Ngày Tự Tứ là ngày hoan hỷ Phật, do đức Phật lấy làm vui mừng, khi thấy đệ tử của mình, các vị Tỷ-Kheo sau 3 tháng an cư thân tâm được thanh tịnh.
Chúng ta là người cư sỹ cũng là đệ tử Phật, đức Phật sẽ hoan hỷ nhiều hơn khi thấy chúng ta được thanh tịnh, được an lạc. Như các bậc cha mẹ bao giờ cũng vui mừng, động viên khen thưởng nhiều hơn khi thấy đứa con vốn ngu muội lại mải lo chơi bời, lười biếng hơn những đứa con khác, nay nó thay đổi, trở nên ngoan hiền, siêng năng, biết lo học.
Vào ngày rằm tháng 7, chúng ta chắp tay trước bàn thờ Phật, nhìn thẳng vào Đức Phật mà suy nghĩ đến công ơn của người, suy nghĩ đến lòng từ bi bao la đối với chúng sinh, nghĩ đến Ngài là Bậc tối cao trong sáu cõi, là Bậc cao quý nhất, là Bậc đáng tôn kính nhất, là Phật, đấng Giác ngộ đại trí huệ.
Vậy mà Đức Phật vì lòng thương yêu chúng ta, đã không quản bao công sức, bao khó nhọc, vượt bao vạn dặm đường, xa xôi hiểm trở, để tùy theo từng căn tánh của từng người, dù là người phàm phu hạ tiện đi nữa, mà tận tình chỉ dạy cho chúng ta cách thức vượt thoát ra khỏi bể khổ trầm luân mà chúng ta đang mải mê đắm chìm.
Rồi chúng ta lại suy nghĩ, cho dù giờ đây ta có quá nhiều điều kiện, quá nhiều phương tiện, đầy đủ thuận cảnh để tu tập, nhưng sao ta lại vẩn chưa làm được gì để đền đáp tình yêu thương, sự hy sinh vô bờ bến của đức Phật?
Không những vậy, tâm hồn ta nay có quá nhiều cấu uế, có quá nhiều ô nhiểm, quá nhiều điều xấu xa, ham muốn, sân hận, ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ, nhỏ nhen, hèn kém. Ta đã làm những điều không phải, ta đã làm cho nhiều người phải đau buồn. Ta là đứa con hư hỏng, ta không xứng đáng là đệ tử đức Phật, ta đã không làm đúng với những điều ta đã hứa lúc quy y.
Nghĩ đến đây tự dưng nước mắt ta tuôn trào, ta hổ thẹn quá, ta xấu hổ quá. Cầu xin Từ Phụ tha thứ cho con, tha lỗi cho con, từ nay con xin sám hối, từ nay con xin nguyện làm mới mình, những nghiệp quả con gây ra con xin nguyện kham nhẩn thọ nhận với lòng thanh thản.
Kể từ bây giờ, con nguyện ra sức chiến đấu với tham sân si đang tồn tại trong con, dù cho thân thể con bị tan nát, bị đau đớn tột cùng con vẩn luôn kiên trì, nổ lực, chuyên cần, tinh tấn, ghi nhớ và làm theo những lời dạy của Từ phụ, nghiêm trì những giới điều mà con đã thọ lúc quy y, luôn phòng hộ sáu căn, luôn làm các thiện hạnh về thân, khẩu, ý.
Con ý thức rằng, Tâm con có thanh tịnh, có an lạc, con mới có thể đem sự thanh tịnh, sự an lạc đến cho người khác, cho cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè, những người thân quen và những người không quen biết.
Sau khi sám hối với Đức Phật, ta sám hối với cha mẹ ta. Nếu cha mẹ ta đã quá cố, ta đứng chấp tay trước bàn thờ người mà kiểm điểm lại những việc ta đã làm, có xứng đáng là người Phật tử, có xứng đáng là người con hiếu thảo không, rồi ta hứa với cha mẹ, ta sẽ ra sức tu dưỡng, để trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội.
Nếu cha mẹ ta còn hiện tiền, thì ta sẽ đến bên người mà lựa lời thưa gởi, lựa lời tâm sự theo những suy nghĩ chân thành của ta, như ta đã sám hối.
Khi ta đã sám hối, đã nguyện hứa, trong ta sẽ khởi lên ý chí mảnh liệt để tự vươn mình lên cao hơn nửa, gần với thánh đạo hơn nữa. Giờ đây tâm hồn ta được thanh tịnh, được an lạc, thì Đức Phật và cha mẹ ta hẳn sẽ hoan hỷ lắm, vì họ luôn thương yêu ta, luôn tha thứ lỗi lầm của ta, luôn mong muốn ta trở về nằm trong vòng tay thân yêu của họ, trở về với chính pháp.
Dù rằng cuộc sống của ta hiện nay có nhiều tiện nghi quá, nhưng không sao cả, vì tất cả pháp hữu vi chỉ là phương tiện, cứu cánh là sự an lạc trong hiện tại và trong tương lai lâu dài, mà chỉ có sự xả ly, từ bỏ, tri túc thiểu dục mới mang đến niềm an lạc, hạnh phúc thật sự.