Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Cửa chùa phải rộng mở (nhân đọc bài Sạn to trong trùng...

Cửa chùa phải rộng mở (nhân đọc bài Sạn to trong trùng tu chùa Vân Hồ)

329

Một trong những hạt sạn lớn được nhặt ra từ việc trùng tu chùa Vân Hồ (Hà Nội) là “cánh cửa (và cả núm kéo cửa) ở đây giống như cánh cửa cung điện ở Cấm Thành Bắc Kinh”.

Cánh cửa quả là có vấn đề, quả là “sạn” lớn, nhưng một vị đại đức trẻ có mail cho tôi, lưu ý “sạn” ở chỗ cánh cửa kiên cố đóng chặt như nhà một đại gia nào đó, hơn là về mặt hình thức.

Đóng chặt cửa chùa là một hạt sạn lớn đối với Phật giáo Việt Nam hiện nay, không chỉ riêng đối với riêng một chùa Vân Hồ.

Các chùa xưa thường chỉ có cổng tam quan, mà không có cửa. Như vậy, đối với chùa, không có khái niệm đóng cửa chùa, càng không có khái niệm đóng kín, khoá chặt như Tử Cấm Thành.

Khi tôi học ở khoa Ngữ Văn, vị giáo sư khi giảng đến văn học đời Lý, đã hết lời khen ngợi câu dịch của nhà văn Ngô Tất Tố trong bài Vãn Quảng Trí Thiền sư: “Treo dép đà nghe khép cửa chùa”.

Thầy tôi tấm tắc khen chữ “khép”. Cửa chùa chỉ “khép” mà không đóng, vì vậy, việc khép cửa chùa ở đây là một biện pháp tu từ diễn tả cái chết một cách nhẹ nhàng chưa từng có. Cái chết được diễn tả một cách hình tượng là âm thanh khép cửa chùa. Vị giáo sư cứ nhắc đi nhắc lại chữ “khép”.

Còn một vị giáo sư khác khi giảng về thơ Đường đề cập đến giai thoại “thôi – xao” (dường như là gõ, gọi hoặc đẩy) cửa chùa, có bình luận rằng cửa chùa thì nào có đóng để phải gọi, với gõ.

Ấy thế mà, hiện nay, nhiều chùa mới cất hay những chùa cổ trùng tu lại theo kiến trúc mới, đều làm cánh cổng rất đồ sộ, mà trường hợp ta thấy là giống với cổng cung điện ở Cấm Thành Bắc Kinh, đề phòng “thích khách” xâm nhập. Có chùa cổng lớn không kém gì cổng Dinh Độc lập. Còn có chùa thì cổng và tường cao giống như toà lãnh sự Mỹ tại TPHCM, có thiếu chăng là hàng cột chống khủng bố bằng xe bom. Người đến chùa phải vào cửa sau, cửa hông. Cửa chính đóng im ỉm.

Điều này có trái với tinh thần của chùa hay không? Chùa là của chung bá tính, chùa mà đóng chặt cửa thì trở thành nhà, hay tệ hơn như “Cấm thành”.

Từ “chùa” trong tiếng Việt còn có nghĩa là một tính từ, thể hiện ý nghĩa của chung mọi người, như “của chùa”, “đồ chùa”, “xài chùa”, và hàm ý như lẽ đương nhiên.

Nay cửa chùa mà đóng, thậm chí đóng chặt, đóng im ỉm, thì thật là những hạt sạn, sạn trong đầu những người theo đạo Phật, không phải chỉ là sạn ở cổng chùa.

Cửa chùa rộng mở không chỉ thể hiện sự mời gọi bá tính nhân sinh đến với đạo pháp, mà còn thể hiện sự trong sáng tu hành của chư tăng trong chùa, không có gì riêng tư phải cửa đóng then cài.

Chúng ta nghĩ gì khi đến một ngôi chùa mà ban ngày cửa đóng then cài như kiểu chùa Vân Hồ, gọi mãi, gọi rất lâu, thì mới có người mở một lỗ nhỏ, đặt vừa một con mắt để mà nhìn ra xem ai, trước khi quyết định mở hay không (!).

Mong rằng, với bài viết này, những hạt sạn đối với cửa chùa sẽ được vứt bỏ. Chùa Vân Hồ chẳng hạn, cổng chùa có giống cửa cung điện ở Cấm Thành Bắc Kinh là không đáng nói nữa, nếu cổng chùa này luôn rộng mở.

Thơ Nguyễn Bính có câu:

Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

Người dân Việt Nam, đất nước Việt Nam chỉ có chùa quanh năm khi cổng chùa cũng quanh năm rộng cửa.