Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả Cư sĩ Duy Ma Cật có viết một cuốn kinh mang tên...

Cư sĩ Duy Ma Cật có viết một cuốn kinh mang tên ông?

134

1. Ở trang 1, trả lời câu hỏi của PV Hồng Thanh Quang “…Trong bối cảnh mới, những tiện nghi các phép hành xác liệu có ảnh hưởng đến sự tu luyện về mặt tinh thần hay không?”, PGS. Nguyễn Duy Hinh nói: “Cư sĩ ở nhà, họ cớ vợ, có con đàng hoàng; có những cư sĩ rất nổi tiếng như là Duy Ma Cật. Ông này viết hẳn một bộ kinh mang tên mình, gọi là bộ kinh Duy Ma Cật…”.


Đây là một đoạn sai cơ bản về Phật học. Trong giới Phật giáo, ai cũng biết Duy Ma Cật là một trong những cư sĩ nổi tiếng, nhưng ông này đâu có “viết một bộ kinh mang tên mình, gọi là bộ kinh Duy Ma Cật”!


Đúng là có một bộ kinh tên Duy Ma Cật, nhưng kinh này do người đời sau viết lại, nội dung bàn luận về Phật lý giữa Cư sĩ Duy Ma Cật và các vị đệ tử nổi tiếng của Phật như Xá Lợi Phất, Tu Bồ Đề, Văn Thù Sư Lợi…


PGS. Nguyễn Duy Hinh đã quên rằng hầu hết các kinh Phật đều bắt đầu bằng câu “Như thị ngã văn” (Tôi nghe như thế này). Tại hội nghị kết tập kinh điển lần thứ nhất sau khi Đức Phật nhập diệt, do Tôn giả Ca Diếp chủ trì với sự tham dự của 500 vị A-la-hán, Tôn giả A-nan, người hầu cận bên Phật suốt 25 năm, được chỉ định lãnh trách nhiệm trùng tuyên lại lời Phật dạy.


Khi trùng tuyên, mở đầu mỗi bài kinh, Tôn giả A-nan đều nói “Như thị ngã văn” (Tôi nghe như thế này) để nhờ các vị A-la-hán xác chứng lại xem lời Tôn giả nói có đúng hay không. Về sau khi các kinh Đại thừa hình thành và phát triển, hầu hết các kinh đều mở đầu bằng câu “Như thị ngã văn” như vậy.


2. Ở trang 3, trong câu hỏi của mình, PV Hồng Quang Thanh đã hiểu sai về Phật học khi nói rằng “Theo cái hiểu của tôi trước đây, muốn ngộ một điều gì đấy thì cần phải có sự ép xác nhất định, cần có sự chịu đựng về da thịt mình nhất định”.


Hiểu như vậy chỉ đúng với một số tôn giáo ở Ấn Độ cổ đại mà thôi, chứ không đúng với Phật giáo, vì Phật giáo luôn chủ trương lấy từ bi và trí tuệ làm sự nghiệp và lánh xa hai cực đoan: khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc.


Bằng chứng là các vị vua dưới hai triều đại Lý, Trần tuy ở trong cung vàng điện ngọc mà vẫn tu hành đắc đạo. Vua Trần Nhân Tông chẳng hạn. Vua ở trong cung tu mà ngộ đạo, đâu cần phải “hành xác”! Và ở trong cung, ở trong chốn “dục lạc”, vua đã không hành xác mà cũng không “hưởng thụ dục lạc”, không bị dục lạc chi phối.


Theo tinh thần Phật dạy thì ở đâu cũng tu hành được, điều quan trọng là phải biết “tỉnh giác”, “chánh niệm”, nghĩa là “ngộ”, chứ Phật giáo không chủ trương hành xác.


Tuy nhiên đối với vật chất, con người thường dễ không làm chủ được lòng ham muốn của bản thân, bị trói buộc bởi dục lạc, nên đức Phật dạy đối với vật chất cần phải thực hành “thiểu dục, tri túc” (ít muốn, biết đủ). Nghĩa là dù có vật chất hay không có vật chất, thì tâm hồn lúc nào cũng biết đủ.


Khi biết đủ thì ở đâu cũng thấy mình tự do, giải thoát. Ít muốn biết đủ là một công hạnh được người tu hành thiết lập có ý thức rõ ràng, được áp dụng như là điều kiện để phát huy từ bi, trí tuệ và giải thoát, tuyệt nhiên không đồng nghĩa với chủ trương hành xác.


Vua Trần Nhân Tông từ bỏ cung điện lên núi Yên Tử ẩn tu cũng là vì vua đã thực hành được hạnh “thiểu dục tri túc” đó: “Tri túc thường lạc, tuy ngoạ địa thượng do vi an lạc; bất tri túc giả, tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý” (Người biết đủ thì thường vui, tuy nằm trên đất cũng thấy an lạc; người không biết đủ, dù có ở trên thiên đường cũng không vừa ý).


