Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Cúng dàng Tam Bảo

Cúng dàng Tam Bảo

132

MỞ ÐỀ

Thấy người làm việc lành việc phải, mình tán thán bằng lời, hoặc góp một phần công, giúp một phần của để thành tựu công việc lành ấy. Quả là người này đã có lòng lành đáng quí đáng mến.

Huống nữa, Tam Bảo là cây cầu đưa chúng sinh từ bến mê qua bờ giác, Tam Bảo là con thuyền cứu vớt chúng sinh đang chìm trong bể khổ đưa đến bờ Niết-bàn, Tam Bảo là ngọn đèn sáng soi đường cho chúng sinh khỏi lạc trong rừng tối vô minh.

Người phát tâm tán trợ bồi bổ tô đắp cho Tam Bảo thường còn ở thế gian thì công đức biết bao kể xiết. Vì Tam Bảo thường còn ở thế gian, chúng ta phát tâm cúng dàng, quả là việc làm tự lợi lợi tha đầy đủ.

ÐỊNH NGHĨA

Cúng dàng là nuôi dưỡng khiến Tam Bảo hằng còn ở đời. Tất cả những sự bảo bọc giúp đỡ gìn giữ để Tam Bảo thường còn đều gọi là cúng dàng.

Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Phật đã quá khứ, chỉ còn lại hình tượng. Pháp bắt nguồn từ chữ Phạn đến chữ Hán còn nằm sẵn trong kho tàng nhà chùa. Tăng là những tu sĩ tu theo Phật học chính pháp. Chính những vị này có bản phận gìn giữ hình tượng Phật còn, phiên dịch giảng giải chính pháp.

Tam Bảo đều quí kính, song hệ trọng nhất là Tăng. Nếu không có Tăng ai gìn giữ chùa chiền, ai giảng dạy chính pháp?

Thế nên, cúng dàng Tam Bảo là nói chung, mà hệ trọng là Tăng. Tăng chúng còn là Tam Bảo còn, Tăng chúng mất thì Tam Bảo cũng vắng bóng. Vì thế mọi sự cúng dàng đều đặt nặng vào Tăng, với mục đích Tam Bảo tồn tại ở nhân gian.

CÚNG DƯỜNG SAI LẠC

Thế mà có những người cúng dàng một cách lệch lạc mất hết ý nghĩa cúng dàng. Như có một Phật tử đi chùa đến thầy Trụ trì xin cúng năm đồng, liền đó được nghe hỏi "cầu cái gì", Phật tử ngơ ngác. Thầy Trụ trì hỏi thêm "cầu an hay cầu siêu", Phật tử bóp đầu suy nghĩ đáp "cầu siêu", rồi biên một dọc tên vào sổ cầu siêu. Phật tử này như thế, Phật tử khác cũng thế.

Ðã thành thông lệ, cúng chùa là phải cầu siêu hay cầu an. Cầu an cầu siêu cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho thân thuộc mình, sự cúng ấy quả là vì mình. Vì mình mà đi chùa, vì mình mà cúng chùa đích thực là tham lam ích kỷ. Nếu mang một tâm niệm tham lam ích kỷ đến với đạo, chưa xứng đáng một Phật tử. Cái hư dở này tại ai? Chính tại người hướng dẫn đã chỉ lối sai lạc.

Ðến phần ông thầy, do Phật tử cầu siêu cầu an nên có tiền. Ðồng tiền này sau một thời kinh cầu nguyện xong, ông tự coi như trọn quyền sử dụng không có tính cách e dè sợ sệt gì cả. Nếu một buổi lễ cầu nguyện được Phật tử cúng nhiều tiền, thế là ông mặc tình phung phí, vì tự cho do công tụng cúng của mình mà được.

Thế thì đời tu hành cốt vì giác ngộ giải thoát, vô tình trở thành người tụng kinh mướn. Người tu cốt xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo, biến thành kẻ thụ hưởng. Trái với mục đích xuất gia, trở thành kẻ hư hèn, chính vì nhận đồng tiền phi pháp.

