Trang chủ Thời đại Của báu trong nhà

Của báu trong nhà

79

Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về vấn đề này, GSTS Thái Kim Lan đã có bài tham luận: “Vốn xã hội Việt Nam, nguy cơ phá sản và triển vọng phát huy”. Với cái nhìn của một trí thức Việt Nam đang nghiên cứu và giảng dạy ở hải ngoại, tác giả đã đi từ: (1) Khái niệm VXH, một khái niệm “mốt” trong khoa học kinh tế xã hội, một lý thuyết được định hình cụ thể vào những thập niên 1980-1990 với Bourdeau, Putnam ở phương Tây; (2) phân tích những hiện tượng hao vốn trong bối cảnh xã hội Việt Nam từ 1975; và (3) truy cập lại một “lý thuyết” được xem là mô hình (modele) VXH trong lịch sử tư tưởng Việt Nam trong triển vọng phát huy VXH để tài khám phá ra khái niệm và dự án VXH, thế kỷ XIII, qua tư tưởng Trần Nhân Tông với “Cư trần lạc đạo”, trong xu hướng tìm về suối nguồn tư tưởng dân tộc để giải quyết những khủng hoảng VXH đồng thời để xây dựng và phát huy một VXH bền vững dựa vào nội lực dân tộc. VHPG trân trọng giới thiệu đến bạn đọc phần 3 của tham luận này.


VXH là tổng thể những tương quan tin cậy và tự nguyện mà trong lúc chung sống  những thành viên trong cộng đồng hay đoàn thể kiến tạo nên, nó bao hàm sự hỗ trợ tình thương, tính thân hữu, liên lạc. Chính mối dây tương quan tinh thần qua lòng tin cậy lẫn nhau có thể đem đến lợi ích mà một xã hội cần có: sự an lạc và phúc lợi cộng đồng, an sinh hạnh lạc, đồng thời nó đem lại những món lãi vật chất: chính nhờ VXH sẵn có những phí tổ chuyển nhượng (transaktion) được tiết kiệm, những thiệt hại, tổn thất do xung đột quyền lợi được giải quyết căn cứ vào những quy định đã được thỏa thuận giữa những người cùng chung quyền lợi.


Khái niệm VXH giải thể những ám ảnh ý thức hệ thường mắc vướng trong các khái niệm về xã hội: ví dụ khái niệm vè giai cấp không bao hàm trong VXH, ngược lại VXH là một khái niệm hàng dọc, nó nhấn mạnh một điểm mà lý thuyết tranh đấu giai cấp không chú ý đến: tương quan tương trợ lẫn nhau trong tự nguyện, người giàu giúp kẻ nghèo, người mạnh khỏe giúp kẻ ốm, người thất học được bảo trợ, người đi làm việc được giới thiệu hợp tác. VXH tạo nên một mạng lưới xã hội gồm tương quan giữa cá nhân và đoàn thể, giữa đoàn thể và đoàn thể. Bourdeau phân biệt XVH do những diễn viên (akteur), như là một nguồn cá nhân đến từ những tương quan xã hội với những cá nhân khác, VXH này là một nguồn quan trọng cho hiện trạng xã hội (status) và an lạc cá nhân.


Vấn đề then chốt của VXH thật sự nằm trong khả năng ứng dụng VXH mang tính xã hội chân thực, hầu thiết lập một nền hòa bình xã hội toàn diện bảo đảm an sinh và hạnh lạc của cộng đồng. Khả năng ứng dụng nằm trong hai điểm then chốt: mở cửa và hội nhập trong năng động và thức tỉnh, bởi lẽ xã hội là một khái niệm mở. Nhìn toàn diện, xã hội xuất hiện như một dòng thác đầy sinh động cũng như đa dạng, phức tạp trong sự chuyển tiếp và chuyển biến không ngừng. Cần phải nắm bắt được yếu tính của dòng chảy con người bằng một cái nhìn mới có khả năng tự điều chỉnh và đổi mới: một cái nhìn toàn diện “không bỏ sót một hữu tình nào”!


