Đúng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, triển lãm Thư họa “Tôi nghe như thế này…” với các tác phẩm mới của họa sỹ Lê Quốc Việt được giới thiệu ở Galleray Art Vietnam, số 7 Nguyễn Khắc Nhu từ 19/1 đến 19/2/2008.
Anh là một Cư sĩ, nghiên cứu về nghệ thuật Phật giáo, và cũng là một người tuổi Tý (sinh năm 1972).
Được học chữ Hán và Thư pháp trong chùa ở quê nhà từ nhỏ, Việt là một trong số người trẻ ở Việt Nam có thể đọc hiểu và viết Thư pháp Hán Nôm, sau đó chuyển dịch nội hàm các giá trị Thư pháp lên bề mặt bức tranh.
Các sáng tác của Việt là sự kết hợp giữa Thư pháp, in khắc gỗ, và vẽ bằng chất liệu mực Tàu. Tác phẩm cho thấy một cách nhìn sâu sắc vào sự thoái hóa về văn hóa và đạo đức trong xã hội hiện đại, khắc họa mặt trái đời sống, nhất là khi đối mặt với các giá trị quá khứ.
Các tác phẩm của Việt mô tả những gì được cho là phù phiếm của cuộc sống hiện đại ở cả thành thị và nông thôn. Sử dụng những hình ảnh sinh động và những nét bút lông trừu tượng, Việt đã lột tả được sự mâu thuẫn nội tại của chính mình cũng như cuộc sống xã hội.
Hai hình ảnh thường được họa sỹ sử dụng để khai thác đề tài trong tranh của mình: Thứ nhất là hình ảnh bộ áo the khăn xếp, nhìn bên ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong thì trống rỗng hoặc thối nát.
Hình ảnh thứ hai được Việt sử dụng nhiều nhất đó là hình ảnh khuôn mặt mà họa sỹ gọi là “khuôn mặt đức Phật”, là biểu tượng mong muốn trở nên tốt đẹp hơn mà con người hằng hướng đến.
Cách làm thư pháp của Việt như dồn nén cả ngôn ngữ la-tin, Hán Nôm lại để không làm thành chữ và ngữ nghĩa. Sự hòa trộn ngôn ngữ cũ mới này thể hiện mâu thuẫn nội tâm của người họa sỹ trong sự đơn độc của riêng mình.