Trang chủ Diễn đàn Cư sĩ thuyết pháp thì sao?

Cư sĩ thuyết pháp thì sao?

1867

BÀ PHẠM THỊ YẾN “THUYẾT PHÁP” Ở CHÙA BA VÀNG?

Trong cao điểm vụ tập kích truyền thông chùa Ba Vàng, một số tờ báo có nêu vấn đề bà Phạm Thị Yến “thuyết pháp”, cho rằng sai. Sau đó, các quan chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho là như thế.

Đó là điều đáng ngạc nhiên, vì chùa Xá Lợi, một ngôi chùa lớn hàng đầu ở TPHCM, giảng đường mang tên một cư sĩ tu tại gia, “Chánh Trí”, tức cụ Mai Thọ Truyền, người thuyết pháp thường xuyên tại đó hơn 10 năm.

Hơn cả việc thuyết pháp, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là tác giả nhiều tựa sách Phật học, chủ bút tạp chí Phật học Từ Quang, giảng dạy tăng ni nhất là khi Viện Đại học Vạn Hạnh đặt cơ sở tại chùa Xá Lợi.

Trên pháp tòa chùa Ấn Quang, thời còn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi nhiều lần được nghe Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, nguyên Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn, thuyết pháp về đề tài tư tưởng Phật giáo Việt Nam, đề tài mà Giáo sư đã viết nhiều sách.

GS Nguyễn Đăng Thục

Nhiều vị hòa thượng, thượng tọa lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất có kể lại thời kỳ theo học với cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người chẳng những nổi tiếng trong hoạt động giáo dục tăng ni, mà còn thường xuyên thuyết pháp, giữ vai trò quan trọng đối với sự nghiệp chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Lịch sử Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, cũng đã ghi nhận việc thuyết pháp của nhiều cư sĩ Phật giáo trong những năm 1930-1940 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội như Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha.

Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha

Cho nên, không bàn cụ thể trường hợp bà Phạm Thị Yến, mà trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện đại, ở cả ba miền, cư sĩ đăng đàn thuyết pháp là việc bình thường, đóng góp cho hoạt động hoằng pháp. Thậm chí, trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc những năm 1930-1940, việc thuyết pháp hầu hết do cư sĩ đảm nhiệm.

Trong trường hợp bà Phạm Thị Yến đăng đàn “thuyết pháp” ở chùa Ba Vàng, chỉ có thể đặt vấn đề nội dung thuyết pháp có phù hợp hay không, không thể đặt vấn đề bà ấy có được thuyết pháp hay không.

Việc bà Yến “thuyết pháp” không vi phạm “Điều 5 Các hành vi nghiêm cấm”, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành, và phù hợp với tập quán truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

Tại Việt Nam, Tin Lành là tôn giáo mà trên tòa giảng, tín đồ được mời lên có tiếng nói dưới nhiều hình thức, cho dù tín đồ thuộc tầng lớp lao động, học vấn thấp hay trong giới trí thức. Tín đồ Tin Lành, rất nhiều trường hợp tham gia truyền giảng trong những chuyên đề. Họ truyền giảng Tin Lành ở mọi lúc mọi nơi, để truyền đạo, cải đạo khi có cơ hội, không phân biệt địa điểm.

Cho nên, một số quan chức Phật giáo phát biểu theo lời một số cơ quan báo chí dẫn dắt là tự hạ cấp hạ đẳng mình trong cục diện tôn giáo.

ĐỀ XUẤT CHÙA BA VÀNG ĐA DẠNG HÓA TIẾNG NÓI TRÊN PHÁP TÒA

Có lẽ, vấn đề cư sĩ lên pháp tòa không thành vấn đề trong vụ chùa Ba Vàng nếu chùa Ba Vàng làm như chùa Giác Ngộ, nghĩa là đa dạng hóa đề tài cũng như người “đăng đàn”, không chỉ nói về Phật pháp mà còn là trình bày những đề tài liên hệ đến Phật giáo. Trong khi chùa Giác Ngộ phổ biến nhiều video nói với công chúng, người ngồi trên bục nói là Phật tử. Giữ vai trò đó, không chỉ là các cư sĩ Phật giáo, mà còn là những nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học…

Phật pháp không chỉ được trình bày bằng giáo khoa, lý thuyết, mà còn là những trải nghiệm của từng cá nhân, không chỉ là những nội dung giáo lý mà còn là văn hóa Phật giáo, văn học Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo…

Mọi bài thuyết trình có tác động đưa mọi nguời đến với đạo Phật, thậm chí chỉ cảm tình với đạo Phật, thêm một chút kiến thức với đạo Phật, đều là thuyết pháp.