Những hoạt động xã hội trên thế giới hiện nay đang nhìn trong khái niệm VXH, một “mốt” mới trong việc tìm hiểu và phát huy VXH như điều kiện cải tạo xã hội trong tích cực.


Có ngạc nhiên không khi ta đã có một của báu trong nhà? Chính khái niệm VXH đã được Trần Nhân Tông trong giai đoạn dựng nước sử dụng khi đưa ra một mẫu mực đạo lý sống trong một xã hội vừa dành được chủ quyền độc lập và đang ở trong giai đoạn kiến thiết đất nước. Trong “Cư trần lạc đạo phú”, “sống đời vui đạo”, TNT đã bàn về “xây VHX” cho con người Việt Nam trong buổi sơ khai lập quốc ấy, khi nói về “của báu trong nhà”. Của báu ấy trước hết là CON NGƯỜI VIỆT NAM, một vốn quý báu nhất trong xã hội. “Cư trần lạc đạo” gồm 10 hội trình bày toàn diện tư tưởng của Trần Nhân Tông về xã hội Việt Nam, dự án giáo dục, đào tạo con người, “gây vốn” cho một xã hội nhân bản nhằm có thể phát huy và bảo đảm an lạc cộng đồng. Đọc 10 quán tưởng “ở đời vui đạo”, sự nghi ngại nêu dẫn mọt điển tích xưa cũ hoàn toàn biến mất, ngược lại tính hiện đại của quan điểm xã hội Trần Nhân Tông trở nên đầy thuyết phục: ở đay ta có thể tìm thấy sự cân nhắc minh triết về tương quan tương liên giữa cá nhân và xã hội, khả năng chuyển tiếp giữa công và tư. Với tư duy biện chứng toàn diện, Trần Nhân Tông luôn luôn mở ra một lối thoát hay khai phá khả năng giải phóng, đổi mới cho những phương thức tu chứng và kỷ luật thực hành. Nắm vững tinh yếu của khái niệm tự do trong Thiền học, Trần Nhân Tông xây dựng một mẫu người Việt Nam lý tưởng nhập thể.


Hội thứ nhất nói về không gian “Xã hội Việt Nam” của con người Việt Nam, đó là một không gian xuyên suốt thành thị và sơn lâm trong một tương quan đi về của muôn nghiệp, mà mục đích của con người là “dừng nghiệp” xấu chuyển nghiệp lành, được sống trong “an nhàn thể tính”. Nhưng an nhàn đối với Trần Nhân Tông không chỉ ở sơn lâm, mà còn ở nơi trần tục náo nhiệt như thị thành, nếu con người không được khai sáng để đạt được một cái nhìn rộng mở trong quá trình thực tập về Tâm. Tu Tâm đặt nặng giá trị của trí tuệ và đạo đức của tấm lòng hơn tiền bạc châu báu vật chất “yêu tính sáng hơn yêu châu báu” “trọng lòng rồi mới trọng hoàng kim”.


Thành thị hay sơn lâm đềm là đất thao luyện cho Tâm, không nơi nào là ưu việt hơn nơi nào. Sự thao luyện này bao gồm kỷ luật nghiêm túc. “Sạch giới lòng, dồi giới tướng. Nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm. Ngay thờ chúa bảo thờ cha. Đi đo mới trượng phu trung hiếu (Hội thứ 6).


Bồ tát trang nghiêm thực hiện bổn phận trong xã hội, hiếu thảo với cha mẹ và trượng phu nghĩa hiệp với người đồng loại, đồng thời luôn luôn chuẩn bị cho giải phóng tự do, không vướng mắc. “Áng tú tài tính sáng chẳng tham. Há vì ở Cánh Diều Yên Tử. Rần thanh sắc, niệm dừng chẳng chuyển. Lọ chi ngồi am Sạn non Đông” (Hội thứ 3).