Cầu nguyện là một điều phụ thuộc nhỏ nhất trong Phật pháp, vì nó không phải là chân lý. Thế mà, người ta thổi phồng nó lên, để rồi cả đời người tu gần như hết tám mươi phần trăm (80%) Phật sự đều nằm trong những lễ cầu nguyện.

Truyền bá một điều không phải chân lý, ắt hẳn chính pháp phải chịu suy đồi. Người có trách nhiệm hướng dẫn Phật tử mà một bề cổ xúy cho sự cầu cúng, là đưa họ vào rừng sâu mê tín, gây thêm lòng tham lam ích kỷ cho họ. Quả là kẻ tạo thêm tội lỗi, chớ không phải người tu hành.

CÚNG DÀNG ÐÚNG PHÁP

Người Phật tử chân chính khi phát tâm cúng dàng Tam Bảo, chỉ vì mong cho Tam Bảo thường còn ở thế gian để đưa chúng sinh ra khỏi đau khổ mê lầm. Nếu đến chùa, Phật tử cúng năm mười đồng, Tăng, Ni có hỏi cầu điều gì, Phật tử nên thưa: "Chúng tôi chỉ cầu mong chư Tăng, chư Ni nhận món tịnh tài này để có phương tiện an ổn tu hành, hầu truyền bá chính pháp lợi ích chúng sinh."

Chỉ vì Tam Bảo vì chúng sinh mà cúng dàng, đây là tâm hồn cao thượng quảng đại vị tha. Làm việc bố thí cúng dàng cao đẹp như vậy công đức làm sao giới hạn đuợc.

Vì Tam Bảo thường còn ở thế gian để làm lợi ích cho chúng sinh, trong chúng sinh đã có bản thân mình và thân quyến mình rồi. Quên mình chỉ nghĩ đến toàn thể chúng sinh, không phải lòng lợi tha vô bờ bến là gì?

Với một lòng vị tha rộng lớn như vậy, dù một số tiền nhỏ, một vật dụng mọn đem cúng dàng cũng là phước đức vô biên. Cho nên nói "Phật dụng tâm".

Tăng, Ni nhận sự cúng dàng chân chính của Phật tử, tự nhiên thấy mình có một trọng trách lớn lao vô cùng. Làm sao tu hành tinh tiến? Làm sao truyền bá chính pháp lợi ích chúng sinh? Ðể xứng đáng thọ nhận những thứ cúng dàng của Phật tử, chỉ cần nỗ lực tu hành, cố gắng học tập để hiện tại và vị lai làm lợi ích chúng sinh.

Nếu hiện đời, Tăng, Ni, không làm tròn hai việc này, có thể mai kia phải mang lông đội sừng để trả nợ tín thí. Biết như thế, hiểu như thế, Tăng, Ni làm sao dám lơi lỏng lơ là trong việc tu hành học tập.

Thế là, nhờ sự cúng dàng chân chính của Phật tử thúc đẩy Tăng, Ni đã cố gắng càng cố gắng hơn trong nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của chính mình. Thấy mình thiếu nợ, mới cố gắng lo đền trả bằng cách nỗ lực tu hành và độ sinh, đây là mục tiêu đức Phật bắt Tăng, Ni thọ nhận đồ cúng dàng của Phật tử.

Tăng, Ni là người có bổn phận hướng dẫn tín đồ cúng dàng chân chính đúng pháp thì, cả thầy trò đều cao thượng và lợi ích lớn.

Chúng ta phải gan dạ đập tan những tập tục sai lầm, đừng vì quyền lợi, đừng vì cảm tình, khiến cho chính pháp đi lần vào chỗ mờ tối suy tàn. Chúng ta là người lãnh đạo, không phải là kẻ theo đuôi tín đồ để cầu được nhiều lợi dưỡng.