PGS Nguyễn Duy Hinh trong phần trả lời của mình, cũng có đề cập đến việc Phật giáo không chủ trương khổ hạnh ép xác và hưởng thụ dục lạc, nhưng ông trả lời không rõ ràng, dễ khiến độc giả hiểu lầm.


Trên đây là 2 điểm sai căn bản. Ngoài ra cũng còn một vài lỗi khác, tuy rất nhỏ nhưng tôi nghĩ đó lại là những điểm hơi “ngớ ngẩn”:


3. Ở trang 1, trả lời cầu hỏi của PV “…Trong bối cảnh mới, những tiện nghi các phép hành xác liệu có ảnh hưởng đến sự tu luyện về mặt tinh thần hay không?”, PGS Nguyễn Duy Hinh nói: “Trong tôn giáo, cần phải phân biệt hai tầng lớp: tu sĩ và quần chúng tín đồ”.


Thật ra phải nói lại thế này mới chính xác: “Trong tôn giáo cần phải phân biệt hai tầng lớp: tu sĩ và cư sĩ”. Bởi vì tầng lớp quần chúng tín đồ đã bao gồm hai tầng lớp tu sĩ và cư sĩ.


4. Một đoạn khác, ở trang 2, trả lời về câu hỏi của PV “… liệu quá trình giản tiện hoá đó có làm giản tiện bớt ý nghĩa và vai trò của tôn giáo không?”, PGS. Nguyễn Duy Hinh nói: “… bản thân Phật giáo ban đầu đã có hai loại, là các nhà sư hành khất gọi là tỳ kheo, và một nhóm gọi là cư sĩ”.


Tín đồ tôn giáo nào mà chẳng có hai loại là tu sĩ và cư sĩ! Và thời nào tôn giáo cũng có hai tầng lớp tu sĩ và cư sĩ nên không thể nói là “ban đầu đã có” được. “Ban đầu đã có” thì “về sau có thể không có”!.


Nhưng tu sĩ và cư sĩ, thì mỗi tôn giáo, khi hình thành thì tự thân nó đã có hai tầng lớp đó. Cho nên câu nói này thể hiện một sự ngớ ngẩn. Và ông nói “một nhóm gọi là cư sĩ” lại càng không đúng, vì tầng lớp cư sĩ là những người theo tôn giáo, nhưng họ sống đời sống thế tục. Tầng lớp này chiếm số lượng rất lớn, thậm chí gấp hàng ngàn lần tầng lớp tu sĩ thì không thể gọi là “một nhóm” được.


5. Cũng ở trang 2, trả lời PV về “vai trò của tôn giáo thế nào để làm sao cho phù hợp với lòng yêu nước cụ thể của từng dân tộc vừa không mâu thuẫn với những giáo lý đại đồng”, PGS. Nguyễn Duy Hinh nói: “Bao giờ một tôn giáo muốn tồn tại được đều phải dựa vào pháp quyền, còn những tôn giáo nào chống đối với pháp quyền thì sẽ sinh ra pháp nạn”.


Vế trước của câu này thì rất đúng nhưng vế sau chỉ đúng một nữa, bởi vì trong lịch sử có tôn giáo không chống đối pháp quyền nhưng vẫn bị pháp nạn. Điển hình là Phật giáo.


Xét đến bản chất và cả về lịch sử, thì Phật giáo không bao giờ chống đối pháp quyền, nhưng Phật giáo vẫn bị nhiều pháp nạn, đó là vì pháp quyền ấy được xây dựng bởi sự tham vọng của một thể chế chính trị. Thể chế chính trị đó không muốn Phật giáo tồn tại và phát triển nên đã ra tay đàn áp Phật giáo (như dưới thời Ngô Đình Diệm).


Một điểm nữa mà theo tôi một người khi trả lời phỏng vấn, không nên nói, đó là việc gọi tên vị giáo chủ của các tôn giáo một cách trống trơn (trong bài PGS Nguyễn Duy Hinh đã gọi đức Phật bằng danh từ trống trơn là Thích Ca Mâu Ni).


Theo tôi, khi dùng một từ ngữ nào đó để gọi tên giáo chủ của một tôn giáo thì chúng ta nên dùng từ “Đấng” hay “Đức” trước tên của vị đó (như Đức Phật, Đức Thích Ca, Đức Giê Su), vì đó là phép lịch sự tối thiểu.


Tôi không rõ Ban Biên tập website www.phattuvietnam.net có đọc kĩ khi đăng lại bài viết Nên đi theo “trung đạo” hay không. Các báo ở ngoài đời có thể viết chưa đúng về Phật học vì đây không phải là chuyên môn của họ, nhưng một tờ báo Phật giáo mà đăng những thông tin không chính xác về Phật học thì thật đáng tiếc, vì những người Phật tử sơ cơ sẽ tin vào đó để làm cơ sở trích dẫn.


Mong rằng quý Ban biên tập website www.phattuvietnam.net cẩn trọng hơn trong biên tập các bài báo sau này.







Nếu quý vị có ý kiến xung quanh vấn đề này, xin bấm vào đây, email đến địa chỉ [email protected], hoặc gọi điện đến số 095 3553777.