Điểm đặc biệt trong lý thuyết ở đời vui đạo là tính toàn diện, bao gồm mọi bình diện: xã hội căn cứ vào triết lý tùy duyên, không ép buộc, không khai trừ “đói cứ ăn đi mệt ngủ liền”, hành động đạo đức thanh liêm, không ham xiểm nịnh, đánh mất sự tin cậy của cộng đồng trong lúc cải thiện đời sống cộng đồng: “Vâng ơn Thánh. Xé mẹ cha, Thì thầy học đạo. Mến đức Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay (Hội thứ 7), trau dồi đời sống tâm linh căn cứ vào giới hạnh” “tích nhân nghĩa, tu đạo đức, Ai hay này chẳng Thích Ca, Cầm giới hạnh, đoạn gian tham, Chỉn thực ấy là Di Lặc”.


Một VXH mang nhiều yếu tố xã hội trong nghĩa không kỳ thị, năng động khai mở và tạo khả thể hội nhập, không phân biệt giai cấp và khai phóng tự do, nguồn suối của nhân nghĩa và tình thương:


Dứt trừ nhân ngã


Thì ra thực tướng kim cương


Dừng hết tham sân


Mới làu lòng viên giác.


VXH giàu tính xã hội không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp, dấn thân cho đời, tu tâm vì đạo:


Dựng cầu đò, xây chiền tháp,


Ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu


Săn hỷ xả nhuyễn từ bi


Nội tự tại kinh lòng hằng đọc (Hội thứ 8).


Một lý thuyết chứng tỏ tính chân lý của nó trong thời gian, khi nó đứng vững và có khả năng đem lại an lạc cho cộng đồng. VXH mà Trần Nhân Tông dựng lên đã được tiếp nối và phát huy trong chiều dài lịch sử Việt Nam, nó trở nên niềm tự tin và sức mạnh tâm thể con người Việt Nam, đã từng xem nhân nghĩa trên công danh, say đạo đức, đổi thân tâm thường tục vươn đến con người cao quý:


Chuộng công danh, lồng nhân nghĩa


Thực ấy phàm phu


Say đạo đức, dời thân tâm


Định nên thánh trí (Hội thứ 10).


Chính trên con đường phát huy hòa bình xã hội, con người được truy nhận bình đẳng trong cơ hội trở nên thánh hiền, chỉ khác biệt khi Tâm con người bị hủ hóa, vật chất hóa và tự mâu thuẫn, tự phá hủy cơ hội làm người trong xã hội:


Mày ngang mũi dọc


Tướng tuy lạ xem ắt bằng nhau


Mắt thánh lòng phàm


Thực cách nhân ván ván thiên lý (Hội thứ 10).


Điểm mạnh nhất đã đứng vững với thời gian là sự hình thành đức tâm Việt Nam có ích cho hòa bình xã hội: đức tâm ấy vừa tự chủ vừa bao dung, có thể vượt lên phân chia cá nhân và xã hội, bảo đảm cho sức phát huy VXH trong mạch sống tiềm năng của nó. Có lẽ Trần Nhân Tông là một nhà kinh tế xã hội đã đưa ra giải pháp mà Bourdeau, Putnam và Harris vẫn còn băn khoăn trước vấn nạn: làm thế nào để chuyển đổi sự tin cậy của một đoàn thể (VXH nhỏ) sang một toàn thể cộng đồng, làm thế nào để nhân VXH đến từ bên trong, ngoài những hỗ trợ từ bên ngoài? Chính sự rèn luyện cái TÂM không phân biệt “vô tâm” là điều kiện để chia:


Ở đời vui đạo hãy tùy duyên


Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền


Có báu trong nhà thôi tìm kiếm


Vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền (Bài kệ).


Với “Cư trần lạc đạo”, Trần Nhân Tông đã gây vốn để cả dân tộc Việt Nam cùng chia lời, chia sẽ chứ không chia cắt, đoạt vốn.


Và để thay kết luận, nếu không có cái vốn Việt Nam cùng chia ấy, một người Việt Nam xa quê lâu năm như tôi đã không có những thôi thúc trở về.