Bài viết này không nhằm mục tiêu bà Phạm Thị Yến thuyết pháp trên pháp tòa chùa Ba Vàng, mà đề xuất trên Pháp tòa chùa Ba Vàng có nhiều tiếng nói, đa dạng hóa đề tài, với nhiều người tham gia, không chỉ là cư sĩ Phật giáo, mà là của những nhà giáo, nghệ sĩ, nhà khoa học, công nhân, nông dân, tiểu thương, lao động phổ thông… có những trải nghiệm lợi lạc phong phú, nhiều chiều cạnh từ đạo Phật, vì mục tiêu hoằng pháp.

Quan hệ giữa Phật giáo với dân tộc là nội dung hàng đầu mà tôi đề xuất, thay vì chỉ những nội dung giáo lý Phật giáo.

Như thế, người thuyết pháp chùa Ba Vàng không phải chỉ là bà Phạm Thị Yến, hay thầy trụ trì, mà là tất cả những người quan tâm đến Phật giáo, đến sự gắn bó giữa Phật giáo với dân tộc, Phật giáo với văn hóa, văn học Việt Nam, Phật giáo với các tín ngưỡng dân gian Việt Nam…

Chùa Giác Ngộ có vẻ quan tâm đến những trải nghiệm Phật giáo của giới showbiz, thì để tạo những tác động tích cực khác biệt hơn đối với việc truyền bá Phật giáo, chùa Ba Vàng có thể hướng đến việc mời thuyết pháp ở giới nghiên cứu khoa học.

Thực tế nghiên cứu Phật học cho thấy những bài viết nghiên cứu Phật học, lịch sử văn hóa Phật giáo giá trị không phải chỉ có riêng ở các báo, tạp chí do Giáo hội Phật giáo Việt nam các cấp quản lý, tác giả là vị hòa thượng, thượng tọa, mà còn được đăng tải trên nhiều tạp chí như Nghiên cứu Tôn giáo, Nghiên cứu Lịch sử, Nghiên cứu Văn học, Khoa học Xã hội…

Chùa Ba Vàng có thể mời các tác giả bài viết, có thể là người theo đạo Phật, có thể không phải, thuyết trình về đề tài nghiên cứu liên hệ đến Phật giáo của mình.

Bằng hình thức diễn giảng và từ những nhà nghiên cứu đã có thành tựu nhất định, nội dung những đề tài nghiên cứu Phật học, về quan hệ Phật giáo với dân tộc, về lịch sử, văn hóa văn học liên hệ đến Phật giáo… sẽ được trình bày nhằm mục tiêu hoằng pháp trên pháp tòa chùa Ba Vàng một cách sinh động, thuyết phục, thu hút thính giả.

Bà Phạm Thị Yến và mọi Phật tử, mọi thành phần, không phân biệt học vấn, nghề nghiệp, xuất thân cũng có thể trình bày những trải nghiệm Phật pháp, cảm nhận tu tập, cách nhìn nhận giáo lý của cá nhân trên pháp tòa chùa Ba Vàng như các giáo sư tiến sĩ, các nghệ sĩ, những cán bộ công tác tôn giáo… có quá trình nghiên cứu.

Các cơ quan báo chí thiếu thiện cảm với Phật giáo, các quan chức Phật giáo thiếu suy nghĩ bị dẫn dắt chỉ có thể đặt vấn đề cư sĩ thuyết pháp nếu trên pháp tòa chùa Ba Vàng chỉ có riêng một tiếng nói của bà Phạm Thị Yến. Còn khi tiếng nói đem lại lợi ích cho Phật giáo được đa dạng hóa từ nhân sự đảm nhiệm đến đề tài, có cả những nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nhà báo, cán bộ quản lý thì cách đặt vấn đề thuyết pháp, trên pháp tòa phải là tăng sĩ không phù hợp thực tế rõ ràng không đem lại lợi ích cho Phật giáo.

Trường hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam có những quy định mới về yêu cầu đối với người thuyết pháp, thì cần có những chỉ đạo chi tiết, cụ thể, không nên để xảy ra tình trạng cấm đoán ở chùa này, nhưng lại để diễn ra và thường xuyên phổ biến trên mạng ở một chùa khác.

Những quan điểm chỉ đạo hoạt động tôn giáo cần phải căn cứ vào Luật Tín ngưỡng Tôn giáo hiện hành, chứ không phải ý kiến của một vài phóng viên, của dư luận mạng.

MT