Trang chủ Diễn đàn Cư sĩ thuyết pháp, tại sao không?

Cư sĩ thuyết pháp, tại sao không?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quản lý tín đồ, không mở trường chính quy đào tạo tín đồ, thì yêu cầu về Phật pháp cho văn bằng Phật học đối với tín đồ để thuyết pháp đồng nghĩa với việc không cho phép tín đồ thuyết pháp.

1434
Cư sĩ Tống Hồ Cầm

Sau khi bài “Cư sĩ thuyết pháp?” của tôi được đăng trên Facebook, nhiều bạn đọc đã có những ý kiến khác nhau. Một số bạn đọc phản đối, cho rằng không thể so sánh bà Phạm Thị Yến thuyết pháp với các cư sĩ hữu công của Phật giáo Việt Nam thuyết pháp. So sánh như thế là “khập khiểng”.

Thích Nhật Từ trong những bài nói về chùa Ba Vàng cũng có quan điểm tương tự như thế, cho rằng muốn thuyết pháp phải có những bằng cấp về Phật học do Học viện Phật giáo cấp. Quan điểm này dường như đã dẫn dắt các quan chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi đưa ra nhận định về trường hợp thuyết pháp của bà Phạm Thị Yến trong vụ chùa Ba Vàng.

Tư duy như thế là không rõ ràng, nếu không muốn nói là hạn chế trong khả năng tiếp cận vấn đề.

Vấn đề là người thọ tam quy ngũ giới, hoặc chưa thọ tam quy ngũ giới (như các nhà nghiên cứu liên hệ đến Phật giáo, nhà giáo khoa học xã hội, những người có trải nghiệm an lạc từ sự thực hành Phật giáo, qua những chỉ dẫn từ sách vở…) có được trình bày những nội dung phân tích nhận định, kiến giải, trải nghiệm của mình về Phật pháp trước đám đông tại các cơ sở Phật giáo hay không (tạm gọi là thuyết pháp)?

Thuyết pháp có phải là độc quyền của tu sĩ ? Chỉ tu sĩ thọ giới nào mới được thuyết pháp?

Tôi không đặt vấn đề bà Phạm Thị Yến được thuyết pháp hay không được thuyết pháp, mà đặt vấn đề mọi người, bất kể là ai, tại các cơ sở Phật giáo, đều có thể trước cử tọa số đông nói lên những điều lợi ích cho Đạo pháp, có tác dụng hoằng pháp, đưa người nghe đến gần hơn với Phật pháp, cảm tình hơn với Phật pháp, nhận thức đúng đắn hơn với Phật pháp.

Tất nhiên, trong đó gồm cả việc giảng dạy Phật pháp phù hợp với yêu cầu của đối tượng tiếp nhận.

Nghe nói bà Phạm Thị Yến chỉ học đến lớp 5, nhưng thậm chí một nông dân mù chữ, khi nói về những trải nghiệm Phật pháp chân thật, thành tâm, thiết tha quy ngưỡng của mình với ngôn ngữ chân chất thực thà, bình dân, quê mùa, thô kệch thậm chí “ngọng nghịu”, vấp váp, thì cũng đã đóng góp vào hoạt động hoằng pháp.

Những tiếng nói như thế đáng quý và đối lập với những tu sĩ “nổ” như thuốc nổ TNT, chỉ toàn là những lời quàng xiên xằng bậy nhưng được thể hiện một cách mạch lạc, trôi chảy, ngón nghề kỹ xảo mánh lới diễn thuyết.

Vấn đề không phải ai (Who?) thuyết pháp, mà là nói cái gì (What?).

Nếu quan điểm đòi hỏi người thuyết pháp phải là tu sĩ có bằng Phật học thích hợp mà Thích Nhật Từ nêu ra dẫn dắt các quan chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (tôi không đồng ý với từ “dắt mũi” được sử dụng trên mạng vì nó hơi quá đối với các quan chức Phật giáo), thì hệ quả sẽ là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự hạ cấp, hạ đẳng mình so với các tôn giáo khác.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam không quản lý tín đồ, không mở trường chính quy đào tạo tín đồ, thì yêu cầu về Phật pháp cho văn bằng Phật học đối với tín đồ để thuyết pháp đồng nghĩa với việc không cho phép tín đồ thuyết pháp.

