta nên san sẻ những gì chúng ta có cho một người nghèo đói đang thực sự cần những thứ đó, đấy là việc làm đặc biệt quý báu. Thậm chí thực phẩm mình cho chim hay những con vật khác ăn cũng là một điều chúng ta nên làm và làm thường xuyên để hồi hướng cho người đã khuất.
 
Một nếp sống đạo đức, có giới hạnh là một hạnh phúc cho chính mình mà cũng là một niềm an lành cho xã hội, cho chúng sanh, một phước báu lớn, nếu được hồi hướng là điều vô cùng thanh cao và lợi ích. Hành thiền, giữ chánh niệm tỉnh giác là phước báu cũng rất lớn. Trong đời sống, biết cung kính quý trọng, biết phục vụ tha nhân là phước báu quan trọng có thể hồi hướng được. Thấy người khác được hoan hỷ, chúng ta tùy hỷ với họ cũng là một phước báu vô lượng. Người mà biết tùy hỷ với người khác thì sau nầy người khác hồi hướng cho mình, mình mới có khả năng nhận được phước hồi hướng. Bây giờ nếu mình không tùy hỷ với người khác, sau nầy khi có ai hồi hướng cho mình, mình không khả năng nhận được, vì mình đã không biết tùy hỷ. Nghe Pháp, nói Pháp, giúp người khác những ý kiến đem lại hạnh phúc chân thật và lâu dài, hoặc giả một khóa lễ tụng kinh cho mình và người khác nghe và cho phi nhân nghe để sống hợp với Pháp và cải thiện tri kiến là những phước báu khác cũng vô cùng cần thiết để hồi hướng cho người quá vãng. Chúng ta có thể làm, làm hoài vì lợi ích cho chính mình và cho người hiện tiền lẫn người quá vãng. Làm phước hoài mà không bao giờ thấy đủ và khi làm xong chúng ta hồi hướng đến tất cả. Một ngọn nến nếu được mồi cho ngọn nến khác, ngọn lửa nơi ngọn nến ban đầu vẫn còn sáng, nhưng thêm ngọn lửa nơi ngọn nến thứ hai sẽ làm ánh sáng trong phòng tăng thêm. Nếu mồi cho nhiều ngọn nến nữa thì không những ngọn lửa ban đầu vẫn còn, mà bây giờ càng có thêm nhiều ngọn nến cháy thì ánh sáng nơi đó sẽ càng tăng thêm nữa. Việc hồi hướng cũng như việc mồi lửa cho nhiều ngọn nến khác, nó giúp cho thiện tâm được phát triển, phước báu được tăng trưởng nơi người. Ðó là những việc làm hợp với Pháp, hợp lẽ đạo.
 
Một người muốn trị lành bệnh cho người khác, trước hết phải học về y khoa để có khả năng trị bệnh. Một người muốn cứu kẻ khác sắp chết đuối, người ấy phải biết bơi, hoặc phải có các phương tiện thích nghi chẳng hạn ghe thuyền, phao …Muốn cúng dường người đã khuất và muốn sự cúng dường đó có thể đến được với người đã khuất thì tối thiểu phải có những phẩm vật tương xứng. Phẩm vật đó nên là những phước báu do sự huân tu, làm các thiện sự, nhứt là việc làm phước đến tăng già. Bởi vì chư Tăng “là phước điền vô thượng trong đời”, nếu gieo giống vào “ruộng phước” phì nhiêu đó đương nhiên sẽ có lợi ích lớn, quả lớn.
 
Sau khi chúng ta làm được những điều phước, chúng ta nên đem hồi hướng cho những người thân trong kiếp nầy, mà hơn thế nữa cũng hồi hướng đến tất cả thân bằng quyến thuộc từ nhiều đời nhiều kiếp đến kiếp hiện tại nầy. Ðó là những lễ vật cúng dường có lợi ích, hợp đạo, sẽ thành tựu đến người quá vãng.