Ðã dám bỏ nhà đi tu, tức là dám nhận chịu mọi sự đói rách nghèo nàn, mọi sự gian truân khó khổ, vô lý vì sự ăn mặc mà đi ngược lại sơ tâm siêu thoát của mình.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa chúng tôi hoàn toàn phủ nhận sự cầu nguyện. Chúng ta thấy rõ cầu nguyện chỉ là trợ duyên nhỏ xíu, kẻ đối tượng cầu nguyện chỉ được lợi ích một hai phần mười, như trong kinh nói. Chúng ta đã thừa nhận "nhân quả nghiệp báo" là chân lý thì sự cầu nguyện là ngoại lệ, có kết quả cũng tí xíu thôi.

Cổ vũ cho điều phi chân lý, để cho người xao lãng chân lý, là việc làm trái với chính pháp. Vì lòng hiếu thảo của Phật tử, buộc lòng chúng ta phải cầu nguyện, khi cầu nguyện chúng ta phải cảnh cáo rằng: "Việc làm này là phụ thuộc không đáng kể, kết quả ít lắm." Có thế mới khỏi lệch lạc trên con đường hoằng hóa lợi ích chúng sinh. Ðã thấy cầu nguyện là việc phụ, chúng ta đừng vì nó làm mất thì giờ tu học của Tăng, Ni, làm mất thì giờ truyền bá chính pháp.

LỢI ÍCH CÚNG DÀNG

Cúng dàng Tam Bảo được lợi ích tùy tâm niệm người Phật tử. Nếu vì mình và thân thuộc mình mà cúng dàng, phúc đức cũng theo tâm lượng hẹp hòi ấy.

Nếu vì Tam Bảo thường còn và lợi ích chúng sinh, phúc đức sẽ theo tâm lượng rộng rãi thênh thang này.

Người Phật tử chân thật thì, bao giờ hay bất cứ việc gì cũng vì lợi ích chúng sinh. Ðừng khi nào để lệch lạc mục tiêu tối thượng ấy. Chư Phật ra đời cũng vì chúng sinh, truyền bá chính pháp cũng vì chúng sinh, chúng ta đền ơn chư Phật cũng vì cứu độ chúng sinh. Ðó là tâm niệm rộng lớn cao cả của người tu theo đạo Phật.

Vì chúng sinh mà cúng dàng Tam Bảo, quả thật người Phật tử sống đúng chính pháp, hành đúng chính pháp. Hành động đúng chính pháp thì công đức lượng đồng với chính pháp, nghĩa là kiếp kiếp đời đời không mất. Nếu dạy Phật tử làm phước tạo công đức, Tăng, Ni nên dạy đúng tinh thần này.

KẾT LUẬN

Chúng ta tu theo đạo Phật là đi trên con đường sáng, ánh sáng giác ngộ đến đâu thì bóng đêm mê lầm tan đến đấy. Mê tín là một bóng đêm, giác ngộ là ngọn đèn sáng. Bóng đêm và ánh sáng hai cái không thể có đồng thời. Nếu sáng thì không tối, hoặc tối thì không sáng.

Có giác ngộ là không có mê tín, có mê tín thì không có giác ngộ. Nếu chứa chấp mê tín là chúng ta đã phản bội với đạo giác ngộ.

Trong đạo giác ngộ quả thật không có mê tín. Học đạo và truyền đạo giác ngộ, chúng ta cương quyết dẹp hết bóng đêm mê tín. Có được như vậy mới gọi là người trung thực với chính pháp.

Bằng ấp ủ nuôi dưỡng chứa chấp mê tín, dù kẻ ấy mỗi ngày cúng Phật trăm lần vẫn là kẻ phá hoại chính pháp. Thà là chúng ta cam chịu chết đói, quyết không vì lợi dưỡng mà làm những điều mê tín, dẫn dắt người đi trên đường mê tín. Ðã thừa nhận mình là Phật tử, quyết định không vì lòng tham để bị một số người lợi dụng dẫn đi con đường mê tín.