Thỉnh thoảng, có nghe nói Ban Hoằng pháp có mở lớp tập huấn “hoằng pháp viên” cho Phật tử? Hoằng pháp viên có được thuyết pháp, hay hoằng pháp viên vẫn bị cấm hoằng pháp cho số đông? Câu hỏi này xin nêu ra với Thích Nhật Từ và cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Còn khi tổ chức các đợt tập huấn hoằng pháp viên, Ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam có yêu cầu về trình độ học vấn? Từ tú tài hay cử nhân trở lên? Hay ai tham gia cũng được? Nếu thế thì đề nghị bà Yến ghi danh được tập huấn “hoằng pháp viên” để được hoằng pháp mà không bị xét hỏi tư cách, hay bình phẩm, chì chiết, nặng nhẹ.

Chúng ta đừng nên xoay quanh vấn đề chỉ một cá nhân riêng bà Yến mà nên quan tâm đến vấn đề rộng lớn hơn trong cục diện tôn giáo, là việc Giáo hội Phật giáo Việ Nam tự hạ cấp hạ đẳng mình so với các tôn giáo khác.

Ở Phật giáo Hòa Hảo một bé gái ở tuổi thiếu niên (có lẽ chỉ học Trung học cơ sở) đã thường xuyên thuyết pháp trước một số đông cử tọa, video được phổ biến rộng rãi.

Ở Tin Lành, thì tham gia truyền giảng nói lên lời chứng niềm tin vào Thiên Chúa là những người đủ mọi thành phần: nông dân, công nhân, tiểu thương, kỹ sư, bác sĩ… Có người diễn đạt lời nói một cách vụng về, ngọng ngịu, nhưng sự chân thành, chất phác của người nói được khai thác đến mức tối đa.

Trong Phật giáo, từ thuyết pháp được dùng chung cho mọi hình thức giảng dạy, truyền đạt, trình bày về Phật pháp. Đối với Ca tô La Mã, trên bục giảng giáo lý, không phải chỉ là những linh mục, mà còn là những giáo dân (trường hợp đề cập trong tư liệu được giới thiệu dưới đây là một ví dụ).

Ở các tổ chức tôn giáo khác, tín đồ được giảng dạy giáo lý cho số đông, nhưng nếu ở Phật giáo thì không được thuyết pháp, theo quan điểm của các quan chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam dưới sự dẫn dắt của Thích Thích Từ, thì đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự hạ cấp hạ đẳng mình đối với các tôn giáo khác, tự mâu thuẫn với chính mình (ở việc tập huấn hoằng pháp viên) và mâu thuẫn với truyền thống.

Xin một lần nữa nhắc lại, việc bà Phạm Thị Yến thuyết pháp ở chùa Ba Vàng là không quan trọng.

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam chịu sự dẫn dắt của Thích Nhật Từ tự hạ cấp hạ đẳng mình so với các tôn giáo khác mới là điều quan trọng.

Nội dung đề xuất cụ thể là Giáo hội Phật giáo Việt Nam không nên loại trừ tín đồ trong hoạt động thuyết giảng hoằng pháp mà nên tổ chức những hình thức đào tạo giáo lý cho tín đồ, thay vì chỉ tự giới hạn trong đối tượng tăng ni như hiện nay và tạo mọi thuận duyên để tín đồ thuyết giảng hoằng pháp như các tôn giáo khác đối với tín đồ của họ trong hoạt động truyền giảng, giảng dạy giáo lý.

Các tôn giáo khác tích cực tổ chức hoạt động truyền giảng, giảng dạy giáo lý mà trong đó tín đồ đảm nhiệm ra sao, thì thiết tưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên làm như thế thì mới coi được, đừng tự hạ cấp hạ đẳng mình so với các tôn giáo khác, đừng để những người phát biểu kiểu thiếu trách nhiệm, thiếu am hiểu về cục diện tôn giáo dẫn dắt.

Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tự hạ cấp hạ đẳng mình trước các tôn giáo khác là làm tăng diễn tiến tự cải đạo, tự thiểu số hóa tín đồ Phật giáo.